Ôn thi tốt nghiệp: Phân tích "Việt Bắc" như thế nào để đạt 8+?
Việt Bắc cũng là một trong những tác phẩm trọng tâm ôn thi tốt nghiệp. Vậy phải làm sao để đạt được 8+?
Hình ảnh mùa xuân trong bức tranh tứ bình
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ngày xuân mở đầu với hình ảnh hoa nở, bông hoa mơ trắng tinh khiết mang một vẻ đẹp dịu dàng trong trẻo là tín hiệu mùa xuân đặc trưng đang trở về trên Việt Bắc. Với động từ "nở" được đặt giữa câu thơ, mùa xuân như đang bung tỏa sức sống khắp mọi nơi, chạm lấy vạn vật và cũng chạm vào trái tim của Tố Hữu. Màu trắng của hoa mơ đã chạm đến cả thời gian ngày xuân, cùng hòa quyện vào không gian núi rừng. Màu sắc ấy trong trẻo tinh khiết dường như đã lấn át cả màu xanh của lá, làm bừng sáng cả khu rừng. Với cách miêu tả đầy độc đáo của mình, Tố Hữu đã đưa người đọc dạo chơi trong không gian dịu mát, nhẹ nhàng của những đồi hoa mơ với dư vị bâng khuâng, mê đắm. Phải nói rằng, hoa nở có sức ám ảnh lớn đối với hồn thơ của tác giả. Việt Bắc trong nỗi nhớ của ông dường như không thể thiếu được sắc hoa này.
Niềm tin bất diệt vào chiến thắng của đất nước
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên
Hình ảnh thơ thật hùng vĩ và sự hùng vĩ ấy đã được đo bằng thước đo ánh sáng của chiến thắng. “Nghìn đêm thăm thẳm sương dày” là cụ thể hoá những năm tháng đêm trường nô lệ của dân tộc. Đất nước ta đã hơn một nghìn năm phải khổ sở, gồng mình, cố gắng chiến đấu. Nhưng đến câu thơ này, mọi u ám, bóng đen đó đã bị xua đi, nhường chỗ cho ánh sáng tương lai. Đó chính là sự tương phản giữa quá khứ và hiện tại để làm nổi bật giá trị to lớn, ý nghĩa lớn lao của nghìn đêm kháng chiến. "Bật sáng" là một động từ mạnh, trong đêm tối, ánh sáng được bật lên đột ngột. Khoảnh khắc ấy bao trùm lên vạn vật xung quanh, xua tan bóng tối. Đó là khoảnh khắc chói lóa của dân tộc. Chẳng ai có thể nghĩ rằng một đế quốc to lớn như Pháp lại bị đánh gục bởi đất nước nhỏ bé như Việt Nam. Chính khoảnh khắc lá cờ Tổ quốc tung bay trên cứ điểm A1, đó chính là lúc Việt Nam tỏa sáng nhất, chiếu sáng bóng đen của chiến tranh.
Chi tiết "áo chàm"
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay..."
Màu chàm sắc áo là màu của bền bỉ, của tình nghĩa, sự nồng hậu, thủy chung từ con người Việt Bắc. Tác giả sử dụng hình ảnh hoán dụ "áo chàm" để chỉ người dân Việt Bắc và bởi vậy nói "áo chàm đưa buổi phân li là nói về cuộc chia tay đầy lưu luyến giữa người Việt Bắc với người cách mạng. Mượn hình ảnh "áo chàm" dường như tác giả muốn nói đến tình cảm thủy chung sắt son khó phai mở của người dân Việt Bắc với người chiến sĩ cách mạng. Ở đây, màu chàm không chỉ đơn thuần là màu áo của người ở lại mà nó còn tượng trưng cho tấm lòng thủy chung, son sắt, mà của bền bỉ, nghĩa tình.
Cách xưng hô "Ta" - "Mình"
"Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng"
Với cách xưng hô "ta" - "mình" - lối xưng hô thường gặp trong ca dao, dường như Tố Hữu đã đem tất cả kí ức yêu thương tình nghĩa đề phổ vào cuộc chia tay Việt Bắc giữa đồng bào kháng chiến với đồng bào chiến khu. Cuộc chia tay lớn mang ý nghĩa lịch sử trọng đại bỗng ùa về trong dáng dấp của cuộc biệt li giữa những đôi lứa yêu nhau. Cuộc ân tình cách mạng đã hóa thành hàng loạt lời hỏi tha thiết vừa để dò hỏi, khám phá sự nhắn nhủ của cán bộ về xuôi, vừa để tỏ bày nỗi nhớ niềm thương đang đong đầy cõi lòng mình.
Xem thêm: Ôn thi tốt nghiệp THPT: 20 mẫu mở bài "Việt Bắc" nên biết
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận