Bài văn phân tích Việt Bắc đạt 9,5 điểm trong kỳ thi THPT 2020
Dưới đây là bài phân tích đoạn thơ trong tác phẩm Việt Bắc đạt 9.0 môn Ngữ Văn trong kì thi THPT 2020.
Xuân Diệu đã từng nói: “ Thơ của anh thanh niên Tố Hữu khi ấy vọt ra từ trái tim cũng như thơ của chúng tôi, cũng lãng mạn,như thể chúng tôi, nhưng là thứ lãng mạn khác,nhiều máu huyết hơn. Thơ chúng tôi chỉ đập cho mở cửa trời nhưng thơ Tố Hữu thì mới có chìa khóa: cách mạng, giải phóng dân tộc, giải phóng cho người lao khổ”.Tố Hữu là một “ hồn thơ” của dân tộc, một nhà thơ lớn trong văn học Việt Nam. Có thể nói những tác phẩm của ông không chỉ thể hiện tư tưởng, lẽ sống của bản thân mình mà qua đó còn tái hiện lại những sự kiện quan trọng của nước nhà. Ở bài thơ không chỉ khẳng định tình nghĩa thủy chung gắn bó, tình cảm uống nước nhớ nguồn của những chiến sĩ cách mạng đối với thủ đô kháng chiến mà còn tái hiện lại cảnh hành quân của những người chiến sĩ với nhân dân Việt Bắc. Đó là bức tranh diễu binh hùng tráng ,đầy khát khao và ước mơ được vẽ lên chỉ bằng vỏn vẹn mười hai câu thơ lục bát đậm chất sử thi và cảm hứng lãng mạn: (trích thơ)
Tố Hữu là nhà thơ tiêu biểu cho phong trào thơ cách mạng Việt Nam, đồng thời ông còn là chính trị gia tài ba, lỗi lạc.Với quan niệm nghệ thuật “Thơ phải xứng đáng là người chiến sĩ xung kích trên mặt trận của tư tưởng”, ông đã viết nên những áng thơ ca đóng góp cho thi đàn Việt Nam. Những tác phẩm tiêu biểu của Tố Hữu là: Từ ấy, Ra trận, Máu và hoa và đặc biệt là tuyệt phẩm thơ “Việt Bắc”-lời tổng kết chiến tranh qua những năm tháng gian khổ.
Việt Bắc là căn cứ địa cách mạng thành lập năm 1940 sau khởi nghĩa Bắc Sơn gồm 6 tỉnh gọi tắt là Cao – Bắc – Lạng – Thái- Tuyên – Hà. Và đó cũng chính là đầu não kháng chiến, nơi mà những người chiến sĩ và nhân dân Việt Bắc có 15 năm gắn bó keo sơn, mặn nồng. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), Trung ương Đảng và Chính phủ rời Việt Bắc trở về thủ đô Hà Nội, tiếp tục nhiệm vụ cách mạng. Nhân sự kiện thời sự mang tính lịch sử ấy, 10/1954, Tố Hữu đặt bút xuống những trang giấy làm nên thi phẩm “Việt Bắc”. Việt Bắc dường như đã trở thành máu chảy trong huyết mạch của những người chiến sĩ nên khi chia tay, họ không đơn thuần chỉ lưu luyến, bịn rịn mà còn tha thiết với những kỉ niệm cùng cảnh và ngươi nơi chiến khu.
Trong nỗi nhớ của người đi, kẻ ở đều không thể không nhắc tới những ngày đầu của cuộc kháng chiến, đó là thời gian mà “giặc đến giặc lùng”, một hình tượng kháng chiến cam go ở chiến khu Việt Bắc. Ở đây, tác giả không cụ thể miêu tả những mất mát, đau thương của quân và dân ta trong những tháng ngày gian khổ ấy, nhưng chỉ cần nhắc lại thôi đã như hồi trống đánh thức trong tâm hồn độc giả về biết bao ký ước đau thương thưở ấy. Những tội ác của giặc ngày ấy đã từng được Nguyễn Đình Chiểu tái hiện trong bài thơ “Chạy giặc”:
“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây,
Một bàn cờ thế phút sa tay.
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy,
Mất ổ bầy chim dáo dác bay…”
Bằng một loạt các biện pháp tu từ như nhân hóa, điệp từ “rừng núi”, tạo thành vòng vây lũy thép kiên cố chắc chắn, thiên nhiên như đồng lòng hiệp sức với con người đánh giặc. Rừng làm hai nhiệm vụ: như một người mẹ dịu dàng yêu thương, che chở, đùm bọc, cưu mang cho bộ đội, che mắt quân thù rồi quyết liệt dữ dội đến mức dữ dằn, tạo thành vòng vây lũy thép để tiêu diệt quân thù. Có thể nói qua trải qua bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước, thiên nhiên vẫn chưa bao giờ đứng ngoài cuộc kháng chiến, mà luôn giúp đỡ dân tộc ta đánh giặc, ta cũng bắt gặp sự chung sức chung lòng ấy của thiên nhiên khi gắn liền với sông Bạch Đằng trong “Phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu: “đây là trận địa buổi trùng hưng nhị thánh bắt Ô Mã, cũng là bãi đất xưa, thưở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao”. Hay thân thuộc hơn đó là “rừng xa nu cạnh con nước lớn”, đồi xà nu nằm trong tầm đại bác của giặc, cùng nhân dân làng Xô Man chiến đấu với quân xâm lược trong những trang văn tuyệt diệu của Nguyên Ngọc. Như vậy, quân và dân ta đã dựa vào miền núi rừng hiểm trở, tức là yếu tố “ địa hình” để xoay chuyển tình thế.
Câu thơ “mênh mông bốn mặt sương mù” khắc họa thời tiết khắc nghiệt, một đặc điểm của núi rừng Việt Bắc. Đồng thời, do ngôn từ văn học mang tính ngắn gọn, hàm súc nên khi chúng ta đào sâu vào lớp ngôn từ ấy, ta còn hiểu rằng: hình ảnh bốn mặt sương mù là hình ảnh biểu tượng, để chỉ những khó khăn, hiểm nguy, những thử thách của cuộc kháng chiến.
Câu sau “Đất trời ta cả chiến khu một lòng” tác giả đã khẳng định quyền làm chủ vùng giải phóng, vùng đất mà có thể coi là “địa linh nhân kiệt”, cái nôi của cách mạng nhân dân ta, qua đó khắc họa sức mạnh của tinh thần đoàn kết toàn dân, toàn dân cùng một nhiệm vụ, cùng chung một mục đích đoàn kết, gắn bó để vượt qua mọi thử thách bởi lẽ:
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Câu hỏi tu từ “ Ai về ai có nhớ không” thể hiện một niềm vui to lớn trước chiến thắng của dân tộc. Ngay sau câu hỏi là lời đáp “Ta về ta nhớ phủ Thông đèo Giàng”- nơi mà quân và dân ta đã làm nên chiến thắng vang dội, đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc với những trận đánh giáp lá cà, những trận phục kích hiểm nguy cho giặc Pháp hồn bay phách lạc những năm đầu cuộc kháng chiến:
“Một trận đánh diễn ra
Ôi! Thật là khốc liệt
Xác quân địch nằm chết
Rải rác khắp sân đồn”
(Kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Phủ Thông)
Bằng nghệ thuật liệt kê các địa danh, mỗi địa danh gắn liền với một chiến thắng vẻ vang. Nhà thơ đã tái hiện lại những chiến công đầu tiên trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.Sông Lô, phố Ràng đã gợi nhắc đến hai trận đánh, trận sông Lô đánh tàu chiến Pháp trong chiến dịch Việt Bắc năm 1947 đã đi vào thơ:
“Tài giặc đắm Sông Lô
Tha hồ mà uống nước
Máu tanh đến bây giờ
Chưa tan mùi bữa trước”
(Cá nước)
Và trận phố Ràng như một “vầng xanh thiên kí sự” thuộc Yên Bái năm 1948.Cao Lạng tức là Cao Bằng, Lạng Sơn gợi nhắc đến một chiến thắng vẻ vang của quân dân ta đó là chiến dịch biên giới năm 1950, là một bước ngoặt quan trọng tạo chuyển biến cơ bản trong cuộc kháng chiến giai đoạn mới, ta nắm quyền chủ động chiến lược trên chiến trường Bắc bộ, liên tục tấn công và phản công địch. Nhà thơ Nông Quốc Chấn, "thay lời" người dân Cao - Bắc -Lạng giải phóng, được dọn về làng cũ:
Hôm nay Cao - Bắc - Lạng cười vang
Dọn lán rời rừng, người xuống làng
Người nói cỏ lay trong bụi rậm
Con cày mẹ phát, ruộng ta quang
Đường cái kêu vang tiếng ôtô
Trong trường ríu rít tiếng con trẻ
Mờ mờ khói bếp bay trên mái nhà lá.
(Dọn về làng - 1950)
Ta không thể không nhắc tới một khúc Nhị Hà trong lòng Hà Nội, nơi đã che chở cuộc rút quân thần kỳ có một không hai trong lịch sử chiến tranh cách mạng, đưa cả trung đoàn Thủ đô về chiến khu an toàn trước mũi súng của binh lính Pháp vào mùa đông năm 1946.
Thi nhân đã tập trung thể hiện không khí hào hùng trong giai đoạn thứ ba của cuộc kháng chiến khi sức ta đã mạnh ,người ta đã đông. Theo dòng hồi tưởng, nhà thơ dẫn dắt người đọc vào khung cảnh Việt Bắc chiến đấu với không gian là núi rừng rộng lớn, với những hoạt động tấp nập, những hình ảnh âm thanh sôi nổi dồn dập, những câu chữ nối đuôi “ đuổi nhau” làm nao nức lòng người. Ánh sáng cách mạng đã xua tan đi vẻ âm u, hiu hắt của núi rừng, đồng thời khơi dậy sức sống mạnh mẽ của thiên nhiên và con người Việt Bắc. Đoạn thơ mang dáng vẻ của một bài ca sử thi hiện đại, tràn đầy âm hưởng anh hùng ca. Giọng điệu dìu dặt, du dương ở những đoạn thơ trước đến đây để chuyển thành giọng điệu dồn dập,rắn rỏi, tràn đầy phấn khích:
" Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung”
Hai câu thơ trên đã tập trung miêu tả sức mạnh tổng hợp của toàn quân, toàn dân trong kháng chiến chống Pháp. Hình ảnh những đường Việt Bắc vừa có ý nghĩa tả thực, vừa có ý nghĩa biểu tượng. Trước hết ta thấy những hình ảnh này chỉ con đường cụ thể, những con đường có thật ở căn cứ địa Việt Bắc, đồng thời hình ảnh đó còn là hình ảnh ẩn dụ của con đường cách mạng, con đường kháng chiến đầy gian khổ thử thách của dân tộc ta. Ngay ở câu thơ đầu tiên chúng ta có thể thấy được lời khẳng định chắc nịch về chủ quyền lãnh thổ của nhân dân và chiến sĩ. Đây chính là Việt Bắc của chúng ta, là đất nước thương yêu của chúng ta vì vậy dù có phải nếm mật nằm gai, “ đầu nung lửa sắt” thì họ vẫn quyết tâm chiến đấu bằng mọi giá, quyết giành lại độc lập, tự do. Hai chữ “của ta” đã khơi dậy niềm tự hào, niềm phấn khởi vì được làm chủ; quân và dân tự hào về những con đường Việt Bắc, tự hào về con đường cách mạng đầy gian khổ và hào hùng dân tộc. Tố Hữu đã vẽ lên trước mắt ta một bức tranh rất chân thực và sinh động về khung cảnh chiến khu Việt Bắc trong mùa chiến dịch qua hình ảnh những con những con đường đêm đêm rầm rập bước chân của bộ đội, dân công bật bùng ánh sáng của đuốc và con đường hành quân ra trận. Điệp từ “đêm đêm” như một dòng chảy liên tục và vô hạn của thời gian. Phụ âm “r” trong các từ “rầm rập”, “rung” làm cho âm hưởng của câu thơ trở nên khỏe khoắn, làm cho chúng ta cảm nhận được khí thế hào hùng của quân và dân ta trên khắp các mặt trận. Biện pháp tu từ so sánh, những bước chân của quân và dân khi ra trận làm cho mặt đất rung chuyển “như là đất rung” có tác dụng diễn tả sức mạnh khổng lồ của dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp, một sức mạnh “long trời lở đất”. Trong thế trận dầu sôi lửa bỏng của cuộc kháng chiến, ban ngày máy bay địch đánh phá dữ dội nhưng ban đêm thì chúng đành bất lực. Màn đêm bao la đã mang lại ưu thế cho nhân dân ta. Không phải ngẫu nhiên mà thơ ca kháng chiến có nhiều bài tả cảnh ban đêm:
“ Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”
( Đất nước-Nguyễn Đình Thi)
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”
( Đồng chí- Chính Hữu)
Trong đời sống bình thường, ban đêm là lúc vạn vật chìm trong giấc ngủ là thời điểm chúng ta nghỉ ngơi yên tĩnh. Nhưng trong chiến tranh, đêm thường là điểm khởi đầu của những trận đánh lớn nối tiếp nhau; các nẻo đường ra hỏa tuyến, bộ đội dân công bộ súng đạn, gánh công với khí thế bừng bừng xung trận. Các từ tượng thanh, tượng hình như “rầm rập” được sử dụng rất phù hợp diễn tả chính xác không khí tự tin, hồ hởi và sức mạnh như “triều dâng thác lũ” của quân dân ta. Hình ảnh so sánh “đêm đêm rầm rập như là đất rung” đặc tả quy mô lớn các trận đánh diễn ra. Tác giả đã thể hiện sự thống nhất, hòa hợp giữa con người và thiên nhiên trong thời điểm lịch sử đặc biệt.
Theo dòng chảy của bài thơ nhiệt cách giả lại đưa chúng ta tới hình ảnh quân đội nhân dân Việt Nam ra trận trên khắp ngả đường Việt Bắc:
“Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.”
Bời vì đặc trưng của văn học là sử dụng ngôn từ làm chất liệu xây dựng hình tượng nên ở những câu thơ này đã làm hiện ra trước mắt chúng ta hình tượng quân dân Việt Nam với nghĩa khí hào hùng, gắn bó cùng nhau đồng hành trong thời kì “ bom rơi đạn lạc”.Câu thơ lục đã để lại ấn tượng mạnh với âm hưởng khỏe khoắn, chắc nịch. Các từ láy đồng thời cũng là các điệp từ “điệp điệp”, “trùng trùng” gợi sự ấn tượng với một lực lượng đông đảo, nối nhau vô tận, hết lớp này đến lớp khác như sóng cuộn dâng trào mãnh liệt, gợi khí thế tiến công hào hùng, đấu quyết tâm sắt đá, sức mạnh vô song của quân đội nhân dân Việt Nam. Khí thế ấy cũng đã từng được miêu tả dưới những vần thơ của Phạm Tiến Duật:
“ Từ nơi em gửi tới nơi anh
Những đoàn quân trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối trời vô tận”
Chúng ta biết rằng, văn học thực hiện chức năng thẩm mỹ bằng cách sáng tạo ra những cái đẹp không có trong hiện thực, làm phong phú thêm đời sống con người, đẩy cảm hứng lãng mạn lên một “ đỉnh cao” mới: “ Ánh sao đầu súng”. Đó là hình ảnh ngôi sao của ngôi sao trên mũ của những bộ đội ngày đêm hành quân, chiến đấu vào ban đêm, đi dưới trời sao ánh sáng lấp lánh như treo ở đầu súng, hình ảnh này vô cùng lãng mạn bở lẽ chúng ta như cảm nhận được cả bầu trời hay cả dải ngân hà đang đồng hành tiến bước cùng với những người lính trên khắp các nẻo đường. Đó có lẽ là hình ảnh của ánh sáng lý tưởng cách mạng, của niềm tin soi sáng dẫn đường, hướng lối cho người lính; điều này làm cái càng làm tăng vẻ đẹp của những người chiến sĩ Việt Bắc hơn, nói như Vũ Cao:
“Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là anh sao vậy mãi mãi là sao sáng dẫn đường”
Hình ảnh “Ánh sao đầu súng” có thể là hình ảnh sao trời treo trên đầu súng của những người lính trong mỗi đêm hành quân như “Đầu súng trăng treo” trong bài thơ “Đồng Chí” của Chính Hữu. Đó còn là hình ảnh “súng ngửi trời” trong Tây Tiến Quang Dũng khi mà đầu súng người lính đã chạm đến đỉnh trời và nắm lấy những ngôi sao hy vọng, những ánh sao của tự do, độc lập cho ta thấy tầm vóc to lớn sức mạnh uy vũ không gì cản trở được của quân dân ta trên bước đường giành lại độc lập tự do. Chao ôi! Chỉ bằng một lời thơ ngắn gọn súc tích lại mang nhiều tầng ý nghĩa khác nhau; bắt buộc chúng ta phải đào sâu vào lớp nghĩa bên trong để cảm nhận được giá trị đích thực của tác phẩm này! Trong câu thơ này còn có hình ảnh hoán dụ được Tố Hữu sử dụng và lồng ghép cực kì khéo léo: “ánh sao” chính là những người chiến sĩ còn “bạn cùng mũ nan” là những người dân Việt Bắc. Hai hình ảnh này được kéo lại gần nhau hơn bằng một tiếng “bạn” vô cùng thân thương, quen thuộc. Tiếng “ bạn” đó sao lại thân thương và gắn kết đến như vậy! Đó chính là sự gắn bó chặt chẽ, những ân tình thủy chung của quân và dân Việt Bắc đã dành cho nhau trong những ngày tháng “khoét núi ngủ hâm,mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non” trong suốt mười lăm năm thiết tha mặn nồng. Liệu có phải là những người chiến sĩ không biết đau, không biết khổ? Thực ra, họ chỉ là những con người bình thường nhưng lại có ý chí phi thường, một ý chí có thể đập nát bom đạn kẻ thù và giành lại độc lập, tự do. Không chỉ vẽ nên bức tranh hào hùng nghĩa khí của quân dân ta, Tố Hữu còn khéo léo gợi nhắc những kỷ niệm gắn bó và ân tình sâu sắc cùng nỗi nhớ dạt vào mà những chiến sĩ cách mạng và nhân dân Việt Bắc đã dành cho nhau. Biện pháp tu từ nhân hóa “bạn cùng mũ nan” khiến cho thiên nhiên trở nên sống động có hồn. Người đọc cảm nhận được một phương diện khác trong tâm hồn anh bộ đội cụ hồ thời kỳ chiến chống Pháp. Các anh không chỉ có ý chí chiến đấu sắt đá mà các anh còn có một tâm hồn lãng mạn, bay bổng, giao hòa với thiên nhiên. Các anh mộc mạc, giản dị với những chiếc mũ nên khi ra trận nhưng tinh thần của các anh tràn đầy nhiệt huyết lạc quan, yêu đời sẵn sàng chiến đấu vì tổ quốc máu thịt của mình.
Tuy tả cảnh lên Việt Bắc nhưng bức tranh không thiếu những chi tiết ánh sáng rực rỡ. Bên cạnh ánh sáng của sao trời là anh sáng đỏ của lửa đuốc, của muốn tàn lửa bay hay của đèn pha bật sáng. Sau hình ảnh quân đội nhân dân Việt Nam là hình ảnh đoàn dân công cùng nhau tham gia kháng chiến chúng ta có thể thấy đây là một lực lượng quan trọng góp phần làm nên chiến thắng của quân dân ta.:
“Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muốn tàn lửa bay.”
Dân công là những người làm nhiệm vụ: sẽ núi, tải lương thực, mở đường,..; là một trong những lực lượng quan trọng góp phần làm nên chiến thắng hào hùng của dân tộc ta. Nhà thơ đã khéo léo sử dụng nghệ thuật đảo ngữ, đảo chữ “dân công” lên đầu và đảo chữ “từng đoàn” đoạn cuối cùng nhằm mục đích nhấn mạnh đoàn dân công nối tiếp nhau vô tận, một lực lượng đông đảo, hùng mạnh và đoàn kết trên khắp các nẻo đường Việt Bắc. Như vậy họ cũng tựa như những chú bộ đội chiến sĩ, hăng hái tham gia chiến tranh, quyết tâm đánh giặc để cho bè lũ thực dân cút về nước giành lại độc lập tự do cho tổ quốc. Họ cũng là những con người đã nuôi bộ đội trong suốt những tháng ngày chiến đấu và cũng là cũng là bạn đồng hành của người chiến sĩ xuyên suốt các chặng đường hành quân. Họ là những “bà mẹ địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô” hay là “cô em gái hái măng”, những người đan nón vô cùng bình dị, thân thương thể nhưng trong họ lại là sức mạnh và ý chí vô cùng kiên cường. Họ chính là những người đã được nhà thơ Tố Hữu ca ngợi trong “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”:
“Mấy tầng mây,gió lớn, mưa to
Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ,
Đèo Lũng Lô anh hò chị hát
Dù bom đạn, xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”
Dù có bao nhiêu gian nan, khó khăn, thử thách họ đều kiên cường vượt qua để cùng chiến sĩ dành lại độc lập đánh đuổi bọn thực dân xâm lược. Hình ảnh của họ cũng thật đẹp thật hào hùng và đầy lạc quan không kém những người lính. Bằng lối nói thậm xưng,hình ảnh “bước chân nát đá”, đã làm nổi bật sức mạnh yêu nước, yêu lý tưởng cách mạng, ý chí quyết tâm và sức mạnh long trời lở đất, một khí thế tiến công “ vần vũ mây trời” của quân và dân ta, tầm vóc của con người sánh ngang với thiên nhiên vũ trụ. Hình ảnh thơ kỳ vĩ, hoành tráng góp phần tạo nên khí thế hào hùng của đoàn dân công. Đọc câu thơ này, ta lại nhớ đến văn học là một môn nghệ thuật đặc thù bởi lẽ nó sử dụng ngôn từ mang tính hình tượng để nắm bắt những góc mơ hồ nhất, trừu tượng nhất và câu “ bươc chân nát đá” được Tố Hữu sử dụng triệt để đặc trưng văn học này. Người xưa đã có câu “chân cứng đá mềm” – sức mạnh ý chí của còn người sẽ chiến thắng những khó khăn, thử thách; vì vậy những người dân công đã cho thấy khát vọng và niềm tin chiến thắng tự do của họ. “Đá” chính là những khó khăn thử thách khắc nghiệt còn “bước chân” là ý chí quyết tâm chinh phục và vượt qua những cạm bẫy của kẻ thù và vươn đến ánh sáng của độc lập tự do :
“ Những bàn chân từ than bụi, lầy bùn
Đã bước dưới mặt trời cách mạng
Những bàn chân Ba Tơ, Hóc Môn, Cao Lạng
Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu
Những bàn chân đã vùng dậy đập đầu
Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp”
Đó chính là phẩm chất vô cùng cao đẹp của những con người lao động bình dị, chính những người nông dân lao động là lực lượng nòng cốt của cách mạng, là lực lượng góp phần rất lớn để đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn sau này.Hình ảnh “muôn tàn lửa bay” là một hình ảnh vô cùng lãng mạn cho người đọc cảm nhận về con đường hành quân, con đường ra trận lung linh huyền ảo bởi những tàn lửa đỏ rực rơi xuống mặt đường, khiến cho con đường ấy rực sáng như những đêm hoa đăng; đó chính là những ngọn đuốc soi sáng dẫn đường cho chiến sĩ cách mạng cũng như đồng bào chúng ta sức mạnh đi đến thành công của cuộc kháng chiến. Hỡi ôi, sao lại có một con đường hành quân rực rỡ, đầy ánh sáng và hào khí dân tộc như vậy? Những con người đang bước đi trên con đường ấy thật đẹp!Thật đẹp làm sao phong thái hào hùng, tự tin! Thật đẹp làm sao tinh thần lạc quan, vô tư! Quân dân Việt Nam ánh lên một thứ ánh sáng bình dị nhưng lại chói lọi rực rỡ như ánh dương, dù bao gian nan vẫn “ ca vang núi đèo”.
Quân dân ta ngoài kiên cường, dũng cảm vượt qua hết thảy khó khăn còn có niềm tin bất diệt và chiến thắng ở hai câu thơ tiếp theo nhà thơ đã tập trung khắc họa đoàn xe cơ giới ầm ầm xông pha ra trận:
“Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”
Chúng ta có thể thấy được “nghìn đêm” là hình ảnh kỳ vĩ chỉ một khoảng thời gian rất dài, gợi chúng ta nhớ về bề dày lịch sử 4000 năm kết hợp với các từ láy “thăm thẳm” và hình ảnh ẩn dụ biểu tượng “sương dày”, gợi lên liên tưởng những năm tháng cơ cực lầm than, nô lệ, nhục nhã của dân tộc. Quá khứ đau thương đó bị xua tan gần như ngay lập tức bởi “đèn pha bật sáng như ngày mai lên”. Với tài nghệ khéo léo lồng ghép những biện pháp tu từ, phép so sánh “đèn pha bật sáng” giống như khoảnh khắc mặt trời mọc của một ngày mới gợi về một tương lai tươi sáng của dân tộc, gợi niềm tin tất thắng tựa như tất thảy chỉ là một cơn ác mộng ngắn ngủi. Tác giả còn sử dụng nghệ thuật tương phản đối lập dùng một quá khứ đau thương, thăm thẳm sương dày và tương lai tươi sáng để nhấn mạnh làm nổi bật tầm quan trọng, ý nghĩa cao cả của những ngày kháng chiến. Nhờ có sức mạnh của quân đội nhân dân Việt Nam ,nhờ có quyết tâm các đoàn dân công, khí thế hào hùng của đoàn xe cơ giới, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc;cuộc kháng chiến của dân tộc ta bước vào một giai đoạn: mới giai đoạn tổng phản công và giành được những thắng lợi. Tất cả những điều ấy đã tạo nên một âm điệu của bản hùng ca phản ánh đầy đủ khí thế của những ngày tháng hào hùng làm cho độc giả không thể không trầm trồ khi ngắm nhìn bức tranh chậm rãi hiện lên bằng những vần thơ mộc mạc,giản dị. Trong ngôn ngữ của cuộc kháng chiến của nhà thơ Tố Hữu, người đọc cảm nhận được tiếng nói chung,niềm vui chung; sự hân hoan của không phải chỉ một cá nhân mà của cả dân tộc trước những ngày tháng gian nan và thần thánh ấy. Nhớ về cuộc kháng chiến tác giả còn thể hiện lòng biết ơn dành cho Đảng, dành cho Bác ,dành cho đường lối đúng đắn của cuộc kháng chiến. Đặc biệt trong sâu thẳm tâm hồn nhà thơ, căn cứ địa Việt Bắc chính là một cái nôi nuôi dưỡng truyền thống ,nuôi dưỡng cách mạng, thiết nghĩ đó còn là một quê hương thứ hai của bất kỳ người dân Việt Nam nào nếu đã từng tham gia vào cuộc chiến.
Theo dòng thơ hào hùng đầy khí phách, bốn câu thơ cuối nhà thơ giả tập trung khắc họa những chiến thắng dồn dập của quân dân ta ,những hình ảnh tưởng chừng như có vẻ cường điệu nhưng phải so sánh như thế thì nhà thơ mới diễn tả được hết niềm phấn chấn, đang tràn ngập lòng người trước sự lớn mạnh vượt bậc của quân đội ta khi cuộc kháng chiến đang bước vào giai đoạn cuối cùng: giai đoạn tổng tiến công giành thắng lợi:
“Tin vui chiến thắng trăm miền
Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ đồng tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc định, đèo De, núi Hồng”
Bằng cách liệt kê các địa danh gắn liền với những chiến công, mỗi một địa danh vang lên là một lần tác giả vui sướng, tự hào, phấn khởi trước những chiến công của toàn dân, toàn quân ta. Nhịp điệu câu thơ này sôi nổi, dồn dập,náo nức, vui tươi, cảm hứng của nhà thơ là cảm hứng ngợi ca say mê, tự hào. Ta có thể thấy các địa danh liên tiếp được đặt cạnh nhau gợi tốc độ thần kỳ của những chiến thắng ta có thể cảm nhận được đoạn thơ là một bản đồ niềm vui, niềm vui chạy dọc khắp mọi miền tổ quốc, tràn vào mạch máu mỗi người và ứ đọng lại trong tâm hồn của mình. Mỗi địa danh là một nhạc cụ trong bản anh hùng ca thắng trận. Đó là một thành quả mà nhân đân ta xứng đáng nhận được trong những ngày khốn khổ nhất, cùng cực nhất. Điệp từ “vui” được điệp đi điệp lại nhấn mạnh niềm vui lan tỏa bằng các từ “vui về”, “vui lên” mặc nhiên đặt Việt Bắc là tâm điểm của mọi niềm vui. Phải chăng tác giả không thể nào diễn tả hết niềm vui bằng lời ? Thế nhưng khi đọc bài thơ này, mỗi người con Việt Nam đều “kết lòng” cảm nhận niềm vui từ trong tim mình.Cách viết ấy thể hiện thái độ trân trọng của cán bộ cách mạng đối với Việt Bắc, rằng Việt Bắc là cái nôi của cách mạng, là trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến. Cảm hứng đến với nhà thơ là khi kháng chiến thắng lợi phải chia tay Việt Bắc để về xuôi vì vậy hình ảnh của Việt Bắc tình cảm ân tình của người đi với Việt Bắc là nội dung chủ đạo. Trong phần kết của bài thơ, một lần nữa tác giả khẳng định ý nghĩa của Việt Bắc quê hương cách mạng trong suốt chặng đường chiến đấu gian khổ để dành được độc lập tự do của dân tộc:
“Mười lăm năm ấy ai quên
Quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa”
Qua đoạn thơ trên ta thấy được một bức tranh ra trận hùng vĩ của quân dân ta được tái hiện dưới ngòi bút tài hoa của người con xứ Huế. Nghệ thuật biểu hiện của bài thơ đậm đà tính dân tộc, phát huy được nhiều thế mạnh của thể lục bát truyền thống, uyển chuyển, có khả năng lột tả được những tình cảm dịu ngọt đầm thắm, phù hợp với nội dung. Tố Hữu rất thành công khi sáng tác bài thơ kết hợp những biện pháp nghệ thuật vô cùng nhuần nhuyễn: sử dụng kiểu tiểu đối của ca dao rất tài tình, chẳng những có tác dụng nhấn mạnh mà còn tạo ra nhịp thơ biến chuyển, cân xứng, hài hòa để đi vào lòng người đọc. Ngôn ngữ thơ lại rất giản dị mộc mạc tựa như lời ăn tiếng nói hằng ngày nhân dân. Đặc biệt nhà thơ sử dụng rất thuần thục phép trùng điệp của ngôn ngữ dân gian. Tất cả những điều đó đã tạo nên giọng điệu trữ tình tha thiết, êm ái, ngọt ngào như âm hưởng lời ru, ta vào thế giới của những kỉ niệm và tình nghĩa thủy chung cũng như là khát khao tự do của dân tộc ta lúc bấy giờ. Chao ôi cuộc sống tự do đem đến bao nhiêu hạnh phúc! Đó là công lao lớn lao của quân dân chiến sĩ mà chúng ta không thể không biết ơn, trân trong và khắc sâu nó vào tâm trí, trái tim mình!
Đoạn thơ trên đã lột tả được khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, thể hiện rõ khả năng tạo dựng những bức tranh hoành tráng về lịch sử cách mạng của Tố Hữu bằng ngôn ngữ thơ ca. Đọc đoạn thơ, chúng ta tưởng như đang được sống lại trong không khí sục sôi của một thời lửa đạn không thể nào quên ,cái thời của những sự kiện lớn lao và những niềm vui, niềm tin tưởng tự hào:
“Xuân hãy xem, cuộc diễu binh hùng vĩ
Ba mươi mốt triệu nhân dân
Tất cả hành quân
Tất cả thành chiến sĩ.”
Thơ trữ tình – chính trị là thơ trực tiếp đề cập đến những vấn đề chính trị, những sự kiện chính trị với cảm xúc mãnh liệt. Tính trữ tình – chính trị là một trong những đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu, được thể hiện rõ nét trong bài thơ Việt Bắc nói chung và đoạn thơ nói riêng.Tính chính trị được thể hiện ở chỗ Việt Bắc đề cập đến một sự kiện lịch sử có ý nghĩa lớn với cả dân tộc: Trung ương Đảng và chính phủ rời căn cứ địa Việt Bắc để trở về Hà Nội sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Cảm hứng của Tố Hữu trong đoạn thơ là hướng đến cuộc kháng chiến hào hùng và chiến thắng vẻ vang của quân dân Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp. Tính trữ tình được biểu hiện với niềm tự hào, niềm vui hân hoan của nhà thơ với những chiến thắng lịch sử cùng kỉ niệm gắn bó với người dân Việt Bắc mặn nồng, thắm thiết. Quả như Xuân Diệu nhận xét: “Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên trình độ thơ rất đỗi trữ tình”.
Những hình ảnh vô cùng chân thực về một thời kì lịch sử khó khăn nhưng không kém phần hào hùng với sắc màu khói lửa của kháng chiến chống Pháp. Cùng với đó là sự đoàn kết, gắn bó của quân dân trong quá trình kháng chiến, là những tình cảm vô cùng thiêng liêng, cao quý. Đẹp biết mấy những ân nghĩa thủy chung của con người Việt Nam! Bản sắc dân tộc còn được thể hiện đậm đà qua những thủ pháp nghệ thuật xuyên suốt bài thơ. Đầu tiên là thể thơ lục bát truyền thống được thi nhận vận dụng nhuần nhuyễn, khéo léo và tài tình làm cho câu thơ trở nên tha thiết, sáng tạo- đúng như đặc trưng văn học là phải luôn mới mẻ. Tiếp theo là ngôn ngữ mang nét bình dị, không khoa trương mà cô đọng, súc tích, mang nhiều ý nghĩa biểu tượng buộc người đọc phải suy ngẫm, có cái nhìn đa chiều. Cuối cùng là giọng thơ tha thiết, ngọt ngào, mang đậm nét trữ tình, thơ mộng khiến Việt Bắc như một bản tình ca êm đềm chảy vào lòng độc giả.
Qua đoạn thơ trên, ta thấy được sự tài hoa của ngòi bút thơ văn của Tố Hữu, quả thật rất xứng đáng được vinh danh là “hồn thơ” của dân tộc. “ Việt Bắc” có lẽ là một bản tình ca mang nét đẹp hào hùng, tự hào về một dân tộc tuy nhỏ bé nhưng lại phi thường.Đúng như Hoài Thanh đã từng nhận xét: “ Một tiếng nói yêu thương luôn chan hòa ánh sáng, tự nó cũng là ánh sáng, lại hết sức linh hoạt và uyển chuyển, mỗi lúc một khác, mỗi nơi một khác, kể cả những lúc im lặng của các dòng thơ. Phải chăng đây là bản sắc riêng của Tố Hữu".
Xem thêm: Giải mã hình ảnh "rừng phách đổ vàng" trong "Việt Bắc" của Tố Hữu
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận