Giải mã hình ảnh "rừng phách đổ vàng" trong "Việt Bắc" của Tố Hữu

Nhà thơ Tố Hữu nói gì về hình ảnh “Rừng phách đổ vàng” trong “Việt Bắc”? Liệu đó là lá cây phách hay hoa phách đổ vàng?

Đỗ Thu Nga
15:00 12/08/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trong Tạp chí nhà văn, tác giả Trần Duy Thanh đã đưa ra những tư liệu cụ thể để xác thực về ý nghĩa của hình ảnh “rừng phách” trong câu thơ “Ve kêu rừng phách đổ vàng” - một hình ảnh thơ rất đẹp trong bức tranh tứ bình nổi tiếng của “Việt Bắc”. Theo đó:

Trên Báo giáo dục thời đại số 34 ngày 23/8/1993, tác giả Ngô Cường đã viết: Gần đây, nhân dịp trở lại chiến khu Tân Trào tôi mới được đồng bào cho biết rõ. Cây phách còn gọi là cây mí, cây xẹt. Nó là một loại lim, cán bộ ngành lâm nghiệp và bà con địa phương gọi là lim mí xẹt, vỏ và rễ của cây này có thể dùng để ăn trầu, nhưng không mềm và ngon bằng rễ và vỏ của cây trầu vỏ hay cây rễ khoai. Cây phách mọc thành rừng tập trung hay mọc xen với các cây khác, có rất nhiều ở Việt Bắc, Tây Bắc và Đông Bắc nước ta. Giữa mùa hè, phách nở hoa tím khá đẹp. Còn trước đó vào đầu mùa hè (tháng 3 tháng 4) thì lại thay lá, chuyển từ màu xanh sang vàng đồng loạt, chỉ trong ít ngày. Cũng vào dịp này, trời vào hè nóng lên, ve bắt đầu kêu.

giai-ma-hinh-anh-rung-phach-do-vang-trong-viet-bac-cua-to-huu
Cây phách ở vùng núi Việt Bắc

Ai cũng biết Tô Hoài là nhà văn viết nhiều về vùng rừng núi Tây Bắc, Việt Bắc với những am hiểu rất sâu sắc về cảnh và người một miền đất của Tổ quốc. Trong một chuyến đi vào Nam, nhà văn chợt nhớ đến cây phách Việt Bắc, đã viết rằng: Sông Ba Lòng , mùa cạn. Nước trong vắt lặng lẽ quanh chân đá. Hoa phách tím nhạt lốm đốm lưng núi, như rừng Việt Bắc. Hoa phách nở, mùa tra đậu nương (Bút kí - NXB Hội Nhà văn, 2000, trang 291).

Tố Hữu cũng đã cho biết rõ sắc vàng trong câu thơ Ve kêu rừng phách đổ vàng, không phải là màu vàng của hoa như những người soạn sách nhiều năm lầm tưởng mà là Màu vàng của lá. Trong cuốn Hồi kí Nhớ lại một thời khi nói về vẻ đẹp nên thơ của Việt Bắc cùng những gì là "luyến tiếc ngẩn ngơ" khi rời Việt Bắc, nhà thơ đã chép lại đoạn thơ đặc sắc về thiên nhiên bốn mùa của Việt Bắc, đồng thời cũng đã chú thích rất rõ ràng về cây phách: Phách là loại cây gỗ cao, cuối hè đầu thu thì lá vàng rực lên (Nhớ lại một thời - Hồi kí - NXB Hội Nhà văn, 2000, trang 302).

Như vậy, có thể kết luận rằng: Hình ảnh “Rừng phách đổ vàng” trong “Việt Bắc” là hình ảnh của Lá cây phách chuyển vàng vào thời gian cuối hè. Cây gỗ phách chỉ có ở vùng cao Việt Bắc. Lá phách rụng vào mùa hè, còn sang thu hoa nở tím rừng. Cánh rừng ấy của Việt Bắc đang ngả mình đón mùa hè với màu sắc khác biệt và rực rỡ nhất. Đây là một khám phá quan trọng để các em dẫn chứng vào quá trình phân tích về tác phẩm này.

Phách là một loại cây phổ biến ở Tuyên Quang cũng như một số tỉnh núi Việt Bắc. Vỏ của rễ cây có thể dùng ăn trầu. Chừng tháng 7, tháng 8, cây phách nở hoa màu tím. 

Xem thêm: Chuyện nhà thơ Tố Hữu từng bị Bác Hồ sửa thơ

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận