Việt Bắc: Sự hài hòa chất chính trị và chất trữ tình

Là nhà cách mạng, nhưng Tố Hữu lại hiện lên trong mắt bạn đọc giống như một nhà thơ “kể chuyện”, một nghệ sĩ chuyên viết “tình ca”...

Đỗ Thu Nga
10:00 01/02/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI:

Trình bày cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau:

- Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

- Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...

(Trích “Việt Bắc”, Tố Hữu)

Qua đó, hãy bình luận về sự hài hòa giữa chất chính trị và chất trữ tình trong thơ Tố Hữu.

BÀI LÀM: 

Có một người nghệ sĩ đã từng tâm sự trong thi phẩm của mình:

“Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ

Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều

Phần cho thơ và phần để em yêu…”

Cũng là thi sĩ ấy, khi sắp phải lìa xa với cuộc đời, đã cất tiếng thơ sâu lắng:

“Tạm biệt đời ta yêu quý nhất

Còn mấy dòng thơ, một nắm tro

Thơ gửi bạn đường. Tro bón đất

Sống là cho. Chết cũng là cho.”

Hào sảng là vậy nhưng cũng nặng nghĩa nặng tình là vậy, đó không ai khác ngoài người nghệ sĩ, người chiến sĩ cách mạng Tố Hữu. Cứ như thế, bao trang thơ hay cũng chính là trang sử vẻ vang, trang cách mạng hào hùng mà Tố Hữu chấp bút đã đi vào lòng bạn đọc nhiều thế hệ. Tiêu biểu trong số đó không thể không kể đến “Việt Bắc”, thi phẩm ra đời nhân một sự kiện lịch sử trọng đại, là kết tinh của phong cách thơ trữ tình - chính trị, là thứ văn chương cách mạng “chí nghĩa chí tình, cái văn chương nên thơ nên nhạc…” (Xuân Diệu). Thi phẩm đã ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc ngay từ những câu thơ đầu tiên mà qua đó sự hài hòa giữa chất chính trị và chất trữ tình được thể hiện sâu sắc:

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”

Những câu thơ thiết tha, bồi hồi được chấp bút bởi người nghệ sĩ, người chiến sĩ cách mạng Tố Hữu. Ông là một trong những lá cờ đầu của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam. Chặng đường thơ của Tố Hữu luôn gắn bó và phản ánh chân thật những chặng đường cách mạng đầy gian khổ, hy sinh nhưng cũng nhiều thắng lợi vinh quang của dân tộc, đồng thời cũng là những chặng đường vận động trong quan điểm tư tưởng và bản lĩnh nghệ thuật của chính nhà thơ. Như ông từng tâm sự rằng:

“Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ

Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều

Phần cho thơ và phần để em yêu”

Xuân Diệu từng nhận xét rằng: “...Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình rất đỗi trữ tình...” Minh chứng cho điều này phải kể đến bài thơ ‘‘Việt Bắc’’ trong tập thơ cùng tên. Tác phẩm được hoàn thành khi Hiệp định Giơ-ne-vơ về Bán đảo Đông Dương được ký kết (tháng 7 năm 1954). Hòa bình trở lại, tháng 10 năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính phủ rời chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Trong không khí lịch sử ấy và tâm trạng khi chia tay với Việt Bắc, Tố Hữu đã chắp bút viết nên thi phẩm này. “Việt Bắc” như một khúc hùng ca và cũng là khúc tình ca về cách mạng, về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến.

Là nhà cách mạng, nhưng Tố Hữu lại hiện lên trong mắt bạn đọc giống như một nhà thơ “kể chuyện”, một nghệ sĩ chuyên viết “tình ca”. Tình cảm gắn bó với đồng bào Việt Bắc trong những năm tháng sinh hoạt và chiến đấu tại đây đã trở thành niềm trăn trở trong Tố Hữu. Có lẽ cũng bởi vậy mà giây phút chia ly giữa người đi kẻ ở đã được tái hiện vô cùng chân thực và sinh động:

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.”

viet-bac-su-hai-hoa-chat-chinh-tri-va-chat-tru-tinh

Mở đầu bài thơ là lời của người ở lại – đồng bào Việt Bắc. Trước khoảnh khắc chia tay đầy lưu luyến với cán bộ Cách mạng, đồng bào đã không thể kìm nổi lòng mình mà cất thành tiếng tỏ bày. Câu hỏi được đặt ra một cách trực tiếp về tình cảm của cán bộ cách mạng: “Khi về đến thủ đô Hà Nội rồi, liệu có còn nhớ đến chúng tôi hay không?”. Chữ “về” nghe sao mà tha thiết, bâng khuâng đến thế. Điểm rơi thấp nhất của câu thơ khiến người đọc dễ dàng nhìn ra một khoảng hụt hẫng trong tâm hồn giữa buổi chia tay đầy bịn rịn. Đọc một bài thơ viết về tháng năm cách mạng, vậy mà cách xưng hô nhà thơ này sử dụng lại là “mình – ta” – cách xưng hô thắm thiết yêu thương gợi nhớ những khúc hát tình nghĩa trong ca dao dân ca. Nhắc đến “mình - ta” là nhớ tới:

“Mình về mình có nhớ ta

Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”

Là không thể quên:

“Mình về ta chẳng cho về

Ta nắm vạt áo, ta đề câu thơ

Câu thơ ba chữ rành rành

Chữ trung, chữ hiếu, chữ tình

Chữ trung thì để phần cha

Chữ hiếu phần mẹ, đôi ta chữ tình”

Với cách xưng hô “ta” – “mình”, dường như Tố Hữu đã đem tất cả kí ức yêu thương tình nghĩa để phổ vào cuộc chia tay Việt Bắc giữa đồng bào kháng chiến với đồng bào chiến khu. Cuộc chia tay lớn mang ý nghĩa lịch sử trọng đại bỗng ùa về trong dáng dấp của cuộc biệt li giữa những đôi lứa yêu nhau. Bao ân tình cách mạng đã hóa thành hàng loạt lời hỏi tha thiết vừa để dò hỏi, vừa để tỏ bày nỗi nhớ niềm thương đang đong đầy cõi lòng. Đây cũng là thời điểm phù hợp để người ở lại nhắc nhớ về khoảng thời gian mười lăm năm. "Mười lăm năm", nghe vừa xa xôi, vừa gần gũi. Tố Hữu đã rất tinh tế khi sử dụng chữ “ấy” để cá nhân hóa khoảng thời gian này. Đây là khoảng thời gian đã chứng kiến biết bao kỷ niệm trong chiến đấu, trong sinh hoạt của cán bộ cách mạng và đồng bào Việt Bắc. Và đặc biệt thay, đó cũng là mốc thời gian nhắc nhớ về cội nguồn cách mạng. Cách sử dụng từ ngữ của Tố Hữu thật đặc biệt, nói về tình cảm của những người cán bộ cách mạng với đồng bào Việt Bắc mà lại sử dụng tính từ: “thiết tha, mặn nồng.” Đây vốn là những từ ngữ thường sử dụng cho tình cảm của đôi lứa, uyên ương. Vậy mới thấy được chất trữ tình nồng đượm trong tứ thơ của nhà thơ cách mạng Tố Hữu. Chế Lan Viên – người bạn thơ đồng thời đã từng đưa ra nhận xét về thơ Tố Hữu như sau: “Thơ là đi giữa nhạc và ý. Rơi vào cái vực ý, thì thơ sẽ sâu, nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào cái vực nhạc, thì thơ dễ làm đắm say người, nhưng cũng dễ nông cạn. Tố Hữu đã giữ được thế quân bình giữa hai vực thu hút ấy. Thơ của anh vừa ru người trong nhạc, vừa thức người bằng ý”. Đọc “Việt Bắc” chúng ta càng thêm thấm thía nhận định này. Chưa dừng lại ở đó, người ở lại tiếp tục tỏ bày:

“Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn.”

Vẫn là câu hỏi tu từ nhắc nhớ người đi về tình cảm của người ở lại. Lời ướm hỏi nhắc người đi về nỗi nhớ thiên nhiên và con người nơi đây. Về với Hà Nội của đèn đường, phố thị, những cảnh sắc thiên nhiên của Việt Bắc nơi đây có khiến người quên đi hay không. Từ “nhìn” được điệp lại hai lần mang theo lời nhắn nhủ thiết tha, “nhìn cây” – “nhớ núi” – nhớ về thiên nhiên Việt Bắc đẹp tươi, “nhìn sông – nhớ nguồn”- nhớ về cội nguồn của tình nghĩa, cội nguồn Cách mạng. Giống với Tố Hữu, nhà thơ Chế Lan Viên cũng đã từng gửi gắm tình cảm của mình, nói hộ biết bao trái tim về những cung bậc trước khi chia xa:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”

Việt Bắc bây giờ đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên với cán bộ cách mạng. Càng nhìn lại càng thấy nhớ, thấy thương. Điều này còn được thể hiện rõ hơn qua lời tâm sự của Tố Hữu: “Cảnh vật và tinh thần Việt Bắc đã nhập vào hồn tôi, máu thịt tôi, Việt Bắc ở trong tôi.”

Nếu như bốn câu thơ đầu cho ta thấy tình cảm thiết tha, trìu mến của người ở lại dành cho người ra đi thì ở bốn câu thơ tiếp theo chính là lời đáp trả của người ra đi. Đối với người ra đi, cảm xúc chủ đạo bây giờ là xuyến xao, bồi hồi, bâng khuâng khó tả:

“Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”

“Tiếng ai”, là tiếng của ai thiết tha khiến cho lòng ai bâng khuâng, bồn chồn không nỡ cất bước ra đi? Những vần thơ bịn rịn khiến người đọc cũng thấy xao xuyến theo. Mặc dù tác giả đã bỏ ngỏ phần chủ ngữ nhưng đọc câu thơ, ta vẫn hiểu được ai là người rối bời bao cảm xúc trong tâm trí. Có lẽ trong giây phút ấy, kẻ ở người đi chỉ có thể “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”. Dấu ba chấm bị bỏ lửng thay cho bao điều muốn nói. Xúc động và nghẹn ngào, hẳn là trong giây phút này có không ít người đang rưng rưng nước mắt. Lúc gian khó ở bên nhau, giờ hòa bình độc lập lại phải xa nhau. Tình nghĩa sắt son, mặn nồng nhưng cuộc gặp gỡ nào rồi cũng đến lúc phải chia ly. Hình ảnh hoán dụ “áo chàm” chính là những người dân miền núi, Tố Hữu đã khéo léo tận dụng hình ảnh hoán dụ này càng thể hiện sự gần gũi, giản dị giữa quân và dân miền núi. Họ không cùng một quê hương, nhưng chung một đất nước, có thể lý tưởng sống của mỗi người cũng khác nhau nhưng một khi đã gặp nhau trong hoàn cảnh đất nước bị xâm lăng, trong lòng họ không ai bảo ai đều chung một niềm tin chiến đấu, chiến đấu đến cùng đập tan quân giặc.

Màu chàm sắc áo là màu của bền bỉ, của tình nghĩa, sự nồng hậu, thủy chung từ con người Việt Bắc. Tác giả sử dụng hình ảnh hoán dụ "áo chàm" để chỉ người dân Việt Bắc và bởi vậy nói "áo chàm đưa buổi phân li" là nói về cuộc chia tay đầy lưu luyến giữa người Việt Bắc với người cách mạng. Mượn hình ảnh "áo chàm" dường như tác giả muốn nói đến tình cảm thủy chung sắt son khó phai mờ của người dân Việt Bắc với người chiến sĩ cách mạng. Và ấn tượng đậm nét nhất với người ra đi chính là hành động "Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...". Trước tiên là hành động "cầm tay nhau" là hành động quen thuộc và rất đẹp của những ai khi chia li, nó thể hiện tình cảm gắn bó thân thiết và đồng thời thể hiện sự lưu luyến giữa kẻ ở người đi. Họ cầm tay nhau trong tâm trạng nghẹn ngào, vì thế không nói lên lời. Trong giây phút chia ly đầy lưu luyến, người đi người ở bao nhiêu mối vương bận tơ lòng chưa thể ngỏ cùng nhau, chỉ một ánh mắt trao đi là đủ. Dấu ba chấm xuất hiện cuối dòng thơ như nốt lặng không lời, nhưng chính nó lại quý giá hơn rất nhiều những lời nói thường ngày bởi cái cầm tay đã nói lên tất cả những lưu luyến, bịn rịn. Câu thơ kết lại đoạn thơ có nhịp thơ thay đổi khác thường. Sự thay đổi của nhịp thơ không chỉ tạo nên sự ngập ngừng cho giọng điệu của câu thơ mà còn tạo nên cái ngập ngừng của tình cảm. Và đồng thời sự khác lạ trong nhịp thơ ấy đã diễn tả sự khác lạ trong diễn biến tình cảm của kẻ ở người đi.

“Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên trình độ là thơ rất đỗi trữ tình”, đó là những gì Xuân Diệu nhận xét về thơ ca của người chiến sĩ, thi sĩ này. Và qua tám dòng thơ đầu của “Việt Bắc”, ta đã thấy được sự hài hòa giữa chất chính trị và chất trữ tình ấy. Đoạn thơ đã đề cập đến một sự kiện lịch sử có ý nghĩa lớn với cả dân tộc: Trung ương Đảng và chính phủ rời căn cứ địa Việt Bắc để trở về Hà Nội sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Cuộc chia tay giữa “mình” và “ta” trong đoạn thơ thực chất là cuộc chia tay giữa đồng bào Việt Bắc với người cán bộ kháng chiến, góp phần thể hiện mối quan hệ gắn bó sâu sắc giữa cách mạng với quần chúng nhân dân. Đây là một tình cảm lớn lao, mang tính chính trị, nó khác với những tình cảm riêng tư, cá nhân. Cảm hứng chủ yếu của đoạn thơ là cảm hứng ân tình cách mạng, niềm biết ơn sâu sắc với Đảng, Bác Hồ, với căn cứ địa Việt Bắc. Không chỉ vậy, kỉ niệm được nhắc đến là kỉ niệm về một thời cách mạng, một vùng cách mạng mà “mình” và “ta” đã cùng nhau trải qua “mười lăm năm ấy”... Tất cả đó đem đến chất chính trị rất đỗi cao cả cho đoạn thơ. Nhưng bên cạnh đó, cái hay của Tố Hữu là ở chỗ hòa quyện được chất chính trị với chất trữ tình, dù chỉ trong tám dòng thơ ngắn ngủi. Đoạn thơ được viết với kết cấu đối đáp giữa “mình” và “ta” trong một cuộc chia tay quyến luyến bịn rịn. Đó là cách xưng hô thân mật thường thấy trong ca dao, dân ca, là lời xưng hô trong tình yêu đôi lứa, nghe sao mà tha thiết, bâng khuâng. Tiếng nói trữ tình tha thiết của người đi - kẻ ở đã gieo vào lòng người đọc sắc thái của một cuộc chia tay lớn mang ý nghĩa lịch sử trọng đại nhưng lại ùa về trong dáng dấp của cuộc biệt li giữa đôi lứa yêu nhau. Như vậy, bằng hình ảnh ẩn dụ giản dị mà sâu sắc, thể thơ lục bát thiết tha bồi hồi, lời thơ duyên dáng, ngọt ngào, Tố Hữu đã mở ra trước mắt người đọc cuộc chia li giữa người đi kẻ ở, giữa đồng bào Việt Bắc và cán bộ Cách mạng, biết bao lưu luyến, ân tình nhưng cũng là biết bao tự hào về trang sử vẻ vang của dân tộc. Chất chính trị và chất trữ tình đã cùng hòa quyện, hài hòa và thống nhất trong một hồn thơ - Tố Hữu.

Tiếng lòng của người ra đi và người ở lại vẫn còn âm vang đâu đây, gieo vào lòng người bao xúc cảm nhớ nhung và yêu mến trước nghĩa tình sâu nặng, tha thiết ấy. Lời hỏi cũng đồng thời là lời đáp, lời khẳng định, lời nhắn gửi ân tình giữa cán bộ chiến sĩ về xuôi với người dân Việt Bắc. Chia tay là khoảnh khắc, ra đi là tất yếu nhưng khoảng thời gian “mười lăm năm ấy”, sự hòa quyện độc đáo giữa chất chính trị và chất trữ tình ấy sẽ mãi luôn thường trực trong tiềm thức, ấp ủ trong trái tim mỗi người, để dù khoảng cách về thời gian, không gian có xa đến đâu thì “Việt Bắc” vẫn luôn sống mãi trong lòng người dân, người chiến sĩ cách mạng và trong lòng bạn đọc mọi thế hệ về sau. Cũng giống như lời hứa sắt son năm ấy mà người đi kẻ ở vẫn hoài mong và nhắc nhớ:

“Nước trôi, lòng suối chẳng trôi

Mây đi mây vẫn nhớ hồi về non

Ðá mòn nhưng dạ chẳng mòn

Chàm nâu thêm đậm, phấn son chẳng nhoà.”

(“Việt Bắc” - Tố Hữu)

Xem thêm: Phân tích khúc ca ra trận trong "Việt Bắc" của Tố Hữu

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận