Ôn thi tốt nghiệp: Như thế nào là một mở bài hay?

Với môn văn, một môn hơi mang tính chủ quan xíu thì việc nhận được thiện cảm từ người chấm đã là một thành công rất lớn. Từ những thiện cảm ban đầu sẽ mang lại cho người chấm một sự hứng thú nhất định với bài của mình và ít nhiều cũng sẽ giúp họ quên đi những lỗi sai nho nhỏ của bài viết.

Đỗ Thu Nga
10:00 19/06/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vậy như nào là một mở bài hay?

Muốn hay trước tiên phải đúng đã. Không được phép sai những thông tin mà chúng ta đưa vào như tên tác giả, tác phẩm, năm ra đời, phong cách,... Không biết chính xác thì không nên đưa vào. 

Hay là khi đủ. Mở bài đủ là có chứa tên tác phẩm, tác giả và phần đề bài yêu cầu. 

Mở bài hay. Một tip mà mình hay dùng đó là mở bài bằng một câu thơ, câu hát hay nhận định nào đó có liên quan đến vấn đề mà đề yêu cầu. Từ đó dẫn thêm vào cùng với phong cách tác giả, liên hệ so sánh với những tác phẩm hay tác giả cùng nội dung. Sau đó là túm lại nội dung tác phẩm một cách ngắn gọn bằng 1, 2 câu gì đó. Cuối cùng không thể thiếu là yêu cầu bài ra.

Một số mở bài về thơ để các bạn tham khảo

Tây Tiến

Có một nhà thơ từng mơ ước được làm “Mây ở đầu ô, mây lang thang”. Người yêu thơ mệnh danh thi sĩ ấy là “thi sĩ tài hoa của xứ Đoài mây trắng”. Ông đã dành phần lớn cuộc đời và những trang viết của mình để ca ngợi sắc xanh áo lính. Thơ ông nằm giữa ranh giới giữa thực và mơ, như khói như mây, mờ mờ ảo ảo, như tiếng vọng từ chân trời xa vắng. Ông là ai nếu không phải Quang Dũng - cha đẻ của những bản giao hưởng về nỗi nhớ người lính. Cũng chính là hành khúc lãng mạn và hào hùng thời hoa lửa, bài thơ “Tây Tiến”.

Việt Bắc

Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết “Khi ta ở, đất chỉ là nơi ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Và có một mảnh đất tình người đã hóa thân thành nỗi nhớ trong lòng người cán bộ về xuôi. Đó là mảnh đất ân tình Việt Bắc - quê hương của kháng chiến, của những con người áo chàm nghèo khó mà “đậm đà lòng son” khiến ai đã từng đến đây cũng phải bồi hồi xao xuyến. Nơi đây đã trở thành niềm thương nỗi nhớ, thành cảm hứng dạt dào cho thi ca, nhạc họa. Và có một thi phẩm đã ra đời vì mảnh đất yêu thương nghĩa tình ấy - bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu. Như nỗi lòng của chính tác giả gửi gắm nơi đã che chở, yêu thương và cùng quân ta vượt qua bao gian khổ để chiến thắng kẻ thù.

on-thi-tot-nghiep-nhu-the-nao-la-mot-mo-bai-hay-8

Đất nước

Trải suốt chiều dài lịch sử văn học, hình tượng đất nước đã bắt nhịp trái tim của không biết bao nhiêu nghệ sĩ để đi vào thơ với vẻ đẹp thiêng liêng và niềm tin yêu sâu sắc. Chúng ta bắt gặp đất nước chìm trong đau thương mất mát qua thơ Hoàng Cầm. Thấy đất nước đang đổi mới từng ngày qua thơ Nguyễn Đình Thi. Nhưng có lẽ đất nước được nhìn từ nhiều khía cạnh, đầy đủ, trọn vẹn nhất qua bài “Đất Nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Hình hài đất nước từ khi sinh ra chó đến khi trải qua bao chiến tranh được tái diễn sinh động qua một hồn thơ tinh tế, phóng khoáng của Nguyễn Khoa Điềm. Tác giả nhìn đất nước qua nhiều khía cạnh, qua bao thăng trầm lịch sử. “Đất Nước” là tên gọi thiêng liêng, bình dị nhưng chất chứa bao ngọn nguồn cảm xúc của tác giả.

Sóng

Từ trước đến nay, tình yêu luôn là thứ không thể thiếu trong cuộc sống mỗi con người. Đến nỗi nhà thơ Xuân Diệu đã phải thốt lên rằng “Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ không thương một kẻ nào”. Viết về tình yêu chính là viết lên tiếng lòng đang thổn thức của trái tim rạo rực tuổi xuân thì. Và khi nhắc về tình yêu, ta chẳng thể quên được tên tuổi Xuân Quỳnh - một tâm hồn nhiều trắc ẩn nhưng da diết, hồn nhiên với những khao khát hạnh phúc đời thường. Tiếng thơ của bà là tiếng nói nhân hậu, thủy chung, giàu trực cảm và tha thiết. Một trong số những tác phẩm xuất sắc nhất của bà phải kể đến tập “Hoa dọc chiến hào” với linh hồn là bài thơ “Sóng” được Xuân Quỳnh viết nhân một chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền - Thái Bình năm 1967.

Xem thêm: Ôn thi tốt nghiệp: Nét tính cách hung bạo và trữ tình của dòng Sông Đà

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận