Ôn thi tốt nghiệp: Bộ mở bài, kết bài "Tây Tiến" cực hay
Chúng tôi xin giới thiệu đến bạn một số gợi ý về cách mở bài và kết bài dành riêng cho tác phẩm "Tây Tiến".
MỞ BÀI
Mở bài 1:
Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết: “Thơ là cái nhụy của cuộc sống, nên nhà thơ phải đi hút cho được cái nhụy ấy và phấn đấu làm sao cho cuộc đời của mình cũng có nhụy”. Thật vậy! Cái nhụy sống ấy đã nảy nở trong trái tim của
Quang Dũng - một con người rất mực đa tài. Quang Dũng, lớp nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã mang đến cho đời cái “nhụy” có vị ngọt của cảm hứng “lãng mạn, anh hùng” trong những năm kháng chiến đau thương. Để rồi, kết trái thành “Tây Tiến”, một bản hùng ca tuyệt vời về hình ảnh những anh bộ đội cụ Hồ dù phải đối mặt với những muôn vàn khó khăn, gian khổ nhưng vẫn lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào chiến thắng ngày mai + Vấn đề nghị luận.
Mở bài 2:
“Vầng trán em mang trời quê hương Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?...”
Ôi! Trái tim bạn đọc đã từng bao lần phải sửng sốt trước đôi mắt “dìu dịu buồn Tây Phương” mà Quang Dũng miêu tả về người em trong thi phẩm quen thuộc này. Một đôi mắt vừa tình tứ, vừa linh động thật hợp với hồn thơ của thi sĩ xứ Đoài mây trắng: hồn hậu, phóng khoáng, lãng mạn và tài hoa. Bên cạnh mảng thơ viết về quê hương “để thương, để nhớ” của mình, người nghệ sĩ đa tài ấy còn đặc biệt gây ấn tượng với bạn đọc về mảng thơ ca kháng chiến – cụ thể viết về hình ảnh người lính. “Tây Tiến” chính là một trong số những bài thơ như thế - tác phẩm nổi bật trong mảng thơ ca thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp + Vấn đề nghị luận.
KẾT BÀI
Kết bài 1:
“Tây Tiến” - câu chuyện của nỗi nhớ thương, sự tự hào và cả những xót xa tiếc nuối mà Quang Dũng viết lên. Những vần thơ ấy cứ như những dấu ấn để khi đến với nó rồi thì ai cũng sẽ không khỏi bồi hồi, nhớ thương theo từng khung cảnh thiên nhiên, câu chuyện về người lính Tây Tiến đầy bi hùng. Những rung cảm trong “Tây Tiến” thật sự cuốn hút lòng người trong từng câu chữ, ý thơ. Vậy mới thấy “Thơ hay luôn có sức rung động mãnh liệt”.
Kết bài 2:
Thời gian vô tình cứ trôi đi mãi để lại cho con người biết bao nhiêu là kỉ niệm, là những nỗi niềm nhớ thương. Từng hình ảnh của thiên nhiên, của những người lính Tây Tiến được khắc họa lại bằng nỗi nhớ, bằng những kí ức của Quang Dũng thực sự khiến con người ta xúc động. Lịch sử có thể ngày càng lùi xa nhưng sự dũng cảm, những hi sinh can trường của những người lính ấy vẫn mãi ở đây, mãi là niềm tự hào cho mọi thế hệ về một đất nước Việt Nam độc lập.
Kết bài 3:
Bức tranh “Tây Tiến” mà Quang Dũng vẽ lên không chỉ đơn thuần là chặng đường hành quân, mà hơn cả thổi hồn vào trong từng câu thơ, tạo nên sức sống cho bài thơ chính là hình tượng người lính Tây Tiến. Những vần thơ mà Quang Dũng để lại cho đời thực sự là một khúc ca oai hùng nhất, lãng mạn nhất về hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ không quan khó khăn, gian khổ sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc:
"Đoàn vệ quốc quân một lòng ra đi
Nào có sá chi đâu ngày trở về
Ra đi ra đi bảo tồn sông núi
Ra đi ra đi thà chết chớ lui".
Xem thêm: Ôn thi tốt nghiệp: Vài mẫu kết bài NLXH "cứu cánh" những lúc "bí văn"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận