NLXH: Bi kịch thực sự của cuộc đời

Đề bài: Plato đã từng nói: “Chúng ta có thể dễ dàng tha thứ cho một đứa trẻ sợ bóng tối. Bi kịch thực sự của cuộc đời là một người lớn sợ ánh sáng".

Đỗ Thu Nga
15:00 17/05/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cây non thì sợ giông bão, người ta sẽ lấy cột để giúp cây đứng vững dưới mưa sa. Nhưng cây đã lớn cứ mãi nấp bóng râm, mãi không muốn vươn mình đến ánh mặt trời, người ta cho đấy là cỏ dại. Như nhà triết học người Athen (Hy Lạp cổ) – Plato từng nói: “Chúng ta có thể dễ dàng tha thứ cho một đứa trẻ sợ bống tối. Bi kịch thực sự của cuộc đời là người lớn sợ ánh sáng.”        

Câu nói của Plato có thể hiểu theo nhiều nét nghĩa, tùy từng người có thể hiểu theo cách khác nhau. Như hình ảnh “đứa trẻ” để chỉ một con người chưa trưởng thành, hoàn thiện cả về mặt thể xác lẫn tinh thần, hoặc có thể hiểu là những nỗi sợ hãi, yếu đuối trong một con người, là những thiếu xót, sai lầm tuổi trẻ… cùng với đó, “Bóng tối” là chỉ những khó khăn, chông gai thử thách mà cuộc đời aicũng gặp phải. Vậy ngược lại, “Người lớn” là những con người đã trưởng thành, hoàn thiện về mặt tâm – sinh lý, là người đã từng vấp ngã, trải qua nhiều thăng trầm. “Ánh sáng” ở đây được hiểu là những hoài bão, khát vọng sống, những lý tưởng hay đó cũng chính là ánh sáng, là hào quang của chính con người. Như vậy, câu nói của Plato có thể hiểu như sau: Một con người có thể sợ hãi trước những khó khăn, trắc trở trong cuộc đời và điều đó có thể được tha thứ và cảm thông. Nhưng điều đau lòng hơn cả là một con người đã trưởng thành, đã có kinh nghiệm trong cuộc đời lại sợ hãi không dám theo đuổi thành công, không dám phơi mình dưới ánh sáng của cuộc sống. Theo tôi, câu nói trên đã đưa ra một ý kiến hoàn toàn đúng.          

Con người sinh ra luôn mang trong mình những khuyết điểm, không ai là hoàn hảo trên cuộc đời này, nhất là khi chúng ta chưa có đủ kinh nghiệm, trải nghiệm sống trong một thế giới ngày càng phát triển, cạnh tranh giữa người với người rất cao. Khi đứng trước sóng to gió lớn của cuộc sống, điều hiển nhiên rằng ta sẽ cảm thấy sợ hãi, chùn bước. Bởi vì có quá nhiều thử thách, cho nên ta dễ dàng tha thứ cho nỗi sợ trong nội tâm mình, ta luôn có trong mình khả năng tự bào chữa cho lỗi lầm và sự hèn nhát của tuổi trẻ, của thời gian chưa hoàn thiện trên bước đường trưởng thành, hoặc do ta luôn có trong đầu quan niệm “Thất bại là mẹ thành công”. Bởi lẽ đó, không quá lạ khi đứng trước một mỏm đá chênh vênh, chúng ta sợ hãi ngã xuống; khi những người hướng nội ngại ngần mỗi khi ra chốn đông người; hay chỉ đơn giản là một học sinh chưa thuộc bài sẽ sợ kiểm tra bài cũ…

nlxh-bi-kich-thuc-su-cua-cuoc-doi-8

“Đứa trẻ” đại diện cho nỗi sợ hãi, sự chưa hoàn thiên luôn có trong mỗi người chúng ta, đó là một tâm lý vô cùng bình thường và dễ dàng được tha thứ. Nhưng “Bi kịch thực sự của cuộc đời là một người lớn sợ ánh sáng”. Nếu Chúa đã sinh ra Adam và Eva là những con người phạm lỗi lầm mà bị đày ra khỏi Vườn Địa Đàng, thì Ngài cũng cho con người có một trí tuệ tuyệt vời để ngày càng khắc phục thiên tai, sống ngày càng hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Ai sinh ra cũng có sứ mệnh riêng cho mình, sức mạnh ấy được tôi luyện qua nhiều gian truân của cuộc đời, đủ mạnh mẽ để vươn lên trong giông tố. Đáng lý ra sức mạnh và tài năng ấy phải được đưa ra khỏi bóng tối của cuộc đời, đưa ra khỏi lò rèn để tỏa sáng thành một vũ khí lợi hại nhất, để xé tan đi những khó khăn trong cuộc đời. Cống hiến cho đời sống nhân loại là điều mà đã sinh ra trên đời này đều sẽ muốn làm được, nhưng tiếc thay lại có người dù đã rèn rũa bản thân trong bao năm qua, trở thành một con người hoàn thiện thì lại không muốn bước ra ánh sáng, như Plato nói đó là “bi kịch”. Bi kịch là người giỏi thuyết trình nhưng không dám cầm mic, người giỏi đàn ca lại không dám cất tiếng hát cho đời, học sinh đã thuộc bài nhưng lại không dám giơ tay lên bảng trả lời bài cũ… Đấy là bi kịch chứ còn đâu? Khi chưa đủ năng lực giải quyết, chúng ta hoàn toàn có thể tha thứ và thông cảm cho nỗi sợ ấy, nhưng khi một con người có đủ khả năng, đủ kinh nghiệm lại sợ hãi, đây là điều khó có thể chấp nhận. Hậu quả của nó là gì? Đương nhiên, đầu tiên nó ảnh hướng đến chính bản thân chúng ta, địa vị, chỗ đứng của ta trong xã hội, trong mắt người khác trở nên dần bị lung lay. Nếu ai trong xã hội cũng ngại ngần thể hiện, thì liệu rằng sự tiến hóa của loài người đang đi đến đâu? Nếu như vậy, có lẽ giờ này ta đang di chuyển trên đường đất, đi bằng những phương tiện thô sơ nhất ta có thể tưởng tượng, ở trong một ngôi nhà lụp xụp, con người sẽ cứ mãi dậm chân tại chỗ như vậy đấy. Hơn nữa, tài năng có thể là được ban tặng từ khi sinh ra, nhưng nếu cứ mãi trốn tránh ánh sáng, tài năng ấy sẽ ngày càng bị mài mòn đi, thui chột đi. Thái độ sợ hãi ánh sáng của con người sẽ khiến ta đánh mất cơ hội để đạt được ước mơ, khát vọng về thành công, về môt cuộc sống sung túc, ấm no.           

Chính vì như vậy, để thay đổi thái độ sống sai lầm đó, quan trọng là chúng taluôn sống có mục đích, sống tự tin vào bản thân, không ngại ngần thất bại hay ánh mắt phán xét của người khác. Hãy cống hiến hết mình cho Đất Nước, cho xã hội, để không phải nhận lấy nuối tiếc vì đã không thể hiện bản than hết mình.         

Hơn nữa, dù cho một “Đứa trẻ sợ bóng tối” luôn được dễ dàng tha thứ nhưng không đồng nghĩa với việc để bản thân cứ mãi sợ hãi bóng tối, sợ hãi thất bại. Luôn giữ cho bản thân một tinh thần không khuất phục, ra sức rèn rũa khả năng để chiến thắng nỗi sợ hãi, thoát ra khỏi vỏ bọc “đứa trẻ” là một điều quan trọng để dẫnđến nấc thang thành công.              

“Các cụ nói cấm có sai” và triết lý của Plato cũng như vậy. Đọc câu nói của ông, chúng ta cần nhìn nhận và soi tỏ bản thân, rút ra được bài học, từ đó chăm chỉ rèn luyện, học tập không ngừng, đạt được ước mơ và xây đắp xã hội ngày càng tốt đẹp.

Xem thêm: Văn mẫu NLXH: "Bài học trong trang vở là bài học từ cuộc đời"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận