Những cuộc đối thoại không hồi kết trong Chí Phèo

Chí Phèo đâu chỉ là viết về một kẻ say, một kẻ điên hay một con quỷ dữ làng Vũ Đại. Nam Cao đi sâu vào một con người tưởng như đã mất hết nhân tính, mất cả quyền làm con người... 

Đỗ Thu Nga
3 ngày trước Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Văn chương ra đời, đâu chỉ là mua vui cho con người ta. Nó phải tạo ra những “cuộc đối thoại” - những cuộc đối thoại giữa nhân vật trong tác phẩm, giữa tác giả và độc giả, và cả giữa độc giả và tác phẩm. Ấy mới là sứ mệnh đích thực cao cả nhất của văn chương nghệ thuật. Và trong hành trình dài miên man vô tận ấy của văn chương, đã biết bao nhiêu những sáng tác ra đời vang lên trong chúng ta những cuộc đối thoại không có hồi kết, chẳng tìm được lời giải đích thực. Và một trong những tiếng vang ấy chính là “Chí Phèo” của Nam Cao và “Tội ác và trừng phạt” của Dostoevsky làm rung động cả nền văn học Việt Nam và nền văn học Nga đương thời. 

Tác phẩm đâu chỉ là viết về một kẻ say, một kẻ điên hay một con quỷ dữ làng Vũ Đại. Là một nhà tư tưởng, Nam Cao đi sâu vào một con người tưởng như đã mất hết nhân tính, mất cả quyền làm con người để chứng minh rằng ở đâu đó, thiên lương vẫn còn tồn tại. Mở đầu tác phẩm là câu văn khiến người đọc phải giật mình: “Hắn vừa đi vừa chửi”. Phải, thứ ấn tượng đầu tiên của độc giả về Chí Phèo là tiếng chửi, tiếng chửi của một kẻ say rượu. Tuy say, nhưng lời chửi của Chí chửi lại được sắp xếp một cách logic, chặt chẽ, đi từ cái khái quát nhất đến cái cụ thể nhất. “Bắt đầu hắn chửi trời” bởi trời đã an bài cho hắn một số phận khắc nghiệt hơn cả. Và rồi, “hắn chửi đời”, đời là tất cả những gì xảy ra, nhưng cũng chẳng là điều gì. Lần lượt, lời chửi của Chí Phèo thu hẹp dần, hắn chửi “cả làng Vũ Đại”, rồi lại chửi “cha đứa nào không chửi nhau với hắn”, và cuối cùng là chửi “đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn”, đẻ ra con quỷ dữ của làng Vũ Đại để bây giờ hắn phải khổ như thế này. Sao hắn lại khổ? Phải, hắn không khổ thì còn ai khổ được nữa? . Hắn đang hỏi trời, hỏi đời, hỏi làng Vũ Đại, hỏi cả chính bản thân mình rằng vì sao đời hắn khổ thế. Hắn chửi trời- chửi thứ vô hình, rồi lại chửi làng Vũ Đại, nơi đã nuôi nấng hắn, rồi lại vứt bỏ nên làng vô tình, hắn chửi cha mẹ, nhưng chẳng ai biết cha mẹ hắn là ai, nên đó là vô tri. Hắn chỉ muốn đi mổ xẻ nguyên nhân sự sống chó đểu của mình.

Cái bất hạnh lớn nhất của hắn có lẽ là việc hắn đã bị gạt ra khỏi xã hội loài người. Tiếng chửi là niềm khao khát được giao tiếp, được hòa nhập với mọi người, được sống như một con người. Bởi nếu như có người chửi lại, thì ít ra, người đó còn xem Chí là người. Nhưng cả cái làng Vũ Đại ấy, có còn ai coi hắn là người nữa? Chẳng một ai thèm đáp lại hắn, chỉ có tiếng sủa của mấy con chó đáp lại một kẻ say rượu. Chắc hẳn không phải vì sợ, mà vì bởi họ chẳng xem Chí là một con người nữa nên không một ai lại phí sức, phí hơi đâu để đáp lại tiếng của một con vật. Còn gì đau đớn hơn là bị tước đi quyền sống của một con người, bị xã hội ruồng rẫy, đẩy đến vách núi cuối cùng của sự sống? Hắn đang đau xót cho chính cái số phận ấy, hắn đang tuyệt vọng cho đời hắn. Chỉ qua tiếng chửi, ta nhận ra trong ấy là sự hận thù, tuyệt vọng của người chửi, là sự dửng dưng, vô cảm của người nghe, là sự đau đớn. Lạnh lùng, sắc sảo là vậy, nhưng qua những tiếng chửi ấy, ta vẫn nhận ra trong Nam Cao sự đau đớn, xót thương sâu sắc cho số phận của con quỷ làng Vũ Đại ngày ấy. Bởi sứ mệnh của nhà văn vốn là như vậy, là “nâng bước cho những người cùng đường tuyệt lộ, bênh vực kẻ không có ai để bênh vực”. Nguyễn Huy Thiệp cũng đã từng cho rằng nhà văn phải người “rắc muối vào tác phẩm”, nếu như lòng nhân vật đau một thì tác giả đau mười. Âm thanh tiếng chửi ấy cũng đã xát muối vào lòng độc giả, khiến người người đau xót, thương thay cho số phận của một kẻ đã mất đi nhân tính, mất cả quyền làm người. Tại sao hắn phải chửi thì mới thấy bản thân còn là người? Bởi lẽ trong không gian văn hoá làng xã ấy, ở nơi mà mọi người sống quây quần với nhau, “sớm tối tắt lửa tối đèn có nhau” thì nếu như không giao tiếp, không trò chuyện với mọi người thì hắn tìm đâu thấy sự tồn tại của bản thân mình? Ấy là linh hồn của âm thanh khi đến với văn chương nghệ thuật.

nhung-cuoc-doi-thoai-khong-hoi-ket-trong-chi-pheo-9

Tiếng chửi ấy của Chí Phèo đã làm vang vọng và xáo trộn văn đàn Việt Nam thời kì ấy, khiến ai ai khi đọc được tiếng chửi ấy, nghe được tiếng chửi ấy đều phải thốt lên hai chữ thán phục với người nghệ sĩ trẻ ấy. Nếu như tiếng chửi là sự bắt đầu cho chuỗi bi kịch về cuộc đời của con quỷ làng Vũ Đại thì chính cuộc “đấu khẩu” cuối cùng của Chí và Bá Kiến chính là tiếng nói kết thúc cho cuộc đời “thối nát” của Chí. Tiếng nói đau đáu “Ai cho tao lương thiện” của hắn như một hồi chuông cảnh tỉnh sâu sắc vào xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Phải, ai cho hắn lương thiện bây giờ, khi trên mặt hắn giờ đây là những vết sẹo từ mảnh vỡ chai rượu tạo ra sau mỗi lần say rượu đi đòi nợ thuê cho Bá Kiến. Từng vết sẹo như một lời nhắc nhở đau đớn xoáy sâu vào trong tâm can của chính bản thân Chí Phèo cũng như của bạn đọc rằng hắn đã hại bao nhiêu gia đình, rằng hắn đã tiếp tay cho bao việc sai trái, rằng hắn đã làm khổ nhân dân ngoài kia ra sao. Tất cả những kí ức ấy ùa về, khiến hắn nhận ra rằng hắn đã chẳng còn đường lui nữa rồi, hắn chẳng thể trở về hình dáng anh canh điền hiền như đất ngày xưa nữa, hắn chẳng thể trở thành người một lần nữa, cũng chẳng thể có một mái ấm gia đình ở cái tuổi tứ tuần như hắn vẫn hằng ao ước như thế. Bởi khi nào những vết sẹo trên mặt hắn còn, thì khi ấy hắn chẳng thể nào có được quyền làm người nữa. Đó không chỉ là tiếng kêu cứu tuyệt vọng của riêng mình Chí mà còn là tiếng kêu của chính Nam Cao. Bởi Nam Cao hiểu hơn ai hết số phận của những người nông dân bị tha hoá lúc bấy giờ. Ông như đang lên án, đang tố cáo xã hội phong kiến đương thời đã dồn con người ta vào chỗ chết, dồn con người ta đến bi kịch bị tha hoá. Và cũng chính ông cũng đã gửi vào tiếng kêu ấy lời cầu xin day dứt: chừng nào xã hội chưa thay đổi thì vẫn sẽ còn những thằng như Chí Phèo ra đời. 

Đến với “Tội ác và trừng phạt”, sau khi thực hiện xong “tội ác” mà Raskolnikov cho rằng mình có thể làm để “mang lại hạnh phúc cho biết bao nhiêu người khốn khổ” và chứng minh được rằng triết lý anh hùng Napoleon của mình là hoàn toàn xác đáng. Theo Raskolnikov, con người ta được chia thành hai loại, một loại là những kẻ tầm thường, thích tuân theo luật lệ và chẳng thể vượt ra khỏi đó, còn loại thứ hai là những kẻ siêu việt, anh hùng có thể thay đổi luật lệ, làm nên luật lệ mới và họ có quyền gây gổ, đổ máu mà không phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Suy nghĩ trong hoàn cảnh khốn cùng ấy đã đẩy Raskolnikov đến với tội ác của mình: giết Ivannoka- bà chủ tiệm cầm đồ cho vay nặng lãi độc ác, bất nhân để chứng minh rằng mình là người có quyền lực, là kẻ mạnh. Một tội lỗi ấy có thể đổi lại được nghìn điều tốt lành. Một cái chết đổi được hàng trăm sự sống. Nhưng rồi, tình cờ Raskolnikov lại giết cả Lidaveta, một người phụ nữ mộ đạo hiền như một đứa trẻ. Điều ấy khiến Raskolnikov sau khi quay về nhà đã sống trong nỗi dằn vặt day dứt và đau đớn trong nội tâm. Một phần ý chí của anh ta chống lại điều ấy, dường như anh ta chẳng hề có chủ đích làm hành động tội ác ấy, nhưng một phần anh ta lại ra sức che giấu điều ấy.  Đó là cảm giác đối cực với nhau đã được Dostoevsky miêu tả vô cùng sâu sắc trong tác phẩm. Chính điều ấy đã khiến Raskolnikov mệt mỏi vô cùng về cả thể xác lẫn tâm hồn, và rồi cuối cùng phải tự vấn bản thân rằng: “Mình là con sâu con bọ run rẩy hay mình có quyền lực?”. Đó là câu hỏi xoáy vào trong tâm trí không chỉ của nhân vật, tác giả mà còn là của độc giả nữa. Phải, ai có lý giải được tội ác ấy của Raskolnikov? Đó có phải là sự giải thoát đối với những con người ở tận cùng đáy xã hội như viên chức Marmeladov, như cô gái điếm Sonya và biết bao nhiêu những mảnh đời đang sống trôi nổi ở thành phố Petersburg đó? Nhưng dù là gì đi chăng nữa thì đó vẫn là một tội ác, và Raskolnikov vẫn phải trả giá cho điều ấy bằng nỗi dằn vặt đau khổ len lỏi từng giờ, hằng ngày trong tâm trí anh ta. Dù cho có đau đớn về thể xác và nội tâm hàng giờ thì câu hỏi ấy vẫn sẽ cứ mãi vang vọng trong tâm trí anh ta. Đó chính là hình phạt lớn nhất dành cho kẻ có tội. 

(Phương Nguyên - THPT Chuyên KHXH&NV)

Xem thêm: 2 lần khóc của Chí Phèo - thước đo tài năng của người nghệ sĩ

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận