Nhìn lại 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị: Cái giá của hòa bình là vô giá
Bề mặt Thành cổ Quảng Trị chi chít hố bom mà Mỹ đội xuống sau 81 ngày đêm. Tổng số bom đạn có sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945.
Theo tư liệu lịch sử, trong 81 ngày đêm, từ 28/6 - 16/9/1972, quân Mỹ đã ném xuống Thành cổ Quảng Trị 328.000 tấn bom đạn. 9.552.000 viên đạn pháo 105mm, 55.000 viên đạn pháo 155mm, 8.164 viên đạn pháo 175mm, hơn 615.000 viên đạn hải pháo, 2.240 lần oanh tạc của không quân. Tổng số bom đạn trong 81 ngày đêm bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945. Có ngày số bom Mỹ ném ở Quảng Trị vượt xa số bom Mỹ ném trên toàn miền Nam trong các năm 1968 – 1969.
Với mục đích phá nát Thành cổ tới mức không còn một viên gạch dính vào nhau, Mỹ đã dùng loại bom thả từng chuỗi, đào bới phá nát các hầm hố. Chất độc hóa học kéo từng vệt dài màu vàng trên nên trời, tỏa dần ra, trùm xuống Thành cổ...
Chiến dịch giải phóng Quảng Trị
Cách đây 50 năm, với khí thế tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1968 cùng thắng lợi của chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971, sau khi phân tích tình hình ta và địch trên các chiến trường, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã ra nghị quyết tiến hành cuộc tiến công chiến lược năm 1972 giải phóng Trị - Thiên nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng địch, giải phóng những vùng đất đai rộng lớn. Đồng thời làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, buộc địch phải chấp nhận một giải pháp chính trị theo điều kiện của ta.
Đến sáng 30/3/1972, Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh chiến dịch nhận định Tư lệnh chiến dịch nhận định: "Đây là thời cơ thuận lợi để nổ súng tấn công" và đúng 11 giờ 30 phút cùng ngày, các đơn vị nổ súng mở màn chiến dịch tiến công Quảng Trị. Đòn tiến công bất ngờ, sấm sét, bão lửa giội xuống hệ thống phòng thủ quân ngụy, gây choáng váng cho đối phương ngay từ phút đầu.
Trước sức mạnh tiến công, nổi dậy và hợp đồng quân binh chủng, sau hơn 1 tháng, quân đội ta đã chọc thủng tuyến phòng thủ Quảng Trị “con đê ngăn chặn” vững chắc nhất ở miền Nam Việt Nam của chính quyền Mỹ-Ngụy. Ngày 1/5/1972, quân địch phải rút khỏi thị xã Quảng Trị. Quảng Trị là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng gồm hơn 10 vạn dân.
Cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ
Giữa tháng 6/1972, ngụy quyền phản công hòng chiếm lại Quảng Trị. Một trong những điểm tấn công có ý nghĩa chiến lược là Thành cổ. Đây là trận địa khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam - được mệnh danh là "mùa Hè đỏ lửa" với sự huy động hỏa lực lớn chưa từng có.
Cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ được tiến hành trong bố cảnh ta vừa giành được thắng lợi sau 2 cuộc tiến công giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị, nhưng không giành được thắng lợi trong đợt 3 tiến công vào phía Nam sông Mỹ Chánh vì không còn yếu tố bất ngờ, địch đã huy động ra Thừa Thiên-Huế đại bộ phận lực lượng tổng dự bị chiến lược của địch.
Trong khi đó, Mỹ đã "Mỹ hóa" trở lại toàn bộ hỏa lực trên chiến trường từ không quân đến hải quân với quy mô và cường độ chưa từng có. Chính vì thế, đợt tiến công thứ 3 của ta từ ngày 20 đến 26/6/1972 đã không thành công.
Vào giữa tháng 6/1972, ngụy quyền phản công hòng chiếm lại Quảng Trị. Một trong những điểm tấn công có ý nghĩa chiến lược là Thành cổ. Đây chính là trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam - được mệnh danh là “mùa Hè đỏ lửa,” với sự huy động hỏa lực lớn chưa từng có.
Trong 81 ngày đêm, từ 28/6 đến 16/9/1972, hai bên giằng co từng mét đất, từng ngôi nhà. Bom đạn đã phá hủy hoàn toàn thị xã Quảng Trị. Thành cổ cũng bị phá nát hoàn toàn. Hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống trong trận chiến khốc liệt này.
Ngày 16/9/1972, quân ta chủ động rút khỏi Thành cổ sau khi đã gây tổn thất nặng nề cho địch.
Chiến dịch tiến công và nổi dậy năm 1972 giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu chống địch tái chiếm vùng giải phóng Quảng Trị là chiến thắng oanh liệt, có ý nghĩa lịch sử to lớn; là một đòn quyết định làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đây là một sự kiện quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam, góp phần quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, mở đường cho đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Vùng đất "hoa lửa" thời bình
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng các thế hệ người dân Quảng Trị vẫn luôn mang trong mình sự tự hào vì đã từng sống trên vùng đất tuyến đầu miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ. Với hơn 400 di tích chiến tranh còn lại, 72 nghĩa trang liệt sỹ với gần 60.000 liệt sỹ trong cả nước an nghỉ, trong đó, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, có trên 21.000 liệt sỹ an nghỉ, Quảng Trị thực sự là bảo tàng chứng tích chiến tranh và là địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước.
Quảng Trị một thời hoa lửa, nay đang trên con đường hội nhập và phát triển. Những năm gần đây, tỉnh tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, nhất là đầu tư vào năng lượng; phấn đấu đến năm 2025, tổng công suất các dự án nguồn điện đạt khoảng 5.000 MW; đưa Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung.
Đồng thời, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng biển đảo, Quảng Trị còn thu hút đầu tư cảng biển và du lịch nghỉ dưỡng. Tại khu kinh tế ven biển Đông Nam Quảng Trị đang triển khai xây dựng khu bến cảng Mỹ Thủy, có tổng mức đầu tư trên 14.000 tỷ đồng, quy mô 685ha bao gồm 10 bến cảng, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn.
Tỉnh cũng chú trọng phát triển du lịch biển đảo; trong đó phấn đấu đưa tam giác Cửa Việt-Cửa Tùng-đảo Cồn Cỏ, thành điểm du lịch quốc gia. Đồng thời, phát huy thương hiệu du lịch đã được xây dựng là “Ký ức chiến tranh-Khát vọng hòa bình," với hệ thống với trên 400 di tích lịch sử cách mạng, trong đó có 4 Di tích quốc gia đặc biệt gồm: Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải; Đường Hồ Chí Minh; Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Thành cổ Quảng Trị.
Từ vùng đất bị chiến tranh tàn phá đến hoang tàn, Quảng Trị đang vươn mình phát triển.
(T/h)
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận