Nhà văn - kẻ rung những tiếng chuông cảnh báo tâm hồn đầu tiên
Dưới đây là bài viết học sinh giỏi đề của thành phố Hà Nội, các bạn cùng tham khảo nhé!
ĐỀ BÀI:
Trong bài “Thế đứng của văn học hôm nay”, Nguyễn Bình Phương cho rằng nhà văn là kẻ rung tiếng chuông đầu tiên cảnh báo về những rạn nứt âm thầm trong tâm hồn, trong phẩm giá, trong nhân cách từng cá nhân cho tới cả thời đại, khi bề mặt tưởng chừng yên ả, phẳng lặng.
Và cuối phần bàn luận, tác giả đã nhận xét: Từ thực tại đầy rẫy mâu thuẫn, đầy rẫy bất công, đầy rẫy phẫn nộ, văn học dựng xây những bầu trời để nhân tính rợp bay, khai mở những con đường để độc giả đặt bước chân tưởng tượng của mình lên đó và ngoảnh lại mỉm cười bao dung với đời sống bụi bặm.
Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy bàn luận về những chia sẻ trên.
BÀI LÀM:
“Đỗ Phủ viết làm gì
Thế gian không ai biết
Hỏi làm sao Chim hót
Chim hót để làm gì…”
Từ biết bao thế kỷ nay, hay từ khi Plato quyết trục xuất những nhà thơ khỏi nước Cộng hoà lí tưởng, thì vai trò, giá trị của nhà văn và những tác phẩm của anh ta vẫn bị bao vây trong những dấu hỏi lớn. Đến cuối cùng thì, nhà văn có nhiệm vụ gì, văn học có vai trò trong cuộc sống của chúng ta? Trả lời câu hỏi đó, trong bài “Thế đứng của văn học hôm nay”, Nguyễn Bình Phương cho rằng: nhà văn là kẻ “rung tiếng chuông đầu tiên cảnh báo về những rạn nứt âm thầm trong tâm hồn, trong phẩm giá, trong nhân cách từng cá nhân cho tới cả thời đại, khi bề mặt tưởng chừng yên ả, phẳng lặng” và kết thúc bài viết bằng sự khẳng định: Từ thực tại đầy rẫy mâu thuẫn, đầy rẫy bất công, đầy rẫy phẫn nộ, văn học dựng xây những bầu trời để nhân tính rợp bay, khai mở những con đường để độc giả đặt bước chân tưởng tượng của mình lên đó và ngoảnh lại mỉm cười bao dung với đời sống bụi bặm. Tôi cho rằng phát biểu này của Nguyễn Bình Phương rất đáng để suy ngẫm.
Chúng ta thường nói mình đang sống trong một thế giới đầy biến động. Đó là sự biến động có thể dễ dàng quan sát được như sự phát triển khoa học công nghệ, sự thay đổi trong mối quan hệ giữa các quốc gia, những cuộc suy thoái kinh tế hay thậm chí là những cuộc chiến,... Nhưng tôi vẫn thường hình dung những biến động “dễ thấy” như vậy chỉ như sự chảy trôi của một dòng sông. Chảy trôi không ngừng, nhưng bề mặt của nó lại thường phẳng lặng. Trong lòng sông, dường như vẫn còn những chuyển động khác. Đó là những con sóng ngầm nhẹ nhàng hay dữ dội vẫn hàng ngày ẩn mình dưới mặt sông yên ả. Đó là những vận động ẩn sâu trong thế giới nội tâm của con người, “những rạn nứt âm thầm trong tâm hồn, trong phẩm giá, trong nhân cách từng cá nhân cho tới cả thời đại”. Con người sống trong một thế giới thực mà chúng ta gọi là xã hội, nhưng chúng ta cũng có một thế giới tinh thần riêng biệt, vô hình nhưng luôn-ở-đó. Thế giới tinh thần nằm ở bề trong, bề sâu của xã hội và vô hình, bởi vậy không phải bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng quan sát thấy sự vận động của nó. Nếu như những cuộc suy thoái kinh tế có thể quan sát được bằng biểu đồ và số liệu để các chính phủ kịp thời đưa ra giải pháp, thì những “suy thoái”, tha hoá của con người sẽ được quan sát bằng cách nào và ai sẽ là người đưa ra giải pháp? Trong phát biểu của Nguyễn Bình Phương, đó không ai khác chính là nhà văn. Chỉ có nhà văn, với tâm hồn nhạy cảm và sự quan tâm đặc biệt dành cho thế giới nội tâm của con người, mới có thể quan sát được những “rạn nứt” trong hồn người và đồng thời gióng lên tiếng chuông cảnh báo, cảnh tỉnh con người.
Liệu có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi Lỗ Tấn của Trung Quốc và Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam trước khi trở thành nhà văn đều từng là người hành nghề chữa bệnh? Giữa những biến loạn của chiến tranh, Lỗ Tấn lại nhìn sự thờ ơ trên nét mặt của những người Trung Quốc đứng xem đồng bào mình bị quân Nhật hành quyết. Giữa những lầm than của dân tộc, cụ đồ Chiểu nhìn thấy sự đớn hèn trong suy nghĩ của những kẻ vốn là người Việt lại cúi đầu trước quân xâm lược để quay lại giày xéo dân mình. Nhà văn là những người như vậy. Khi tất cả mọi người đều nhìn vào sự vận động của hiện thực xã hội, thì nhà văn lại có một con mắt khác để nhìn vào bề trong, bề sâu của tâm hồn. Để rồi từ một du học sinh ngành Y, Lỗ Tấn trở thành một “thầy thuốc tâm hồn” của cả dân tộc, mổ xẻ căn bệnh ngu muội, đớn hèn và bốc thuốc cho căn bệnh quốc dân ấy bằng những tác phẩm văn chương. Từ một thầy thuốc, Nguyễn Đình Chiểu đã cầm bút với tinh thần “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” và bốc một liều thuốc tinh thần cho biết bao người dân Nam bộ trong cảnh nước mất nhà tan.
Không chỉ trong hoàn cảnh xã hội loạn lạc, mà ngay cả trong khi xã hội đang ở đỉnh cao phát triển rực rỡ nhất của nó, nhà văn vẫn là người nhìn ra sự “rạn nứt” trong tinh thần con người ở bề sâu. Trong thập niên 1920 hay “thời đại nhạc Jazz” ở Hoa Kỳ, sau những hỗn loạn của chiến tranh và suy thoái, nước Mỹ quay trở lại với sự cất cánh của nền kinh tế và sự thịnh vượng chưa từng có. Những “giấc mơ Mỹ” tưởng như đã là điều trong tầm tay. Trong hoàn cảnh ấy, F. Scott Fitzgerald lại nhìn thấy một xã hội đang tôn sùng giá trị vật chất đến bất chấp đạo đức vào tâm trạng mất mát, chán chường, sự tuyệt vọng của một bộ phận những người trẻ tuổi.
Văn học cảnh tỉnh con người, trước hết bằng “sự thật”. Đó là sự thật về cuộc đời và về bản thân mỗi người. Văn học không thể ru ngủ con người bằng những cơn mộng mị về hiện thực, nó soi chiếu trực diện vào những gì chân thực nhất, bày ra trước mắt con người “thực tại đầy rẫy mâu thuẫn, đầy rẫy bất công, đầy rẫy phẫn nộ”. Nam Cao từng cho người đọc chứng kiến một hiện thực mâu thuẫn hơn bao giờ hết khi một con quỷ dữ như Chí Phèo cũng đồng thời là một tâm hồn cô đơn luôn khắc khoải “Ai cho tao lương thiện”, Nguyễn Huy Tưởng làm người đọc phải ám ảnh trước khung cảnh thiên tài nghệ thuật Vũ Như Tô với những lí tưởng xa rời thực tại trơ mắt nhìn Cửu Trùng Đài bốc cháy mà gào thét “Vô lý! Vô lý!”, hay Nguyễn Minh Châu làm người đọc băn khoăn trước một chiếc thuyền luôn luôn đổi khác theo từng điểm nhìn, một người đàn bà thô kệch có thể cho anh công chức trong tòa án huyện những câu hỏi không lời giải. Văn học là vậy, dù thể hiện bức tranh hiện thực nào, thì đó cũng không bao giờ là thứ hiện thực một chiều, đơn giản mà luôn luôn là“thực tại đầy rẫy mâu thuẫn”. Đó còn là một thực tại đôi khi làm ta phẫn nộ. Năm 1987, Việt Nam đã bước ra khỏi những cuộc chiến tranh để quay lại thời kỳ hoà bình với bề mặt xã hội “yên ả, phẳng lặng”. Vậy mà đó lại chính là khi Nguyễn Huy Thiệp cho ra đời truyện ngắn “Tướng về hưu” làm người đọc phải bàng hoàng trước cảnh một bác sĩ lấy nhau thai về cho chó và lợn ăn. Không chỉ Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh trong tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” cũng từng làm người đọc phải rùng mình trước cảnh những người lính thắng trận thản nhiên ăn uống bên cạnh xác chết la liệt trong sân bay Tân Sơn Nhất. Văn học bày ra trên trang giấy vô vàn những bức chân dung của đời sống, của con người, một hiện thực mang dáng dấp của hiện thực, đầy mâu thuẫn và nghịch lí, không dễ phân biệt phải-trái, đúng-sai.
Văn học bày ra những sự thật ấy không phải để chấp nhận những gì đang có hay thừa nhận một lần nữa những gì đã diễn ra. Nếu chỉ dừng ở đó, văn học đã hoà tan trong dòng chảy thời gian cùng với lịch sử và báo chí. Phơi bày trước mặt con người một thế giới tàn khốc và xấu xí với đầy rạn nứt của hồn người, văn học “dựng xây những bầu trời để nhân tính rợp bay, khai mở những con đường để độc giả đặt bước chân tưởng tượng của mình lên đó”. Văn học dùng hiện thực và bi kịch trong đó, dùng chính những gì con người khước từ, né tránh để phản tỉnh con người và soi sáng những con đường mà chúng ta có thể bước đi. Văn học không phải giáo điều hay pháp luật buộc con người bước lên một con đường “đạo đức” sẵn có, văn học chỉ bày ra một hiện thực ngổn ngang với vô vàn ngã rẽ, vô vàn lựa chọn, và rồi con người sẽ “tự bước lên đường ấy”. Viết về “thế hệ mất mát” với những bữa tiệc không ngừng nghỉ trong điệu nhạc Jazz, Fitzgerald cho người đọc chứng kiến một cuộc chạy đua của con người trong cuộc leo thang của những giá trị bạc tiền, cho chúng ta chứng kiến một Gatsby mải miết chạy theo “đốm xanh” phù phiếm mà mãi mãi chìm đắm trong cơn mộng du để rồi chết đi giữa những mảnh vỡ của giấc mơ ngổn ngang, một Daisy sẵn sàng đánh đổi hạnh phúc cuộc đời một con người vì địa vị và tiền bạc. Đọc “Đại gia Gatsby”, người đọc như trở về sống trong không khí của nước Mỹ thập niên 1920 với biết bao khát khao, đam mê, cuồng vọng. Chúng ta trải nghiệm một cuộc đời rất khác ấy, để tự đưa ra lựa chọn của riêng mình. Sau trải nghiệm tinh thần mà tác phẩm mang lại, liệu chúng ta có còn lựa chọn một con đường như Gatsby để rồi trở thành nạn nhân trong chính ước mơ của mình, hay ta sẽ có quyền nhìn vào nhân vật ấy để sống khác đi, để sống hạnh phúc và ý nghĩa hơn? Như Phillipe Jacollete từng nói, văn học cho ta già đi từ đầu đến cuối bài thơ. Mỗi lần hoà vào thế giới văn chương là một lần chúng ta sống những cuộc đời khác. Lật giở những trang văn cũng như trải nghiệm, dấn thân, ngắm nhìn cuộc đời qua những đôi mắt khác nhau. Chúng ta sống cùng những niềm vui nỗi buồn của tác phẩm, để rồi từ vô vàn cảm xúc, chúng ta lại nhìn thấy chính bản thân mình và chính cuộc đời thực của mình.
Nhận định về vai trò của nhà văn và tác phẩm văn học của Nguyễn Bình Phương chứa đựng nhiều suy ngẫm xác đáng. Tuy nhiên, liệu chăng chúng ta có thể bàn luận thêm đôi điều về việc con người có thể “ngoảnh lại mỉm cười bao dung với đời sống bụi bặm” sau khi đọc những tác phẩm văn chương? Phải chăng văn học bày ra trước mắt con người biết bao sự phi lý, bất công chỉ là để chúng ta nhìn lại cuộc đời với con mắt bao dung hơn, bởi chúng ta đã hiểu rằng phi lý và bất công chính là bản chất của hiện thực? Tôi nghĩ rằng, Nguyễn Bình Phương muốn nói đến sức mạnh của văn chương trong việc xoa dịu tâm hồn và cho con người quyền để hi vọng và tin tưởng vào những điều tốt đẹp. Tác phẩm không chỉ là cái nhìn, là tư tưởng của nhà văn mà hơn cả là tình cảm, cảm xúc của anh ta. Đó chính là sợi dây sẽ gắn kết tâm hồn của người đọc với người nghệ sĩ, để rồi dù trải nghiệm biết bao hiện thực đắng cay trong tác phẩm, con người sẽ không đi đến sự tuyệt vọng, mà ngược lại, dần hình thành niềm tin, niềm tin giữa người đọc và thông điệp tác giả muốn gửi gắm, niềm tin giữa con người với con người. Niềm tin ấy trở thành động lực cho con người biết nhìn vào tương lai, thấy những thay đổi, những khởi đầu mới. Văn học cho con người động lực để hi vọng dù đi qua biết bao mâu thuẫn, bất công và phẫn nộ, để rồi có thể nhìn vào hiện thực ngổn ngang mà vẫn bình tâm mỉm cười lựa chọn những điều tốt đẹp.
Những suy ngẫm trong ý kiến của Nguyễn Bình Phương về vai trò của nhà văn và tác phẩm là rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, văn học có thể thực hiện được sứ mệnh cao cả ấy của mình hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào cái tâm và cái tài của người nghệ sĩ. Một người nghệ sĩ đích thực, cần “lo trước cái lo của thiên hạ”, phải luôn trăn trở trước những con sóng ngầm dù là nhỏ nhất, để có thể “rung tiếng chuông đầu tiên” trước khi những con sóng ấy nổi lên và trở thành một hiện thực bình thường.
(Bài viết của Bình - Thích Văn học)
Xem thêm: Vợ chồng A Phủ: Cổ tích và hiện thực
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận