Nguyễn Tuân và những điều cần biết: Nắm chắc kiến thức, thi không lo "cạn văn"

Nguyễn Tuân và tác phẩm của ông được cho là 1 trong những nội dung quan trọng có thể xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp THPT. Vì thế, đừng bỏ qua những nội dung quan trọng dưới đây nhé các bạn 2K5.

Đỗ Thu Nga
10:00 02/06/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

TIỂU SỬ CUỘC ĐỜI, THÂN NHÂN

Nguyễn Tuân sinh năm 1910 tại phố Hàng Bạc, Hà Nội. Quê gốc của ông ở làng Mọc, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Thân sinh của nhà văn là cụ Nguyễn An Lan (tức cụ Tú Hải Văn), một nhà nho tài hoa đậu thi khoa Hán học cuối cùng đồng thời cũng là người ảnh hướng lớn nhất đến hồn văn của Nguyễn Tuân sau này.

Ông học đến bậc Thành chung thì bị đuổi vì tham gia một cuộc bãi khóa phản đối giáo viên Pháp nói xấu người Việt năm 1929. Sau đó ít lâu, ông lại bị tù vì đi qua biên giới tới Thái Lan không có giấy phép. Ra tù, ông bắt đầu viết báo, viết văn. Năm 1945, Nguyễn Tuân tham gia cách mạng và kháng chiến, trở thành cây bút tiêu biểu của nền văn học mới. Từ năm 1948 đến 1957, nhà văn giữ chức Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam.

nguyen-tuan-va-nhung-dieu-can-biet-0

Nguyễn Tuân là nhà văn đồng thời là một người có học vấn uyên bác, am hiểu hầu hết về tất cả các lĩnh vực văn hóa như: hội họa, điện ảnh, âm nhạc, võ thuật, sân khấu kịch,…Gia đình ông từng có thời gian sống ở các tỉnh và thành phố miền Trung, chính hoàn cảnh sống của gia đình đã tạo điều kiện cho Nguyễn Tuân ngay từ thời niên thiếu khi được đi qua nhiều nơi.

PHONG CÁCH CỦA NGUYỄN TUÂN THỂ HIỆN Ở CHỮ "NGÔNG"

Nguyễn Tuân có một phong cách nghệ thuật rất độc đáo và sâu sắc. Trước Cách mạng tháng Tám, phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể thâu tóm trong một chữ “ngông”. Ngông chính là phản ứng tiêu cực nhưng đầy kiêu ngạo đối với xã hội. Người chơi ngông muốn dựa vào sự tài hoa, lịch lãm và phong cách hơn đời để đặt mình lên trên thiên hạ. Cái “ ngông” của Nguyễn Tuân được thể hiện với nhiều màu sắc và những nét riêng biệt.

Nguyễn Tuân kế thừa truyền thống “ngông” của những nhà to tài tử xưa như Nguyễn Công Trứ, Tú Xương, Tản Đà… đồng thời ông cũng tiếp nhận tư tưởng cá nhân chủ nghĩa của văn hóa phương Tây hiện địa. Chính vì thế, cái ngông của Nguyễn Tuân rất riêng và rất khác.

Ngoài ra, cái “ngông” còn được thể hiện ở nhân vật mà tác giả theo đuổi. Có thể thấy, trong cả cuộc đời cầm bút, Nguyễn Tuân luôn tìm cho mình chủ nghĩa anh hùng. Trước cách mạng là những anh hùng “Vang bóng một thời’, sau cách mạng là những nhân vật anh hùng trong quần chúng cách mạng. Đặc biệt , nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Tuân dù làm nghề gì thì đều có “chất” nghệ sĩ.

CHỦ NGHĨA XÊ DỊCH TRONG NGUYỄN TUÂN

Sinh thời, Nguyễn Tuân cổ súy tích cực cho chủ nghĩa xê dịch, với phương châm sống là luôn luôn thay đổi thực đơn cho giác quan (Chủ nghĩa xê dịch được hiểu như là sự chuyển đổi vị trí về địa lý, chuyển đổi cảm giác về hình ảnh).

nguyen-tuan-va-nhung-dieu-can-biet-8

 Ông không thích cuộc sống trầm lặng, bình ổn nên đi suốt chiều dài đất nước để tìm những điều mới mẻ, độc đáo. Các giai thoại về ông nhờ đó rất phong phú.

Có người kể rằng, để mô tả ống khói tàu hỏa, ông đã ăn nằm tại ga Thanh Hóa mất gần cả tháng để quan sát cho bằng được các thời điểm của ống khói hoạt động lúc bắt đầu nổ máy, lúc khởi hành từ từ bò ra khỏi ga, lúc tàu đạt đến tốc độ tối đa cho phép, khi tàu giảm tốc độ để vào ga.

Một lần khác, ông bỏ sáu tháng quan sát số đồn bốt ở khu vực vĩ tuyến 17 cả hai bờ Bắc - Nam và đếm số thanh ván bắc phía bên kia cầu Hiền Lương, khi hai miền còn bị chia cắt. Không thể "vượt biên" sang bên kia, ông nghĩ ra cách nhờ những người công an sang bờ bên kia làm nhiệm vụ đếm hộ. Lần đầu có kết quả, ông không tin ngay mà tìm cách kiểm tra lại. Cuối cùng ông chấp nhận kết quả là phía bên kia cầu Hiền Lương có được 444 thanh ván so với 447 thanh ván phía bờ Bắc.

Theo chủ nghĩa xê dịch, vì thế văn chương của Nguyễn Tuân chứa cảm giác mãnh liệt của những phong cảnh tuyệt đẹp, của gió, bão, núi cao rừng thiêng, thác ghềnh dữ dội.

NGUYỄN TUÂN - NHÀ VĂN SUỐT ĐỜI ĐI KIẾM "CÁI ĐẸP" VĨNH HẰNG

Đối với nghệ thuật, đẹp là chức năng hàng đầu và mang cái đẹp là sứ mệnh thiêng liêng nhất của văn chương. Sinh thời, Nguyễn Tuân đã luôn trăn trở về cái đẹp trong suốt cuộc đời cầm bút của mình. Sau cách mạng tháng Tám, khi được gặp cuộc sống cách mạng, được giác ngộ cuộc sống giai cấp, ông có dịp nhìn nhận lại quan niệm của mình và tự nhận thấy rằng: "Cái đẹp chính là cuộc sống". Ông nghĩ đến "Cái xã hội thân thiện, tân mỹ của ngày mai" nên say sưa ca ngợi nó hết lời trong những tác phẩm sau 1945. Cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân được hiện thân trọn vẹn qua ngòi bút tinh tế, sắc sảo và tài hoa hơn người của Nguyễn Tuân. Từ vẻ đẹp hoài cổ Vang bóng một thời, đến những áng văn trữ tình mềm mại trong Tóc chị Hoài, lắng đọng thâm sâu trong Thiếu quê hương,...

Cái đẹp mà Nguyễn Tuân quan niệm không phải là "nhất thần nhất biến", nó luôn thay đổi. Cái đẹp luôn gắn với cái thật đã tạo nên những phẩm chất bền vững, mới mẻ qua từng trang viết, từng nhân vật. Như Nguyễn Đặng Mạnh có nói "Văn chương Nguyễn Tuân là văn chương thực sự" . Chẳng hạn trong "Chữ người tử tù", ông đã hết mình đề cao ba điều: cái tài, cái đẹp và cái thiên tính tốt của con người do trời phú ban cho (thiên lương). Những ai không biết sợ ba điều trên thì không phải là con người, đó là loài quỷ sứ. Cái đẹp và cái thật đã trở thành cứu cánh, nâng bổng tâm hồn và sức sáng tạo của Nguyễn Tuân lên một tầm cao mới, đồng thời, qua đó, ông tự khẳng định nhân cách công dân và tiềm năng nghệ thuật của mình.

(Nguồn: Cảm hứng văn chương)

Xem thêm: "Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre đánh giặc"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận