"Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre đánh giặc"
9 câu đầu của đoạn trích "Đất Nước" (Nguyễn Khoa Điềm) cũng thường xuyên xuất hiện trong các đề thi. Vì thế, các bạn học sinh cần hết sức lưu ý về cách phân tích, cảm thụ văn học.
ĐỀ BÀI:
Phân tích 9 câu thơ đầu "Đất Nước" (Nguyễn Khoa Điềm)
BÀI VIẾT GỢI Ý:
Chúng ta đã từng biết đến hình ảnh Đất nước tuyệt đẹp qua thơ “Việt Nam quê hương ta” của Nguyễn Đình Thi:
“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả dập dờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều.”
Trong dàn hợp xướng của thơ trữ tình Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Khoa Điềm vẫn là một tiếng thơ rất riêng, một giọng thơ khác biệt làm nên một phong cách nghệ thuật độc đáo. Bên cạnh một Phạm Tiến Duật trẻ trung sôi nổi phong trần với những lời thơ lấm bụi Trường Sơn đầy chất văn xuôi, một Nguyễn Duy mộc mạc, chân chất mà đằm thắm ngọt ngào với những âm điệu lục bát của ca dao vọng về là một Nguyễn Khoa Điềm tài hoa mà uyên bác, truyền thống mà hiện đại, thơ ông đĩnh đạc, nghiêm cẩn, trang trọng và cũng rất đỗi tình tế trữ tình. Trích đoạn “Đất nước” trong trường ca “Mặt đường khát vọng” đã kết tinh được những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật thơ Nguyễn Khoa Điềm, từ những bình diện về văn hóa, lịch sử, địa lý,...." được gửi gắm trọn vẹn nhất trong chín câu thơ đầu trong trích đoạn “Đất Nước”:
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…”
Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ các nhà thơ mà tài năng và tên tuổi được khẳng định trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Những lý lẽ mà tác giả đưa ra nhằm thuyết phục người đọc thật giản dị mà rất đỗi chân thành: Không ai khác, chính nhân dân – những con người vô danh đã kiến tạo, giữ gìn và bảo vệ đất nước; đã xây dựng và hình thành truyền thống văn hóa, lịch sử ngàn đời của dân tộc. Andrea Chenier từng nói: “Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ trái tim mới làm nên thi sĩ”, thật vậy, một bài thơ hay không chỉ có hình thức nghệ thuật đặc sắc mà quan trọng phải là tình cảm, những rung cảm mãnh liệt chân thành của người nghệ sĩ, để chạm đến trái tim bạn đọc. Đất Nước được nhìn từ nhiều khía cạnh đầy đủ và trọn vẹn qua tác phẩm “Đất Nước” của nhà thơ xứ Huế. Được trích từ “Mặt đường khát vọng” là tập trường ca hùng tráng được nhà thơ hoàn thành ở chiến khu Trị - Thiên năm 1971. Chương thơ thứ V mang tựa đề “Đất Nước” là chương cuối của bản trường ca với tư tưởng cốt lõi “Đất Nước của Nhân Dân”.
Khi đến với Đất Nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm, ta thấy đất nước mình bình dị và thân quen, gần gũi đến lạ thường. Đất Nước vốn là những giá trị vĩnh hằng, vĩnh cửu được tạo dựng, vun đắp qua nhiều thế hệ; được truyền từ đời này qua đời khác, từ thế này nối tiếp thế hệ kia. Câu thơ đầu tiên đã khẳng định “cội nguồn” của Đất Nước, không ở đâu xa lạ mà ngay trong cuộc đời mỗi chúng ta.
“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi”
Câu thơ đầu tiên vang lên, như một lời khẳng định chắc nịch, đầy tự hào từ trái tim nhà thơ: “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi”, có nghĩa là khi chúng sinh ra, đến lúc trưởng thành thì “đất nước đã có” từ rất rất lâu trước đó rồi. Những câu chữ đầu tiên, ta đã ấn tượng bởi hai từ “Đất Nước” được viết hoa. Có lẽ đối với nhà thơ thì đất nước chính là một sinh thể không phải một phạm trù tư tưởng, trải qua quá trình sinh ra, lớn lên và trưởng thành như bao sinh thể khác. Ta thấy sự trân trọng, đầy tự hào với tình yêu Tổ quốc của mình. Từ “ta” như để nói nhân vật trữ tình cũng là nói đến chúng ta, một dân tộc, không cụ thể là bất kỳ ai nhưng Đất Nước có từ “khi ta lớn lên”, từ khi ta chưa cất tiếng khóc, chạm nhìn vào đời, xuyên suốt bốn ngàn năm văn hiến, vẫn sừng sững, hiên ngang. Như một lời thủ thỉ tâm tình, tác giả không dùng từ ngữ, hình ảnh hoa mỹ tráng lệ mang tính biểu tượng để thể hiện Đất Nước mà dùng cách nói giản dị, tự nhiên, dễ thấm vào lòng người. Như một lời khẳng định Đất Nước trường tồn, khẳng định chiều dài lịch sử của Đất Nước như Nguyễn Đình Chiểu:
“Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu
Hai vầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê bán chó.”
(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)
Tiếp nối ý thơ đầu tiên là những lý giải về cội nguồn Đất Nước:
“Đất Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể.”
Hình ảnh Đất Nước thật gần gũi, hiện diện trong “những ngày xửa ngày xưa”, từ những huyền thoại, cổ tích. Cụm từ ấy đã gợi nhớ về tuổi thơ lớn lên cùng lời kể của bà, của mẹ, cụm từ vừa tinh tế lại vừa giàu tình cảm bởi nó đã đi sâu vào văn hóa của mỗi người Việt Nam, dẫn lối con người ta về những miền ký ức xưa cũ, là hình ảnh cô Tấm bước ra từ quả thị, là hình ảnh Thạch Sanh hiện thân cho chính nghĩa,... Câu thơ cũng gợi nhớ đến người mẹ dấu yêu về công ơn sinh thành dưỡng dục, những bài học từ những câu chuyện ngày xưa mẹ từng kể. Bởi lẽ đất nước cũng chính là gia đình, chính là người mẹ đã ấp êm từ ngày bé đến dõi theo bước chân trưởng thành. Mỗi người lớn lên với vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam, đất nước Việt Nam.
Không chỉ thế mà Đất Nước còn gắn với phong tục tập quán, hình thành nên bản sắc văn hóa riêng của dân tộc:
“Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”
Hình ảnh “miếng trầu” của bà mang vẻ đẹp trong văn hóa giao tiếp bởi “miếng trầu là đầu câu chuyện”, hiện lên như một thói quen trong phong tục tập quán của người dân nước Việt, tập tục “ăn trầu”. “Miếng trầu”, trong tâm thức và truyền thống của người Việt Nam, miếng trầu là biểu tượng của tình cảm chân thành, thủy chung, keo sơn, son sắt giữa người với người, giữa những đôi lứa yêu nhau:
“Trầu em trầu gói trong khăn,
Trầu gói trong áo, anh ăn sao đành”
Theo dòng chảy của văn học dân gian, một nét đẹp thuộc về bản sắc văn hóa, tục ăn trầu gợi ta nhớ đến sự tích “Trầu cau” những câu chuyện đi cùng năm tháng, đi vào chiều sâu lịch sử văn hóa dân tộc. Đất Nước chẳng phải xa vời, không thể chạm đến mà Đất nước giản dị và gần gũi thế đấy, đi cùng hình ảnh mẹ hiền, câu chuyện cổ tích, miếng trầu bà ăn. Đất Nước kề sát con người, bên những hình ảnh mang đậm bản sắc văn hóa, tạo nên giá trị muôn đời.
Đất Nước là một sinh thể, sinh ra, hình thành và phát triển lớn mạnh. Câu thơ thứ tư, như đưa ta quay về với sự lớn lên của Đất Nước qua những sự kiện lớn:
“Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”
Truyền thuyết Thánh Gióng nhổ bụi tre ngà quật mạnh vào giặc, khiến giặc n khiếp sợ mà bỏ chạy đã hiện hữu trong tâm trí của Nguyễn Khoa Điềm với hình ảnh “trồng tre mà đánh giặc”, “Đất Nước lớn lên” tựa như sự vươn mình của dân tộc, từ những năm tháng đói khổ, lầm than trong chiến tranh đến những ngày vươn dậy hào hùng, mang một sức mạnh quật khởi, kiên cường; qua những giai đoạn dựng nước và giữ gìn Đất Nước. Trong bài thơ “Quang Vinh Tổ quốc chúng ta”, Tố Hữu cũng từng có những dòng thơ ca ngợi:
“Ta như thuở xưa thần Phù Đổng
Vụt lớn lên, đánh đuổi giặc n”
Song song đó, hình ảnh cây tre biểu tượng cho tinh thần yêu nước và kiên cường bất khuất của dân tộc, đã đi vào trang sách, vào ký ức người dân Việt Nam tinh thần quật cường:
“Tre xanh,
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh.
Thân gầy guộc, lá mong manh,
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?”
(Tre Việt Nam_Nguyễn Duy)
Đất nước bắt đầu bằng nghĩa tình, trưởng thành trong nhận thức và hành động đánh giặc giữ nước của nhân dân qua cấu trúc thơ tha thiết trữ tình: “đã có, bắt đầu lớn lên” như xác nhận quá trình sinh ra, lớn lên, trưởng thành, tồn tại hiển nhiên bên
Tiếp đến là hình ảnh người mẹ yêu thương lại một lần nữa xuất hiện trong câu thơ thứ năm, nhà thơ trân trọng “mẹ” và thể hiện tình yêu thật khéo léo:
“Tóc mẹ thì bới sau đầu”
Mái tóc “bới” cuộn tròn gọn gàng của mẹ đi vào trang thơ. Trong muôn vàn truyền thống đẹp, nhà thơ chọn ra một hình ảnh thật giản dị nhưng rất tinh tế đặc sắc: Hình ảnh người phụ nữ Việt với mái tóc bới sau đầu, bới tóc chống phong kiến - sự kết tinh và tôn vinh vẻ đẹp từ sâu thẳm bên trong tâm hồn của người phụ nữ. Hình ảnh thật gần gũi, thân quen in sâu trong nếp nghĩ, gợi suy ngẫm về con người trong cuộc sống lam lũ vất vả nhưng vẫn duyên dáng, tần tảo, đảm đang. Đất nước không chỉ hiện diện từ thuần phong mỹ tục ấy mà còn hiện lên qua ân nghĩa thủy chung của tình cảm vợ chồng của cha, của mẹ:
“Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”
Nhắc đến người Việt ta, không chỉ nhắc đến miếng trầu, bới tóc mà còn tình nghĩa vợ chồng. Dù gian nan, dù cay đắng nhưng cha mẹ vẫn đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi để tình cảm thêm mặn nồng, thắm thiết. Thành ngữ “gừng cay muối mặn” là những gia vị trong bữa cơm của người Việt, cũng là tượng trưng cho những dư vị cay đắng, mặn mà, ngọt bùi trong đời sống vợ chồng. Hình ảnh thơ gợi ta nhớ câu ca dao:
“Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng vẫn hãy còn cay
Đôi ta tình nặng nghĩa đầy
Dù ba vạn sáu ngàn ngày cũng chẳng xa”
Đất Nước là hình ảnh to lớn và kỳ vĩ khôn cùng còn hóa thân vào những vật dụng bình thường trong mỗi gia đình, hóa thân vào cách đặt tên dân dã cho “cái kèo, cái cột”, hóa thân vào hạt gạo - biểu tượng của nền văn minh lúa nước:
“Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng”
Từ cha mẹ thương nhau mới đi đến “Cái kèo cái cột thành tên”. Câu thơ gợi nhắc cho người đọc nhớ đến tục làm nhà cổ của người Việt. Đó là tục làm nhà sử dụng kèo cột giằng giữ vào nhau làm cho nhà vững chãi, bền chặt tránh được mưa gió, thú dữ. Là khởi nguồn hạnh phúc từ một mái ấm gia đình, từ ngàn xưa cha mẹ, ông bà thường dùng tên những sự vật gần gũi để đặt tên cho con, cho cháu. Đố như giữ gìn một nén đẹp về truyền thống, bảo vệ con cháu khỏe mạnh, cũng là sự biểu hiện cho vốn giàu đẹp của tiếng Việt. Đất Nước còn hiện lên qua cuộc sống lao động sinh hoạt với hình ảnh “hạt gạo” trải qua bao thử thách để trở thành “nguồn sống” đã nuôi lớn bao thế hệ. Thành ngữ “một nắng hai sương” đã nay nhà thơ nói lên bao cực nhọc của người nông dân từ những công đoạn quan trọng tạo ra hạt gạo trắng ngần: xay, giã, giần và sàng. Cũng như câu thơ thứ hai, câu thơ thứ tám có tăng thêm về số lượng từ để những câu thơ ấy có thêm đôi cánh mênh mông, vượt không gian và thời gian về quá khứ xa xăm của dân tộc, biểu đạt những suy cảm của nhà thơ về nỗi vất vả gian truân của người Việt Nam khi làm ra hạt lúa củ khoai. Ý thơ ấy khiến ta nhớ tới câu ca dao quen thuộc:
“Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”
Để rồi sau tất cả, nhà thơ khép lại đoạn thơ bằng một câu thơ dạt dào cảm xúc, dồn nén bao suy cảm hình ảnh vọng về đẹp đẽ:
“Đất Nước có từ ngày đó...”
Câu thơ là lời khẳng định chân thành và chắc nịch, “Những vẻ đẹp được khơi lên từ mạch tấm tình, thấm đẫm hơi thở ca dao dân ca, huyền tích sử thi của dân tộc” Cụm từ “ngày đó” không biết rõ là lúc nào, tựa rất xa xôi, nhưng Đất Nước vẫn luôn gần gũi với đời sống mỗi chúng ta. Ngày xưa ấy Đất Nước sinh ra và lớn lên, cùng với con người, hình thành văn hóa phong tục qua năm tháng, dấu chấm lửng cuối câu gọi cho ta bao xúc cảm, lặng nhìn về Đất Nước, về chiều dài lịch sử nghìn năm văn hiến.
Bằng lời thơ nhẹ nhàng và sử dụng nhuần nhuyễn chất liệu văn hóa dân gian, truyền thuyết, cổ tích không chỉ đem đến sự gần gũi mà còn biểu hiện ý thức tự tôn tự hào dân tộc. Từ “Đất Nước” được viết hoa và lặp lại năm lần thể hiện sự thành kính. Với chín dòng thơ, tám mươi lăm chữ, không hề có một từ Hán Việt, Nguyễn Khoa Điềm đã tạo nên những vần thơ tự do dạt dào cảm xúc, kết hợp với chất giọng thủ thỉ tâm tình như một điệu rụ dễ đi vào lòng người.“Mỗi người nghệ sĩ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ” (Lê Đạt). Có lẽ vì thế mà khi đến với Nguyễn Khoa Điềm, ta thấy sự kết hợp hài hoà giữa trí tuệ và cảm xúc bay bổng đã làm sáng lên lối thơ trữ tình chính luận - phong cách độc đáo riêng cùng với bản trường ca hào hùng.
Khép lại đoạn thơ, một tư tưởng về đất nước được vẽ lên bình yên từ những điều giản dị. Tất cả những điều này đều được Nguyễn Khoa Điểm truyền tải trọn vẹn trong trích đoạn “Đất Nước”, đặc biệt là chín câu thơ đầu. Đất Nước hiện lên không trừu tượng mà cụ thể, chứa đựng mơ ước, khát vọng, quan niệm về vẻ đẹp phẩm chất của tâm hồn dân tộc, thật sống động, lung linh trong cuộc sống, trong lao động và trong chiến đấu. Trong những ngày tháng đất nước gặp nhiều khó khăn bởi đại dịch hoành hành, tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” của Nguyễn Khoa Điềm dường như lại càng có giá trị hơn, đất nước luôn hiện diện trong mỗi con người. Hãy trân trọng chính tâm hồn mình, đó chính là trân trọng vẻ đẹp sâu thẳm của Đất Nước:
“Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những lần trốn học bị đòn roi
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.”
(Quê hương_Giang Nam)
(Nguồn: Gác xép văn chương)
Xem thêm: Dàn ý đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ về trách nhiệm của công dân đối với đất nước
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận