Người vợ nhặt và góc nhìn vừa hiện thực vừa nhân văn của Kim Lân

Vợ nhặt là một nhân vật đặc biệt - không tên tuổi, quê quán, họ hàng. Thị chấp nhận cho không, biếu không bản thân mình cho người đàn ông xa lạ...

Đỗ Thu Nga
10:00 27/05/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

“Hãy yêu văn chương, hãy yêu một nghệ thuật còn ròng ròng sự sống, một nghệ thuật chân đứng vững trên mặt đất còn thấm đẫm mồ hôi và khét mùi thuốc súng; một cái đẹp khỏe khoắn, không khéo léo phấn son mà mộc mạc, tươi như vừa nảy lên từ một bàn tay hoa công nào”. Cái thứ nghệ thuật vi diệu bao gồm cả văn chương xuất hiện mấy ngàn năm nay chính là món quà mà người nghệ sĩ mang đến cho cuộc đời và cũng là nơi chốn để họ kí thác biết bao tâm tư, tình cảm, tư tưởng sâu sắc, thôi thúc người đọc khám phá. Và phải chăng, những giá trị ấy được kết tinh trong hình tượng nhân vật được phản ánh trong tác phẩm. Không nằm ngoài quy luật ấy, hình tượng người vợ nhặt trong truyện ngắn cùng tên của Kim Lân được khắc họa chân thực, đặc biệt trong lần gặp thứ hai với Tràng; từ đó gợi bao suy ngẫm về sự tác động của hoàn cảnh đến nhân phẩm con người. 

Kim Lân là một gương mặt xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, ông viết không nhiều nhưng đã có những tác phẩm được coi là kiệt tác. Sở trường của Kim Lân là viết truyện ngắn. Cuộc sống và con người ở làng quê Việt Nam đồng bằng Bắc Bộ là đề tài chính trong những sáng tác của Kim Lân, cũng là một truyện ngắn xuất sắc của văn xuôi hiện đại. Tiền thân của “Vợ nhặt” là một chương sau tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” viết ngay sau 1945. Tới 1954, Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết “Vợ nhặt”. Do đó, tác phẩm không chỉ là quá trình suy ngẫm, gọt giũa về cả nội dung, nghệ thuật mà còn mang âm hưởng lạc quan của thời đại mới trong thời điểm đất nước được giải phóng sau năm 1954. Dưới ngòi bút tài hoa của Kim Lân, hình tượng nhân vật vợ nhặt hiện lên rõ nét từ đó gợi lên bao suy ngẫm về sự tác động của hoàn cảnh đến nhân phẩm con người.

Vợ nhặt là một nhân vật đặc biệt- một người không tên tuổi, không quê quán họ hàng xuất hiện giữa chợ tỉnh như một kiểu người phổ biến trong nạn đói năm 1945. Ngoại hình rách rưới thảm hại, tính cách sỗ sàng, trơ trẽn, nanh nọc chua ngoa. Thị sẵn sàng bán danh dự, đổi nhân cách lấy bốn bát bánh đúc, thị chấp nhận “miếng ăn là miếng nhục” để được sống. Cái đói cơ hồ ám ảnh trong trang viết của Kim Lân, cái đói đẩy người đàn bà đến tận cùng sự liều lĩnh: Tràng nói đùa- thị tưởng thật. Thị chấp nhận cho không, biếu không bản thân mình cho người đàn ông xa lạ. Nhưng dù cận kề cái chết, thị vẫn luôn bám lấy sự sống bằng mọi giá, đó chính là vẻ đẹp của lòng khát sống, dám sống mãnh liệt trong nguồn đàn bà ấy.

nguoi-vo-nhat-va-goc-nhin-nhin-vua-hien-thuc-vua-nhan-van-cua-kim-lan-8

Grandi đã từng khẳng định: “Không có nghệ thuật nào là không hiện thực”. Ai đó đã từng ví văn học và cuộc sống như thần Ăng Tê và Đất mẹ. Thần trở nên vô địch khi đặt hai chân lên Đất mẹ, cũng như văn học chỉ cường tráng và dũng mãnh khi gắn liền với hiện thực đời sống. Đặt trong hiện thực tàn khốc của nạn đói 1945 “người chết như ngả rạ… không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”, người vợ nhặt xuất hiện trong tác phẩm như một biểu tượng thê thảm của nạn đói và trước hết, nạn đói đã tàn phá nhân hình của thị. “Vợ nhặt” được xây dựng trên bối cảnh của năm Ất Dậu, cái năm vẫn được nhiều người lớn tuổi quen gọi là năm đói. Cái nạn đói của năm Ất Dậu không bao giờ quên được ấy có lẽ là tai họa thảm khốc nhất của một dân tộc mà số phận vốn đã lắm tai nhiều họa. Và cũng chính vì sự tàn khốc ấy mà thị bị hủy hoại về nhân hình. Lần trước gặp Tràng, thị còn hồn nhiên “liếc mắt, cười tít”, đon đả với anh nhưng đến lần thứ hai thì chính Tràng cũng ngạc nhiên về sự thay đổi của thị. Thị hiện lên như một con ma đói: “chiếc nón rách tàng, bộ quần áo rách tả tơi như tổ đỉa” tạo ra sự tương hợp xót xa với “khuôn mặt như lưỡi cày xám xịt”, với “bộ ngực gầy lép” và “hai con mắt trũng hoáy”. Chính cái nghiệt ngã của nạn đói năm Ất Dậu đã khiến thị trở nên tiều tụy đến vậy.Thi sĩ Bàng Bá Lân đã ghi lại cảnh đói khát ấy bằng những lời thơ đầy ám ảnh: 

“Năm Ất Dậu tháng ba còn nhớ mãi

Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương!

Những thây ma thất thểu đầy đường

Rồi ngã gục không đứng lên vì đói!”

Không chỉ là hình dáng bên ngoài, đến cả vẻ dịu dàng, nữ tính thiên bẩm của người phụ nữ ở Thị cũng bị cái đói bóp méo đến thảm hại. Thị đanh đá, táo bạo đến mức trơ trẽn, thậm chí vứt bỏ liêm sỉ. Nạn đói đã tàn phá cả nhân tính của thị. Cái đói day dứt, ám ảnh, hủy hoại cả nhân cách con người một cách xót xa. Hơn một lần, Kim Lân miêu tả vẻ “cong cớn: có khối cơm trắng với giò đấy”… để tỏ ra mình khôn ngoan, không bị mắc lỡm bởi câu hò có hình ảnh thật hấp dẫn về “cơm trắng với giò”- nhưng chính cái việc tỏ ra khôn ngoan ấy lại làm hiện ra những hy vọng thảm hại về miếng ăn. Nhưng trong lần thứ hai gặp lại này, thị lại “cong cớn” gạt phăng miếng trầu xã giao, lễ nghĩa để kiếm bốn bát bánh đúc mong lấp đầy cái dạ dày trống rỗng. Thị đã buông ra những lời nói có phần trơ trẽn sống sượng gợi ý Tràng để được ăn. Thị xỉa xói Tràng vì đói khát: “Điêu, người thế mà điêu…”, “cong cớn” gạt miếng trầu cũng vì đói khát: “ăn gì thì ăn, chả ăn giầu…”, sung sướng khi nhận thấy khả năng được mời ăn dù vẫn không dám tin là thật: “Ăn thật nhá…”. Bất chấp lí trí, cái đói vẫn xui khiến thị hi vọng về miếng ăn có thật ở một người đàn ông xa lạ, vẫn khiến người đàn bà đói khát ấy “đon đả” cùng ánh “mắt sáng lên” khi được mời ăn, động tác “cắm đầu ăn một chạp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì…” - đó là hình ảnh chua xót, thảm hại của một người đàn bà đã bị cái đói huỷ hoại. Cách kết thúc bữa ăn cũng rất hồn nhiên theo kiểu đói: “cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở”, vừa có vẻ khoái trá, vừa có vẻ tiếc rẻ. Rồi, với câu nói “tưởng là nói đùa” của Tràng: “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”, “thị về thật” mà không một điều kiện ràng buộc nào. Giữa lúc mà “Người chết như ngả rạ” thì người đàn bà này đã bị đẩy đến chỗ cùng đường liều lĩnh rồi. Ai biết được chẳng bao lâu nữa thị cũng sẽ là một giữa bao nhiêu cái xác “nằm còng queo bên đường”? Cái đói như con ác thú mà bọn Pháp, Nhật nuôi tạo đã ngốn lấy thị, hút đi bao nhiêu là sinh khí, phẩm giá, lòng tự trọng, để rồi nhả ra là con người bé mọn, dường như vô nghĩa mang tên “vợ nhặt”. Từ dáng điệu, đến cử chỉ đến cách ăn nói đối đáp, Thị vừa cong cớn, vừa thô lỗ và sỗ sàng. Thị đã nhịn đói nhiều ngày và bị cái đói hành hạ đến chết đói là điều cầm chắc là cần được ăn để sống. Thị cần có nơi nương tựa để khỏi chết đói của bản chất tốt đẹp của người con gái đã bị nạn đói, khi cái đói khủng khiếp cướp mất đi, che lấp đi họ thật đáng thương! Thị có khác gì người ăn mày nọ không:

“Ăn mày là ai? Ăn mày là ta!

Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày!”

Sự đói khát đã huỷ hoại nhân cách của thị một cách xót xa: một người đàn bà phải vứt bỏ những ý tứ, phép tắc xã giao, những sĩ diện, xấu hổ, bấu víu vào một câu hò đùa để kiếm miếng ăn thật; phải gạt phăng miếng trầu lễ nghĩa để chọn bốn bát bánh đúc mong lấp đầy cái dạ dày trống rỗng; phải vứt bỏ cả lễ giáo và sự thận trọng, bám vào câu đùa tầm phơ tầm phào, thị đã trở thành vợ theo, vợ nhặt- người được lấy về do một hành động ngẫu nhiên, thờ ơ, không chủ tâm, được nhặt về như cỏ rác. Ôi chao là xót xa, tủi hổ! Thị như đứa con hoang mà chính sách bóc lột tàn bạo của những kẻ thống trị đã sản sinh rồi vứt ra đầu đường xó chợ trong cuộc sống tha phương cầu thực, mặc kệ sự sống chết, may mắn được anh cu Tràng- một chàng trai ngụ cư nghèo, xấu xí, nhưng đôn hậu, vui vẻ và tốt bụng “nhặt” về. Có bao giờ con người bị “mất giá” như thế này chăng? “tấm lụa đào phất phơ giữa chợ” ít ra còn đổi được vài đồng, đằng này, thị theo không Tràng… Ừ thì theo không! Ừ thì bé mọn! Lẽ nào lại khoanh tay chờ chết!? Người đàn bà mà Tràng “nhặt” về ấy, tưởng như là vô nghĩa, tưởng như còn là gánh nặng: “thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”, vậy mà lại có sức mạnh diệu kỳ làm cho vẻ mặt đăm chiêu, lo lắng ngày thường của Tràng trở nên “phấn khích” đến lạ.

Miếng ăn làm cho con người ta trở nên chao chát,chỏng lỏn; cái đói làm cho con người không còn biết đến thể diện; sự gào thét của cái bụng rỗng khiến con người trở nên trơ trẽn làm sao! Thái độ và hành động của thị trước miếng ăn làm ta xót xa đến rơi nước mắt. Nhưng trong cái điêu tàn và rữa nát, trong sự bủa vây của cái chết, sự sống vẫn không ngừng trỗi dậy, vươn lên. Từ thoi thóp, leo lét, có lúc nó mãnh liệt như có phép màu. Người vợ nhặt cũng chính là nhân vật được Kim Lân gửi gắm niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người ngay khi bị đẩy xuống đáy vực của đói khát. Ngay khi miêu tả người đàn bà phải lăn xả vào Tràng để kiếm miếng ăn, Kim Lân vẫn làm hiện ra nỗi xấu hổ, khổ sở của một nhân cách bị vùi dập vì đói khát ngay trong cách nói cố tỏ ra đáo để: khi được Tràng mời ăn, thị “đon đả: ăn thật nhá! ừ ăn thì ăn chứ sợ gì?”- việc phủ định cái sợ lại cho thấy thị đang sợ hãi, đang xấu hổ, đang tự trấn an chính mình, và khi con người còn biết sợ, biết nhục thì cũng có nghĩa họ chưa bị hủy hoại hoàn toàn lòng tự trọng, chưa mất hết ý thức về liêm sỉ. Kim Lân đã phát hiện bản chất tốt đẹp của thị và thể hiện nó như cách “nâng giấc cho những người cùng đường tuyệt lộ”, bởi ông quan niệm : "Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hy vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người".

Những tác phẩm kinh điển bao giờ cũng chở đi được những tư tưởng lớn của thời đại trên đôi cánh của hiện thực. Hiện thực đó phải chăng chính là hoàn cảnh sống của nhân vật, để từ đó nhân vật bộc lộ những nét tính cách riêng biệt. Và cũng chính hoàn cảnh sống ấy tác động rất lớn đến nhân phẩm con người. Đặt trong bối cảnh nạn đói năm Ất Dậu, cái đói, cái chết cất lên trong “tiếng quạ gào từng hồi thê thiết trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ”, trong tiếng hờ khóc tỉ tê” của những gia đình vừa chôn cất người thân. Rồi nó “vẩn thành mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”, “mùi đốt đống rấm- đốt những vật dụng của người vừa chết bốc lên khét lẹt”. Dưới ngòi bút của Kim Lân, chúng ta không chỉ “rùng mình” mà còn khiếp sợ, xót thương, ngột ngạt, tưởng chừng không sống nổi. Văn chương hay chính đây đích thực cuộc đời đang hiện về? Từng màu sắc, âm thanh, mùi vị… Một cảnh điêu tàn, rữa nát. Cái chết lan tràn, bao phủ. Đêm đen buông xuống. Đời người, kiếp nhân sinh giống như một đống tro tàn lạnh ngắt. Và sống trong chính hoàn cảnh nghiệt ngã ấy, nhân cách của thị dường như cũng dần nguội lạnh. Thị như một biểu tượng thê thảm của nạn đói, nạn đói đã huỷ hoại nhân hình thị, khiến thị hiện lên tiều tuỵ, nhếch nhác đến tột cùng. Và cũng chính cái đói, cái khổ, cuộc sống cơ cực đã dần huỷ hoại thị về nhân tính. Thị chao chát,chỏng lỏn; cái đói làm cho con người không còn biết đến thể diện; sự gào thét của cái bụng rỗng khiến con người trở nên trơ trẽn làm sao. Giá trị và nhân cách con người bị hạ giá thê thảm khi chỉ cần một câu hò bâng quơ, bốn bát bánh đúc, câu nói đùa tầm phơ tầm phào, thị đã trở thành vợ theo, vợ nhặt của Tràng. Như vậy, có thể nói môi trường sống, hoàn cảnh sống ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hình thành nhân cách con người, chi phối lớn đến suy nghĩ, hành động của chúng ta. Tuy nhiên, hoàn cảnh cũng tạo ra con người, trong hoàn cảnh khốn cùng, con người vẫn tỏa sáng bản chất tốt đẹp vốn có, như cái cách mà Kim Lân đã phát hiện vẻ đẹp le lói trong nhân cách của thị và thể hiện kín đáo trong tác phẩm của mình.

Cuộc đời ban truyền nguồn nhựa sống mãnh liệt cho văn chương và văn chương nở hoa làm đẹp cuộc đời. Là người bơm “chất máu” của hiện thực vào những đóa hoa ấy, Kim Lân đã dụng công chắp bút trong việc xây dựng hình tượng nhân vật, đặc biệt là nhân vật thị trong lần gặp Tràng thứ hai. Thị là biểu tượng thê thảm của nạn đói, bị huỷ hoại về nhân hình và nhân tính nhưng ở thị còn sáng lên vẻ đẹp về khát vọng sống mà nhà văn Kim Lân từng cho rằng: “ Khi đói, người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống. Dù ở trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vọng vào tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra con người”. 

Để tác phẩm nào cũng là hạt vàng rơi ra từ vạt áo người nghệ sĩ, hình tượng nhân vật nào cũng truyền tải tư tưởng, tình cảm của tác giả một cách sâu sắc, mãnh liệt thì tác phẩm ấy phải mang vẻ đẹp về hình thức nghệ thuật. “Vợ nhặt” của Kim Lân đặc biệt là đoạn trích được coi là một kiệt tác bởi nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, nghệ thuật miêu tả và phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, nghệ thuật ngôn từ sắc sảo… từ đó góp phần làm nên chủ đề tư tưởng của tác phẩm, thể hiện tài năng của tác giả. 

Mỗi tác phẩm văn học đề rọi vào tâm trí bạn đọc một thứ “ánh sáng riêng không thể xoá nhoà” và phải chăng thứ ánh sáng ấy trong trang viết của Kim Lân chính là hình tượng người vợ nhặt- biểu tượng thê thảm của nạn đói 1945. Sự xuất hiện của thị trong thiên truyện đã góp phần làm nên chủ đề, giá trị tác phẩm, đồng thời khẳng định tài năng của Kim Lân và gợi trong lòng bạn đọc bao suy ngẫm về tác động của hoàn cảnh sống đến nhân cách con người.

(Nguồn: Thích Văn học)

Xem thêm: So sánh "nồi cháo cám" (Vợ Nhặt) và "bát cháo hành" (Chí Phèo)

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận