So sánh "nồi cháo cám" (Vợ Nhặt) và "bát cháo hành" (Chí Phèo)
"Nồi cháo cám" và "bát cháo hành" là hai chi tiết nghệ thuật đặc sắc, nó là biểu tượng của tình người ấm áp, của tình yêu thương chân thành mà con người dành cho nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn...
ĐỀ BÀI:
So sánh "nồi cháo cám" và "bát cháo hành" trong 2 tác phẩm Vợ nhặt và Chí Phèo.
BÀI VIẾT GỢI Ý:
Bên cạnh dòng văn học lãng mạn, văn học hiện thực Việt Nam cũng đạt được những thành tựu rực rỡ, với những tác phẩm nổi tiếng. Trong số những ngôi sao của làng văn học hiện thực ta không thể không nhắc đến Nam Cao và Kim Lân. Nam Cao là cây bút hiện thực xuất sắc với tác phẩm nổi tiếng Chí Phèo – là kết tinh nghệ thuật trong đời văn ông. Còn Kim Lân có sở trường viết truyện ngắn về nông thôn và người nông dân với tác phẩm để đời Vợ nhặt. Ở cả hai tác phẩm này đều có những chi tiết nghệ thuật đặc sắc bát cháo hành (Chí Phèo), nồi cháo cám (Vợ nhặt) góp phần thể hiện tư tưởng cũng như tài năng nghệ thuật của hai tác giả.
Chi tiết bát cháo hành xuất hiện ở phần giữa của tác phẩm Chí Phèo. Chí Phèo sau khi đi uống rượu nhà Tư Lãng, trở về căn lều của mình, trên đường trở về hắn thấy khó chịu nên không về nhà ngay mà rẽ xuống sông tắm, ở đây hắn đã gặp thị Nở đang nằm ngủ cạnh bụi chuối. Dưới ánh trăng mờ ảo, khung cảnh hữu tình đã nảy nở tình yêu giữa thị Nở và Chí Phèo. Đến nửa đêm, Chí Phèo bị cảm, nôn thốc, nôn tháo, thị Nở là người đã dìu Chí vào lều, đắp cho manh chiếu và trở về nhà. Nhưng khi về đến nhà thị vẫn chưa yên tâm, bởi: Thổ trận ấy thật là phải biết. Cứ gọi là hôm nay nhọc đừ, thương cho Chí chỉ có một thân một mình thị Nở quyết định sẽ nấu cháo mang cho Chí Phèo giải cảm. Bát cháo hành là chi tiết nghệ thuật giàu ý nghĩa, giàu giá trị biểu đạt.
Bát cháo là sự quan tâm, chăm sóc ân cần không vụ lợi toan tính của thị Nở dành cho Chí Phèo. Sau cái đêm ăn nằm với nhau thị cảm thấy mình có trách nhiệm phải quan tâm, giúp đỡ Chí Phèo. Nhưng sâu xa hơn, nó còn xuất phát từ tình yêu thương Thị dành cho Chí: Cái thằng liều lĩnh ấy kể ra cũng đáng thương, còn gì đáng thương bằng đau ốm mà nằm còng queo một mình. Đây mới là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến hành động thị dành cho Chí. Không chỉ vậy, bát cháo hành đã khơi nguồn, nảy nở tình yêu đẹp đẽ giữa hai con người bất hạnh. Xét ở một khía cạnh nào đó, thị Nở cũng là kẻ bị gạt ra ngoài rìa của xã hội, không tìm được hạnh phúc, bởi vậy, nhờ có bát cháo hành mà thị đã thực sự được làm thiên chức của một người phụ nữ, được quan tâm chăm sóc cho người mình thương.
Không chỉ vậy, bát cháo tuy bé nhỏ về vật chất nhưng lại là niềm an ủi to lớn về tinh thần với Chí Phèo. Đây là tình người hiếm hoi mà Chí Phèo được nhận trong khi tất cả mọi người đều xa lánh, hắt hủi Chí. Đây cũng hương vị tình yêu, hạnh phúc muộn màng mà Chí được được duy nhất đón nhận một lần. Lần đầu tiên chí được chăm sóc bởi tay một người đàn bà. Bát cháo không chỉ giúp Chí giải cảm, vượt qua cái mệt mỏi về thể xác mà còn giúp Chí thanh lọc, giải độc về tâm hồn. Chí thấy vừa xúc động, vừa vui, vừa buồn vừa như là ăn năn. Nó giúp Chí suy nghĩ về tình trạng thê thảm của bản thân hiện tại khi bị tất cả mọi người ruồng rẫy, gạt ra bên ngoài cuộc sống. Xưa nay hắn chỉ sống bằng cướp giật, dọa nạt. Nếu không còn đủ sức mà cướp giật, dọa nạt nữa thì sao […] Nhưng hắn mơ hồ thấy rằng sẽ có lúc mà người ta không thể liều được nữa. Thế mới nguy. Và trong Chí bùng lên khát khao được trở thành người lương thiện, muốn làm hòa với mọi người và thị Nở chính là người sẽ mở đường cho hắn. Như vậy, với Chí Phèo bát cháo hành đã đánh thức phần người, phần nhân tính mà bấy lâu nay bị phần con che lấp mất.
Chi tiết bát cháo hành cũng có giá trị lớn về mặt nghệ thuật. Với chi tiết này đã giúp bộc lộ tính cách nhân vật : Thị Nở yêu thương, quan tâm người khác vô điều kiện, Chí Phèo phục hồi phần nhân tính bị khuất lấp. Không chỉ vậy chi tiết này còn góp phần thúc đẩy truyện phát triển, tạo nên trình tự truyện hợp lí, tự nhiên. Qua đó thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc của Nam Cao : tin vào sức mạnh của sự cảm hóa.
Cũng như chi tiết bát cháo hành, chi tiết nồi cháo cám trong Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân cũng chứa đựng nhiều giá trị sâu sắc. Chi tiết này xuất hiện vào cuối tác phẩm, trong bữa cơm đầu tiên khi cô vợ nhặt bước chân vào nhà anh cu Tràng. Miếng cháo cám đắng ngắt, nhưng họ vẫn lặng lẽ ăn và không ai nói với nhau câu nào nữa.
Trong nạn đói năm 1945, hàng nghìn người chết đói, thì nồi cháo cám đó có đắng chát cũng là phương tiện giúp gia đình Tràng xua tan cơn đói, đây cũng có thể coi là bữa tiệc trong ngày đón nàng dâu mới về. Điều đó đã cho thấy sự nghèo đói và cuộc sống cực khổ của nhân dân ta vào thời điểm năm 1945. Ý nghĩa hơn cả, chi tiết nồi cháo cám còn giúp bộc lộ tính cách nhân vật. Nồi cháo cám được bà cụ Tứ niềm nở bê ra, đã cho thấy đó là một người phụ nữ đảm đang, yêu thương con hết mực. Trong cuộc sống khổ cực như vậy, nhưng bà vẫn tìm mọi cách để đem đến niềm vui nhỏ bé cho đôi vợ chồng trẻ. Đối với người vợ nhặt, tính chao chát, chỏng lỏn đã biến đi đâu mất, thay vào đó là người phụ nữ điềm nhiên, bình tĩnh : người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng. Người con dâu ấy đã có sự thay đổi về tính nết, chấp nhận hoàn cảnh và trong cô cũng sẵn sàng để cùng gia đình nhỏ bé mới này vượt qua mọi khó khăn. Không chỉ vậy, nồi cháo cám còn là biểu tượng của tình người, của niềm tin và hi vọng. Trong hoàn cảnh đói kém, họ vẫn không ngần ngại cưu mang thêm một người, sống trong sự đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Quanh nồi cháo cám, bà cụ Tứ nói những chuyện vui, tương lai tốt đẹp để khơi dậy vào cuộc sống mới đẹp đẽ hơn cho đôi vợ chồng trẻ.
Đây là hai chi tiết nghệ thuật đặc sắc, nó là biểu tượng của tình người ấm áp, của tình yêu thương chân thành con người dành cho nhau trong hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Với mỗi chi tiết còn góp phần bộc lộ, sự thay đổi tính cách của nhân vật. Không chỉ vậy nó còn thể hiện bi kịch của con người trong xã hội cũ : Chí Phèo bị cự tuyệt quyền làm người, bị xã hội đẩy ra bên lề. Còn cô vợ nhặt, số phận con người cũng trở nên rẻ mạt hơn. Qua các chi tiết này, cả hai tác giả đều thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc, niềm tin vào sức mạnh của tình yêu thương có thể thay đổi, cảm hóa con người.
Bên cạnh những điểm giống nhau, các chi tiết nghệ thuật này cũng có những điểm khác biệt. Bát cháo hành là tình yêu thương chân thành, không toan tính thị Nở dành cho Chí Phèo khi tất cả xã hội đã cự tuyệt Chí, coi Chí như con quỷ và đẩy Chí Phèo vào bước đường cùng. Qua đó, giúp người đọc hình dung được bộ mặt bất nhân, tàn bạo của xã hội thực dân nửa phong kiến. Còn chi tiết bát cháo cám là biểu tượng không chỉ của tình yêu thương mà còn là niềm tin vào tương lai, hi vọng vào tương lai tốt đẹp, khi trong bữa cơm ấy họ bàn về chuyện Việt Minh. Đó là cái nhìn đầy lạc quan, tin tưởng của Kim Lân vào cuộc sống. Có sự khác biệt như vậy là do phong cách sáng tác của hai tác giả là khác nhau. Không chỉ vậy, yếu tố thời đại chi phối đến nhãn quan của mỗi nhà văn : Nam Cao bi quan, bế tắc, Kim Lân lạc quan, tin tưởng.
Qua những chi tiết nghệ thuật đặc sắc của hai nhà văn người đọc đã thấy được tấm lòng nhân đạo bao la của họ vào con người, luôn mang niềm tin tưởng vào sự cảm hóa qua tình yêu thương. Không chỉ vậy, với các chi tiết nghệ thuật này còn cho thấy tài năng nghệ thuật bậc thầy của họ.
(Nguồn: Lớp văn thầy Linh Key)
Xem thêm: Hé lộ cách mở bài nghị luận văn học hay, dễ ăn điểm cao
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận