Ánh sáng cuối đường hầm của "người cá" Nông Văn Phương: "Hôm nay mình sống tử tế, ngày mai sẽ là ngày tươi sáng hơn"

6 năm phiêu bạt trong Nam ngoài Bắc, "người cá" Nông Văn Phương chỉ có một ước mơ: Tìm được 1 công việc ổn định để nuôi sống bản thân!

Đỗ Thu Nga
14:00 24/09/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Phương của ngày xưa - sống oan ức với "lời đồn" là quỷ dữ hiện hình

Năm 2013, khi đó Nông Văn Phương 14 tuổi (trú tại xóm Nà Tàn, xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) vẫn ở quê nhà, được sự chăm sóc của gia đình, được đến lớp học tập. Thế nhưng đó chỉ là bề nổi, đằng sau cậu bé ấy là cả một cuộc đời khó nhọc, đau đớn.

Ông Nông Văn Liềng (bố của Phương) kể: Từ khi mới lọt lòng, da cháu đã đỏ ửng và căng mọng. Vài tháng sau, cơ thể Phương xuất hiện những bọng nước như người bị bỏng bô xe máy. Khi to bằng đầu ngón út, bọng nước vỡ ra, ứa dịch lỏng. Đau quá, Phương quấy khóc suốt ngày đêm khiến vợ chồng ông Liềng mất ăn mất ngủ. Bệnh tình ngày càng nặng nơi, bắt đầu xuất hiện vảy ở chân tay, sau đó lan ra toàn thân.

Trước hình hài đầy vẩy của Phương, dân trong xóm đã thêu dệt những câu chuyện kinh dị như trong phim ma. Người bảo Phương bị hủi, nếu không cách ly sẽ lây bệnh cho cả làng. Người cho rằng, kiếp trước Phương là hiện thân của rắn, thế nên bây giờ mới suốt ngày... lột xác. Cay nghiệt hơn, có kẻ còn bảo đó là quỷ dữ hiện hình. Ra đường, ai nấy thấy mặt Phương đều tá hỏa chạy xa, tránh như tránh tà. 

Nguoi-ca-Nong-Van-Phuong-gio-ra-sao
Căn bệnh vẩy nến khiến Ngô Văn Phương bị gọi là "người cá", "người rừng"...

“Hồi ấy, vợ chồng tôi đã cho cháu chạy chữa thầy lang này, y sĩ nọ. Nhưng, ai cũng lắc đầu xin hàng. Vì mông muội, thiếu hiểu biết nên tôi đành phải dựng căn lều ngoài bìa rừng gần nhà để cho cháu Phương ở ngoài đấy. Ngày ngày tiếp tế cơm nuôi cháu. Chứng kiến con phải chịu khổ mà thấy đau xót lắm anh ạ”, anh Liềng tâm sự.

Trong căn nhà rách, ngày ngày Phương thui thủi một mình. "Bố mẹ em chỉ đến đưa cơm chốc lát rồi về luôn. Không bao giờ ngủ lại. Muốn tắm cũng chẳng có nước. Ở đó mùa hè không sợ nóng, nhưng mưa bão, gió rét thì sợ lắm”, Phương kể.

Khi mùa đông đến, da của Phương bị khô, nứt thành rãnh như đất ruộng thiếu  nước, máu rỉ ra, đọng lại đen sì. Hơn 1 năm đầu, Phương còn khỏe, đi lại trong lều. Nhưng sang năm thứ 2 thì thân hình ngày càng teo tóp vì suy dinh dưỡng, chân bị khoèo và chỉ nằm hoặc ngồi một chỗ. Lúc buồn đi vệ sinh, Phương cố gắng lắm mới bò được ra mép lều. 

Năm 2005, khi biết tin Phương đang phải ở cách ly trong căn lều tồi tàn ngoài rừng, sức khỏe gần kiệt quệ, các cơ quan đoàn thể các cấp lập tức đưa em chữa trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang và Hà Nội. Đôi chân Phương dần dần khoẻ lại, 1 tháng tăng 3 kg. Thế nhưng, căn bệnh vảy nến thì không hề thuyên giảm.

Các bác sĩ bảo đây là bệnh mãn tính, chỉ có thể thoa thuốc và ngâm nước cho da đỡ khô và mềm mại hơn thôi.

Mặc dù mang bệnh trong người nhưng Phương rất hiếu học. Khi ấy, Phương khát khao được đến trường, được học con chữ như bao đứa trẻ cùng trang lứa.

Hành trình đến lớp của Phương cũng nhiều gian khó. Ban đầu Phương tự ti chỉ dám ngồi một mình, sợ các bạn kỳ thị mình như dân làng. Nhưng về sau, dưới sự chia sẻ của thầy cô, các bạn bè lại gần Phương hơn. Cuộc đời học sinh của Phương trở nên có màu sắc hơn. 

Phương của hiện tại - ước mơ có công việc ổn định tự nuôi sống bản thân

Gia đình Phương thuộc diện đói nghèo nhất nhì xã. Mẹ không được khỏe, bên dưới còn các em. Kinh tế gia đình hoàn toàn phụ thuộc ruộng nương vì thế khó khấm khá nổi.

Khi đến tuổi trưởng thành, Phương quyết định "đi xa" tìm kiếm cơ hội cho mình cũng như tìm cách giúp gia đình bớt khó khăn.

Theo VnExpress, Phương hiện đang làm bảo vệ ở xưởng gỗ tại huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh). 

Khoảng 15h ngày đầu tháng 9, bảo vệ Nông Văn Phương vội vã giở sổ sách, ghi lại giờ ra vào rồi cho công nhân ký tên. Xong việc, anh lại chạy về quận 11 tắm rửa, nấu cơm ăn chờ đến ca trực bảo vệ cho quán nhậu ở TP Thủ Đức.

"Có việc làm là quý lắm nên tôi chưa bao giờ từ chối dù có phải đi xa hay vất vả", chàng trai 25 tuổi, quê xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, nói.

Từ ngày vào Sài Gòn, Phương không nhớ nổi đã xin việc ở bao nhiêu nơi, nhưng đa số đều bị từ chối vì cơ thể "lạ" của mình.

Ngồi lặng một chút nghĩ về quá khứ, Phương tâm sự: Năm 2015, mẹ qua đời vì ung thư, gia đình càng khó khăn hơn. Cả năm chỉ có một mùa ngô, mùa lúa, chẳng đủ chi phí cho 3 anh em ăn học. Phương bàn với bố kế hoạch xuống Hà Nội tìm việc. Ông Liềng chẳng nói gì, trầm ngâm bên bếp lửa hồi lâu rồi khẽ gật đầu.

Một buổi chiều cuối năm 2016, Phương đón xe khách từ Hà Giang xuống Hà Nội, trong túi chỉ có vỏn vẹn 175.000 đồng. Anh lang thang khắp nơi tìm việc, tối ngủ co ro trên ghế đá. Sau nhiều lần bị từ chối, Phương được người ta thương tình nhận làm bảo vệ ở một cửa hiệu thời trang.

Hà Nội vào đông, trời rét khiến da Phương khô nứt, nhiều đoạn đứt toác ra, rỉ máu, lớp vảy bong ra rất nhiều. Một vài khách hàng nhìn anh ái ngại rồi với quản lý, thế là Phương đành nghỉ việc.

Lúc chán nản, anh được người quen gợi ý "vào Nam đi, trong đấy không có mùa đông". Suy nghĩ một hồi, Phương quyết định gom hết tiền tiết kiệm, mua vé tàu để "Nam tiến". "Khi đó tôi nặng chỉ 48 kg, vóc dáng nhỏ thó, lại thêm làn da vảy nến hay bong tróc nên đi xin việc người ta chẳng dám nhận", anh tâm sự.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, Phương nghĩ ra cách viết bài đăng lên mạng xã hội:  "Xin chào, em là Nông Văn Phương, một người mắc bệnh vảy nến từ nhỏ. Em vừa vào Sài Gòn và rất mong muốn tìm được một công việc. Nếu có nhu cầu, mọi người có thể liên hệ với em qua số điện thoại...". Vài ngày sau, một người liên hệ với anh nhờ giao giúp sầu riêng. Phương mừng đến rơi nước mắt.

Nguoi-ca-Nong-Van-Phuong-gio-ra-sao-8
Nông Văn Phương trong phòng trọ ở quận 11, ngày 4/9 (Ảnh: VnExpress)

Miền Nam không có ngày đông lạnh giá nhưng lại có những ngày hè nắng nóng như đổ lửa, ánh mặt trởi gay gắt khiến da ửng đỏ, bỏng rát như muỗi đốt. Mùa hè, Phương chỉ có thể giao vào lúc sáng sớm hoặc khi trời tắt nắng. Ra đường, anh luôn che kín cơ thể bằng áo dài tay, khẩu trang, mũ... Theo Phương, đây là cách để khách hàng không hoảng sợ.

Đơn hàng không thường xuyên khiến cuộc sống của Phương chật vật vô cùng. Có những hôm ngồi bó gối nghe diện thoại của bố, đến đoạn bố hỏi: "Con sống có ổn không?", cảm xúc của anh vỡ oà. Anh muốn kể với bố thật nhiều về những lần bị hắt hủi, bị từ chối, về khoản lương chẳng đủ trả tiền trọ, tiền ăn. Nhưng sau cùng, anh vẫn đáp: "Con ổn, bố ạ".

Tắt điện thoại, Phương lại vào việc. Cũng nhờ bài đăng trên MXH mà công ty bảo vệ đã gọi cho anh, mời thử việc ở cửa hàng tại quận 1. Người quản lý thương hoàn cảnh của Phương nên đã nhận vào làm nưng vẫn dặn dò "lưu ý đứng xa khách, em nhé".

Dù là ngày mưa tầm tã hay ngày nắng gắt, Phương vẫn cần mẫn làm việc, dắt xe cho khách, xếp xe, lau chùi yên. Phương tâm sự, bản thân khiếm khuyết thì phải làm việc gấp đôi, gấp ba người khác, làm cho thật tươm tất. 

Dịp giáp Tết năm đó, một khách hàng ở Gò Vấp cảm mến chàng trai chăm chỉ đã đề nghị tặng anh 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, anh từ chối bởi từ khi có việc làm, Phương chỉ mong ước sống được bằng sức của mình. Số tiền lương 6 triệu mỗi tháng được anh cân đối cho tiền thuốc, tiền ăn uống, tiền nhà trọ và chi phí đi lại.

Khi Tết đến, Phương chọn ở lại Sài Gòn thay vì về quê để tiết kiệm tiền. Ngày nghỉ với Phương rất cô đơn. Anh kể mình nhớ quay quắt mùi thịt lợn gác bếp, thèm ăn ngô nướng buổi sáng tinh mơ, hơ tay bên bếp lửa bập bùng. Nằm trong phòng trọ, Phương muốn ngày trôi qua thật mau để tiếp tục đi làm.

"Tôi không có nhiều bạn bè nên đi đâu, làm gì cũng chỉ có một mình. Từ khi bố có gia đình khác, hai em gái lấy chồng, nhiều lúc khó khăn, buồn tủi muốn gọi về nhà, tôi cầm điện thoại lên rồi lại đặt xuống. Hơn ba năm qua, tôi vẫn cố gắng để tự lo cho mình. Với một người bệnh tật từ khi còn bé, tự lo được cũng là điều hạnh phúc rồi", Phương nói.

Nhắc đến Phương, anh Nguyễn Bảo Toàn (39 tuổi, cùng xóm trọ) kể: Dù bệnh tật nhưng Phương sống rất tự trọng. Có giai đoạn, công ty bảo vệ thiếu người nên cho anh vào làm, khi tìm được người họ cho nghỉ vì ngại bệnh vẩy nên. Không có tiền thuê trọ, Phương đi lang thang khắp nơi và được anh Toàn rủ về sống cùng. 

"Lúc đầu, mọi người cũng ngại bệnh vảy nến nhưng sau đều cảm mến vì tính tình hiền lành, chịu thương chịu khó của Phương", Toàn kể. Sau khi có lại việc làm, Phương lập tức gửi trả lại số tiền đã mượn và chia đều tiền thuê nhà, tiền xà bông, tiền gas... với mọi người.

Hiện tại, Phương được nhận vào làm bảo vệ, trông coi công nhân cho một xưởng gỗ. Ngoài thời gian đó, mỗi lần có người thuê trực ở nơi khác, anh đều nhận. Có ngày, thời gian làm việc của Phương lên đến 12 tiếng, kết thúc khi trời tờ mờ sáng.

"Đi qua nhiều khó khăn, tôi tin rằng hôm nay mình sống tử tế, ngày mai sẽ là ngày tươi sáng hơn", Phương nói.

Xem thêm: Nghẹn lòng trước mong mơ nhỏ nhoi của Thảo Nhi: "Ước bố được ra tù, không làm điều dại dột nữa"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận