Ngòi bút Nam Cao [P1]: Nhà văn trẻ viết về giới trẻ trong xã hội thuộc địa

Cảnh cơ cực của lớp thanh niên trẻ đồng quê thời ấy là nguồn cảm hứng để Nam Cao sáng tác nên những tác phẩm giá trị.

Đỗ Thu Nga
13:00 13/07/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nam Cao là nhà văn có lòng thương cảm với số phận người nông dân và tri thức nghèo bị chế độ quân chủ và thực dân bóc lột. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ sẽ thấy, ông không chỉ cảm thán về nghèo đói hay mâu thuẫn giai cấp mà còn vượt khỏi khuôn mẫu để phác họa thế giới phức tạp hơn, nơi các thể chế xã hội áp đặt con người, đặt vấn đề về nguồn gốc đau khổ và tìm kiếm hạnh phúc ngay trong biến động của cuộc đời. Đây cũng chính là những thách đố khiến nhiều người trẻ hiện đại quan tâm và khao khát tìm lời giải đáp.

Đế chế thực dân Pháp bắt đầu đô hộ Việt Nam từ cuối thế kỷ 19. Quá trình kiến thiết thuộc địa đã dẫn đến thay đổi chóng mặt về kinh tế và xã hội; kéo theo đó là va chạm giữa trào lưu Âu hóa và văn hóa bản địa, bất bình đẳng xã hội gia tăng ở nông thôn, và hệ thống quan liêu bòn rút nông dân bằng sưu thuế.

Nam Cao lớn lên trong bối cảnh như thế. Ông được nuôi dưỡng trong một gia đình Công giáo trung lưu ở làng Đại Hoàng, tỉnh Hà Nam, nơi phần lớn người dân sống bằng nghề nông. Tại đây, ông chứng kiến quá trình thực dân hóa tàn bạo, khai thác quá mức các nguồn lực nông thôn và dẫn đến cảnh cơ cực của lớp thanh niên đồng quê. Niềm cảm hứng để ông tạo nên các nhân vật sống động đến từ những con người thật của làng Đại Hoàng.

nam-cao-nha-van-tre-viet-ve-gioi-tre-trong-xa-hoi-thuoc-dia-0
'Chí Phèo', 'Đời Thừa' — Hai truyện ngắn quen thuộc của Nam Cao trong Truyện ngắn Nam Cao xuất bản năm 1976 bởi NXB Văn học Giải phóng

Đời tư của Nam Cao cũng rất nhiêu khê. Ông từng ở với bà ngoại, một người phụ nữ cay nghiệt, từng khiến vợ ông phải ba lần bỏ nhà đi. Ông có thể trạng kém, thường hay bệnh và cũng trải qua những khánh kiệt về tài chính do nền kinh tế đình đốn thời Đệ nhị Thế Chiến. Những chuyện này đã tác động đến sự suy thoái tinh thần và góc nhìn của ông. Vốn là một người kiệm lời, Nam Cao ít khi kể cho người khác về nỗi buồn của bản thân mà trải lòng mình qua từng dòng chữ.

Một điểm quan trọng chúng ta cần nhớ là Nam Cao là một giọng văn trẻ của thời mình. Hầu hết truyện của ông được sáng tác từ khi ông 20 đến khi qua đời năm 36 tuổi. Ông cũng đa phần viết về những nhân vật ở giai đoạn cuộc đời mà ngày nay, chúng ta dùng từ "thanh xuân" để diễn tả.

Đặc biệt, Nam Cao đối diện với các vấn đề của giới trẻ và chia sẻ với tuổi trẻ mọi thời đại nỗi khắc khoải về sự đè nén của thể chế xã hội, về nỗi đau và hạnh phúc. Ba vấn đề ấy vẫn giữ nguyên tính thời sự với thanh niên đương đại, điều mà Phong Lê, nhà nghiên cứu về Nam Cao, gọi là “chuyện cũ mà mới.”

Xem thêm: Từ "Đôi mắt" của Nam Cao nghĩ về cách nhìn cuộc sống

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận