Bàn về: Miếng ăn và nước mắt trong tác phẩm của Nam Cao

"Miếng ăn" và "nước mắt", hai hình ảnh không quá xa lạ trong văn học nhưng lại ánh lên nét riêng biệt qua ngòi bút của Nam Cao.

Đỗ Thu Nga
4 ngày trước Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đôi nét về quan điểm sáng tác của nhà văn Nam Cao

"Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp người lầm than." Đó là quan điểm sáng tác của nhà văn Nam Cao, một cây bút xuất sắc của dòng văn học hiện thực trong giai đoạn văn học trước Cách mạng, một chất văn "ngoài lạnh trong nóng", giấu giọt nước mắt thương xót cho người, cho đời sau lớp câu chữ đầy đắng cay. Các sáng tác của Nam Cao luôn hướng về những con người cùng khổ trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng, viết về cuộc sống, về nỗi khổ và những cuộc giằng xé trong nội tâm của người nông dân và người trí thức nghèo "bị miếng cơm manh áo ghì sát đất". Luôn xuất hiện để đẩy những tình huống giằng xé lên cao trào là hai hình ảnh "miếng ăn" và "nước mắt", hai hình ảnh không quá xa lạ trong văn học nhưng lại ánh lên nét riêng biệt qua ngòi bút của Nam Cao. 

Hình ảnh "miếng ăn"

Từ lâu, trong cả đời sống văn hoá tinh thần và xuyên suốt chiều dài văn học, hình ảnh "miếng ăn" luôn đi cùng với nỗi khổ của con người. Với quan niệm "Miếng ăn là miếng nhục", hình ảnh này luôn đem đến cho người đọc những liên tưởng về cái đói nghèo, về sự vùng vẫy của con người trong gông cùm xiềng xích của miếng cơm manh áo. Vì miếng ăn, con người có thể trở nên gàn dở, xấu xí trong sự bần cùng của kẻ đang vật vã bên bờ vực của cái đói và cái chết, hay cũng có thể trở nên tha hoá chỉ vì chút "miếng tồi tàn" bỏ vào miệng để kéo dài hơi tàn và tồn tại trong một xã hội nghiệt ngã khổ đau. Miếng ăn làm con người ta mất đi nhân hình, nhân tính; hoặc khác đi, nó là thứ xiềng xích trói buộc con người trong vòng luẩn quẩn không lối thoát, là thứ đè ép những ước mơ, những triết lý suy ngẫm của đời người để chúng trở thành sáo rỗng, vớ vẩn. 

mieng-an-va-nuoc-mat-trong-tac-pham-cua-nam-cao-8

Nếu nói miếng ăn là bi kịch của tâm hồn con người, thì “Một bữa no” chính là một bi kịch như thế. Một bi kịch mà từ cái miếng ăn bỏ vào miệng lại dẫn bà cái Tí đến chỗ chết, chết cả về thể xác lẫn tinh thần. Miếng ăn là cái bẫy đặt giữa ranh giới mong manh của nhân tính con người, một cái bẫy khiến cho con người ta phải có sự đấu tranh gay gắt trong tâm, thậm chí ám ảnh và chỉ cần sẩy chân một chút thôi, cái bẫy đó cũng sẽ lôi tuột ta vào hố đen của sự độc ác, vô liêm sỉ, hay những gì xấu xí nhất. Đặc biệt là vào thời kì đói khát trước cách mạng, con người lại càng dễ tha hoá hơn. Bà cái Tí - một số phận thê thảm, một thân già cô đơn, cố gắng đấu tranh để sống sót, nghèo đói đến nỗi phải đi ăn xin người ta trong cái đói vì nhịn suốt bao ngày ròng. Nhưng rồi sự đấu tranh lên đến cực điểm và kết thúc bằng một bữa no duy nhất trong đời bà lão. Cách ăn chực của bà cụ ở nhà mụ Phó Thụ được Nam Cao miêu tả tỉ mỉ: "Bà ăn nhanh, ăn vội, cố theo kịp người ta vì sợ người ta ăn hết mất. Bà già lập cập ăn vội nên rớt cả mắm ra ngoài… Sau đó lại còn cạo nồi sồn sột…". Đâu chỉ dừng lại ở hai chữ miếng ăn, Nam Cao còn nhấn mạnh vào miếng nhục, là nỗi nhục của con người trong hoàn cảnh tồi tàn khốn khổ nhất, nỗi nhục của một kẻ đói nghèo dẫu bị xỉa xói mỉa mai, dẫu cho danh dự bị chà đạp vẫn từ bỏ tất cả để chằm chặp đôi mắt thèm thuồng vào niêu cơm đã gần hết. Bắt đầu từ giây phút bà cúi đầu nhục nhã, nhân phẩm của bà đã chết rồi, bà từ bỏ nhân tính của mình để sống như một con vật đói khát, hành động bằng bản năng và không có tính người. Chính cái miếng ăn đó đã kéo bà cụ vào cái chết thê thảm, chết vì ăn, cũng như dấu chấm hết cho một số phận bạc bẽo đã không thể chống chọi lại cuộc đời. Miếng ăn, chính là miếng nhục, là một thứ tưởng như quá đỗi đơn giản và tầm thường nhưng lại có tác động đến ý thức và hành vi của con người, điều khiển nó để thoả mãn cơn đói của những người nông dân nghèo khó trong xã hội thực dân nửa phong kiến. 

Đến với "Đời thừa", ta đến với nỗi khổ tâm của kẻ trí thức nghèo trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng. Ta đến với nỗi khổ tâm của Hộ, một kẻ đã từng nuôi hoài bão có một tác phẩm đạt giải Nobel, một tâm hồn hãy còn say với lửa ấm của văn chương nhưng cũng vì miếng ăn, vì xoay sở cho cuộc sống cơm áo gạo tiền mà viết nên những dòng văn vội vàng, cẩu thả làm người ta "quên ngay sau lúc đọc". Và thế là vì miếng ăn, Hộ phản bội lại chính mình. Hắn cay đắng nhận ra mình chỉ là người thừa và đang sống một cuộc đời thừa khi không mang đến bất kì điều gì mới mẻ cho văn học. Và ta lại phải chứng kiến thêm một cái chết nữa, cái chết của người nghệ sĩ sáng tạo bên trong Hộ. Miếng cơm manh áo ghì hắn xuống sát đất, biến những ước mơ của Hộ trở thành viển vông, biến văn chương trở thành vài dòng chữ cẩu thả và hư cấu hão huyền và chẳng đem đến cho Hộ một xu một cắc nào cả. Và thế là, miếng ăn tàn bạo ấy đã đè nén con người, khiến cho chút tự tại thoải mái trong tâm hồn họ cũng chẳng còn tồn tại; đốt cháy, thiêu rụi ước mơ của họ để lôi họ quay lại cái hiện thức quá đỗi tàn khốc, đau thương.

Hình ảnh "nước mắt"

Những sáng tác của Nam Cao khắc hoạ lên một bức tranh với góc nhìn về những con người đói khổ oằn mình chống chọi lại cuộc sống, về cách mà nó huỷ diệt đi cả sinh mạng, ước mơ lẫn nhân tính của họ. Giọt nước mắt trong các tác phẩm là biểu hiện của lương tri, của tấm lòng thiện lương của con người, trái ngược với miếng ăn dường như là nguyên nhân dẫn đến sự tha hoá. Còn rơi nước mắt chính là còn nhân tính, bởi thế, giọt nước mắt của các nhân vật trong sáng tác của Nam Cao chính là nét sáng ngời để thể hiện được vẻ đẹp trong tâm hồn của những con người tưởng chừng như gàn dở, xấu xa, bỉ ổi.

Một trong những kẻ gàn dở, xấu xí nhất trong sáng tác của Nam Cao nói riêng và văn học Việt Nam nói chung chính là nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên. Khoảnh khắc hắn ngồi “ôm mặt khóc rưng rức” sau khi bị thị Nở bỏ rơi thực sự khiến người đọc phải giật mình. Những dòng nước mắt của Chí không chỉ là giọt nước mắt của một kẻ thất tình, bị người yêu từ chối, mà đau lòng hơn, giọt nước mắt ấy còn là của một con người bị dồn tới bước đường cùng sự đau khổ, tối tăm, muốn trở lại làm người lương thiện nhưng lại bị khước từ. Giọt nước mắt của Chí thể hiện cho một nỗi bi kịch đã biến hắn từ một anh nông dân với ước mơ nhỏ nhoi, đẹp đẽ thành một tên đầu đường xó chợ lang thang khắp đầu làng cuối xóm trong men rượu, thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. 

mieng-an-va-nuoc-mat-trong-tac-pham-cua-nam-cao-9

Quay trở lại với Hộ của "Đời thừa", ta cũng thấy được những giọt nước mắt. Hộ yêu và say mê với nghề văn của mình, một niềm say mê với lí tưởng trong trẻo và mãnh liệt: “Rồi các anh xem… Cả một đời tôi, tôi sẽ chỉ viết một quyển thôi, nhưng quyển ấy sẽ ăn giải Nobel và dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên toàn cầu.” Nhưng như những người trí thức nghèo khác, áp lực cuộc sống sớm đưa Hộ vào những bi kịch liên tiếp của cuộc đời. Cuộc sống cơm áo ngày càng khó khăn khiến cho ước mơ của hắn trở thành hão huyền và tình cảnh của hắn hoàn toàn bế tắc và cũng đương lúc ấy, gia đình trở thành gánh nặng trong mắt hắn. Và nhiều khi, không còn chịu nổi cái không khí bực tức ở trong nhà, hắn đang ngồi "bỗng đứng phắt lên, mắt chan chứa nước, mặt hầm hầm, vùng vằng đi ra phố, vừa đi vừa nuốt nghẹn.” Giọt nước mắt của hắn thể hiện lên hai bi kịch cuộc đời, bi kịch vỡ mộng văn chương và bi kịch phải sống một cuộc đời thừa thãi.

Mối quan hệ giữa hai hình ảnh

Có thể nói, miếng ăn và nước mắt là hai hình ảnh trái ngược nhau. Miếng ăn, cái đói cái nghèo là yếu tố đẩy con người đến bước đường tha hoá, trở nên xấu xí, tham lam, tàn phá tâm hồn của con người.. Giọt nước mắt thì lại không như thế. Nó không phải gông cùm kìm kẹp và đè nén con người, mà nó là thứ để ta soi chiếu, để ta nhận ra rằng dẫu có biến chất đến nhường nào thì căn cốt lương thiện của con người vẫn không thay đổi. Nước mắt đâu chỉ là sự thống khổ, bất lực, bi ai của con người giữa thời buổi loạn lạc, nó còn là điểm sáng của nhân phẩm tưởng như đã bị vẩn đục bởi cái khổ đau ngoài xã hội. Như thế, ta thấy được hai chiều hướng phản ánh đối lập của hình ảnh miếng ăn và nước mắt. Bị miếng ăn đày đoạ nhưng vẫn giữ được giọt nước mắt nhân tính, đó đã là cả một sự đấu tranh trong nội tâm để con người ta không rơi xuống vực thẳm sa ngã. Các sáng tác của Nam Cao thể hiện chủ nghĩa hiện thực khi phản ánh sâu sắc đời sống của nông dân và trí thức nghèo vật vã trong miếng ăn, nhưng vẫn đậm tình đời, tình người. Nếu như miếng ăn đại diện cho những giá trị hiện thực, thì nước mắt sẽ là đại diện cho những giá trị nhân đạo trong các sáng tác của nhà văn. Nhà văn phát hiện ra những nét đẹp của bản chất con người sau cái xấu xí, bỉ ổi, đó chính là tinh thần nhân đạo, nhân văn trong các tác phẩm của của Nam Cao.

Xem thêm: Chuyện nhà văn: Nơi Nam Cao nằm xuống cũng có tên Vũ Đại

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận