Mị không còn "lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa"

Sức phản kháng mãnh liệt của Mị được miêu tả rõ nét trong đêm tình mùa đông. Mị cởi trói, chạy trốn cùng A phủ.

Đỗ Thu Nga
15:00 28/03/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

“Ở đời này, chúng ta. 

Đứng trên đầu địa ngục. 

Ngắm hoa” 

(Thơ Haiku - Basho) 

Cuộc sống dung chứa vô vàn khổ hạnh mà ta phải đối mặt, phải “Đứng trên đầu địa ngục” mang theo mong ước “Ngắm hoa” để vượt qua bao gian truân, khó khăn ở đời bằng chính sức sống, sự mạnh mẽ bên trong mình. Đó cũng chính là cách nhân vật Mị trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài đã bằng tất cả nghị lực kiên cường để vươn lên, bằng sức sống mãnh liệt vượt qua bao bi kịch cuộc đời trong đêm mùa đông cởi trói và chạy trốn cùng A Phủ: “Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn... Và hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi”.

Nhìn về phía Tô Hoài, người đọc thấy được một con người, một chất văn chuyên nghiệp bậc nhất nơi người nghệ sĩ tận tụy một đời cống hiến cho văn chương. “Vừa vào nghề sớm lại vừa kéo dài tuổi nghề - một sự kéo dài đàng hoàng chứ không phải lê lết trong tẻ nhạt - đời văn Tô Hoài gợi ra những hình ảnh một dòng sông miên man chảy và mang trong mình cả cuộc sống bất tận” như Vương Trí Nhàn đã nhận xét. Thật vậy, không những sở hữu lượng tác phẩm đồ sộ nổi bật trên bầu trời văn học Việt, Tô Hoài còn khiến đời văn của mình giàu ý nghĩa như chở mang theo cả “cuộc sống bất tận”  từ muôn vàn nếm trải. Trong đó, chuyến đi dài tám tháng qua vùng cao cùng bộ đội để giải phóng Tây Bắc, để hiểu và biết về cuộc sống và con người nơi đây đã trở thành nguồn cảm hứng thúc đẩy ông viết thiên “truyện Tây Bắc”, tập truyện được trao Giải Nhất Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1954 - 1955. Trong đó nổi bật là truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” (1952) kể về về cuộc sống tối tăm, tủi nhục và số phận nhỏ bé của con người lao động vùng núi cao cùng quá trình vùng dậy vươn lên đi theo ánh sáng Cách mạng của họ.

Nhân vật Mị đại diện cho thân phận người phụ nữ bị giày xéo tàn độc trong xã hội cũ, bị giam hãm trong cuộc sống tăm tối nhưng đã can đảm vùng dậy phản kháng, mạnh mẽ bước về phía tự do. Vì món nợ truyền kiếp thuở cha mẹ mãi vẫn không trả nổi, Mị bị A Sử - con trai nhà thống lí Pá Tra bắt về trừ nợ. Đối lập với tính cách chai sạn, trơ lì sau khi bị bắt làm con dâu gạt nợ, Mị cũng đã từng là một cô gái xinh đẹp, yêu đời, yêu tự do; có tài thổi sáo điệu nghệ Mị khiến bao chàng trai trong làng mến mộ “Trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị” và “Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng phải như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”. Vì sinh ra trong gia cảnh nghèo khó, Mị trưởng thành sớm, thấu hiểu giá trị lao động và vươn lên bằng chính sức mình. Hơn thế, cô gái ấy luôn có chính kiến, kiên quyết khước từ cuộc hôn nhân trừ nợ bị sắp đặt đầy bi kịch và toan có ý định tự tử để giải thoát mình khỏi sự giam cầm; nhưng cuối cùng, vì chữ hiếu với người cha già yêu thương, Mị từ xung phong gánh trách nhiệm trả nợ cho bố “con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố bố đừng bán con cho nhà giàu” đến bước đường cùng phải đánh đổi thanh xuân trở thành con dâu gạt nợ mà chưa từng oán than, trách móc. Năm tháng hoang hoải trôi qua, men theo tiếng sáo gọi bạn, Mị lần về kỉ niệm thời quá vãng, trỗi dậy sức sống tiềm tàng, nảy nở ý thức về bản thân và cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Mị tìm cách đi chơi xuân theo tiếng sáo, trong men rượu say nhưng không thành, cô bị A Sử trói đứng vào cột một cách dửng dưng, bình thản và tàn bạo. Đến khi A Sử bị thương, Mị mới được cởi trói để chăm sóc vết thương cho hắn và cuộc vượt thoát để tìm về ngày xuân đẹp đẽ đã không trọn vẹn, khiến Mị càng lầm lũi, cam chịu và buông bỏ hy vọng cho bản thân mình. 

mi-khong-con-lui-lui-nhu-con-rua-nuoi-trong-xo-cua

Mùa đông “dài và buồn” của đất trời Tây Bắc với bao lạnh lẽo, rét buốt đã xâm chiếm cõi lòng Mị. Bao năm, Mị vẫn quanh quẩn với công việc dày đặc làm đi làm lại, cả đêm cả ngày, khiến cô chỉ còn biết đến ngọn lửa để bầu bạn, để khỏa lấp nỗi cô đơn. Trong cuốn “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới”, Jean Chevalier từng viết tìm hiểu biểu tượng là tìm ra “chìa khóa của những con đường đẹp đẽ.... Vượt qua cái dáng vẻ bên ngoài, ta thấy được những chân lý, niềm vui, những ý nghĩa ẩn kín và thiêng liêng của mọi điều trên mặt đất quyến rũ và kinh khủng này”. Trong truyện ngắn, ngọn lửa là hình ảnh có tính chất tượng trưng và nếu ta phủi đi lớp bụi bên ngoài sẽ bắt gặp chân lý, một tín hiệu thẩm mỹ về sự tái sinh, sức sống mãnh liệt và kỳ diệu của nhân vật. Ngọn lửa mà cô vẫn thổi hàng đêm không chỉ mang đến hơi ấm “hơ tay, hơ lưng”, mà còn cầm cự tâm hồn. Hơn mười ba lần nhắc đến ánh lửa, nhà văn miệt mài thắp lên sự sống, thắp lên tình yêu, thắp lên niềm tin cầm cự cho nhân vật: “Nếu không có bếp lửa sưởi kia thì Mị cũng đến chết héo”. Qua hai từ “chết héo” đã phản chiếu chính xác nhất trạng thái của nhân vật bấy giờ: tê liệt tinh thần và vắt kiệt thể xác. Sớm thôi, chẳng phải chết vì cóng lạnh mà Mị sẽ chết mòn vì mất đi sức sống. So với ngọn lửa thắp lên đêm tình mùa xuân, ánh lửa để “níu kéo không để sự vô vọng đi đến tuyệt cùng” chói loà hơn, dai dẳng hơn để đợi chờ đến hình ảnh sức ảnh hưởng sâu thay đổi khốn quẫn của cô gái người Mèo kia. Đã nhiều người cầm bút gửi gắm thông điệp quý báu của mình vào hình ảnh ngọn lửa như bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt, có một ngọn lửa đã “cháy” âm ỉ từ đầu đến cuối, một ngọn lửa luôn ủ, được nhóm bởi người bà. Ngọn lửa đó là đại diện kỷ niệm thiêng liêng quãng thời gian cháu cùng bà chia ngọt sẻ bùi, đại diện cho tình yêu vĩnh hằng cả hai và cho tinh thần bền bỉ đã phải trải qua thăng trầm, biến cố. Dù là hình ảnh ngọn lửa Mị sưởi ấm trong đêm đông hay bếp lửa được thổi mỗi sớm mai của bà đều điểm tựa tinh thần cho nhân vật, đều vun đắp ý nghĩa ẩn kín và thiêng liêng.

Trong đêm đông ấy, Mị gặp A Phủ - một nhân vật được tác giả hình dung vô cùng gai góc, dạn dĩ, khoẻ khoắn và dũng cảm, anh “chạy nhanh như ngựa” và “đi săn bò tót rất bạo”. Vào ngày tết dù chẳng có một bộ quần áo đẹp nhưng A Phủ vẫn đi chơi, vẫn đi tìm người yêu. Khốn khổ thay, người thanh niên trai tráng như A Phủ cũng không tránh nổi số phận bị chà đạp, bị bần cùng hóa. Nếu như Mị con dâu gạt nợ thì A Phủ là đứa ở trừ nợ. Vì tranh chấp với A Sử, anh bị đẩy vào cảnh nô lệ truyền kiếp “Đời mày, đời con, đời cháu mày tao cũng bắt thế bao giờ hết nợ mới thôi”. Bị xem là con trâu, con ngựa theo đúng nghĩa đen, sinh mệnh của A Phủ rẻ rúng đến đáng thương. Một hôm vì mải mê bẫy nhím mà đánh mất bò, anh  bị phạt bị trói đứng vào một cây cột trong góc nhà. Trong mấy đêm liền A Phủ bị trói “nhưng Mị vẫn thản nhiên thổi lửa, hơ tay. Nếu A phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi”. Đối với Mị, A Phủ - một người còn sống không khác gì một cái xác chết, Mị không hề dao động cảm xúc dù chỉ là một chút nhỏ nhoi nhất. Cụm từ “cũng thế thôi” là lời văn nửa trực tiếp được tách riêng nhịp thể hiện thái độ bạc bẽo, lạnh lùng của Mị đã bị đẩy lên đỉnh điểm. Ngay lúc này trong mắt Mị chỉ có một sự tồn tại duy nhất là ngọn lửa. Điệu bộ thản nhiên đó lại vô hình trung trùng lặp với thái độ A Sử hành hạ Mị hay thái độ mọi người xung quanh bàng quan khi thấy Mị bị trói “không ai để ý, họ xúm cả lại quanh giường A Sử”. Thế mới hiểu, đời sống trong nhà thống lí vốn không có chỗ cho lòng thương, lương tri và việc dửng dưng khốn khổ của người khác đã thành lệ thường. Huống hồ Mị đã hoá một vật vô tri vô giác, một thể xác đánh mất linh hồn đến không còn màng đoái hoài hay e ngại trước nỗi đau của bản thân, hoàn toàn buông xuôi trước số phận: “A Sử đánh Mị ngã xuống cửa bếp. Nhưng đêm sau Mị vẫn ra sưởi như đêm trước”. Cho nên có phải quá bất công nếu đòi hỏi con người đó đồng cảm hay mủi lòng trước bất công của kẻ không phải mình?

Ta chưa từng bắt gặp A Phủ khóc, dù bị đánh đập, làm nhục cũng luôn “im như cái tượng đá”. Nhưng khi bị đặt giữa sống chết, A Phủ đã khóc, lăn dài trên hai hõm má anh là giọt nước mắt kết tinh của bao cô độc, bất lực và yếu đuối “một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”. Trớ trêu thay chàng trai tráng kiện cũng không thể tự cứu mình, anh trơ trọi giữa nhà như một vật bài trí tầm thường, không ai thương xót. Tô Hoài đã tỉ mỉ “đãi cát tìm vàng” khi khéo léo sử dụng từ "bò" thể hiện sức nặng phía sau của giọt lệ, nó dung chứa vô vàn cảm xúc phức tạp vào thời khắc cận kề cái chết. Trong ánh lửa bập bùng, trên nền xám đen của hai hõm má, một thứ lấp lánh chiếm trọn ánh mắt Mị. Đó là một chi tiết nghệ thuật đắt giá của cả mùa đông “biến nỗi thống khổ” của cả hai nhân vật thành “tiếng hát vô biên”, một tiếng hát một mặt bộc lộ cảm xúc tuyệt vọng, mặt khác mang sức mạnh thức tỉnh sức sống tiềm ẩn của cả hai phận người.

Tuy trước đó chứng kiến cảnh A Phủ bị tra tấn, Mị vẫn lạnh lùng vô cảm. Nhưng tin chắc rằng tận sâu tâm khảm Mị vẫn còn ngọn lửa le lói, vẫn còn khát vọng sống, vẫn hay lé mắt trông sang quan tâm sự sống chết của con người xa lạ kia, sự quan tâm rất nhỏ đến chính Mị cũng không hề hay biết. Vì thế sự xuất hiện thứ “lấp lánh” lập tức làm Mị thức tỉnh, tựa như một gõ mạnh vào tim nứt toạc lớp bọc kia để những tia sáng chiếu chữa lành tâm hồn cằn cỗi. Có những ký ức tràn về, ký ức đêm tình mùa xuân cất giấu sâu đáy lòng mà cô không thể quên được “Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải trói đứng thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được.” Có quy tắc bất biến trong cho đi rằng “yêu bản thân mình trước khi yêu người khác”. Giọt nước mắt đánh thức ý nghĩ về tình cảnh của bản thân: Mị cũng đã từng bị trói, từng khóc lóc như đứa trẻ. Qua đó, Mị phát triển sự đồng cảm cho người cùng cảnh ngộ, bởi đồng cảm là cầu nối gắn kết những số phận khốn khổ kia lại với nhau.

Nếu như trong đêm tình mùa xuân, tác giả khơi dậy ý thức thân phận của Mị trong cuộc hôn nhân cưỡng ép qua những men rượu, tiếng sáo, tiếng chó sủa xa xa thì lần này, ông dùng ngọn lửa trong đêm mùa đông để lưu giữ sức sống tiềm tàng, dùng giọt nước mắt để Mị bám víu và quật dậy ý thức về kẻ thù “Trời ơi, nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác”. Dòng nước mắt là một chất xúc tác gây “phản ứng dây chuyền nó nối lại ba số phận” (Trần Đình Sử). Có sự biến chuyển chấn động trong tâm lí Mị, từ lạnh lùng vô cảm sang thương mình, thương người; từ thấu hiểu tường tận những tuyệt vọng đang vây lấy A Phủ đến mong muốn giải thoát cho anh: “Cơ chừng này chỉ đêm mai là người ta chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết”. Điệp từ “chết” được nhà văn lặp lại tận năm lần bộc lộ sự khẩn thiết, nguy cấp của A Phủ. Không chết vì đau cũng sẽ chết đói, chết rét - cái chết được định sẵn, bị ghì chặt vào từng mảnh thịt bởi sợi xích của cường quyền và thần quyền. Mị bắt đầu chất vấn thực tại bất công: “Ta là thân phận đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma rồi, chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi... Người kia việc gì mà phải chết”. Khi một người phụ nữ nảy sinh ý nghĩ bất bình với những điều đã từng cắn răng cam chịu, cũng là lúc cuộc nổi loạn bắt đầu. Lúc này, ngọn lửa ngoại cảnh chợt tắt nhưng ngọn lửa trong đáy mắt Mị vẫn bập bùng: “Ðám than đã vạc hẳn lửa. Mị không thổi, cũng không đứng lên”. Chỉ một câu văn ngắn “Mị nhớ lại đời mình” đã mở ra một thước phim, tua ngược thời gian bên trong Mị, bên trong độc giả về cuộc đời cô từ ngày tự do, yêu đời đến ngày bị cướp về làm dâu trừ nợ; về chuỗi ngày cơ cực bị đối xử một công cụ lao động, về lúc chực chờ trông ra “lỗ vuông mờ mờ trăng trắng” đợi đến ngày nhắm mắt xuôi tay mới thôi và về ngày xuân cô bật dậy khát khao nhưng bị người chồng vũ phu chặn đứng... Từ đó, lòng thương người trong cô bừng dậy mạnh mẽ. Không giống trạng thái chập chờn giữa mê và tỉnh, giữa hiện tại và quá khứ vào mùa tết năm ấy, tư duy của cô giờ rõ ràng hơn cả. Mị hiểu cặn kẽ và biết trước kết quả sẽ xảy ra nếu như cứu A Phủ “lúc đó bố con Pá Tra sẽ bảo là Mị đã cởi trói cho nó, Mị liền phải trói thay vào đấy, Mị phải chết trên cái cọc ấy”. Ai có nhớ rằng Mị từng sợ chết, sợ chết đứng, chết trói khi nhớ về cái kết đau thương của người đàn bà xấu số kia: “Mị sợ quá, Mị cựa quậy, xem mình còn sống hay chết”, nó là nỗi sợ cái chết có tính bản năng, nhưng trong giây phút này, Mị đã vượt lên cả nỗi sợ ấy. Đêm xuân Hồng Ngài qua đi chóng vánh nhưng nó đã trở thành bước đệm cho đêm đông Mị dùng sức quật lên, cho nên giờ đây nghĩ đến phải chết thay cho A Phủ “làm sao Mị cũng không thấy sợ...”. 

Khoảnh khắc chứng kiến dòng nước mắt của A Phủ đã điểm tô màu sắc vào lăng kính trắng xám của cô con dâu gạt nợ đó. Tác động còn to lớn đến mức lòng xót thương cho một con người bị đọa đày cho đến sức cùng lực kiệt đã chiếm trọn tâm can, trở thành ý nghĩ duy nhất khiến Mị sẵn sàng hi sinh bản thân mình. “Mị rón rén bước lại” và “Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mị cũng hốt hoảng”. Hai từ rón rén và lần lần tựa như mỗi bước đi của Mị đang chập chờn trên tấm băng mỏng. Tô Hoài đã tuân thủ nguyên tắc chặt chẽ trong việc khắc họa hình tượng nhân vật, bởi từng chi tiết, diễn biến về tâm lí của cô gái người Mèo đã được nhà văn diễn giải và trình bài theo tuần tự một cách xuất sắc và logic từ những cặp nghịch lý. Trong tác phẩm, ông nhiều lần nhắc đến sự sống và cái chết, lần lượt đặt nhân vật Mị vào tình thế đối mặt bờ vực sinh tử, từ đó lại thức tỉnh khát khao chôn sâu tận đáy lòng mình: “một mặt Mị cam chịu, nhẫn nhục đến bạc nhược; mặt khác, Mị lại kiên quyết đến bướng bỉnh” và “những lúc thèm sống nhất, Mị chỉ muốn chết; khi không tưởng đến cái chết nữa chính là lúc Mị chán sống cùng cực”. Những cặp nghịch lý đối cực nhưng đã giải thích rất xác đáng cho từng diễn biến tâm lí hay hành động của cô. Đỉnh cao của cuộc nổi loạn là giây phút Mị đứng lên cắt dây trói giải thoát cho A Phủ. Trong A Phủ, Mị đã trông thấy hình ảnh của bản thân mình, cho đến khoảnh khắc cắt xong dây trói cũng chính là lúc “Mị cũng hốt hoảng”, bất giác thì thào hai từ “đi ngay” chan chứa khát vọng sống và tự do mãnh liệt. Không rõ cô đang nói với A Phủ hay tự nhủ với chính mình? Và rồi Mị “nghẹn lại”, cảm xúc trào dâng mãnh liệt, nhìn thẳng vào hình ảnh A Phủ bị hành hạ suốt nhiều đêm liền nhưng khi mất đi trói buộc đã “khuỵu xuống không bước nổi” rồi “quật sức vùng lên” chạy nhanh về phía trước - đó chính là hiện thân sống động nhất sự tự do bền bỉ, sức sống dữ dội và dai dẳng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Mị. Trong giây phút một mình giữa bóng tối đã có vô số ý nghĩ vụt qua đầu Mị: hiện thực về kết cục phải chết, một cái chết cầm chắc và không thể né tránh đang đến rất gần. Nếu như trong thơ có nhãn tự hội tụ mọi tình cảm, quan niệm được gửi gắm thì trong truyện ngắn này đã có câu văn tập trung nhiều tâm huyết của tác giả: "Mị đứng lặng trong bóng tối", tựa như một "cột mốc" đánh dấu sự “trở mình” của Mị.  Đối cực giữa ngoại cảnh và nội tâm một lần nữa xuất hiện: “Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi. Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc”, chuỗi câu văn thể hiện sự dồn dập gấp gáp của Mị, cô đã can đảm thắp sáng ngọn lửa tâm hồn và mang theo nó chạy về phía tự do, tìm sự giải thoát cho riêng mình: “A Phủ cho tôi đi” - lời khao khát cháy bỏng từ tận đáy lòng cô. Mị đã không phải gián tiếp thể hiện khát vọng sống một cách mâu thuẫn như nghĩ về lá ngón hay che đậy cảm xúc thật sống tạm qua ngày như trước kia nữa. Ba từ đơn giản: “Đi với tôi” cùng phân cảnh hai người mệnh khổ dìu dắt lẫn nhau thoát khỏi thân phận nô lệ, thoát khỏi lồng giam của cường quyền và thần quyền đã viết nên cái kết viên mãn cho phần đầu của câu chuyện. Dẫu biết rằng phía trước vẫn còn nhiều tăm tối bất định, nhưng chính ngọn lửa nảy nở trong đêm đông sẽ ngọn hải đăng bền bỉ soi đường chỉ lối suốt đời cho cả hai. 

Có thể nói, hành động đứng lên phản kháng của Mị là quá trình tất yếu, là minh chứng tuyệt vời nhất cho quy luật dự báo “ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh”. Như Tô Hoài đã nói: “Không phải là Mị không bao giờ nhớ đến “con người tự do” của mình nữa, mà cái chính là không có một tác nhân nào gợi cho Mị nhớ đến điều đó”. Đêm mùa đông đó là điểm giao nhau hội tụ đủ mọi thứ từ sự “chuẩn bị” và “tác nhân” khiến Mị nhớ đến “con người tự do” của mình. 

Đến đây tôi bất giác nhớ về những trang viết của Hồ Anh Thái và phát hiện sự đồng điệu trong số phận mà Mị và NiLam. “Tiếng thở dài qua rừng kim tước” chính là mảnh đất hiện thực về xã hội cũ Ấn Độ, nơi cứ mỗi người con gái sinh ra liền phải mòn mỏi tích góp của hồi môn lấy chồng. Giống như cô Mị, NiLam là một người con gái xinh, thu hút nhiều người yêu quý đến nỗi hễ trông thấy cô thì các chàng trai đều “đi đường thì sa chân xuống ruộng, đi cạnh hồ thì sẩy chân xuống hồ”. Từ sự sắp xếp từ cha mẹ, cô phải từ bỏ cơ hội học tập và lấy chồng, hạ sinh đến tận con gái thứ hai mà không có bất kỳ món của hồi môn nào nên đã bị mẹ chồng tưới xăng thiêu sống. Sau sự sống sót kỳ diệu, NiLam đã đau đớn vùi chôn đứa con gái số khổ và không quên rải lên mộ một hạt kim tước. Lần lần, khu vườn hoang càng lại ngập rờn ánh vàng che lấp đi vết thương loe loét của xã hội đáng nguyền rủa đó. Ta băn khoăn nghĩ về câu nói: “Người ta hồ hởi tìm về Ấn Độ để hành hương tẩm bổ đời sống tinh thần, để mua saffron (nhụy hoa nghệ tây) tẩm bổ sắc đẹp da dẻ, để cảm thụ nền ẩm thực vẫy vùng hoang dã các loại gia vị đặc trưng đầy phấn kích. Tôi tự hỏi, người Ấn Độ đã bớt khổ và khu rừng Kim tước liệu có rộng lớn thêm không?”. Nỗi u uất của thiên truyện còn dâng lên tận cùng khi khi NiLam ngủ lại mãi mãi trong chiếc huyệt mà cô tự đào kết thúc chuỗi ngày sống không bằng chết “một thảm hoa vàng phủ lên che lấp cả gương mặt”. Than ôi! Thật khiến ta rùng mình sợ hãi trước cái ác xuất phát từ những kẻ đồng loại, từ truyền thống của hồi môn man rợ, vô lý; từ hủ tục trọng nam khinh nữ và phụ nữ chỉ sản phẩm của các nhà chứa. Cả NiLam và Mị đều là đại diện cho kiếp người bé nhỏ bị chà đạp, bị coi rẻ bởi chính nhà chồng. Nhưng may thay, người con gái vùng Tây sơn cước đã dũng cảm tiếp tục sống và bấu víu tìm được lối thoát còn NiLam thì không thể...

Đằng sau sự thành công rực rỡ của “Vợ chồng A Phủ” là sự tỉ mỉ trau chuốt đến từng chi tiết của nhà văn Tô Hoài. Tác phẩm mang lối kể chuyện tự nhiên, độc đáo từ giới thiệu nhân vật khéo léo, bất ngờ đến xâu chuỗi dẫn dắt mạch chuyện phát triển và vận động liên tục. Bên cạnh đó, trang giấy mỏng chứa đựng lượng lớn sự đa dạng, sinh động về ngôn ngữ kể chuyện. Tô Hoài đã bộc lộ sự tinh thông tri thức của mình về phong tục, văn hoá người vùng cao và mạch ngầm trong tâm hồn của người phụ nữ. Ông miêu tả tâm lí nhân vật hết sức chân thật kết hợp miêu tả cảnh thiên nhiên đặc sắc. Rót vào trang văn là tấm lòng bất bình, tố cáo tội ác của chúa đất phong kiến, thực dân và niềm cảm thông sâu sắc với số phận con người Tây Bắc, mà tiêu điểm vẫn là sự phản kháng và hồi sinh mãnh liệt trong tâm hồn Mị.

Lấy bối xã hội cũ tồn đọng nhiều khiếm khuyết, bất công, nơi phận tầng lớp dưới chót bị tước đoạt quyền làm người, chà đạp “không bằng con ngựa”, xuyên suốt "Vợ chồng A Phủ", nhà văn đã thể hiện niềm tin về sức sống mãnh liệt của những con người ấy: “Dù cho con người có cạn nước mắt rồi cũng muốn hi vọng như người chèo thuyền mong đến bến...”. Đó là giá trị nhân đạo mới mẻ trong ngòi bút của Tô Hoài từ sự thay đổi trong lý tưởng của thời đại và góc nhìn con người. Nếu như trước cách mạng, ta khóc thương cho Chí Phèo vì kết cục bi kich và chỉ đành thốt tiếng kêu xé lòng “Ai cho tao lương thiện?” rồi tự gieo mình vào cái chết; thì ở Mị dù bị tước đoạt hết quyền làm người, bị đày vào kiếp trâu ngựa nhưng cô đã chưa bao giờ thôi hi vọng trong tận đáy sâu tâm hồn. 

“Văn học làm cho con người thêm phong phú, tạo khả năng cho con người lớn lên, hiểu được con người nhiều hơn.” (M. L. Kalinine). Văn chương tác động đến tâm hồn con người, mở rộng nhãn quan và cho ta mang theo bước chân non chạm đến những chân trời mới, cuộc sống mới, trải nghiệm mới. Văn chương giúp ta cảm thụ cái đẹp từ cuộc sống, bồi dưỡng cảm xúc, thêm trân quý yêu thương cuộc sống ngắn ngủi vô ngần này. Và với "Vợ chồng A Phủ", Tô Hoài đã góp một làn gió mạnh mẽ để lay động chiếc chuông trước cửa sổ tâm hồn mỗi người, khiến ta càng thêm trân quý thứ nghị lực kiên cường không thể bị vùi dập, niềm tin về xã hội mới và tương lai rực rỡ tươi sáng được đọng lại nơi từng trang giấy mộc thô... 

Xem thêm: Bàn về tiếng sáo mùa xuân trong "Vợ chồng A Phủ"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận