Vợ chồng A Phủ: "...dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người"

“Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng mãnh liệt”.

Đỗ Thu Nga
10:00 04/02/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI:

Trong bài cảm nghĩ về chuyện “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài viết:

“Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng mãnh liệt”

( Tác phẩm văn học 1930- 1975, Tập hai, NXB Khoa học Xã hội, 1990, trang 71)

Phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn ” Vợ chồng A Phủ” ( đoạn trích được học) của Tô Hoài để làm sáng tỏ nhận xét trên.

BÀI VIẾT:

Đặc sắc nhất của văn học là quan tâm tới cá thể, cá tính, cá nhân, quan tâm đến tính cách và số phận con người. Chỉ có văn học quan tâm đến số phận con người giữa biển trời mênh mông. Nhà văn đã tìm tòi và lấy con người là tâm điểm để thể hiện trong các tác phẩm. Ai-ma-tốp đã từng nói: “Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác, cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp”. Và có lẽ Tô Hoài là một trong số những nhà văn rất xuất sắc khi đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo và hoàn thành sứ mệnh ấy khi sáng tác tập truyện “Truyện Tây Bắc” với linh hồn của nó là tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Với vốn sống cũng như với sự từng trải và vốn kiến thức phong phú về phong tục của các vùng miền trên các đất nước khác nhau thì Tây Bắc không phải là một ngoại lệ. Bằng kiến thức uyên thâm và lòng nhân đạo từ trong cốt tủy, Tô Hoài cho chúng ta thấy được một bức tranh sâu sắc về hiện thực cuộc sống với nhân dân miền núi với hai mảng sáng- tối mà đứng đầu hai thái cực ấy chính là bọn phong kiến miền núi và những người lao động nghèo khổ. Và trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ đã làm nổi bật là hình ảnh của một cô gái Mèo Mị với sức sống tiềm tàng mà mãnh liệt được Tô Hoài viết trong tác phẩm: “Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng mãnh liệt”

Mị- Một cô nàng với nhiều phẩm chất tốt đẹp. Mị là một cô gái dân tộc H’mong với vẻ ngoài rất xinh đẹp, yêu tự do, hồn nhiên, yêu đời. Không chỉ là một cô gái chăm chỉ làm lụng, biết giúp đỡ gia đình mà còn là một người tài năng với tài thổi lá hay như thổi sáo. Tiếng sáo trầm bổng du dương làm say đắm tâm hồn của những chàng trai trẻ. Trai đứng nhẵn cả chân vách ở đầu buồng Mị, trai thổi sáo đi theo Mị từ vách núi này đến vách núi khác như làm rung động trái tim của những chàng thanh niên này. Đó cũng chính là tiếng lòng của một cô gái cất lên chứa chan những cảm xúc và ước mơ. Phẩm chất tốt đẹp của Mị là giàu lòng tự trọng, không ham phú quý, một cô gái hiếu thảo, giúp đỡ bố làm nương rẫy. Một người yêu lao động, yêu cuộc sống tự do. Trái ngược với những gì mình có, đáng lẽ cô gái ấy phải nhận được một cuộc sống đẹp đẽ, một cuộc sống tròn đầy với niềm hạnh phúc, với nhiều tiếng cười thế nhưng cuộc đời của Mị có một số phận bi kịch, một cuộc sống không như mong muốn, Mị phải hứng chịu một sự phũ phàng. Mang danh là con dâu nhà thống Lý thế nhưng cuộc sống của Mị kể từ khi làm dâu luôn mang nỗi đày đọa về thể xác lẫn tinh thần. Cuộc sống vợ chồng đầy những món nợ, toan tính, có cường quyền và cả sự bạo lực. Ngày này qua ngày khác, không có một ngày nào là Mị cảm thấy sung sướng và hạnh phúc trong một gia đình thần quyền đến như vậy. Là vợ của con quan nhưng Mị lại bị đối xử như một nô lệ chỉ vì một món nợ truyền kiếp từ khi cha mẹ mới cưới nhau mà lãi mẹ đẻ ra lãi con cứ chồng chất, làm lụng quần quật để kiếm tiền trả nợ vậy mà lúc mẹ chết rồi vẫn chưa trả nổi. Mị vừa lớn lên đã phải nơm nớp lo âu sẽ phải trở thành món đồ gán nợ cho nhà thống Lý- một tên quan hám lợi, tham lam và tàn nhẫn ở Hồng Ngài.

Cuộc sống khổ cực, tăm tối bắt đầu xuất hiện kể từ khi Mị làm dâu nhà thống lý. Từ sáng đến tối Mị làm việc quần quật, như thân trâu ngựa gắn liền với các công việc cực nhọc vắt đến kiệt sức, hết dệt vải, lên núi hái thuốc phiện,đi nương bẻ bắp, thái cỏ ngựa lại chẻ củi, cõng nước từ suối lên… Dù làm việc gì Mị cũng phải gài trong tay một bó sợi đay, hễ dứt việc là luôn tay tước sợi. Con trâu, con ngựa còn có lúc được nghỉ ngơi nhai cỏ, còn Mị phải vùi đầu vào công việc nặng nhọc, ngay cả ngày Tết cũng không được đi chơi, chỉ quanh quẩn trong xó bếp để hầu hạ nhà thống lí. Tất cả những công việc mà Mị phải gánh chịu đã khiến cho một cô gái đang ở trong độ tuổi thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời trở nên mất đi cảm giác được sống tự do mà phải sống trong một cuộc sống tăm tối, vất vả và đau khổ.

suc-song-dieu-ky-cua-con-nguoi-trong-vo-chong-a-phu-0

Trong cuộc sống tù hãm, Mị vô cùng tức tối và buồn bực. Nhà thống Lý bắt Mị phải ở trong một cái buồng tối và chật hẹp, lạnh lẽo. Một căn phòng tối tăm, kín bít, chỉ có một cái cửa như cái lỗ vuông bằng bàn tay. Căn buồng ấy như là ngục thất còn Mị phải ở trong đó như một nỗi đọa đày không thể thoát ra khỏi đó được. Mị như là người chung thân bị giam cầm trong kiếp sống mòn. Xã hội phong kiến miền núi mông muội còn đầu độc tâm hồn Mị bằng hủ tục trình ma. Hủ tục ấy như một thứ thuốc phiện làm tê liệt tinh thần, làm u mê, trở thành động vật dễ sai bảo, bị thần quyền ràng buộc và trói buộc con người. Mị thầm nghĩ, sống phải quần quật như trâu như ngựa để trả nợ, chết rũ xương cũng phải làm ma nhà Pá Tra vĩnh viễn không thể thoát. Tục trình ma là sợi dây trói vô hình của thần quyền trói chặt Mị vào kiếp làm dâu gạt nợ. Đau đớn thay cho những con người ham sống, con người yêu tự do và sống một cuộc sống an yên, đáng được sống. Mị sống một cuộc sống như chốn ngục tù, âm thầm như một cái bóng, như một công cụ của nhà Pá Tra. Điều đó đã làm Mị mất hết tri giác về cuộc sống, chỉ có ý niệm duy nhất về thân trâu ngựa của mình. Qua đó, tố cáo thế lực xã hội, với thần quyền đã dùng bạo lực để trói buộc, làm tê liệt và hủy diệt về tinh thần của con người, nó làm lụi tàn đi ngọn lửa của niềm vui sống trong những con người vô cùng đáng sống.

Mị thầm nghĩ ngay từ những ngày đầu tiên về làm dâu nhà thống Lý cũng là lúc cuộc đời mình kết thúc. Trong con người Mị luôn toát lên vẻ tuyệt vọng, đau khổ, buồn bực bởi cuộc sống lay lắt, khổ cực đã tác động đến một cô gái trẻ với bao tình yêu cuộc sống. Mị ngày đêm luôn khóc, chỉ ước có một ông bụt hiện ra và cứu Mị thoát khỏi cảnh địa ngục trần gian này. Mị đã nhiều lần nghĩ đến việc tự tử, Mị cầm lá ngón lên tay nhưng rồi “ném lá ngón (một thứ thuốc độc) xuống đất” bởi Mị không đành lòng chết, nếu Mị chết thì bố của Mị khổ hơn gấp nhiều lần bây giờ. Từ bỏ cuộc sống là lựa chọn chưa bao giờ dễ dàng, chỉ khi bị dồn vào góc tường con người mới chọn cái chết như một sự giải thoát cho chính bản thân mình. Mị muốn chết không có nghĩa là Mị hết yêu cuộc sống, chính lúc cầm lá ngón trên tay là lúc Mị thiết tha và yêu đời tha thiết. Trong con người Mị luôn khao khát có một cuộc sống hạnh phúc, tươi đẹp. Nhưng tất cả như một lớp sương mờ, như một ảo ảnh hiện ra, nó quá xa vời trong tầm với. Mị gạt nước mắt lầm lũ lê bước trở về nhà thống Lý, trở về với kiếp đời súc nô bị đọa đày. Mị đang sống nhưng trong tâm hồn Mị đã chết, như một cái xác không hồn, trơ trọi giữa bầu trời thiên nhiên rộng lớn không chút bóng người quan tâm đến Mị, lúc nào cũng chỉ cúi đầu rười rượi, chỉ cắm lặng với chính cái bóng của mình.

Nhưng bên trong hình ảnh “con rùa đứng trong xó cửa” ấy vẫn còn là một con người khao khát sự tự do, hạnh phúc. Mị là một cô gái xinh đẹp như bông hoa rừng vừa chớm nở rộ. Trong đêm tình mùa xuân tiếng sáo trầm bổng, du dương đã đưa Mị về lại thời thanh xuân, khát vọng tình yêu lại trỗi dậy. Mùa xuân ở Hồng Ngài rộn rã âm thanh và màu sắc. Đó là tiếng cười của trẻ con, màu vàng ửng của cỏ gianh và gió rét dữ dội, là màu đỏ của những chiếc váy hoa phơi trên những mỏm đá xòe ra như những con bướm sặc sỡ và chắc chắn không thể thiếu được “tiếng sáo gọi bạn yêu lửng lơ bay ngoài đường”. Chính những hình ảnh và âm thanh ấy như một cơn gió thổi tung đám tàn tro đang vây quanh cuộc đời Mị. Đặc biệt qua nghệ thuật trần thuật và miêu tả đặc sắc, TH đã mang đến cho người đọc một linh hồn đang cựa quậy hồi sinh đằng sau lớp xác giá băng. Chính tiếng sáo đã mang đến cho Mị những cảm xúc yêu đời, đó là tiếng gọi của mùa xuân, của tình yêu và tuổi trẻ. Tiếng sáo cất lên cũng là lúc Mị cất lên những tiếng nói, tiếng hát đầu tiên như một bản tình ca sau bao ngày tháng câm lặng:

“Mày có con trai con gái rồi

Mày đi làm nương

Tao chưa có con trai, con gái

Tao đi tìm người yêu”

Đó là một diễn biến tâm lý của Mị gắn liền với tiếng pháo của mùa xuân, tiếng sáo giống như một nốt nhạc trong tâm hồn đã tạo nên những biến động mạnh mẽ, tạo một sự phản kháng, xung đột gay gắt giữa một bên là khát vọng sống chân chính đã được thức tỉnh, một bên là thực tại đau đớn đang hiện hữu, những giọt nước mắt của Mị đã chứng tỏ Mị thực sự hồi sinh và Mị đang có ý thức hoàn cảnh cuộc đời mình. Dù tiếng sáo có lấp ló ngoài đằng xa, ờ đầu núi, vang vọng như một nốt luyến láy mơ hồ gợi một âm thanh mất hút giữa núi rừng mênh mông, rộng lớn cũng dần đưa Mị thoát khỏi sự trơ lì, vô cảm. Mị nghe tiếng sáo mà thấu hiểu, đồng cảm với nỗi lòng thiết tha bổi hổi của chàng trai Mèo.

Đằng sau sự thay đổi của ngoại cảnh, tiếng sáo đã thay đổi cuộc đời Mị. Gió rét dữ dội cũng không ngăn được sức xuân tươi trẻ tràn đầy nhựa sống trong tâm hồn của nhân vật Mị. Vẫn là tiếng sáo ấy nhưng bây giờ không xa xăm, thấp thoáng nữa mà giờ văng vẳng ở đầu làng. Lúc tiệc rượu nhà thống Lý vừa tan, Mị đã lén lấy hủ rượu rồi “uống ực từng bát” rồi say đến lịm người đi. Mị uống như nuốt nỗi căm hận trong lòng, nuốt đi sự đắng cay đắng của một số phận bi thương và bi đát. Vừa uống Mị vừa nhớ lại những ngày tháng về trước, lúc Mị còn trẻ và được đi chơi, được sống một cuộc sống tự do, không gò bó, một khoảng thời gian tươi đẹp và hạnh phúc nhất của Mị. Sức chịu đựng có hạn, đã đến lúc bùng cháy, giải tỏa trong lòng nhiều điều cần bộc lộ. Rượu và tiếng sáo chính là chất xúc tác đánh thức phần đời đã mất của Mị, giờ đây Mị không còn lặng câm nữa mà đã hồi sinh. Mị đang sống về ngày trước và không gì có thể ngăn được niềm vui sướng của Mị, “lòng mị đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước”. Còn gì hạnh phúc hơn khi tìm lại được chính mình? Tô Hoài bằng những tài năng nghệ thuật của mình đã thể hiện một thái độ cảm thương sâu sắc cho người phụ nữ này, nhà văn đã làm người đọc thực sự xúc động trước những biến đổi về tâm lý của Mị.

Còn trẻ nghĩa là còn sức sống, còn tuổi trẻ, còn muốn yêu thương. Một cảm xúc bi kịch được thể hiện rõ trong những chi tiết được Tô Hoài miêu tả: nhận ra còn trẻ nhưng tuổi xuân đã bị tước đoạt, lại phải sống trong một cuộc sống bị chèn ép, khổ cực, lam lũ. Chỉ biết ngày đêm làm bạn với cái bóng, không có sự tự do và sống trong hoàn cảnh này thì thực sự là một bi kịch. Mị đối mặt với thực tại, sống trong kiếp trâu ngựa, đối mặt với người chồng vũ phu chỉ xem mình như là một món đồ chơi và bị khinh rẻ như súc nô. Ngày qua ngày Mị phải sống và đối mặt một cuộc sống dù “không có lòng với nhau mà cũng phải ở với nhau”. Điều đó như giày vò tâm can Mị, khiến Mị tủi nhục và đau đớn phải tìm đến cách để tự tử, Mị chỉ ước có nắm lá ngón trong tay ngay lúc này và ăn cho đến chết. Mị muốn thoát khỏi bi kịch, thoát khỏi cái cuộc sống tàn khốc này. Muốn chết chính là biểu hiện của sức sống. Khi Mị đã hồi sinh, khó có thể nào chấp nhận được thực tại cay đắng này.

Tâm trạng của Mị lại chuyển sang hướng khác. Khi không có nắm lá ngón, khi mà tiếng sáo gọi bạn yêu ngoài kia đang réo gọi, khi mà cả thiên đường hạnh phúc của mùa xuân phía sau ô cửa nhỏ kia đang nồng nàn, thôi thúc trái tim Mị. Mị không thể ngồi yên được nữa. Mị phải đứng dậy thôi! Mị hành động trong lặng lẽ nhưng mãnh liệt. Mị đã thắp lên ngọn đèn trong căn phòng u ám, đặc cóng muộn phiền. Ngọn đèn như xua tan đi tất cả cái bóng tối u ám đang bao quanh cuộc đời Mị. Trong căn phòng tràn đầy hơi ấm chỉ với ngọn đèn đã thắp sáng tâm hồn Mị, đốt cháy cả nỗi khát khao vượt ra khỏi bức tường địa ngục để đến với thế giới ngoài kia đang dập dìu tiếng sáo. Tô Hoài đã diễn tả thật sâu sắc nỗi khát vọng cháy bỏng ấy chỉ bằng một đoạn văn ngắn nhưng bằng sự cảm thông và chia sẻ. Câu văn ngắn, ngắt nhịp gấp thể hiện sức sống tiềm tàng mà mãnh liệt của một cô gái xứng đáng được sống. Sự trỗi dậy đó được thể hiện khi “Mị quấn lại tóc. Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách”, với lấy mảng kí ức dường như bị lãng quên, bị bỏ rơi ở sâu trong vách. Đêm nay, khi khao khát tình yêu trỗi dậy, Mị với tay để tìm cho bằng được chiếc váy hoa, đến với những cuộc chơi. Khát vọng hạnh phúc tìm đến mãnh liệt khiến Mị chìm đắm trong nội tâm, kí ức về những đêm tình mùa xuân trước khiến Mị giống như người mộng du quên đi thực tại, quên đi ngoại cảnh. Khi A Sử vào phòng để chuẩn bị đi chơi nhìn thấy Mị rút thêm cái áo với mong muốn thoát khỏi trong cái lều cũ kĩ, tăm tối để được đi chơi một lần. Thế nhưng Mị lại phải đối mặt với hiện thực vô cùng nghiệt ngã, Mị đã bị A Sử trói chặt vào cột, lớp lớp những vòng dây trói đã quấn chặt từ chân đến cổ. Sự tàn ác của A Sử lại khiến Mị trở lại với kiếp sống súc nô, Mị trở nên trơ lỳ và vô cảm, mấy tháng ròng ngày nào Mị cũng khóc. Thương thay cho thân phận ấy! Mị dường như ngày càng tuyệt vọng. Giờ đây ngọn lửa yêu đời, yêu cuộc sống đã héo tàn trong tâm hồn của Mị khiến Mị buông xuôi, sống mà như đã chết.

Hình ảnh một cô gái đầy sức sống, xinh đẹp với khát khao hạnh phúc đã bị đọa đày như súc nô. Mị có một tâm hồn đẹp mộng mơ như thế, từng có thời thanh xuân tươi đẹp đến thế, Mị sẽ không từ bỏ buông xuôi. Chi tiết Mị muốn mặc váy hoa đi chơi trong đêm tình là tia lửa hôm nay báo hiệu đám cháy ngày mai. Khát vọng, tình yêu và hạnh phúc vẫn như đốm lửa, âm ỉ giữa tàn tro nguội lạnh. Cũng là nạn nhân của nhà thống Lý, A Phủ trở thành trâu ngựa cho nhà Pá Tra. Họ là nô lệ, ăn đời ở kiếp cho lũ nhà giàu. Vì thế hổ bắt mất một con bò, mạng sống của A Phủ bị treo lên giá chết. Án tử đang đợi A Phủ từng phút, từng giây. Đó là những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn. Giữa những đêm dài mùa đông trên núi, Mị thức dậy cùng ngọn lửa. Với Mị, bếp lửa như là bạn tri âm, tri kỉ, nếu không có nó thì chắc Mị sẽ chết cóng trong cái thời tiết buốt giá như thế này. Mùa đông lạnh, tâm hồn Mị còn lạnh lẽo hơn. Phải chẳng “nơi lạnh lẽo nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình yêu thương” (Gorki). Mị vẫn câm lặng trong nỗi cô đơn. Lửa cũng cô đơn. Hai kẻ cô đơn sưởi ấm cho nhau. Lúc A Phủ đau khổ cũng chính là lúc Mị trở nên vô cảm, vô lỳ suốt những đêm mùa đông dằn dặt, lạnh cóng. Nhưng đêm ấy, Mị nhìn thấy hai dòng nước mắt lăn dài trên má A Phủ. Đó là dấu hiệu của sự chết đã xuất hiện trên khuôn mặt của người nô lệ thì trái tim Mị mới bừng tỉnh, lòng thương người trong Mị mới trỗi dậy. Chính “dòng nước mắt lấp lánh ấy” đã làm tan chảy lớp băng giá lạnh trong lòng Mị. Lúc này đây, Mị mới thấm thía được nỗi cùng cực của kiếp người. Mị nhớ lại cảnh tượng trong đêm tình mùa xuân, chỉ vì muốn đi chơi mà Mị lại phải bị đày đọa trong những chiếc dây trói xích chặt trong một bóng tối khiến mỗi Mị cựa quậy để xem mình sống hay đã chết thì Mị lại thấy đau đớn như rứt đi một mảng thịt. Mị biết rằng giọt nước mắt giờ không có ích gì nữa, chỉ tổ làm mất thời gian mà không có một ai giúp mình để vượt qua. Mị phẫn nộ đến mức bật lên tiếng kêu thầm: “trời ơi chúng nó thật độc ác”. Mị nhận ra sự tàn ác dã man của nhà thống lí là cội nguồn của mọi đau khổ, bất hạnh trong cuộc đời Mị. Chính chúng đã trói người đàn bà trong căn nhà này cho đến chết. Mị thương xót A Phủ vì chính lúc đó Mị nghĩ: Mị và A Phủ, người đàn ông xa lạ không hề quen biết kia đều là nạn nhân đau khổ của xã hội phong kiến miền núi. Mị và A Phủ, hai thân phận khác nhau nhưng cùng chung một cảnh ngộ, cùng một kiếp sống bị đọa đày.

Không để chờ đợi thêm nữa, Mị đã cứu A Phủ và trong cái khoảnh khắc cởi trói cho A Phủ, Mị chỉ muốn tìm đến một cái chết thoát khỏi cuộc sống đọa đày này. A Phủ chỉ là đứa ở, vẫn có cơ hội thoát sống Mị nghĩ đến việc cứu A Phủ rồi chịu trói, chịu chết thay cho A Phủ mà lòng không hề sợ hãi vì cuộc sống đọa đày như súc nô còn đáng sợ hơn cái chết. Mị từng hai lần tìm đến cái chết như một giải thoát mà không thể chết. Lúc này nếu Mị chết, Mị sẽ được giải thoát khỏi kiếp sống của súc nô, còn A Phủ sẽ chạy trốn, được sống cuộc đời tự do. Nghĩ thế Mị đứng lên cầm dao cắt dây trói cứu A Phủ. Mị giục A Phủ chạy đi ngay. Lúc A Phủ bỏ chạy, những suy nghĩ về tương lai, những ngày tháng ở nhà thống Lý lại hiện lên trong đầu Mị. Nhà thống Lý sẽ không bao giờ để yên cho Mị, chúng sẽ hành xác và tra tấn Mị khủng khiếp hơn cả với A Phủ. Chúng sẽ bắt Mị sống không bằng chết. Những suy nghĩ và khoảnh khắc về một hạnh phúc tươi đẹp trào dâng như thôi thúc Mị chạy đi và thoát khỏi cuộc sống đó. A Phủ cũng như cái xác khô, cố chạy tiến về phía trước, về sự tự do, cuộc sống đẹp đẽ hơn bằng cái xác khô của mình đã bị hành hạ độc ác trong mấy ngày. Và hình ảnh A Phủ chạy băng trong đêm tối ấy vẫy tay gọi Mị. Mị sao có thể đứng im trong bóng tối để chờ chết dưới những đòn roi tra tấn dã man của nhà thống Lý. Nghĩ vậy, Mị cũng lao vào bóng tối để thoát khỏi những sợi dây vô hình của tục trình ma. Hình ảnh Mị gợi nhớ đến kết thúc tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố, chị Dậu chạy vào bầu trời đêm tối đen như mực, Mị cũng chạy vào bầu trời đêm tối nhưng đó là đêm tối cuối cùng của kiếp đời nô lệ, tủi nhục, đêm trước của bình minh, Mị và A Phủ sẽ cùng nhau chạy đến Phiềng Sa, bắt đầu những trang đời hạnh phúc dưới ánh sáng của tương lai, của cách mạng.

Nhà văn Tô Hoài đã viết về Mị với tấm lòng cảm thương sâu sắc. Qua nhân vật Mị, Tố Hữu gửi gắm tư tưởng nhân đạo sâu sắc và mới mẻ. Nhà văn phẫn nộ vạch trần tội ác của xã hội phong kiến, chính xã hội ấy đã biến cuộc đời Mị thành cơn ác mộng kinh hoàng. Cũng tư tưởng đó, nhà văn bày tỏ nỗi xót thương vô hạn trước những đau khổ, tủi nhục mà Mị đã trải qua trong suốt quãng đời làm dâu gạt nợ trong nhà thống lí. Tố Hữu bằng sự tài năng và ngôn từ vốn có của mình đã thể hiện một giọng văn mạnh mẽ để phản kháng cái ác, cái xấu. Nhà phê bình văn học Đỗ Hải Ninh cũng đã nhận xét: “Không chỉ hấp dẫn người đọc ở nguồn liệu tươi rói về đời sống văn nghệ một thời mà còn ở giọng kể và cách tạo không khí truyện kể trong tác phẩm của Tô Hoài.” Với bút pháp nghệ thuật sắc sảo, Tô Hoài đã xây dựng thành công nhân vật Mị. Cách phân tích tâm lý nhân vật tinh tế, thể hiện qua từng chi tiết khiến chúng ta hiểu được cuộc đời đau khổ, tụi nhục của Mị nói chung và của những người dân miền núi dưới ách thống trị của của các thế lực phong kiến và thực dân nói riêng. Mị chính là điển hình cho sức sống tiềm tàng mà mãnh liệt, luôn có một sức sống vươn lên mạnh mẽ từ những hoàn cảnh tăm tối, hướng tới ánh sáng của tự do và của hạnh phúc.

Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” đã khép lại để lại cho người đọc những suy nghĩ chân thực và những cảm xúc đặc biệt. Đó là sự thương cảm cho một số phận éo le sống với cuộc sống cùng cực, đau khổ đọa đày. Với tình yêu thương đó, Tô Hoài đã bằng giọng văn mạnh mẽ và quyết đoán của mình để tố cáo bọn xã hội thực dân với một tinh thần mãnh liệt. Với Mị, nhân vật chính được Tô Hoài bằng tình yêu thương và nhân đạo của mình, diễn tả chân thực và sâu sắc con người lao động ham sống, khát khao sống tìm ra ánh sáng và tương lai cho chính bản thân mình. Tô Hoài đã thực sự trở thành “kẻ nâng giấc cho những con người bị cùng đường, tuyệt lộ bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường” (Nguyễn Minh Châu). 

Xem thêm: Ghi nhớ nhanh 2 lần trỗi dậy của Mị trong "Vợ chồng A Phủ"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận