Ghi nhớ nhanh 2 lần trỗi dậy của Mị trong "Vợ chồng A Phủ"

Trước khi phân tích nhân vật Mị, các bạn học sinh phải đặc biệt lưu ý đến chi tiết 2 lần trỗi dậy của Mị. Đây là điểm nhấn để thấy được nội tâm mạnh mẽ, khát khao của Mị.

Đỗ Thu Nga
10:00 09/07/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

????. Mị trở thành nô lệ nhà thống lí Pá Tra, bị đọa đày tới mức u uất, vô vọng về cuộc đời mình:

Trở về nhà ăn lá ngón không thành, Mị quay lại nhà thống lí chấp nhận kiếp sống nô lệ. Mị đành chôn vùi tuổi thanh xuân, thời con gái đẹp đẽ của mình. Ngày Mị càng không nói, sống như cái xác không hồn, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Người đọc những tưởng Mị sẽ chết tàn chết rụi trong căn buồng u tối chỉ có một lỗ cửa vuông bằng bàn tay, ngày hay đêm chỉ thấy một màu trăng trắng mờ đục không biết là sương hay là nắng, nhưng tiềm ẩn trong con người yếu đuối ấy vẫn chất chứa một sức sống tiềm tàng, như hòn than còn hôi hổi dưới lớp tro tàn, chỉ chờ ngọn gió mùa xuân thổi tới…

????. Lần trỗi dậy thứ nhất - Đêm tình xuân trở về đã đánh thức niềm yêu sống và khát vọng tự do trong Mị

????.????. Ngoài đầu núi tiếng sáo gọi bạn đi chơi mà lòng Mị thấy bổi hổi bồi hồi. Hòn than bị vùi lấp dưới lớp tro tàn bấy lâu nay giờ bùng lên ngọn lửa yêu sống và khát khao tự do.

+ Mị nhẩm theo bài hát: “Mày có con trai con gái rồi / Mày đi làm nương/ Ta không có con trai con gái / Ta đi tìm người yêu”.

+ Mị uống rượu, uống ừng ực từng bát để mong cuốn đi bao nỗi đồi cay đắng ư? Không! Tiếng sáo và hơi men đã đưa Mị về với quá khứ đẹp đẽ. Mị nhớ lại khi xưa… rồi Mị buồn bực lại uống… rồi lại thổi sáo bên bếp lửa… rồi lại lịm đi để quên tất cả. Nhưng thật trớ trêu lòng Mị cứ phơi phới trở lại như bao ngày trước Mị được đi chơi, thổi kèn thổi sáo, nhảy múa, ném còn cùng đám bạn… Mị thấy mình còn trẻ.

+ Khát vọng bùng lên, Mị muốn đi chơi, bao nhiêu người phụ nữ có chồng còn đi chơi ngày tết huống chi Mị với A sử chẳng có lòng với nhau. Thật vô lí!

+ Quá khứ đẹp đẽ, hiện tại phũ phàng khiến Mị lại muốn ăn lá ngón mà chết ngay đi để khỏi phải nghĩ, khỏi bị dằn vặt, khổ đau.

ghi-nho-nhanh-2-lan-troi-day-cua-mi-trong-vo-chong-a-phu-7

+ Nhưng tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn réo rắt ngoài đường, xoáy sâu vào trái tim đầy thổn thức của Mị: “Anh ném pao, em không bắt / Em không yêu, quả pao rơi rồi”. Tiếng sáo như một thứ âm thanh kì lạ len lỏi vào tận sâu thẳm tâm hồn vốn câm lặng của Mị để khám phá, cứu vớt, thức tỉnh Mị ra khỏi cõi u mê. Tiếng sáo như một ma lực cứ rập rờn, bay bổng, thôi thúc Mị khao khát được đi chơi, thôi thúc Mị bùng ra thành hành động:

+ Mị xắn thêm mỡ vào đĩa đèn khơi thêm ngọn lửa sáng…

+ Búi lại tóc, với tay lấy cái váy hoa.

+ Chẳng cần biết A sử đã bước vào buồng và hỏi: “Mày muốn đi chơi à?”, trong lòng Mị chỉ còn tiếng sáo và khát vọng tự do…

=> Tô Hoài cảm nhận thấy ý thức đang sống dậy một cách mãnh liệt trong Mị. Mị nhận ra mình còn trẻ đẹp, nhận ra thực trạng mất tự do bị đè nén bấy lâu nay, nhận ra quyền làm người của mình. Tất cả đẩy Mị đến hành động quyết liệt không gì ngăn cản nổi: đi chơi. Mị muốn thoát ra khỏi cái địa ngục tăm tối để được tự do đón gió xuân, hơi xuân, tìm lại những ngày đẹp tươi đã mất…

????.????. Sức sống tiềm tàng trong Mị, mặc dù bị chà đạp, hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần:

Đau đớn thay! Khát vọng vừa bùng lên đã bị A sử chặn đứng lại. Sợi dây tàn bạo đã cuốn chặt Mị vào cây cột trong căn buồng u tối cho tới sáng hôm sau. Nhưng A sử có thể trói được thể xác, làm sao có thể trói được tinh thần Mị!

+ Hơi rượu nồng nàn nâng tâm hồn, tinh thần Mị bay theo tiếng sáo, mộng du theo tiếng sáo. “Tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi”.

+ Mị quên là mình đang bị trói, thân xác đang đau đớn, tê dại “Mị vùng bước đi”. Chi tiết diễn tả thật quyết liệt lòng ham sống của Mị bất chấp hiện tại bi đát, khổ đau: muốn bước đi, muốn bay lên thoát khỏi địa ngục này.

+ Bước chân vùng đi đã đánh thức Mị trở lại với hiện tại, sợi dây siết chặt vào da thịt như dứt ra từng mảng, đau nhức. Mị nhận ra sự thật tàn khốc. Giấc mơ đẹp vụt tan biến, Mị “thổn thức nghĩ mình không bằng con trâu con ngựa”. Hai biểu tượng của ước mơ, tự do và thực tại hiện ra trong hai âm thanh đối nghịch: tiếng sáo gọi bạn tình tha thiết và tiếng chân ngựa đạp vào vách khan! Thực tại phũ phàng trở về lấn át, bóp nghẹt trái tim Mị. Đau đớn, xót xa Mị nhận ra kiếp một con người mà không bằng kiếp vật. “Đời người đàn bà lấy chồng ở Hồng Ngài một đời chỉ biết đi theo đuôi con ngựa của chồng”, nhưng với Mị đi theo đuôi con ngựa của chồng cũng chẳng bao giờ được.

+ Suốt đêm hôm ấy, Mị bị trói đứng trong hơi men nồng nàn, trong tiếng sáo tình tứ đầy ai oán. Nhưng một điều kì lạ sức sống tiềm tàng luôn ẩn chứa trong con ngươi Mị, tiếp cho Mị một sức mạnh, quên đi nỗi đau thể xác để tâm hồn được bay lên, giải phóng theo tiếng sáo. Tiếng sáo cứ lặp đi lặp lại như một bài ca về sức sống bất diệt của con người, Nhà văn diễn tả tâm trạng Mị thật xác thực: “lúc lại nồng nàn tha thiết. Hơi rượu toả. Tiếng sáo. Tiếng chó sủa xa xa, Mị lúc mê, lúc tỉnh”… khiến người đọc không khỏi xúc động, thương cảm cho người phụ nữ bất hạnh.

=> Khép lại khát vọng được đi chơi, được sống tự do trong những đêm tình xuân, Mị lại rơi vào tình cảnh bi đát còn hơn cả trước đó. Kết cục ấy cũng là lời lên án, tố cáo đốì với hành động tàn độc của cha con thống lí, đại diện cho giai cấp thống trị ở miền núi đã áp bức con người tối mức không còn nhân tính.

????. Lần trỗi dậy thứ hai - Trong đêm mùa đông, khi A Phủ bị trói:

+ Ban đầu Mị dửng dưng bởi sau đêm tình mùa xuân, cô trở lại là cái xác không hồn.

+ Khi thấy giọt nước mắt của A Phủ, Mị đồng cảm, cô chợt nhớ đến hoàn cảnh của mình trong quá khứ, Mị lại biết thương mình và thương cho kiếp người bị đày đọa “có lẽ ngày mai người kia sẽ chết, chết đau, ... phải chết”. Tình thương, niềm đồng cảm giữa những con người cùng cảnh ngộ ấy đã lấn át nỗi sợ và lớn hơn cái chết, nó đã dẫn đến hành động táo bạo: cắt dây trói giải thoát cho A Phủ, cùng nhau trốn khỏi Hồng Ngài.

+ Bất bình trước tội ác của bọn thống lí, Mị cắt dây đay cởi trói cho A Phủ.

+ Mị sợ cái chết, sợ nỗi khổ sẽ phải gánh chịu trong nhà thống lí, cô chạy theo A Phủ tìm lối thoát vượt ra khỏi địa ngục trần gian.

=> Đây là hành động tuy tự phát nhưng là kết quả của một quá trình, nó minh chứng sức sống tiềm tàng, âm ỉ không ngừng trong con người Mị. Nó là một bước ngoặt trong tính cách và cuộc đời Mị. Ý thức được nỗi khổ của kiếp sống tủi nhục của mình, Mị đã vượt qua nhà ngục thống lí Pá Tra với biết bao thế lực hà khắc của cường quyền, hủ tục, lễ giáo phong kiến. Mị là người con gái lặng lẽ mà mạnh mẽ, tiềm tàng sức sống, hành động của Mị đã đạp đổ cường quyền, thần quyền của bè lũ thống trị miền núi.

- Nghệ thuật: Ngôn ngữ đậm chất miền núi, lối trần thuật linh hoạt với sự dịch chuyển điểm nhìn trần thuật, miêu tả thành công tâm lí nhân vật và hình ảnh thiên nhiên.

- Tác phẩm chứa đựng giá trị nhân đạo sâu sắc: sự cảm thông với số phận đau khổ của những con người chịu áp bức, tố cáo lên án bọn thống trị miền núi, bọn thực dân, ngợi ca vẻ đẹp, sức sống tiềm tàng trong mỗi con người Tây Bắc.

(Nguồn: Thưởng thức sách)

Xem thêm: Hành động Mị chạy theo A Phủ trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” có ý nghĩa gì?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận