"Phượng khấu" miêu tả mẹ vua Minh Mạng tàn độc: Chính sử và văn học có đồng tình không?
Trong phim "Phượng khấu", mẹ vua Minh Mạng - Nhân Tuyên Hoàng thái hậu được miêu tả là bà hoàng uy quyền và tàn ác của triều Nguyễn. Thế còn trong chính sử và văn học, đây là người phụ nữ thế nào?
Mẹ vua Minh Mạng là ai?
Mẹ vua Minh Mạng là bà hoàng Trần Thị Đang (4/1/1769 - 6/11/1846), tôn hiệu Thánh Tổ mẫu hoặc Nhân Tuyên Từ Khánh Phúc Thọ Thái hoàng thái hậu. Bà là một phi tần của vua Gia Long, sinh mẫu của Nguyễn Thánh Tổ Minh Mạng và là bà nội của Nguyễn Hiến Tổ Thiệu Trị. Bà chưa từng lên ngôi hoàng hậu lúc sinh thời nhưng khi mất được tôn là hoàng hậu với thụy hiệu Thuận Thiên Cao hoàng hậu.
Theo Wiki, bà là một trong những người vợ gắn bó với vua Gia Long từ thuở hàn vi, lập nghiệp. Bà hưởng phúc đến đời cháu Thiệu Trị hoàng đế, ở ngôi vị cao nhất trong hậu cung nhà Nguyễn, từ khi Thừa Thiên Cao Hoàng hậu mất vào năm 1814 đến khi bà qua đời vào năm 1846, tổng cộng 32 năm.
Về thân thế của mẹ vua Minh Mạng, theo sử sách, bà tên húy là Đang, lại húy là Kính, con gái thứ của Thọ Quốc công Trần Hưng Đạt và Thọ Quốc phu nhân Lê thị. Gia tộc của bà vốn gốc Thanh Hóa, tổ tiên là Trần Phúc Tư buổi đầu năm 1558 theo chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa lập nghiệp, định cự ở huyện Hương Trà, Phủ Thừa Thiên. Cụ nội của bà là Trần Mậu Tài, được truy phong Thị trung trực học sĩ, tước Văn Xá bá; Tổ phụ Trần Mậu Quế được phong Lại bộ Thượng thư, tước Gia Bình Hầu.
Khi quân Trịnh vào đánh chiếm Phú Xuân (đầu năm 1775), thân mẫu của Nguyễn Ánh là Ý Tĩnh Khang hoàng hậu lánh nạn ở làng An Dụ, Cửa Tùng, bà được tuyển vào hầu cận vì là con nhà danh giá. Năm 1778, Nguyễn Ánh sai người rước mẹ vào Gia Định, qua năm Kỷ Hợi 1779, bà cùng các chị em của Nguyễn Ánh cũng vào theo. Bà khi 12 tuổi (1781) được tấn phong là Tả cung tần, tục gọi là Nhị phi.
Khi quân Tây Sơn còn mạnh, bà theo Nguyễn Ánh phiêu dạt nhiều nơi, đêm đêm thắp hương cầu khẩn: "Lúc này vận nước còn khó khăn, chưa được an định, nếu sinh con mà bỏ đi thì bất nhân mà mang theo chỉ bận lòng chúa thượng. Nếu số mệnh có con thì xin thái bình rồi mới sinh, mong trời ban được như thế".
Đến năm 1788, sau khi Nguyễn Ánh chiếm lại thành Gia Định, một đêm bà nằm mộng thấy có vị thần dâng lên một cái tỉ và 2 cái ấn; cái tỉ màu đỏ bóng nhẫy tươi sáng như mặt trời; cái ấn thì sắc tía, cái kia thì sắc nhạt, bà nhận tất cả.
Đến năm 1791, bà sinh hoàng tử thứ 4 đặt tên là Đảm (tức vua Minh Mạng) ở thôn Hoạt Lộc (Gia Định). Sau đó Kiến An Vương Đài, Hoàng tử Diệu (mất từ nhỏ) và Thiệu Hóa Quận vương Chẩn. Khi hoàng tử Đảm được 3 tuổi, Nguyễn Ánh đưa vào làm con của vợ cả là Nguyên phi Tống thị, Tống Nguyên phi yêu thương Hoàng tử như con đẻ.
Lúc bấy giờ, Tống hoàng hậu đã mất hết con trong biết loạn, năm 1801 Thái tử Nguyễn Phúc Cảnh qua đời khi tuổi còn trẻ, Hoàng hậu đau lòng không thôi, Gia Long vì thương Hoàng hậu nên buộc tứ Hoàng tử Đảm luôn hầu bên trong cung. Sau khi bà Hoàng hậu Tống thị mất, thì Hoàng tử Đảm mới trở về bên cạnh bà.
Nhân Tuyên Hoàng thái hậu sống qua đời vua Minh Mạng và Thiệu Trị. Đến năm 1846, bà lâm bệnh nặng rồi qua đời, hưởng thọ 77 tuổi, quan tài để ở Từ Thọ Cung. Đến ngày 25/1/1847, bà được an táng bên hữu lăng Thiên Thọ, trên núi Thuận Sơn, huyện Hương Sơn. Đến tháng 11 năm Mậu Thân (1848), thần chủ của bà được rước về thờ ở Chánh án Thế Miếu, ở bên trái thần chủ của Thế Tổ.
Mẹ vua Minh Mạng - bà hoàng uy quyền trong chính sử
Trong danh sách các thái hậu của triều Nguyễn, vị trí danh tiếng nhất thuộc về Đức Từ Dũ. Bà nổi tiếng nhân hậu, đức hạnh, tiết kiệm và dạy con rất khéo. Thế nhưng xét về sự mực thước, uy quyền thì khó có bà hoàng nào của triều Nguyễn qu được Nhân Tuyên Hoàng thái hậu (Trần Thị Đang).
Bà không chỉ là mẹ của vị vua tài năng nhất triều Nguyễn, bà còn là người quyết giữa ngôi cho Thiệu Trị và cũng là người có những can gián nhất định vào việc triều chính.
Cuộc đời mẹ vua Minh Mạng còn nhiều ẩn số lịch sử. Và trong phim "Phượng khấu" mà được tiêu tả vô cùng uy quyền, tàn ác. Thế nhưng chính sử và văn học lại có góc nhìn khác.
Trong Đại Nam liệt truyện, sách gia phả nhà Nguyễn, quyển 1 với tên Truyện các hậu phi nêu rõ, bà Trần Thị Đang không phải chính thất của vua Gia Long. Vị trí này thuộc về Thừa Thiên Cao hoàng hậu - mẹ ruột của hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh. Song trong số các phi tần của vua Gia Long, bà Trần Thị Đang giữ vị trí đặc biệt.
Bà chính thức được tấn tôn ngôi Hoàng thái hậu vào năm Minh Mạng thứ 2 (1821) và ở vị trí này cho đến tận đời cháu Thiệu Trị. Chính sử cũng chép về việc mẹ đẻ của Thiệu Trị là thần phi Hồ Thị Hoa mất sớm nên đích thân Nhân Tuyên Hoàng thái hậu đã nuôi nấng Thiệu Trị. Bà là người cương quyết giữ vị trí kế vị cho cháu trai khi vua Minh Mạng có ý định nhường ngôi cho con của Hiền Phi Ngô Thị Chính.
Cũng vì lẽ đó mà Thiệu Trị vô cùng kính trọng bà nội. Trong Đại Nam liệt truyện có chép, Hiến Tổ Thiệu Trị đến hầu cơm, thái hoàng thái hậu dạy rằng: “Hoàng đế hầu cơm, đi bằng đầu gối, dâng đũa chính tay điều hòa nước canh, vui vẻ dâng chén, nhất nhất đều tuân theo chí của người trước, tình lễ thực là đầy đủ cả. Hiến Tổ giơ tay lên trán lạy tạ”.
Mẹ vua Minh Mạng cũng nổi tiếng là người am tường và tiết kiệm. Bà luôn dạy Thiệu Trị nên nghĩ kỹ về tiết kiệm, chớ xa xỉ về ăn uống hay sửa sang cung điện để làm vui vì "thực không phải là chí của người trước".
Một lần nọ, Thái Hoàng thái hậu đến chơi vườn Cơ Hạ, Thiệu Trị quỳ đón bà nội ở cửa và đi trước dẫn đường. Đức bà khi đó nhắc vua: "Nhân quân làm chính trị, cốt nên thân người hiền, xa kẻ gian, răn xa xỉ, chuộng tiết kiệm, hoàng đế nên nhớ kỹ”.
Sử gia nhà Nguyễn cũng chép: "Thái hậu tính cần kiệm, từng đặt nhà dệt nuôi tằm ở trong cung, thân đến trông nom để làm vui".
Chính sử cũng chỉ rõ nguyền lực của bà hoàng Trần Thị Đang ở chỗ cả vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị đều không dám làm trái ý. Vua Thiệu Trị dù hết mực yêu thương Hồng Nhậm - con trai bà Phạm Thị Hằng (Đức Từ Dũ sau này) nhưng khi Bắc Tuần, vẫn phải để hoàng tử Hồng Bảo lưu kinh vì đức hoàng ủng hộ dòng trưởng.
Cũng chính vì được sự ủng hộ của Tây Cung Thái Hoàng thái hậu mà Hoàng Bảo vốn nghĩ mình nắm chắc ngôi thừa kế. Nhưng đến phút lâm chung, theo Quốc triều chánh biên toát yếu, vua Thiệu Trị vì thất vọng về tài đức kém cỏi của Hồng Bảo mà quyết định nhường ngôi cho Hồng Nhậm (tức vua Tự Đức sau này). Thái hoàng thái hậu Nhân Tuyên lúc này đã băng thệ một năm trước đó nên không thể can thiệp.
Mẹ vua Minh Mạng dưới góc nhìn văn học
Cuộc đời của mẹ vua Minh Mạng còn được miêu tả kỹ trong cuốn tiểu thuyết gây tiếng vang vào năm 2019 của nhà văn Trần Thùy Mai. Dù có tên "Từ Dụ thái hậu" nhưng quyển thượng của bộ sách này hoàn toàn tập trung vào bà Trần Thị Đang.
Với thủ pháp cân bằng giữa sự thật lịch sử với sáng tạo văn học, Trần Thùy Mai đã miêu tả Nhân Tuyên thái hậu như một bà hoàng quyền uy, mực thước, sắc sảo nhưng cũng có không ít những toan tính cung đình, cốt giữ chắc ngôi báu cho con trai.
Lệ “Tứ bất lập” (Không lập hoàng hậu, không xác định ngôi thái tử, không phong tể tướng, không lấy đỗ trạng nguyên) của triều Nguyễn vốn là một ẩn sổ lịch sử nhưng trong tác phẩm văn học của Trần Thùy Mai, hóa ra tác giả của lệ này chính là thái hậu Trần Thị Đang. Thậm chí, Đế hệ thi nổi tiếng của vua Minh Mạng cũng từ sự tư vấn của chủ nhân cung Từ Thọ.
Cũng theo ghi chép trong sách này, nhiều quyết nghị của triều đình thời vua Minh Mạng có bàn tay của thái hậu. Bà trở thành kiến trúc sư của nhiều biến cố cung đình. Trong đó có việc đổ tội loạn luân cho Mỹ Đường (con trai hoàng tử Cảnh) cũng chính là chủ ý của mẹ vua Minh Mạng.
Theo đó, vì muốn giữ ngôi cho Minh Mạng mà bà quyết diệt dòng trưởng của nhà Nguyễn. Cuốn tiểu thuyết cũng tả cảnh thái hậu từ đằng sau bước ra, hết mực uy quyền và ép tả quân Lê Văn Duyệt phải xuống tay với Mỹ Đường. “Chọn mẹ con ta hoặc là Mỹ Đường”, tiếng thái hậu đanh thép, lạnh lẽo. Lê Văn Duyệt sau đó không thể làm trái dù ông không hề muốn làm việc bất nhân.
Trong biến cố của hậu duệ Lê Văn Duyệt sau này ở thành Gia Định cũng có bàn tay của mẹ vua Minh Mạng. Cũng chính bà ra sức ủng hộ việc trừng trị Lê Văn Khôi vì tội làm loạn, phế bỏ hết công trạng. Bởi lẽ, cả thái hậu và vua Minh Mạng đều không thể chấp nhận 1 Gia Định thành giàu có hơn kinh đô Huế.
Trần Thùy Mai cũng miêu tả, đến thời Thiệu Trị, bà hoàng này mới ít can thiệt vào việc triều chính do tuổi đã cao. Song cũng như chính sử đã ghi chép, bà luôn ủng hộ Thiệu Trị chọn dòng trưởng nối ngôi, tức Hồng Bảo thay vì Hồng Nhậm.
Cảnh kết thúc của bà hoàng này trong cuốn "Từ Dụ thái hậu" là chi tiết, đức thái hoàng uất ức quay mặt vào trong và băng thệ khi cháu trai của mình – hoàng đế Thiệu Trị - không đồng ý truyền ngôi cho hoàng trưởng tử Hồng Bảo.
Cuốn sách mô tả việc thái hậu quyết không nhìn mặt vua trước lúc qua đời đã khiến vua Thiệu Trị đau buồn nhiều ngày. Bởi lẽ, hơn ai hết, Thiệu Trị hiểu rằng, đức bà không chỉ có công dưỡng dục mà còn là người đưa ông lên ngôi báu. Sự phản ứng quyết liệt của bà nội trước lúc lâm trung khiến Thiệu Trị vô cùng xót xa. Dù có không ít sáng tạo so với chính sử, tác phẩm của nhà văn Trần Thùy Mai nhận được nhiều khen ngợi vì thể hiện những nỗ lực trong giải mã lịch sử bằng văn học. Có những ẩn số đã được trả lời theo cách riêng, hợp lý và logic.
"Phượng khấu" tô vẽ mẹ vua Minh Mạng để giống phim cung đấu?
Theo Zing, "Phượng khấu" là lần đầu tiên Thái hậu Trần Thị Đang xuất hiện trên màn ảnh nhỏ. Ở tập 6 của bộ phim này, không khó để nhận ra, nhân vật mẹ vua Minh Mạng là trung tâm, do NSƯT Lê Thiện thủ vai.
Theo đánh giá, phim thể hiện không ít những tìm tòi về lịch sử và loạt nhân vật lịch sử nơi cung cấp. Cảnh đức bà căn dặn cố mệnh đại thần Trương Đăng Quế về việc phò tá tân đế, cảnh hoàng đế Thiệu Trị quỳ gối hầu cơm đức thái hoàng hay cảnh Tây Cung quyết giữ vị trí lưu kinh cho hoàng trưởng tử đều được tái hiện.
Dù cũng có những điểm hạn chế về lời thoại, đài từ sắc diện nhân vật, nhìn chung, thái hoàng thái hậu Nhân Tuyên hiện lên đầy uy quyền và trở thành nhân vật hấp dẫn nhất từ đầu phim đến nay.
Song, cách xây dựng tính cách và hành xử của nhân vật bị phản ứng vì có những sai số lịch sử thấy rõ. Đặc biệt là những sáng tạo quá đà, thậm chí xuyên tạc nhằm mục đích xây dựng những tình tiết tàn độc của chuyện cung đấu.
Hình ảnh vị thái hậu tiết kiệm, am tường, mẫn tiếp được ghi trong chính sử hoàn toàn không xuất hiện ở "Phượng khấu". Phim chủ yếu tập trung vào các mánh khóe chốn hậu cung. Trong đó, Nhân Tuyên Hoàng thái hậu hiện lên như một người độc đoán, chuyên quyền, bất chấp thủ đoạn để đoạt được quyền lực. Thậm chí giết và đầy đọa con cháu.
Theo diễn biến trong phim. Nhân Tuyên hoàng thái hậu nghe Trắc cơ Phương Nhậm (vợ thứ vua Thiệu Trị) để quyết hãm hại ba mẹ con Hiền Phi Ngô Thị Chính. Vụ phóng hỏa ở Thanh hạ thư lâu sau đó khiến hoàng tử Hồng Thụ (con Đoàn Viên) bị chết cháy thực ra chỉ để nhằm đổ tội oan cho con trai của Hiền Phi Ngô Thị, sủng phi của Minh Mạng.
Chi tiết bị phản ứng vì không lẽ một bà hoàng vì tranh quyền với con dâu mà lại giết hại cả chắt ruột của mình. Thái hậu sau đó cũng là “kiến trúc sư” của vụ hạ bệ Hiền Phi, khiến bà hoàng này thân bại danh liệt.
Hai con trai của Hiền Phi là Miên Áo và Miên Uyển cũng nhận hình phạt lưu đày, vĩnh viễn không được trở lại kinh thành. Kết cục này khiến thái hoàng thái hậu trong phim không khỏi đắc chí.
Thực tế, nếu không có hư cấu và sáng tạo, những phim có chất liệu lịch sử dễ trở nên khô khan, thiếu hấp dẫn. Ê-kíp làm phim cũng bày tỏ về việc không thể yêu cầu phim đúng hoàn toàn với lịch sử.
Nhưng quan trọng là những hư cấu phải tỏ ra hợp lý và logic. Miên Áo và Miên Uyển dù thế nào cũng cháu ruột của đức thái hoàng, liệu một bà nội có đối xử với cháu của mình như vậy? Giết chắt, hại cháu là điều khó có thể đến từ một người bà hoàng vốn dạy con cháu mình cách tiết kiệm, thương dân.
Hay, sự tô vẽ lên một Nhân Tuyên thái hậu tàn độc chỉ để Phượng khấu đúng là phim cung đấu?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận