Lý luận văn học: Tác phẩm nghệ thuật như một con quay kỳ lạ
“Tác phẩm văn học như một con quay kì lạ, chỉ có thể xuất hiện trong vận động. Muốn làm cho nó xuất hiện, cần phải có một hoạt động cụ thể là sự đọc. Và tác phẩm văn học chỉ kéo dài chừng nào sự đọc còn có thể tiếp tục".
Một món ăn ngon phải có người thưởng thức, một bản nhạc hay phải có người lắng nghe. Văn chương cũng vậy, như bao loại hình nghệ thuật khác, nó như một món ăn tinh thần không thể thiếu của đời sống con người. Một tác phẩm dù có hoàn hảo đến đâu cũng sẽ trở nên vô nghĩa nếu thiếu vắng đi bóng hình của bạn đọc. Bàn luận về vấn đề này J.Paul.Sartre từng quan niệm rằng: “Tác phẩm văn học như một con quay kì lạ, chỉ có thể xuất hiện trong vận động. Muốn làm cho nó xuất hiện, cần phải có một hoạt động cụ thể là sự đọc. Và tác phẩm văn học chỉ kéo dài chừng nào sự đọc còn có thể tiếp tục. Ngoài sự đọc ra, nó chỉ là một vệt đen trên trang giấy trắng”. Có thể nói quan niệm trên hoàn toàn hợp lí, chính nhân tố độc giả là điều kiện đánh dấu sự thành công của một tác phẩm.
“Văn học là nghệ thuật ngôn từ”. Một tác phẩm văn học được cụ thể bằng dạng vật chất, lấy ngôn từ làm chất liệu để xây dựng, lấy con người là đối tượng và lấy hình tượng để biểu đạt nội dung. Nhà văn chủ thể của quá trình sáng tác, là người lao động trí óc, là người không ngừng sáng tạo ra những kiệt tác hoàn mỹ. Có thể nói tác giả là người giữ vai trò vô cùng quan trọng, bởi lẽ không có tác giả thì cũng sẽ không có bất kì tác phẩm văn học nào được tồn tại. Mỗi một tác phẩm văn học ra đời là thành quả của quá trình lao động sáng tạo không ngừng nghỉ, cả một hành trình dài tìm kiếm, khám phá những điều mới lạ. Nói “Nhà văn là người cho máu” quả không sai. Dường như bên trong mỗi người nghệ sĩ đều luôn ẩn chứa một nỗi lòng không thể diễn tả bằng lời, họ chọn cách cất bút lên trang để có thể giải tỏa hết những ưu tư, phiền muộn. Tâm hồn và tấm lòng của người cầm bút là hết sức quan trọng. Một người nghệ sĩ thật sự là người truyền sự sống, đốt lửa cho tâm hồn độc giả giữa cuộc đời khô cằn này. Người cầm bút là chủ thể sáng tạo, dùng tấm lòng của mình để viết, dùng trái tim để gieo cảm xúc, làm cho “con người đi từ chân trời của một người đến với chân trời của nhiều người” (Paul Eluard).
Tác phẩm văn học là sự kết tinh giữa hiện thực đời sống và tâm tư tình cảm người cầm bút. Nhà văn không chỉ tái hiện đời sống mà thông qua đó còn giải tỏa hết những xúc cảm sâu thẳm tâm hồn. Bằng những gì mắt thấy tai nghe, bằng những cảm nhận trực tiếp hay gián tiếp. Tác giả đã và đang xây dựng một “công trình” hoàn hảo với những nét riêng biệt độc đáo mà người ta gọi đó là nghệ thuật văn chương. Trước hết tác phẩm văn học cung cấp cho người đọc một nguồn tri thức mới mẻ, về những thời đại, vùng đất, văn hóa, con người… mà ta chưa từng biết. Đưa ta đến với bao cung bậc của cảm xúc qua các áng thơ, bài văn. Giúp ta rèn luyện khả năng nhận thức về cuộc đời để bản thân dần hoàn thiện hơn. Người ta thường nói văn chương bắt rễ từ cuộc sống muôn hình vạn trạng quả không sai. Hiện tượng đời sống bao giờ cũng là nơi người nghệ sĩ bén duyên với sự nghiệp văn chương. Tố Hữu cho rằng: “Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới văn học”. Sợi dây nối giữa thực tại và văn học sẽ không bao giờ bị đứt quãng. Bởi lẽ, không một tác giả nào có thể sáng tác mà không phản ánh hiện thực. Thực tế, văn chương không cần phải giống y đúc thực tại nhưng nó sẽ trở nên vô nghĩa và mất giá trị nếu nó không vì con người và phản ánh con người.
Và điều cuối cùng, đánh dấu sự thành công của một tác phẩm thực thụ thì yếu tố độc giả là điều được xem là quan trọng nhất. Bạn thấy đấy, một tác phẩm có hoàn hảo đến đâu, xuất sắc đến mấy mà khi sản xuất ra chẳng có ai đọc thì cũng sẽ trở nên vô nghĩa không? Quan niệm của J.Paul Sartre ở trên đã khẳng định vai trò của bạn đọc. Độc giả là người biến một văn bản trở thành một tác phẩm văn học thực thụ. M.Gorki đã viết: “Người tạo nên tác phẩm là tác giả nhưng người quyết định số phận của tác phẩm lại là độc giả”. Người đọc là chủ thể tiếp nhận, là người góp phần đánh dấu sự thành công của một tác phẩm. Tác phẩm văn học như một món hàng mà người bán là người cầm bút và người mua là độc giả. Tùy theo khả năng cảm nhận của từng người mà tác phẩm có thể trở nên hay hoặc dở. Nhưng đôi khi lại có những mâu thuẫn giữa người đọc và người viết về việc họ không có chung một suy nghĩ nhất định. Có thể tác giả muốn truyền đến một ý khác nhưng bạn đọc lại hiểu nghĩa đó thành một nghĩa khác. Cũng vì thế, mà trong cùng một tác phẩm nhưng sự cảm nhận và đánh giá lại rất khác nhau, thậm chí là đối nghịch nhau. Ví dụ đọc “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, được xem là truyện thơ nổi tiếng nhất và xét vào hàng kinh điển trong diễn đàn văn học Việt Nam. Song, đã có rất nhiều tính không thống nhất trong sự tiếp nhận. Thúy Kiều – một nhân vật hiện thân cho những số phận bi kịch của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Ấy vậy, có người thấy Kiều là một người con hiếu thảo khi bán mình chuộc cha, cứu em. Nhưng có người lại khinh rẻ Kiều xem Kiều là một người nhu nhược, nhẹ dạ cả tin. Ngay cả cụ Nguyễn Công Trứ, một con người tài hoa văn học cũng đã lên án Thúy Kiều:
“…Bạc mệnh chẳng làm người tiết nghĩa
Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm”…
Hay như cụ Tam nguyên Yên Dổ cũng nhận định về việc Kiều bán mình chuộc cha:
“Có tiển việc ấy mà xong nhỉ
Đời trước làm quan cũng thế a?”
Sự khác biệt trong cảm nhận, đánh giá hẳn có xuất phát từ tác phẩm khi hình tượng nghệ thuật phức tạp, ngôn ngữ đa nghĩa và cũng vì thế trong quá trình tiếp nhận của độc giả cũng trở nên phong phú và phức tạp. Nhưng dù sao người đọc cũng cần cố gắng đạt đến cách hiểu đúng để đến với các giá trị đích thực mà tác giả muốn truyền đạt, cần tránh những lối đọc xa rời thực tế và xa ý nghĩa ban đầu.
Trong lịch sử văn học, không khó để ta thấy được tầm quan trọng của yếu tố độc giả. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quan điểm sáng tác của mình, ta luôn thấy Bác rất đề cao đối tượng tiếp nhận. Đặc biệt Bác đã luôn căn dặn các nhà báo trước khi cầm bút phải tự đặt câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào? Cũng vì thế mà trong “Tuyên ngôn độc lập” Bác không chỉ hướng bản tuyên ngôn đến nhân dân Việt Nam mà còn hướng tới nhân dân toàn thế giới không những thế bản tuyên ngôn ấy còn hướng đến cả những thế lực đen tối, xấu xa đang âm mưu xâm lược Việt Nam.
Theo Nguyễn Hiến Lê: “Nhà văn không cần tiền, cũng không cần vàng, nhưng nhất định là phải cần độc giả. Tất nhiên có tác phẩm kén độc giả, có tác phẩm không, có người viết cho đương thời, có kẻ viết cho hậu thế, nhưng đã viết thì ai cũng mong có người đọc mình, nếu không thì viết làm gì?” Thật sự là như vậy. Bạn đã bao giờ nghe người khác giới thiệu một vài quyển sách hay rồi bỏ ngoài tai mà chưa lần nào đọc thử chưa? Vậy chắc có lẽ nó chỉ hay về mặt hình thức còn bên trong bạn sẽ chẳng bao giờ hiểu được ý nghĩa thực sự. Độc giả là người biến văn bản thành một tác phẩm. Biến những vệt đen trên trang giấy trắng thành những con chữ có hồn. Bởi vậy, yếu tố độc giả là một điều vô cùng quan trọng đối với một tác phẩm và một tác giả.
Nhưng trong hoạt động văn học lại có thể bị chi phối bởi các yếu tố khác nhau, về thời gian, không gian, văn hóa,… Có thể kể đến một số trường hợp sau. Ở tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân, một tác phẩm được xem là phản ánh rõ nhất cuộc sống của người nông dân Việt Nam trong nạn đói năm 1945. Nhà văn miêu tả nhân vật thị với hình ảnh quần áo rách tả tơi như ổ đĩa, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn hai con mắt. Vì nghèo mà thị ra nông nổi như vậy, vì nghèo mà thị đánh mất liêm sỉ đi theo một người đàn ông xa lạ về làm vợ. Nhiều người cho rằng thị đang hạ thấp danh dự của một người phụ nữ, quá dễ dãi trong một việc hệ trọng như cưới chồng. Nhưng lại có người cảm thông sâu sắc cho thân phận người phụ nữ này. Dường như, cái nghèo đã lấy đi tất cả của thị nhưng chắc sẽ không lấy đi được khát vọng được sống, được hạnh phúc. Hay đọc thơ của Hàn Mặc Tử, ta luôn cảm thấy một chút gì đó ám ảnh kinh dị của trăng, hồn và máu nhưng lại có người cảm nhận được chất trữ tình và lãng mạn. Trong cùng một tác phẩm, sẽ luôn có nhiều ý kiến trái chiều như vậy. Ta không thể ép buộc ai đó phải giống mình, việc ta cần làm là tôn trọng quan điểm của bản thân và người khác. Ví dụ điển hình cho điều này là ở tác phẩm “Bắt trẻ đồng xanh” của J.D.Salinger đã gây tranh cãi lớn trong nền văn học Mỹ, từng bị cấm trong các trường trung học vì là hình tượng cho sự nổi loạn. Ấy vậy, cho đến năm 1981 nó đã trở thành một trong những tác phẩm được giảng dạy nhiều nhất ở Mỹ.
Độc giả là quan trọng, vì nếu không cò đọc giả thì những trang sách chỉ là vết đen trên trang giấy như ý kiến J.Paul.Sautre. Tuy nhiên, nhà văn cũng cần tránh chạy theo thị hiếu tầm thường của đọc giả mà làm mất đi ý nghĩa của văn chương. Thực tế đã có nhiều tác phẩm nhố nhăng, rẻ rúng, những vở hài kịch vô bổ, thấp hèn trên màn ảnh, trên các kênh truyền thông… đó là thảm họa của văn hóa. Nhà văn nghệ sĩ phải nhận lấy sứ mệnh chắp cánh cho tâm hồn người đọc đến với những giá trị muôn đời của văn chương như Maxim Goocky đã khẳng định: “Văn học là nhân học”.
Yếu tố độc giả trong hoạt động văn học là một điều hết sức quan trọng. Người đọc cần không ngừng nâng cao trình độ tri thức, tích lũy kinh nghiệm tiếp nhận, biết trân trọng sản phẩm sáng tạo của người khác để có thể đến với các giá trị Chân-Thiện-Mỹ mà tác giả muốn truyền đạt.
(Trần Trâm Linh, lớp 12A2, Trường THPT Vĩnh Viễn)
Xem thêm: Lý luận văn học: "Làm thơ không thể không có cái tôi"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận