Điều cần suy ngẫm từ câu chuyện "bác đồ tể": Người chuyên sát sinh trước sau trước sau cũng sẽ chịu nghiệp báo

Sự sống vô cùng quý giá, thế nên Đức Thế Tôn luôn luôn tôn trọng sự sống, bất cứ sự sống nào, từ sự sống của côn trùng đến sự sống của cỏ cây.

Đỗ Thu Nga
16:30 13/04/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Câu chuyện "bác đồ tể"

Ngày xưa có một người chuyên hành nghề giết mổ. Nhà bác ta ở cạnh một ngôi chùa làng... Hàng ngày, cứ tờ mờ sáng là lúc sư trụ trì bên chùa gõ mõ tụng kinh. Theo thường lệ, khi ấy chú tiểu sẽ thức giấc, gióng một hồi chuông mai. Bấy giờ cũng là lúc bác đồ tể dậy sửa soạn để giết mổ. Bác lấy tiếng chuông chùa làm cữ để bắt đầu mưu sinh. Cứ thế, ngày nào cũng lặp đi lặp lại như vậy, không bao giờ sai lệch.

Một đêm nọ, sư cụ nằm mộng thấy một người đàn bà dắt 5 đứa con nhỏ đến trước mặt quỳ xuống vái lạy rồi nói trong nước mắt: "Xin nhà sư cứu mạng! Xin cứu mạng!".

Vị sư cụ bèn hỏi: "A Di Đà Phật! Cứu mạng là cứu thế nào? Bần tăng phải làm gì đây?".

Người mẹ có bộ điệu hãi hùng ấy buồn thảm trả lời: "Ngày mai xin hòa thượng hãy cho người đánh chuông chậm lại. Như vậy mẹ con chúng tôi xin muôn vàn đội ơn!".

Sự sư cụ giật mình tỉnh giấc, không hiểu sự tình sao cả. Nhưng tờ mờ sáng hôm sau, y lời báo mộng khẩn cầu của người đàn bà tội nghiệp, ông chỉ lâm râm tụng niệm mà không gõ mõ, cũng không đánh thức chú tiểu dậy để gióng chuông như thường ngày.

Loi-Phat-day-ve-nghiep-bao-sat-sinh-4

Lại nói chuyện sáng hôm ấy, bác đồ tể vì không nghe thấy tiếng gióng chuông mà có giấc ngủ li bì. Mãi đến lúc mặt trời lên cao, chuông mới bắt đầu gióng vang rền và ngân nga mãi làm bác giật mình tỉnh giấc. Thấy trời đã xế trưa, bác không dám giết lợn như thường lệ vì nếu làm thịt khi này thì chợ đã vãn người, còn bán cho ai được nữa.

Tức mình vì lỡ mất một buổi làm ăn, bác dụi mắt, lật đật chạy sang chùa trách sư cụ. Nhà sư già bèn đem câu chuyện nằm mộng kể lại cho bác đồ tể.

Nghe xong, bác đồ tể vẫn ấm ức lắm nhưng quả là việc ai người nấy lo, biết trách ai bây giờ. Bác đồ tể đành ôm cục tức lếch thếch ra về.

Nghĩ lại câu chuyện của nhà sư, bác đồ tể thấy nửa tin nửa ngờ, nhân thể đi qua chuồng lợn nhà mình, bác cũng nhón chân ghé mắt vào nhìn xem sao. Ngạc nhiên thay, bác thấy con lại cái vừa mua ngày hôm trước toan tính mổ thịt nay đã sinh được 5 con lợn con. Nhìn bày lợn mũm mĩm, bác đồ tể vừa mừng vừa sợ. 

Bác đồ tể bèn mang câu chuyện kể cho mọi người và quả quyết: "Đúng là linh hồn người đàn bà chuyển sinh thành con lợn cái đã tìm cách cứu bầy con của mình khỏi chết".

Tự nhiên bác đồ tể đâm ra suy nghĩ. Bác thấy bàn tay của mình đã từng vấy máu biết bao nhiêu là sinh mạng. Trong một lúc hối hận đến cùng cực, bác ta cầm cả con dao bầu chạy sang chùa bộc bạch nỗi lòng với nhà sư trụ trì. Bác đồ tể buồn bã cắm con dao của mình trước sân chùa, thề trước Phật đài từ nay xin giải nghệ.

Ba năm sau, bác đồ tể qua đời. 49 ngày sau khi người hàng xóm mất, vị sư trụ trì lại chiêm bao thấy bác đồ tể về báo mộng, nhờ câu chuyện điềm báo của sư mà bác mới kịp phóng hạ con dao đồ tể để thoát cảnh chịu tội đọa đày ngàn năm nơi địa ngục. 

Bác đồ tể chắp tay cảm ơn nhà sư mà khóe mắt rưng rưng, giây lát sau bóng ảnh của người hàng xóm tan biến mất, trước mắt vị sư trụ trì già lại hiện lên cảnh tượng một con lợn bị người ta chọc tiết và kêu gào thảm thiết!… vị sư già giật nảy mình và choàng tỉnh dậy.

Giờ đây không ai biết linh hồn của bác đồ tể phiêu dạt về nẻo luân hồi nào, nhưng con dao mà bác từng cắm trước sân chùa ngày ấy thì bỗng nhiên hóa thành một loài cây có lá đỏ như máu và nhọn như lưỡi dao bầu, người ta vẫn gọi loài cây đó là cây Huyết dụ.

Đôi điều suy ngẫm từ câu chuyện "bác đồ tể"

Tiếng chuông chùa ngân nga vốn là Pháp khí để phá mê, cảnh tỉnh, đánh thức những chúng sinh đang lầm đường lạc lối trong nhân gian... Vậy mà, bác đồ tể lại dùng nó làm chuông báo hiệu để thức dậy sát sinh, mưu sinh.

Xưa nay, người ta vẫn coi việc sát hại sinh linh, nhất là những súc vật lớn là điều tối kỵ. Phật gia giảng: "Vạn vật hữu linh”, còn trong dân gian lại có câu: “Sinh nghề tử nghiệp”, có người nói chữ “nghiệp” ở đây không chỉ có hàm ý biểu thị nghề nghiệp mà còn có hàm ý là chỉ nghiệp lực (ác nghiệp) mà họ gây ra trong chính cái nghề mà mình đang làm, xem ra cũng không phải là không có lý!

Loi-Phat-day-ve-nghiep-bao-sat-sinh-1

Giấc mơ của vị sư cụ và hình ảnh cây Huyết dụ có màu đỏ như máu với chiếc lá nhọn hình con dao bầu như "tiếng chuông" cảnh tỉnh thế nhân làm việc gì cũng cần cân nhắc sao cho ngay chính, có thiện tâm và đặc biệt không lạm sát các sinh mệnh.

Dẫu biết rằng: "Nhân sinh thế thượng thùy vô nghệ” – đại ý: Người ta sống ở trên đời có ai là không có nghề (Nguyễn Công Trứ), nhưng thiết nghĩ mỗi người đều có quyền quyết định công việc và cách hành xử trong công việc của mình, việc quy chính cái “tâm” chưa bao giờ là muộn cả. Thù lao trong mỗi công việc luôn luôn có “cái giá” của nó. Hay cho câu:

“Ăn cơm thịt  bò thì lo ngay ngáy

Ăn cơm mắm cáy thì ngáy o o”.

Xem thêm: Từ bi chính là phong thủy tốt nhất: Ở đâu có từ bi, ở đó có hạnh phúc

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận