LLVH: "Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà văn nhân đạo từ trong cốt tủy"
"Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà văn nhân đạo từ trong cốt tủy" - ý kiến của sê-khốp hoàn toàn đúng đắn với tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ.
Văn học phản ánh hiện thực nhưng không phải sao chép hiện thực một cách y nguyên, hời hợt. Nhà văn không để nguyên xi các sự kiện con người vào trong tác phẩm một cách thụ động, đơn giản. Một tác phẩm văn học được coi là nghệ thuật phải là kết quả của quá trình mài giũa, sáng tạo và trong đó phải ẩn chứa được cái tâm, tình cảm của nhà văn. Cũng như vậy một người nghệ sĩ chân chính không phải chỉ là người có tài văn học, mà còn là người có tấm lòng bao dung, độ lượng, luôn mở lòng với người khác. Vì thế mà sê-khốp đã đưa ra nhận định riêng của mình, “một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà văn nhân đạo từ trong cốt tủy".
Là một trong những nhà văn đại diện vĩ đại của chủ nghĩa hiện thực, phê phán văn học Nga, sê-khốp hiểu rõ hơn những yêu cầu khắt khe của nghệ thuật cũng như người nghệ sĩ. Ông cho rằng “người nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”, vậy “người nghệ sĩ chân chính”, là gì đó? chính là người ý thức được thiên chức của mình trong quá trình sáng tạo, là nâng đỡ cái phần tốt đẹp để trong đời có nhiều công bằng và yêu thương hơn. Mỗi tác phẩm mà họ sáng tác luôn hướng về con người, hướng về một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc. Sê-khốp coi tinh thần nhân đạo là phẩm chất bắt buộc đối với người thi sĩ, đó là tiêu chuẩn, là điều kiện để đánh giá mức độ chân chính của nhà văn, hay nói theo cách khác nếu không có nhân đạo thì không thể trở thành nhà văn chân chính. Mặt khác sê-khốp còn đòi hỏi tình cảm nhân đạo ở người nghệ sĩ phải là thứ căn bản, có chiều sâu từ trong cốt tủy, chứ không chỉ đơn thuần là thứ tình cảm nông cạn, mơ hồ, hởi hợt. Tình cảm nhân đạo trở thành phẩm chất không thể thiếu của một người nghệ sĩ, cả đời cống hiến cho văn học.
Một tác phẩm nghệ thuật chân chính phải thể hiện được cái tâm của người nghệ sĩ, phải ẩn chứa được tinh thần nhân văn sâu sắc, cao cả, chứa đựng niềm vui cũng như những khổ đau của con người, và tác phẩm ấy sẽ ý nghĩa hơn khi nó viết ra để phục vụ đời sống con người, giúp con người thấu hiểu nhau hơn. Theo như M. gorki, “văn học là nhân học”, đó chính là giáo dục, là cứu vứt con người. Thực tế, không có sức mạnh giáo dục nào bằng chính tình cảm của con người.
Ý kiến của sê-khốp hoàn toàn đúng đắn với tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ. Nguyễn Dữ là một trong những ngòi bút lớn sinh ra giữa những biến động của lịch sử và góp phần vào việc phát triển thể loại truyền kỳ viết bằng chữ Hán nói riêng và văn xuôi dân tộc nói chung. Ông thông minh, học rộng, từng ra làm quan thời nhà Mạc. Thế nhưng, chán cảnh quan trường nhiễu nhương, Nguyễn Dữ đã cáo quan hồi hương, lấy lý do phải phụng dưỡng mẹ già cho tròn đạo hiếu và từ đó trải qua bao năm tháng, ông đã không đặt chân đến thị thành.
Nguyễn Dữ đã sớm nhìn thấy được những mặt tiêu cực đang dần nhen nhóm trong triều đại mình. Tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của ông dù thấm đẫm tính chất kỳ ảo nhưng thực ra những câu chuyện kỳ lạ ấy là một cách thức khéo léo và đầy sáng tạo để nhà văn phản ánh sâu sắc hiện thực đương thời. Từng câu chuyện như những mảnh ghép góp phần khắc họa nên bức tranh hoàn chỉnh về tình hình xã hội trong khoảng thời gian từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVII và thể hiện thái độ của người cầm bút.
“Chuyện người con gái Nam Xương” thuộc tác phẩm “Truyền kì mạn lục”. Tác phẩm này có nguồn gốc từ truyện cổ dân gian “Vợ chàng Trương”. Nhưng điều làm nên sự khác biệt cho tác phẩm chính là tư tưởng mà nhà văn muốn gửi gắm trong câu chuyện.
Câu chuyện xoay quanh cuộc đời đầy bất hạnh và số phận bi thương của nhân vật Vũ Nương. Qua nhân vật, nhà văn đã thể hiện tấm lòng trân trọng sâu sắc đối với những vẻ đẹp dung dị, cao cả của người phụ nữ cũng như đồng cảm với những bất hạnh mà cuộc đời họ phải hứng chịu.
Vũ Nương vốn là một người phụ nữ “người đã thùy mị nết na, lại thêm có tư dung tốt đẹp”. Những tưởng con người ấy sẽ có được cuộc sống hạnh phúc nhưng nàng lại gặp phải nhiều bất hạnh. Người phụ nữ Việt Nam muôn đời nay được ngợi ca bởi vẻ đẹp dịu dàng, kín đáo và tâm hồn đôn hậu bao dung. Người phụ nữ hiện lên trong “Chuyện người con gái Nam Xương” cũng vậy. Đó là nàng Vũ Nương đẹp nết đẹp người và đầy tự trọng.
Nàng có một “tư dung tốt đẹp” nức tiếng xa gần. Chẳng vậy mà Trương Sinh – một người “con nhà hào phú” phải xin mẹ trăm lạng vàng rước nàng về làm vợ. Chẳng những vậy, nàng còn là người phụ nữ hiền hậu nết na, người vợ hiền, dâu thảo, người mẹ thương con. Trong mối quan hệ vợ chồng hằng ngày, biết chồng “có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức”. Vũ Nương đã luôn “giữ gìn khuôn phép, không lần nào vợ chồng phải đến nỗi thất hoà". Hai vợ chồng chia ly, Vũ Nương một lòng nghĩ đến sự an nguy của chồng “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi. [...] Nhìn trăng soi thành cũ, lại sửa soạn áo rét, gửi người ải xa, trông liễu rủ bãi hoang, lại thổn thức tâm tình, thương người đất thủ! Dù có thư tín nghìn hàng, cũng sợ không có cánh hồng bay bổng”. Như vậy là nàng không hề nghĩ đến vinh hoa phú quý, chỉ nghĩ đến chân thành với tình vợ chồng keo sơn. Xa chồng, Vũ Nương thuỷ chung, tấm lòng luôn tha thiết hướng về chồng: “Ngày qua tháng lại, thoắt đã nửa năm, mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi, thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được".
Trương Sinh trở về, nghi cho Vũ Nương một cái oan thảm khốc và dùng những lời lẽ tàn nhẫn mà nhiếc móc nàng. Nhưng ngay cả khi ấy, Vũ Nương vẫn nói năng đúng mực, tha thiết bày tỏ nỗi niềm và ước mong về cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Trong mối quan hệ với mẹ chồng, nàng hết lòng chăm sóc mẹ chồng lúc ốm đau: “Nàng hết sức thuốc thang lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn”. Khi mẹ chồng mất, nàng thương yêu, lo lắng chu toàn: “Nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình". Tấm lòng nàng dành cho mẹ chồng khiến bà cảm động để khi mất, những lời cuối cùng thiêng liêng của cuộc đời bà dành để chúc phúc cho con dâu. Xưa nay, trong dân gian vẫn lưu truyền câu nói “mẹ chồng con dâu” để chỉ mối quan hệ vốn không yên ấm giữa hai đối tượng này nhưng qua thái độ của người mẹ chồng đối với Vũ Nương người đọc thấu hiểu tấm lòng chân thành, sâu sắc đối với mẹ chồng của nàng.
Với con, Vũ Nương đã hết sức nuôi dạy, bảo ban, thương yêu và chiều chuộng con (để đến nỗi một trong những hành động vô tư của nàng đã trở thành nguyên nhân buộc nàng tự vẫn...).
Không chỉ vậy, với tư cách là một cá nhân trong xã hội, ở Vũ Nương còn nổi bật lên lòng tự trọng đầy cảm động. Bị chồng hiểu lầm, bị hàm oan tức tưởi, dẫu vẫn còn khao khát hạnh phúc trần gian nhưng Vũ Nương đã chọn cái chết để chứng minh phẩm tiết trong sạch của mình. Hành động này cho thấy lòng tự trọng, ý thức giữ gìn danh dự, tiết hạnh ở người phụ nữ đáng trân trọng này.
Ngợi ca vẻ đẹp của “người con gái Nam Xương”, Nguyễn Dữ đã góp tiếng nói chung vào cảm hứng ngợi ca người phụ nữ đầy nhân văn của văn học trung đại. Bên cạnh Vũ Nương của Nguyễn Dữ ta còn có thể kể đến chị em Thúy Kiều, Thúy Vân của Nguyễn Du, người chinh phụ trong thơ của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm...
Nhưng trong xã hội phong kiến thời kỳ suy sụp, thối nát, cái đẹp thường đi liền với nỗi bất hạnh và những tai họa khôn lường: “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Khi ấy, văn học lại cất lên tiếng nói đồng cảm với những thân phận bị “gió dập sóng vùi” chẳng biết “tấp vào đâu”. Nàng Vũ Nương của Nguyễn Dữ cũng phải hứng chịu nhiều bất hạnh.
Trước hết, nàng có một cuộc hôn nhân không được lựa chọn. Với vẻ đẹp vốn có, đáng ra nàng phải được kén một tấm chồng đức tài tương xứng. Nhưng đáng tiếc thay, cuộc đời lại chỉ dành cho nàng một gã Trương Sinh. Đó là một kẻ vô học nhưng giàu có “con nhà hào phú” đã “xin mẹ trăm lạng vàng” lấy nàng về làm vợ. Người phụ nữ vẹn toàn này không có quyền lựa chọn cho mình một người chồng tương xứng. Cuộc hôn nhân của nàng do vàng bạc mở đường, đó như một cuộc trao đổi, mua bán đầy tính thương mại.
Về đến nhà chồng, Vũ Nương phải hết sức giữ gìn trước con người rất mực đa nghi của Trương Sinh: “Đối với vợ phòng ngừa quá sức”. Nhưng hạnh phúc phải do cả hai bên vợ chồng cùng đắp vun gìn giữ. Sau mấy năm dài đằng đẵng mong ngóng chồng về, cái giá Vũ Nương nhận được thật quá chua xót.
Khi chồng đi lính, đêm đêm để con đỡ tủi và lòng mình đỡ nhớ, Vũ Nương chỉ bóng mình trên vách rồi bảo con đó là cha nó. Nhưng thiện ý của nàng đã bị hiểu lầm. Nghe con nói kể về người cha đêm đêm vẫn đến của nó, Trương Sinh với tính đa nghi sẵn có đã hiểu oan cho tấm lòng thủy chung của Vũ Nương. Chàng ta vội nghe lời con trẻ mà không suy xét đúng sai: “Tính chàng hay ghen, nghe con nói vậy, đinh ninh là vợ hư, mối nghi ngờ ngày càng sâu, không có gì gỡ ra được”. Rồi hồ đồ, độc đoán không đếm xỉa đến những lời thanh minh của vợ, đối xử tệ bạc, vũ phu với Vũ Nương: “Chỉ lấy chuyện bóng gió này nọ mà mắng nhiếc nàng, và đánh đuổi đi”.
Trước nỗi oan không gì giãi bày được (vì Trương Sinh không nói rõ nguyên cớ việc nổi giận của mình), cuộc đời Vũ Nương bế tắc: Nếu sống thì phải mang cái tiếng phản chồng đầy ô nhục. Bởi vậy, dẫu vẫn còn khao khát vương vấn hạnh phúc trần gian, nàng đành chấp nhận cái chết, trầm mình xuống sông Hoàng Giang.
Thân phận nhỏ nhoi, bèo bọt của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến là vậy, họ không được làm chủ cuộc sống của mình, luôn luôn là kẻ bị động, hứng chịu những oan khiên, cay đẳng. Số phận bất hạnh của Vũ Nương gợi đến bao phong ba bão táp đã đi qua cuộc đời của những Đạm Tiên, Thúy Kiều, Tiểu Thanh, người cung nữ, người chinh phụ... trong văn học trung đại.
Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, tác phẩm của Nguyễn Dữ không tiến xa hơn câu chuyện dân gian là mấy. Nguyễn Dữ đã vô cùng trăn trở với số phận của người con gái đa đoan trong tác phẩm của mình. Tin tưởng và yêu mến nhân vật, nhà văn đã để nàng gửi mình chốn cung mây dưới nước của Linh Phi. Chốn ấy dẫu chẳng được sum vầy cùng con trẻ, người thân song vẫn là nơi biết trọng những tâm hồn trong đẹp. Vũ Nương trở về nhân gian trong ánh sáng lung linh kì ảo của ánh nến, mặt nước diệu kỳ.
Ngoài nhân vật Vũ Nương, ta cũng không thể quên một Trương Sinh hồ đồ đã đẩy người đầu gối tay ấp với mình đến chỗ chết. Trương Sinh là con nhà trọc phú, lại ít học cũng như đa nghi. Do ít học nên khi chiến tranh xảy ra tuy nhà giàu có nhưng Trương Sinh vẫn phải đi lính. Do đa nghi, hay ghen đã làm cho Trương Sinh mờ mắt, chỉ nghe lời từ đứa con ngây thơ không chịu nghe lời phân trần của vợ. Trương Sinh là người trực tiếp đẩy Vũ Nương vào bi kịch và phải tìm đến cái chết. Đến khi hiểu ra và hối hận thì đã quá muộn màng. Bên cạnh nội dung, tác phẩm đã xây dựng được tình huống truyện độc đáo, chi tiết mang tính thắt nút, đẩy câu chuyện lên cao trào, đỉnh điểm: cái bóng trở thành chi tiết thắt nút cũng như cởi nút cho diễn biến tác phẩm. Nghệ thuật kể chuyện đặc sắc: việc dẫn dắt tình huống hợp lý. Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng là một điểm nhấn. Bước đầu nhà văn đã miêu tả nội tâm nhân vật khá phong phú.
Nguyễn Dữ đã thông qua Truyền kỳ mạn lục mà gián tiếp đả kích hôn quân bạo chúa, lên án tình trạng tham nhũng, đồi phong bại tục, cảm thương cho cảnh ngộ đau khổ của người dân lương thiện bị chà đạp, hà hiếp và thay họ bộc lộ sự phẫn nộ trước những tệ nạn hủ lậu của xã hội phong kiến.
Với cái nhìn sắc sảo, tấm lòng bao la với nước với dân và tài năng văn chương kiệt xuất, Nguyễn Dữ đã góp vào nền văn chương dân tộc một “thiên cổ kỳ bút” giàu giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo. Dù thời gian có trôi qua bao lâu đi chăng nữa thì tên tuổi của Nguyễn Dữ cùng tập truyền kỳ vẫn sẽ sống mãi như chứng nhân lịch sử cho sức sống của những thời đại đã qua.
Xem thêm: Lý luận văn học: Sách là dưỡng chất kích thích cho việc sống của chúng ta
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận