Liên hệ, mở rộng văn xuôi bằng những trích dẫn thơ ca
Các bài văn xuôi sẽ trở lên hấp dẫn hơn nếu các bạn học sinh biết liên hệ mở rộng bằng những trích dẫn thơ ca.
01
Trên trang viết của Nguyễn Minh Châu, người đàn bà hàng chài là hiện thân của tình yêu thương, đức hi sinh, sự nhẫn nhục của người phụ nữ. Qua người đàn bà hàng chài, ta thấy thấp thoáng bóng dáng của những người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha và đức hi sinh:
"Nhẫn nại nuôi con, suốt đời im lặng
Biết hi sinh nên chẳng nhiều lời"
(Tố Hữu)
02
Từ dáng điệu, cử chỉ đến cách ăn nói đối đáp, thị vừa cong cớn, vừa thô lỗ, sỗ sàng. Thị đã nhịn đói nhiều ngày. Cái đói hành hạ. Chết đói là điều cầm chắc, cần được ăn sống. Thị cần có nơi nương tựa để khỏi chết đói. Bản chất tốt đẹp của người con gái đã bị nạn đói, cái đói khủng khiếp cướp mất đi, che lấp đi, thật đáng thương! Thị có khác gì người ăn mày nọ:
"Ăn mày là ai? Ăn mày là ta!
Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày!"
(Ca dao)
03
Tiếng trống thúc thuế vang lên, lòng mẹ quặn thắt những âu lo, căm hận kẻ thù: "Đằng thì nó bắt giồng day, đằng thì nó bắt đóng thuế". Bà lão quay đi giấu những giọt nước mắt. Bà không nỡ phá vỡ giây phút hạnh phúc của các con. Kim Lân dường như đã thấu hiểu và nâng niu những giọt châu ấy vì khám phá tấm lòng nhân hậu, vị tha rất mực đáng quý của người mẹ quê mùa nghèo khổ. Bà có suy nghĩ mộc mạc của người dân lao động nghèo, luôn cần mẫn chăm chỉ, luôn có niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Đó là cũng là vẻ đẹp chung của người dân lao động Việt Nam:
"Chớ than phận khó ai ơi
Còn da lông mọc còn chồi nảy cây"
(Ca dao)
04
Cuộc sống của người nông dân bị đẩy đến bước đường cùng. Tính mạng của con người lúc này thật rẻ rúng, người ta "nhặt" được vợ giống như nhặt cái rơm, cái rác ở bên đường. Thông qua tình huống truyện lấy vợ của Tràng, Kim Lân không chỉ nói lên được thực trạng đen tối của xã hội Việt Nam trước Cách mạng, mà còn thể hiện được thân phận đói nghèo, bị rẻ rúng vủa người nông dân trongt chế độ xã hội cũ, như những "kiếp người cơm vãi cơm rơi/ biết đâu mảnh đất phương trời mà đi" trong thơ Tố Hữu. Họ là những số phận bọt bèo khốn khổ, bị bào mòn cả ngoại hình và phẩm giá, giữa cái hoàn cảnh mà đâu đâu cũng là nanh vuốt của sự chết chóc:
"Năm Ất Dậu tháng ba còn nhớ mãi
Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương
Những thây ma thất thểu đầy đường
Rồi ngã gục không đứng lên vì... đói!".
(Bàng Bá Lân)
Xem thêm: Làm sao để đưa trích dẫn thơ vào NLXH vừa hay vừa hợp lý?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận