Ngày “dư được chút đỉnh”, “anh Ba Đạt” rút lui khỏi thương trường, chuyên tâm đi xây cầu mà không lấy một đồng tiền công suốt 14 năm qua.
“Đi riết vợ cằn nhằn luôn mà”
Câu chuyện “anh Ba Đạt”, tên gọi thân mật của ông Lê Văn Cư (54 tuổi, quê An Giang), xây gần 100 cây cầu nông thôn ở các tỉnh miền Tây không lấy một đồng tiền công được cư dân mạng thả tim hết mực.
Ông kể, ngày nhỏ nhà nghèo, học xong lớp 9 thì đi làm phụ hồ, ở đợ kiếm sống. Khi lấy vợ, ông được cha mẹ cho chiếc ghe nhỏ để bán rau cải, hành, hẹ trên sông. Bao năm tích cóp, vợ chồng ông mua được mảnh đất nhỏ ở chân cầu để định cư. Trải qua nhiều nghề, đến khi kinh doanh có lời, mua được vài mảnh đất, ông tự thấy “dư được chút đỉnh” nên đi tìm những người chuyên về cầu treo nông thôn học nghề.
Vài tháng sau, ông cùng 10 anh em khác thành lập đội xây cầu. Nhận lời đề nghị từ nhà hảo tâm, ông thiết kế để cây cầu tiết kiệm chi phí đến mức tối đa. Đặc biệt, ông không nhận tiền công xây dựng, thỉnh thoảng còn góp thêm kinh phí. Ông tâm sự: “Ngày đó tôi khổ, giờ có ăn nên muốn chia sẻ lại, chia sẻ cả tinh thần, vốn liếng. Tôi không bon chen nữa nên rút lui dễ lắm. Tiền của nhà tài trợ thì phải tính toán sao cho tiết kiệm nhất có thể, vừa giúp được nhà tài trợ, vừa giúp được bà con địa phương”.
Tính thật thà, ông cười tràng dài khi được hỏi đã xây bao nhiêu cây cầu không lấy công.
“Cầu đáy dày không như cầu bê tông, mỗi cây 3 người làm chỉ chừng 10 ngày là xong. Cầu dài dưới 20 m thì 100 triệu đổ lại; dài tới 80 m thì khoảng 1,2 tỉ, còn làm cầu bê tông thì chắc phải tới 8 - 9 tỉ đồng. 14 năm qua tôi đều đi như vậy, riêng với nhóm từ thiện của anh Võ Đắc Danh là gần 100 cây, còn các nhóm khác ở Sài Gòn nhiều lắm, có cả cầu thép, cầu bê tông. Nhà tài trợ gọi là tôi gật đầu, dù chẳng biết họ là ai. Đi miết xưa vợ cằn nhằn mà, giờ thì hết rồi”, ông nói.
Không ai nhờ thì tôi về nấu cơm cho vợ
Bà Trần Thị Hoa (52 tuổi, vợ ông Cư) cho hay, ngày trước hai vợ chồng mưu sinh cực khổ, đến khi làm ăn được đôi chút, ông cũng thỉnh thoảng đi nhậu, nhưng từ ngày xây cầu không lấy công, ông chuyển sang ăn chay trường. “Xưa ổng đi không về nhà luôn, giờ thì ổn định, chạy đi chạy về, không lo toan gì về kinh tế, chỉ lo xây cầu thôi”, bà Hoa nói.
So với những cây cầu treo, cầu bê tông thì cầu đáy dày bằng thép ông đang thiết kế xây dựng sẽ tiết kiệm chi phí, thời gian, đặc biệt cầu không cần trụ đỡ nên ghe, tàu qua lại thoải mái. Ban đầu, ông xây những cây cầu dài 15 - 20 m, đến nay ông đã xây những cây cầu dài đến 80 m. Ông vẫn hay nói đùa: “Làm cầu vì đam mê và vì chưa hết nghiệp với đời. Khi nào nhà hảo tâm không nhờ xây cầu nữa thì tôi về nấu cơm cho vợ”.
Từng trải qua những ngày tháng phải quăng thân chuối làm cầu để đi qua rạch, té ướt như chuột, ông càng thấu hiểu ước mong có cầu của bà con miền Tây. Đi qua nhiều nơi, ông tự nhẩm tính nếu 1 ngày ông làm xong 1 cây cầu, 10 người cùng làm như ông trong 10 năm cũng chưa đủ cầu cho bà con miền Tây. Do đó, ông mong được chia sẻ kinh nghiệm làm cầu tiết kiệm của mình để cùng nhân rộng công việc ý nghĩa này, giúp được nhiều bà con hơn.
“Làm cầu luôn đứng ngoài nắng không à, có chảy máu, mồ hôi, nước mắt nhưng khi hoàn thành nhìn mọi người vui, mình không còn đau hay mệt gì nữa”, ông nói.
Với chiếc xe Cub cà tàng, “anh Ba Đạt” len lỏi từ Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Vĩnh Long… để khảo sát và thi công cầu bất kể mưa nắng, chỉ cần nhà tài trợ nhờ là ông giúp. Đại diện một nhóm thiện nguyện tại TP.HCM nhìn nhận: “Nhóm được anh Ba Đạt hỗ trợ làm hơn chục cây cầu, tiết kiệm được từ 1/3 đến 1/4 chi phí. Nói về anh Ba Đạt thì không biết dùng từ ngữ gì nữa, nói chung là người ăn chay trường không màng thế sự, ai kêu làm gì cho bá tánh là ảnh đi liền”.
(Theo Thanh Niên)
Xem thêm: Việc tốt quanh ta: Lớp học tình thương của vợ chồng ông bà hơn 80 tuổi