Kim Ngân và hành trình 6 năm xuyên đêm cứu người gặp tai nạn

Nhận được tin báo có vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, Kim Ngân (29 tuổi) lập tức lên xe đến hiện trường ứng cứu....

Đỗ Thu Nga
08:00 05/08/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Theo VnExpress, nơi xảy ra tai nạn cách nhà Ngân khoảng 4km. Ngân mất khoảng 5 phút di chuyển đến nơi vì luôn sẵn sàng với những tình huống nguy cấp như này.

Nạn nhân là nam giới, sinh năm 2001, sau khi sử dụng bia rượu đã lái xe máy đâm trực diện vào tường. Dù được sơ cứu và hồi sức tích cực trong bệnh viện nhưng người này không qua khỏi.

Nhiều lần tiếp xúc với những ca nặng, từng chứng kiến nạn nhân tử vong nhưng mỗi lần nhận tin dữ, Ngân nói cô vẫn thấy đau đớn như mất đi người thân. "Ước gì tôi có thể hỗ trợ nhiều hơn, mọi người nâng cao ý thức tham gia giao thông không sử dụng rượu bia, các gia đình đã không rơi vào cảnh ly biệt", cô nói.

Được biết, Kim Ngân là đội trưởng đội cứu nạn giao thông 911 tại TP Thủ Đức. Ý tưởng về việc thành lập đội cứu nạn ra đời 11 năm trước sau khi chị gái cô không may gặp tai nạn giao thông, không được phát hiện và hỗ trợ kịp thời. Lúc đó, Ngân tự hứa cần phải hành động để những người gặp nạn giống như mình thêm cơ hội được sống.

"Nhưng ngày ấy tôi chỉ là học sinh trung học, bản thân chưa biết phải làm gì nên vẫn ấp ủ các dự định", cô nói.

kim-ngan-va-hanh-trinh-6-nam-xuyen-dem-cuu-nguoi-gap-tai-nan
Kim Ngân (áo đen) phối hợp cùng nhân viên y tế nẹp chân cho nạn nhân bị gãy chân do tai nạn giao thông năm 2021

Năm 2017, sau mấy tháng tham gia đội hỗ trợ tình nguyện tại Đồng Nai, Ngân quyết định thực hiện dự định của mình. Đội cứu hộ chuyên cấp cứu miễn phí cho các trường hợp bị tai nạn giao thông tại TP Thủ Đức ra đời.

Kim Ngân cho biết, thời điểm đó có nhiều đội tình nguyện nhưng không chuyên về sơ - cấp cứu, phối hợp với cơ quan chức năng tìm người thân hoặc cùng vào bệnh viện lo liệu các thủ tục, giấy tờ nhập viện nạn nhân gặp tai nạn, nên muốn giúp. Ý định của Ngân được bạn bè hưởng ứng, cùng tham gia.

Toàn bộ chi phí mua bông băng y tế, nẹp cổ và đai lưng được Ngân trích ra từ tiền lương của mình. Cô cho biết, mỗi ca cấp cứu thông thường tốn khoảng 50.000 đồng, riêng đa chấn thương khoảng 200.000 đồng với các trường hợp cần nẹp cổ, đai lưng. "Nhưng khi đưa nạn nhân vào bệnh viện đội tôi lại được các bác sĩ đổi cho dụng cụ mới, hoặc thi thoảng có gia đình của nạn nhân sau khi hồi phục gửi tặng một chút kinh phí mua bông băng, nên các thành viên chỉ cần bỏ công sức", nữ đội trưởng nói.

Những ngày đầu triển khai, Ngân nói khó tiếp cận người cần giúp bởi hầu hết chỉ biết số cấp cứu 115 hoặc nảy sinh tâm lý nghi ngờ khi được người lạ giúp đỡ. Để tạo lòng tin, cô cùng gần chục thành viên đi phát số điện thoại cho tất cả tài xế xe ôm, người bán hàng rong, quán nước quanh 29 phường trên những tuyến đường hay xảy ra tai nạn, hễ thấy người cần giúp đỡ thì liên hệ. Đến 21h mỗi ngày, cả đội lại chạy xe máy khắp các đường tìm người gặp nạn.

Thấy con quyết tâm, lại thấu hiểu nỗi đau mất người thân do tai nạn giao thông, mẹ Kim Ngân ủng hộ. Bà chỉ dặn đi đường cẩn thận, rồi hàng đêm thức chờ con gái về. "Mẹ là nguồn động lực lớn nhất để tôi tiếp tục cố gắng, bỏ ngoài tai những lời bàn tán bên ngoài. Dù mẹ đã qua đời ba năm trước, tôi vẫn biết bà luôn dõi theo mình", cô gái 29 tuổi kể.

Đây cũng là lý do số điện thoại đường dây nóng do Ngân phụ trách chưa bao giờ tắt, kể cả lễ Tết.

Nữ đội trưởng cho biết việc cấp cứu người bị tai nạn đòi hỏi nhiều kỹ thuật về y học, bởi sinh mạng tính bằng giây nên không được phép sai sót. Từ người chỉ dám quan sát nhân viên y tế xử lý các ca nặng tại hiện trường, Ngân bắt đầu được bác sĩ truyền dạy kinh nghiệm. Cô đăng ký học ngành y sĩ đa khoa tại trường trung cấp Bách Khoa Y Sài Gòn để bổ sung các kiến thức, nâng cao tay nghề. Là đội trưởng, Ngân cũng thường xuyên chia sẻ kiến thức chuyên môn về sơ cứu, băng bó vết thương hoặc xử lý khi gặp sự cố cho các thành viên trong đội.

Trung bình mỗi đêm đội nhận 3-5 cuộc gọi nhờ giúp đỡ đến đường dây nóng, tùy tình trạng sẽ phân bố các thành viên đi ứng cứu. Trong trường hợp quá tải, Ngân sẽ liên lạc với khoa Cấp cứu Bệnh viện TP Thủ Đức để được phối hợp hỗ trợ.

Trước đây, đội cứu hộ tai nạn giao thông Kim Ngân có 18 thành viên (2 nữ, 16 nam), nhưng nay còn 8 người chủ chốt, trong độ tuổi 20-32. "Quy định của đội là các thành viên đã lập gia đình chỉ được tham gia khi con cái trên 3 tuổi. Do vậy mà một số anh em đang tạm dừng hoạt động", Ngân giải thích. Ngoài nữ đội trưởng túc trực 24/24, các thành viên khác sẽ sắp xếp thời gian tham gia linh hoạt, phù hợp với lịch học tập, đi làm.

Lâm Hoàng Khánh Duy (21 tuổi) ở TP Thủ Đức, tham gia đội cứu hộ từ năm 2019 khi là học sinh trung học phổ thông. Quyết định này ban đầu bị bố mẹ Duy phản đối bởi lo con trai gặp nguy hiểm, ảnh hưởng đến công việc. Nhưng nam sinh đã thuyết phục gia đình bằng chính những nạn nhân được anh cứu sống.

kim-ngan-va-hanh-trinh-6-nam-xuyen-dem-cuu-nguoi-gap-tai-nan-7
Kim Ngân (thứ hai từ trái sang) cùng các thành viên của đội cứu hộ nhận bằng khen của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP HCM cuối năm 2022

Làm việc tốt, nhưng có đôi lần Duy bị người nhà của nạn nhân tưởng nhầm là người gây nạn nên hành hung. "Nhưng tôi không sợ bởi mục đích cuối cùng là cứu được người và lan tỏa những điều tích cực cho xã hội", Duy khẳng định.

Chị Nguyễn Thị Phượng (44 tuổi) ở TP Thủ Đức là một trong số những gia đình được nhóm của Ngân giúp đỡ. Chị kể vào đêm cuối tháng 11/2021 nhận tin con trai 20 tuổi bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, cơ hội sống chỉ còn 1% nên vội chạy vào bệnh viện. Đến nơi người mẹ bất ngờ khi thấy con mình đang được một cô gái trẻ và hai nam thanh niên hỗ trợ đưa vào cấp cứu và làm các thủ tục khác.

"Nhờ có Ngân và các thành viên trong đội kịp thời hỗ trợ con trai tôi mới được cứu sống. Cô ấy không chỉ là ân nhân mà còn giống như một "hiệp sĩ" giữa đời thường. Giờ mới thấy giữa thành phố rộng lớn, tình người thật ấm áp", chị Phượng nói.

Ngoài các nạn nhân được ứng cứu, hành động giúp người lúc hoạn nạn của đội cứu hộ dần lan tỏa đến nhiều người. Nữ đội trưởng nói đến nay mỗi lần phát hiện có tai nạn, người dân Thủ Đức đã biết gọi điện báo tai nạn, hỗ trợ đứng ra phân luồng, bảo vệ hiện trường trong lúc tình nguyện viên sơ cứu.

"Bên cạnh lời cảm ơn, thông báo bệnh nhân qua cơn nguy kịch, sự thay đổi từ nhận thức đến hành động của cộng đồng là món quà tri ân vô giá với chúng tôi", Kim Ngân chia sẻ.

Nhờ hoạt động tích cực, tham gia vào công tác tình nguyện và góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, đầu tháng 12/2022, đội cứu nạn giao thông tình nguyện của Ngân được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP HCM trao bằng khen cho những đóng góp trong công tác xã hội và hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.

Suốt 6 năm miệt mài đi cứu người xuyên đêm, nhưng nữ "hiệp sĩ" vẫn mang trong mình nỗi sợ "không kịp thời phát hiện người gặp nạn để giúp". "Ước mong duy nhất của tôi là thấy niềm hạnh phúc của mọi người khi được sum vầy, thay vì cảnh chia lìa như bản thân từng trải qua", Ngân nói.

(Theo VnExpress)

Xem thêm: Chàng kỹ sư 9x năng nổ tham gia cứu hộ người đuối nước: Cứ cho đi đừng sợ thiệt

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận