Khi chiếc thuyền không chỉ ở ngoài xa

“Có lẽ chúng ta còn chưa nghe rõ chăng, cái lời mà Nguyễn Minh Châu đã gọi là “khẩn thiết” của người đàn bà đói rách làm nghề chài lưới...” - Khi chiếc thuyền không chỉ ở ngoài xa - Nhà giáo Đỗ Kim Hồi.

Đỗ Thu Nga
15:00 03/08/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đây là một câu chuyện về sự lăn lộn, khắc khoải để tìm cho ra Sự Thật và Cái Đẹp, Nguyễn Minh Châu đã muốn người đi tìm, cũng đồng thời là người kể chuyện – anh Phùng, trước đó phải là người lính từng xông pha trong khói lửa chiến tranh, và nay, ở thời bình, lại hết mình trong nhiệm vụ săn bằng được một tấm ảnh thật đẹp về con thuyền và biển khơi rộng lớn.

Chắc Nguyễn Minh Châu đã phải đắn đo nhiều trước khi quyết định để cho nhân vật Phùng xuất hiện trong truyện với tư cách một phóng viên nhiếp ảnh. Là bởi, nghề nhiếp ảnh không cho phép nghệ sĩ tạo nên tác phẩm của mình chỉ bằng những gì anh ta hư cấu, giống như cách một nhà văn, một họa sĩ hay một điêu khắc gia…có thể và vẫn thường làm. Chính vì thế, cái cảnh tượng đẹp như mơ mà Phùng nói rằng mình đã thu vào ống kính, rồi sau đó, diễn tả lại dưới đây phải là cảnh tượng tận mắt anh chứng kiến, chứ không phải do anh tưởng tượng ra:

“Trước mắt tôi là bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc (…). Toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích (…). Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn…”

Một vẻ đẹp được coi là “tuyệt đỉnh”, là toàn mỹ và “toàn thiện”, nhưng là vẻ đẹp thực, của đời sống thực, của “trời cho”, của thiên nhiên ban tặng. Nhà văn, hình như muốn qua bức ảnh rạng đông bên bờ biển xa kia để đưa lại cho chúng ta bức thông điệp đầu tiên. Rằng cuộc đời luôn hứa hẹn những điều kỳ diệu, luôn đem tới niềm hạnh phúc được nhìn, được cảm xúc, được sống, miễn là chúng ta biết nhẫn nại tìm kiếm, biết kiên tâm chờ đợi và không ngừng tự thanh lọc cho tâm hồn mình thật sáng trong…

Nhưng dẫu sao, cái vẻ đẹp huyền ảo, mơ hồ, bảng lảng, lòe nhòe qua màn sương đó cũng là của một chiếc thuyền vào lúc ấy vẫn còn đang ở ngoài xa…

khi-chiec-thuyen-khong-chi-o-ngoai-xa-7

Chiếc thuyền, khi ở ngoài xa, thì trông đẹp mê hồn…

Thế nhưng, khi nó, con thuyền ấy, thật sự tiến lại gần, rồi đâm thẳng vào trước mặt người phóng viên nhiếp ảnh, cứ như do một thách thức vô hình nào xui bảo, thì mọi thứ bỗng đột ngột trở nên thay đổi hẳn, trần trụi và tàn nhẫn.

Những con người sẽ lần lượt xuất hiện trên bờ cát. Toàn những kẻ thô kệch, lam lũ, xấu xí, bù xù, người đàn bà thì tái ngắt, mệt mỏi, con gã đàn ông thì hung dữ.

Họ tới từ chính con thuyền tuyệt vời thơ mộng khi còn ở ngoài xa kia, rồi tách khỏi nó, đi vào bãi cát hoang vắng, nơi có chiếc xe tăng hỏng và chiếc xe rà phá mìn to lớn màu vàng – những dấu tích của một quá khứ đáng phải vượt qua. Và đấy là nơi sẽ diễn ra một cảnh bạo tàn, tưởng như đã phải mất từ lâu trong hiện tại:

“Lão đàn ông lập tức trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay, (…) chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!”.

Người đàn bà với một vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn.”

Độc giả có thể cảm giác như đang đọc lại những trang sách viết về một cuộc sống hoang sơ, man dại, chẳng hạn như về những người mu-gích Nga của M. Go-rơ-ki hay những người Cô-dắc ở sông Đông của Sô-lô-khốp, ở một thời đã qua gần thế kỉ trước đây. Nhưng không, đây là Việt Nam, đây là hiện tại; người đàn bà này và người đàn ông ấy, cái sự dữ tợn, thô lỗ nọ, cũng như cái sự chịu đựng nhục nhằn kia, theo Nguyễn Minh Châu, vẫn đang là một thực tế đau đớn tồn tại trong đời sống của chúng ta.

Và đứa nhỏ ấy nữa – thằng Phác, đứa bé thô phác, đứa nhỏ ấy cũng là một thực tế làm tim ta nhói buốt. Cậu thiếu niên xấu xí, sống gần rừng rú đó đã cố sức bảo vệ mẹ mình khỏi sự hành hạ dã man của người cha theo đúng cách của ông ta, hung hãn và đầy thù hận:

“Thằng bé cứ chạy một mạch (…). Như một viên đạn trên đường lao tới đích đã nhắm, mặc cho tôi gọi nó vẫn không hề ngoảnh lại, nó chạy tiếp một quãng ngắn giữa những chiếc xe tăng rồi lập tức nhảy xổ vào cái lão đàn ông.

(...) Không biết làm thế nào nó (…) giằng được chiếc thắt lưng, (…) dướn thẳng người vung chiếc khóa sắt vào giữa khuôn ngực trần (…) có những đám lông đen như hắc ín. Lão đàn ông (…) liền dang thẳng cánh cho thằng bé hai cái tát khiến thằng nhỏ lảo đảo ngã dúi xuống cát. Rồi lão lẳng lặng bỏ đi về phía bờ nước để trở về thuyền.”

Cái gia đình dân chài ấy, xót xa thay, cũng chính là một phần của chiếc thuyền kia, một phần của cuộc đời mà chúng ta đang sống. Chỉ có điều, đấy tuyệt nhiên không phải là cái phần mơ mộng, nên thơ, đưa lại cho ta những xúc cảm rất đỗi lãng mạn về thế giới này.

Hình như càng về cuối đời, Nguyễn Minh Châu càng đau đáu nghĩ về những miền quê mà ở đó, thiên nhiên có “một sức nhai người ghê gớm”, nó “nghiền nát những con người ra rồi vắt lại theo cái hình thù đã có từ nghìn đời nhưng không bao giờ viết thành văn của nó.” Trong con người nơi ấy, đang tồn tại một thứ bản năng tự nhiên, thô sơ hoang dã; nó khiến họ như lẫn vào cây cỏ buổi hồng hoang, mùi mặn mòi của nước biển, thứ hương nồng ngái của đất cày, hay với những con vật sống gắn liền với cánh đồng, vạt rừng, đá núi…

Đâu phải ngẫu nhiên khi Nguyễn Minh Châu đã mô tả người đàn ông trong bộ dạng của một con gấu dữ dằn, với những đám lông đen loăn xoăn, với tảng lưng khum khum và “hai bàn chân chữ bát để lại những vết chân to và sâu trên bãi cát hoang vắng”. Người đàn bà mặt rỗ thì như được vùng đầm phá đẻ ra từ những gì xấu xí, thô kệch, hèn dại của mình. Và thằng Phác, nó nhanh mạnh, dũng cảm như một chú sói con, nhưng cũng câm lặng và hoang dại như chính thiên nhiên của vùng biển xa vắng đó.

Những con người ấy sống bên nhau, quần tụ, rồi xâu xé, chống chọi nhau, cứ như thể xã hội này không hề có văn hóa và luật pháp. Hãy đọc lại cuộc đối thoại giữa người đàn bà làng chài và ông chánh án. Để thấy: hai loại người ấy quá khó để tìm một tiếng nói chung. Người đàn bà không thể hiểu luật pháp vì sao lại muốn bắt mình bỏ chồng, dù lão có thể đánh mình đến chết. Còn người chánh án, hiện thân cho luật pháp, thì cứ nhắc đi nhắc lại: “Không thể nào hiểu được!”. Nếu về sau Đẩu có lờ mờ vỡ ra điều gì đó, thì đấy là lúc anh đã “rời chiếc bàn xếp đến phát ngốt lên những chồng hồ sơ giấy má”, đi lại trong phòng, “rất nghiêm nghị và đầy suy nghĩ”, cái suy nghĩ chắc đã không chỉ là của một công chức suốt ngày ngốt người với hồ sơ giấy má, để thực thi các đạo luật mình nắm ở trong tay.

Có lẽ Đẩu đang nghĩ đúng cái điều mà nhà văn đã nghĩ và sau này sẽ nói ra chăng? Rằng, trên đất nước của chúng ta, có những vùng quê “hàng chục năm nay cũng như từ nghìn đời bao nhiêu thứ giặc ngoại xâm đến đây đều bị chết gục”, song “những điều biến đổi của cách mạng đến được đấy mới chật vật, khó khăn làm sao?”. Đọc Nguyễn Minh Châu, càng thêm thấm thía rằng, chúng ta không được phép quên, thờ ơ, quay lưng lại trước những giọt máu ứa ra từ nỗi đau, từ vết thương của những mảnh đất và những con người. Hãy nghĩ và cảm như nhà thơ Nga Nê-cra-xốp: chị em ruột thịt của Nàng Thơ, đấy chính là cô thôn nữ bị đánh đập tàn bạo trong buổi chiều quê…

Tuy nhiên, sẽ quá giản đơn, nếu hiểu Chiếc thuyền ngoài xa chỉ là một tiếng nói lên án thói bảo hành trong gia đình, hay trong xã hội. Cũng không nên vội coi truyện ngắn chỉ là một bức tranh có hai màu sáng tối soi chiếu vào nhau, để làm nổi bật lẫn nhau: bên này là mơ, bên kia là thực, bên này là vẻ tuyệt diệu của thiên nhiên, bên kia là sự xấu xa nơi nhân thế. Một tác phẩm mang ý tưởng giống như của V. Huy-gô trong tiểu thuyết Chín mươi ba: “Hãy nhìn xem, thiên nhiên làm được gì, con người thì làm được những gì?”.

Có lẽ chúng ta còn chưa nghe rõ chăng, cái lời mà Nguyễn Minh Châu đã gọi là “khẩn thiết” của người đàn bà đói rách làm nghề chài lưới:

“Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn... cho nên các chú đâu có hiểu được các việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc...”.

Chẳng phải Nguyễn Minh Châu muốn qua đây kêu gọi ta cần hiểu đúng nhân dân; những người lầm lũi “đang giơ bàn tay chai sạn vẫy chúng ta lại, kể cho chúng ta nghe về cái nhất thời trong cái muôn đời, cái độc ác nằm giữa cái nhân hậu”?

Như người đàn ông dữ tợn và cục súc kia, kẻ đánh đập vợ mình”ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Nhưng hãy xem cái cách thức ông ta đánh người đàn bà ấy: Trong đó, không hề có cảm giác hả hê: “ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày một tiệc lớn”. Chỉ thấy ở đó sự phun trào của uất ức khổ đau. Tấm thân người vợ thành nơi để ông ta trút sự phẫn nộ đang ngùn ngụt cháy lên từ cuộc sống cơ cực, quẫn bách, quẩn quanh, bức bối. Trước khi là tội nhân, ông ta đã là nạn nhân của nghèo đói, dốt nát, tối tăm – con quỷ dữ đã và sẽ còn sinh ra nhiều tấn bi kịch cho cái thế giới khốn khổ này. Xét đến cùng, ông ta đáng thương nhiều hơn là đáng để cho ta căm ghét.

Phác cũng vậy. Đứa nhỏ liều lĩnh và man dại ấy đã dám quất thắt lưng vào ngực cha, dám giắt dao găm để đối phó với cha. Song phía sau sự hung bạo, quyết liệt đến dại dột kia, ẩn dưới vẻ ngoài thô bạo, cục cằn kia, là cả một tình yêu đau đớn, mãnh liệt với mẹ mình. Chính tính yêu thương ấy đã đem lại cho Phác sự quyết tâm và lòng can đảm để em dám chống lại người cha dữ tợn, với niềm căm hận được nén chặt như người ta nhồi thuốc súng. Trong sự phản kháng đến cùng thói bất công, tàn bạo, Phác không sợ hãi, không tính toán thiệt hơn, dám đảm lãnh một trách nhiệm mà nhiều người lớn hơn chưa chắc đã có gan gánh vác, cái trách nhiệm được nó tuyên bố, ngây thơ mà chắc nịch: nó còn có mặt nơi đây thì mẹ nó không bị đánh. Chính ý chí kiên cường, nảy sinh từ một tình yêu dữ dội, đã biến đứa nhỏ câm lặng thành viên đạn xuyên phá sự độc dữ của gã đàn ông và làm lăn ra những giọt nước mắt chắt từ trái tim cằn héo của người đàn bà đau khổ.

Tuy nhiên, trong Chiếc thuyền ngoài xa, nhân vật kết tinh nhiều nhất phẩm chất mà Nguyên Hồng gọi là “thuần hậu nguyên thủy” lại chính là người đàn bà đau khổ đó.

Con người này quả đã chịu quá nhiều sự dập vùi của cõi trần thê thảm, những nỗi khổ mà cả những người từng là lính cũng không dễ hiểu ngay. Đẩu và Phùng đâu có biết thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền: hàng chục đứa con chen chúc nhau trên chiếc thuyền chật chội; cả tháng trời ăn toàn xương rồng luộc chấm muối khan; cảnh sống lênh đênh quanh năm suốt tháng, không dám mơ dù chỉ một tấc đất cắm dùi...

Nhưng sự khổ sở ấy vẫn chưa thấm vào đâu so với nỗi khổ bởi sự tàn ác của con người. Có lẽ văn học còn chưa xây dựng được hình ảnh của người vợ nào bị đánh đập tàn nhẫn thường xuyên thế, kể cả cô Mị của Tô Hoài. Người vợ ấy cứ phải đem thân ra hứng trọn nỗi thù đời của lão chồng man rợ, bất kể lúc nào, quen đến mức khi bị đánh thì bà ta chỉ thấy mệt mỏi, chán nản hay buồn ngủ. Cảm giác mạnh nhất của bà ta khi đó chỉ là xấu hổ, nhục nhã trước bầy con. Nên khi con cái lớn lên, nguyện vọng của bà không phải là xin chồng thôi đánh, mà cay đắng thay, là xin chồng đánh ở chỗ khuất trên bờ.

Thế nhưng, lẽ đời kỳ lạ ở chỗ lòng những người khốn khổ tột cùng nhiều khi lại quảng đại, bao dung, sáng suốt. Như Xô-ni-a ở “Tội ác và trừng phạt” hay như Từ ở “Đời thừa”. Người đàn bà ở Chiếc thuyền ngoài xa cũng thế. Theo bà, chồng mình làm điều ác là bởi ông ta khổ sở. Cái khổ khiến cho người hiền lành trở nên ác nghiệt. Nên cũng như Từ, người phụ nữ cực khổ đó sẵn sàng nhận phần lỗi về mình, chứ không than thân trách phận: “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ”. Liệu có bao nhiêu người đàn ông biết như anh Hộ, cúi mặt trước ý nghĩ rộng lượng đến vậy của một phụ nữ bình thường?

Với một người đàn bà như thế, đáng sợ hơn cả là con người nhưng đáng yêu thương hơn cả vẫn là những con người. Đẩu đã lầm khi xét đoán theo cái lí thông thường: “chị không sống nổi với cái lão đàn ông vũ phu ấy đâu!”. Bởi sau những trận đòn khủng khiếp, bà ta vẫn vội vã theo chồng trở lại thuyền. Bà ta thà để tòa bắt tù, còn hơn là bắt phải xa kẻ hung tợn ấy. Không chỉ vì trên thuyền cần có người đàn ông khỏe mạnh trong lúc sóng to biển động, mà chủ yếu là bởi vì “đàn bà ở thuyền chúng tôi (...) không thể sống cho mình”. Với họ, cảm giác hạnh phúc – nó vẫn có, dù rất hiếm hoi – là những khi vợ chồng vui vẻ. Còn không gì vui hơn là được nhìn con cái ăn no...

Không, đó không hề là sự lạc hậu để người phụ nữ ấy phải xin ai chiếu cố, lượng tình. Đó là sự nhân hậu, lòng vị tha, cội nguồn nhân bản nghìn đời ngưng kết lại trong tâm hồn người lao động.

Chiếc thuyền ngoài xa, chiếc thuyền có gì thật giống với cuộc sống này, lạ mà quen, mơ mộng, ảo huyền mà xù xì, gần gũi. Nó chợt hiện, lại thoắt biến đi như “câu chuyện cổ đầy quái đản”, rồi trụ lại, chống chọi những đợt sóng bạc đầu nổi cồn lên và mặt biển thì gào thét trong cơn bão táp.

Chiếc thuyền ấy đã đưa tới cho nhiều nhà nghệ sĩ vẻ đẹp quyến rũ của biển, của thiên nhiên. Nhưng Nguyễn Minh Châu còn muốn người đọc nhận ra ở đây, trong ánh hồng hồng của sương mai, hình ảnh của Người Đàn Bà Lao Động, của Nhân Dân, trong Đời Sống cần lao nhọc nhằn, mạnh mẽ và vĩ đại. “Người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, (...) người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch (...). Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân dẫm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông...”

Chúng ta có thể và phải làm gì cho những Người Đàn Bà như thế?

(Bài viết “Khi chiếc thuyền không chỉ ở ngoài xa” của nhà giáo Đỗ Kim Hồi)

Xem thêm: So sánh chi tiết "nồi chè khoán" (Vợ nhặt) và "xương rồng luộc chấm muối" (Chiếc thuyền ngoài xa)

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận