Hành trình từ giải khuyến khích thành phố đến HSG Quốc gia: Đối diện với trạng thái "bí văn" thế nào?

Dưới đây là những dòng chia sẻ đầy tâm huyết của "sun đi tìm màu" về cách đối diện với trạng thái "bí văn. Bạn có thể tham khảo để rút ra kinh nghiệm cho mình.

Đỗ Thu Nga
09:00 24/09/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

NGHE, NGHE, NGHE: Nghe gì? Nghe ở đâu?

Âm nhạc, radio có lẽ là một giải pháp hay ho khiến đầu óc bạn trở nên thư giãn hơn. Bởi âm thanh có sức mạnh khiến tâm hồn thăng hoa hơn. Mình sẽ lấy luôn ví dụ về cách nghe của mình. 

Đối với nghị luận xã hội (NLXH), các bạn có thể nghe nhạc bản thân thích, mình thì mình nghe luôn những bài nhạc "đời" một chút như rap của Đen Vâu hay nhạc của Chillies, Ngọt... Như khi mình nghe ca khúc "Màu (đen trắng)" của Ngọt, có những câu hát làm tâm trí mình bực dậy bởi những suy nghĩ bắt đầu gợi ra: "Giữa những im lặng này/ Giữa những trĩu nặng này/ Giữa những đen trắng, đen trắng, đen trắng/ Tôi chỉ muốn đi tìm lại những sắc màu". Bạn hãy bình luận xem bạn nghĩ gì khi nghe đến nó. Như vậy, chúng ta vừa có thể thư giãn, vừa mở rộng tư duy suy nghĩ, vừa có nhận định đưa vào bài.

Khi-bi-van-phai-lam-the-nao-8

Đối với nghị luận văn học (NLVH), khi "bí văn" mình sẽ nghe radio (cái này thì dành cho bạn nào còn tỉnh táo chút nhé chứ dễ buồn ngủ lắm). Bật mí luôn là mình thường nghe "Trạm radio" trên nền tảng Soundcloud và Youtube, mình thấy khá hay luôn nha. Có nhiều playlist nhưng mình thích nhất là playlist "Radio phỏng vấn về văn học dịch" và "Radio phỏng vấn về văn học Việt Nam", trong đó có nhiều kiến thức thông tin rất hay. Có những số Radio tiêu đề rất ấn tượng và tạo sự gợi mở như "Tương lai nào cho văn học Việt Nam?" hay "Franz Kafka - hơn cả ngôn từ. Từ đó, chúng ta có thể mở rộng tư duy phản biện đối với vấn đề NLVH, phân tích đề sắc sảo hơn. Như vậy, bằng cách nghe radio, bạn vừa có thể thay đổi không khí học văn vừa có thêm nhiều kiến thức tuyệt hay.

ĐỌC,  ĐỌC, ĐỌC: Đọc sách gì? Đọc như thế nào?

"Bí văn" cũng là một dấu hiệu cho thấy bạn đang thiếu dẫn chứng, thiếu vốn từ, kiến thức. Bạn cần đọc sách, tài liệu để hạn chế trạng thái này trong phòng thi. 

Đối với NLXH, mình thường đọc sách có hành văn hay, tự nhiên vừa có thêm nhiều vốn từ, cho bản thân. Điều này gọi là "biết chọn lọc sách". Khi "bí văn", mình sẽ mở một số cuốn sách như "Nếu biết trăm năm là hữu hạn" của Phạm Lữ Ân, "Sống như cây rừng" của Hà Nhân... ở phần mục lục chọn tiêu đề mình thấy thu hút nhất rồi đọc thật thong thả, thoải mái. Mình trích ra đây một đoạn nha: "Đám đông cho người ta sự nặc danh. Có thể vì thế ta không còn cảm thấy hiểm nguy chỉ hướng đến mình và ta tưởng mình trở nên không biết sợ. Nhưng cũng vì thế mà ta dễ biến thái thành một kẻ hành động vô trách nhiệm". 

Khi-bi-van-phai-lam-the-nao-7

Đối với NLVH thì lại có phần "nan giải" hơn NLXH, mỗi khi mình mắc phải trạng thái "bí văn". Tuy nhiên, mình xin được đưa ra 2 cách, nếu bạn thấy phù hợp thì áp dụng nhé:

- Cách thứ nhất: Mình hay đọc những bài diễn văn của các nhà văn đoạt giải Nobel. Mình thích lắng nghe những tâm sự của họ khi bén duyên với con chữ, thích cách họ bày tỏ những cảm xúc sâu kín khi đối diện với bài viết. Từ đó, bản thân lại có nguồn cảm hứng diệu kỳ. Mình sẽ để đây một trong số những trích dẫn tuyệt hay từ diễn văn Nobel của Orhan Pamuk nha: "Nhà văn là kẻ bỏ hàng năm trời ròng rã kiên trì ra sức khám phá cái bản thể thứ hai bên trong mình, và cái thế giới khiến anh trở thành chính anh trong hiện tại". Nó giúp mình có thêm từ và ý tưởng để viết lý luận nhiều lắm nha.

- Cách thứ hai mình dùng mỗi khi "bí văn" là vào trang cá nhân của những nhà thơ, nhà văn Việt Nam. Mình có thể đọc được những bài viết chất lượng cực kỳ, ví dụ như tác giả Nguyễn Quang Thiều, tác giả Fan Tuấn Anh, tác giả Nguyễn Ngọc Tư, vân vân và mây mây.... (còn nhiều lắm nhưng mình quên mất tiêu rồi). Mình sẽ để đây một đoạn trích mình đọc được trên facebook của tác giả Nguyễn Quang Thiều: "Thơ ca hay nói rộng hơn là văn hóa quyết định ý nghĩa sống của con người. Nếu không có văn hóa, thì đời sống con người cũng chỉ là hình thức sống của một loài mà bản chất của đời sống ấy cũng không khác gì các loài khác đang hiện diện trên thế gian này". Từ việc đọc mà mình biết thêm nhiều quan điểm về văn học, viết có chiều sâu hơn.

Lời khuyên từ "sun đi tìm màu": "Nhiều lần hụt hẫng, nhiều lần bế tắc khi ngồi trước trang giấy... Nhưng đừng lo lắng! Chỉ cần kiên trì thay đổi và tiếp thu, mọi thứ sẽ sớm cải thiện thôi".

Xem thêm: Trắc nghiệm yêu văn học: Chí Phèo gặp Thị Nở trong hoàn cảnh nào, sao người rộn rạo?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận