"Kết nên một đài sen" - triển lãm tư liệu báo chí Phật giáo tưởng nhớ vị Bồ tát lưu lại trái tim bất diệt

Triển lãm tư liệu báo chí Phật giáo với chủ đề "Kết nên một đài sen" khai mạc vào chiều tối 30/5 tại TP.HCM. Đây là 1 trong những hoạt động mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567 và tưởng nhớ ngày Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân.

Đỗ Thu Nga
14:37 31/05/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

"Kết nên một đài sen" - nơi trưng bày 60 tác phẩm đặc biệt

Triển lãm tư liệu báo chí Phật giáo "Kết nên một đài sen" do Báo Giác ngộ, Ban thông tin - truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM và thư viện Huệ Quang phối hợp tổ chức . Đây là nơi trưng bày, giới thiệu 60 tác phẩm, ảnh tư liệu về Bồ tát Thích Quảng Đức và giai đoạn lịch sử của Phật giáo Việt Nam năm 1963.

Đó là những tư liệu, hình ảnh thực tế phong phú được báo chí ghi nhận, các nhân chứng công bố, các nghiên cứu đề cập trong 60 năm qua. Đặc biệt, có những tác phẩm hơn 60 năm tuổi, đã bị tác động bởi thời gian nên được trưng bày trong tủ kính. 

ket-nen-mot-dai-sen--trien-lam-tuong-nho-bo-tat-thich-quang-duc
hượng tọa Thích Tâm Hải thuyết minh về giá trị của những bức ảnh

Thượng tọa Thích Tâm Hải - tổng biên tập báo Giác Ngộ, trưởng Ban thông tin - truyền thông Giáo hội Phật giáo TP.HCM, trưởng ban tổ chức cho biết: Để có triển lãm này chính là tinh thần trẻ của quý thầy, phóng viên đang công tác tại báo Giác ngộ, sự nhiệt tình của nhân viên thư viện Huệ Quang, Ban thông tin - truyền thông Giáo hội Phật giáo TP.HCM, chúng quan âm thuộc đạo tràng Pháp Hoa. 

ket-nen-mot-dai-sen--trien-lam-tuong-nho-bo-tat-thich-quang-duc-0
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn chia sẻ về những tư liệu tại triển lãm

Triển lãm trưng bày 3 nội dung, gồm kỷ vật, pháp bảo, pháp khí liên quan đến cuộc đời Bồ-tát Quảng Đức; những hình ảnh biểu tình đòi quyền sống và tự do tôn giáo của Phật giáo tại Sài Gòn năm 1963, đặc biệt là những hình ảnh xuống đường tranh đấu tại TP.Nha Trang vào năm 1963 lần đầu tiên được công bố; và những tác phẩm mỹ thuật (hội hoạ và điêu khắc) lấy cảm hứng từ cuộc đời và đạo nghiệp vĩ đại của Bồ-tát Quảng Đức...

Triển lãm mở cửa đến hết ngày 8/6.

Mỗi người là một đóa sen trong ngôi nhà Phật giáo

Thượng tọa Thích Tâm Hải chia sẻ: "Nhìn lại ngọn lửa Bồ tát Thích Quảng Đức không phải chỉ để nhìn “một biến cố đau thương” hay sự kiện đã qua, mà chính là để soi lại chính mình, để nhận ra được ngọn lửa ấy trong sâu thẳm tâm thức mỗi chúng ta hôm nay, để thấy được tinh thần của một giai đoạn mà Phật giáo chan hòa trong buồn vui của dân tộc.

ket-nen-mot-dai-sen--trien-lam-tuong-nho-bo-tat-thich-quang-duc-8
Những tư liệu quý có tuổi đời trên 60 năm được trưng bày trong tủ kính

Để xác nhận rằng việc đấu tranh, nếu phải có, là chính để bảo vệ tinh thần dân tộc chứ không phải để giành giật quyền lực, tranh đấu trong Phật giáo cũng chính là để bảo vệ văn hiến, bảo toàn chánh pháp cũng chính là bảo vệ cái hồn của dân tộc chúng ta”.

Cùng trong dòng suy nghiệm ấy, Hòa thượng Thích Lệ Trang - Trưởng ban Trị sự Phật giáo TP.HCM cho biết: “Được duyên may tận mắt nhìn lại những hình ảnh, những minh chứng xác thực, những hy sinh cao quý của chư vị thánh. Chúng ta là những thế hệ đi sau, phải tu tập như thế nào để xứng đáng tiếp nối sự nghiệp của chư vị thánh tử đạo”.

Hòa thượng nhấn mạnh mỗi người chúng ta cũng là một đóa sen, tô điểm cho ngôi nhà Phật giáo. Phật giáo Việt Nam sẽ đẹp mãi trong lòng dân tộc, xứng đáng với sự tin yêu của Phật giáo trên thế giới.

ket-nen-mot-dai-sen--trien-lam-tuong-nho-bo-tat-thich-quang-duc-7
Không gian triển lãm tại 85 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM

Hòa thượng Thích Quảng Đức - vị Bồ tát lưu lại trái tim bất diệt

Hòa thượng Thích Quảng Đức, pháp danh Thị Thủy, pháp tự Hành Pháp, thế danh Lâm Văn Tuất, sinh năm 1897 tại làng Hội Khánh, quận Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ngài xuất gia năm 7 tuổi với Hòa thượng Thích Hoằng Thâm.

Sau thời gian tu tập tại quê nhà, năm 1934, Ngài rời Khánh Hòa vào miền Nam để tiếp tục sứ mệnh bảo vệ và phát triển Chánh pháp. Hòa thượng Thích Quảng Đức đi khắp nơi ở các tỉnh miền Nam để giáo hóa, cũng từng sang Campuchia 2 năm để học và nghiên cứu kinh điển theo truyền thống Theravada. 

ket-nen-mot-dai-sen--trien-lam-tuong-nho-bo-tat-thich-quang-duc-5
Hình ảnh trưng bày tại triển lãm “Ngọn lửa thiêng” ở Khánh Hòa - quê hương Bồ-tát Thích Quảng Đức

Trong cuộc đời hoằng pháp của mình, Bồ tát Thích Quảng Đức có công xây dựng hoặc tùng tu tất cả ba mươi mốt ngôi chùa. Ngôi chùa cuối cùng, nơi ngài trụ trì là chùa Quan Thế Âm, số 68 Nguyễn Huệ, quận Phú Nhuận (hiện con đường này đã chính thức được mang tên ngài).  

Ngày 20 tháng Tư nhuần năm Quý Mão, nhằm ngày 11/6/1963, trong một cuộc diễn hành của gần 1000 tăng ni để tranh thủ chính sách "bình đẳng tôn giáo" và sự tôn trọng lá cờ Phật giáo, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã nhận ra được Chánh pháp là ngọn đuốc thần soi sáng thế nhân, còn thân ngũ uẩn chỉ là giả tạm. Ngài bèn quyết định thực hành nguyện ước là tự thiêu thân để cúng dường Phật pháp, và cũng làm để làm động cơ thúc đẩy Chính  phủ giải quyết gấp rút năm nguyện vọng của Phật giáo, giải tỏa cho ba ngôi chùa ở Huế đang bị vây khốn.

Chính vì tâm nguyện ấy cho nên ngài đã tự tẩm xăng ướt mấy lớp cà-sa, rồi ngồi kiết-già ở giữa ngã tư Phan Đinh Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng Tám, TP.HCM), tự tay châm ngọn lửa. Ngọn lửa bốc cao phủ kín thân mình, ngài vẫn an nhiên chắp tay tĩnh tọa, gương mặt không lộ vẻ hãi sợ, lo âu. Gần mười lăm phút sau, lửa tàn và ngài đã ngã xuống, trên tay vẫn còn quyết ấn Cam lồ.  Điều đặc biệt, trái tim của ngài bất diệt dù được thiêu với hàng ngàn độ vẫn vẹn nguyên, trở thành xá-lợi được Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tôn kính.

(Nguồn: Thanh Niên, Vietnamnet)

Xem thêm: Thông điệp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2567: Kiến tạo hòa bình, kết đài sen dâng Phật

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận