Cựu binh Nguyễn Văn Thống: Hồi ức Gạc Ma là những khoảnh khắc bi tráng không thể nào quên
Tìm thấy nhau trong hoàn cảnh éo le của Gạc Ma 34 năm trước, những người đồng đội, đồng hương chỉ dặn nhau "nếu ai sống sót trở về thì nhắn với gia đình rằng mình đã chiến đấu kiên cường để bảo vệ Tổ quốc. Chết vinh quang!".
Ngày 14/3/1988 (nhằm ngày 27 tháng giêng Âm lịch), Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm đảo đá chìm Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong một cuộc chiến không cân sức để bảo vệ đảo đá Gạc Ma, 64 chiến sĩ thuộc lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh. Nhiều người trong số họ đã nằm mãi mãi dưới đáy biển sâu. Từ đó, cứ ra giêng, các cựu binh Gạc Ma thường kết hợp du xuân để thăm viếng thân nhân các gia đình liệt sĩ. Thăm hỏi những người mẹ của đồng đội không may mắn như mình.
Bây giờ đã 34 năm trôi qua, nhưng ký ức về Gạc Ma năm nào vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của các cựu binh. Với người cựu binh Nguyễn Văn Thống (SN 1964) trú tại thôn Khối, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), ông sẽ không bao giờ quên những khoảnh khắc bi tráng và những năm tháng tù đày ở Trung Quốc.
Trong hồi cứu của cựu binh Nguyễn Văn Thống, ông vẫn nhớ như in giây phút quân Trung Quốc dùng vũ lực tấn công vào tàu và lực lượng công binh, binh lính giữ đảo của ta. Sau trận chiến ấy, 64 đồng đội của ông đã hy sinh, 9 người bị bắt, trong đó có ông bị phía Trung Quốc bắt giữ.
Đó là vào khoảng 6h ngày 14/3/1988, nhóm gần 50 người là lính của Trung Quốc mang súng AK bao vây, áp sát bộ đội ta. Khi ấy các chiến sĩ phía ta tổ chức đội hình để bảo vệ lá cờ Tổ quốc được cắm trên đảo. Sau một hồi giằng co và uy hiếp tinh thần của ti, sĩ quan chỉ huy lính Trung Quốc bắn súng chỉ thiên phát lệnh rồi bắn vào Thiếu úy Trần Văn Phương. Người chiến sĩ này ngã xuống, tay vẫn nắm chặt lá cờ Tổ quốc.
Trung sĩ Nguyễn Văn Lanh chạy lại đỡ lá cờ trên tay Thiếu úy Phương. Một lính Trung Quốc gần đó đã đâm lưỡi lê vào Trung sĩ Lanh khiến anh gục xuống, nhưng tay vẫn ghì chặt lá cờ.
Cùng lúc, tàu chiến Trung Quốc tăng tốc, áp sát đảo, áp sát tàu HQ 604 rồi bắn pháo khiến tàu hư hỏng nặng và chìm xuống. Nhiều chiến sĩ trên tàu bị thương nặng hy sinh và chìm cùng tàu. Những người may mắn sống sót với nhiều thương tích cố bám víu vật thể nổi lênh đênh giữa biển.
Cựu binh thống kể, sau khi ngụp lặn khỏi con tàu đang chìm, ông cố níu lấy tấm ván gỗ và để mặc nó trôi trên biển. Đến khoảng 4h ngày 14/3, ông Thống đang ôm tấm ván gỗ lênh đênh trên biển thì gặp người đồng đội tên Lê Văn Đông.
Vừa là đồng đội vừa là đồng hương ở huyện Bố Trạch (Quảng Bình), tìm thấy nhau trong hoàn cảnh éo le, ai nấy đều bị thương nặng, sức kiệt nên họ chỉ dặn nhau: "Nếu ai sống sót trở về thì nhắn với gia đình rằng mình đã chiến đấu kiên cường để bảo vệ Tổ quốc. Chết vinh quang!". Sau đó, ông Thống cùng 9 đồng đội khác bị quân Trung Quốc phát hiện và bắt lên tàu, đưa về bán đảo Lôi Châu.
"Khi đó tui kiệt sức, máu chảy nhiều nên ngất lịm, không biết chi nữa. Mãi đến 3 ngày sau, khi tỉnh dậy thì đã thấy mình ở trong nhà giam. Khoảng vài tháng đầu, ngày mô cũng rứa (thế), sáng cũng như chiều đều bị dựng dậy lần lượt hỏi cung từng người: Ai chỉ huy, quân số bao nhiêu, vũ khí loại gì... Chúng tôi đều nói không biết. Chúng tôi là lính, chỉ biết nhiệm vụ được giao là xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc", ông Thống chia sẻ.
Sau 3 năm 5 tháng bị giam cầm, hỏi cung, tuyên truyền đủ cách nhưng không khai thác được gì từ những người lính kiên cường. Đến tháng 8/1991, phía Trung Quốc đành trao trả 9 tù binh Gạc Ma về Việt Nam.
"Trước ngày được thả, được thiết đãi bữa cơm ngon hơn ngày thường. Ăn xong, tối hôm đó chẳng ai ngủ được. Cứ nghĩ điều tốt thì ít mà điềm dữ thì nhiều. Đến sáng sớm hôm sau, mọi người được dẫn lên xe ra khỏi trại trong sự áp tải của hàng chục binh lính cùng vũ khí. Khi xe chạy được một đoạn thì chỉ huy cuộc áp tải rút tờ giấy ra đọc: "Hôm nay Chính phủ Trung Quốc phóng thích tù binh Việt Nam về nước", ông Thống nhớ lại.
Theo báo Sức khỏe & Đời sống, sự kiện Gạc Ma đã khiến phần mặt phía bên trái của ông bị biến dạng, mất đi một phần bàn tay và bàn chân. Trở về quê, thương binh 1/4 Nguyễn Văn Thống kết hôn, được địa phương cấp cho 1 đám đất cạnh chợ Nhân Trạch và giao đảm nhận khâu vệ sinh, thu gom rác trong chợ để làm kế sinh nhai.
Sự kiện Gạc Ma đã đi qua được hơn 30 năm, nhưng nhiều năm qua, cứ đến dịp 14/3, ông Thống và những người đồng đội còn sống trong sự kiện Gạc Ma đều tổ chức gặp gỡ. Họ ôn lại quá khứ hào hùng và tưởng nhớ những người đồng đội đã anh dũng hy sinh.
"Điều tui mong nhất là cứ đến ngày 14/3 hàng năm, những người đồng đội còn sống trong trận chiến Gạc Ma được gặp gỡ, ôn lại quá khứ và tưởng nhớ đến những người đồng đội đã hy sinh. Cùng với đó mong muốn các thế hệ sau này hãy tìm hiểu về sự kiện Gạc Ma để hiểu được những gian khổ, hy sinh mà tôi và đồng đội đã trải qua", ông Thống chia sẻ.
(Theo Hùng Trần/Sức khỏe & Đời sống)
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận