Hội chứng con vịt - bài luận bàn về "những tảng băng chìm trong cuộc sống thời hiện đại
Hội chứng con vịt - đây là một bài luận khá hay mà các bạn học sinh có thể tham khảo, lưu vào tủ văn chương của mình để hỏi.
Có một em bé đang tập vẽ nói rằng : “Vẽ chẳng khó tí nào, em vẽ con vịt này trong tích tắc thôi cô ạ!”. Nhưng trong chiếc cặp nhỏ của em lại có một mớ giấy hỗn độn chi chít những hình vịt vẽ lỗi.
Có một cô bé học sinh cầm trên tay bài kiểm tra nói rằng: “Bài này dễ lắm, mình có ôn gì đâu cũng làm được đây này”. Nhưng tối hôm qua rõ ràng em là người ngủ muộn nhất.
Có một cô gái đã kết hôn, nói rằng: “Mình và chồng yêu nhau như định mệnh, cãi nhau là chuyện khó lắm”. Nhưng rõ ràng sau khi có con, cô nhận ra mình đã yêu sai người.
Có một người hay bảo rằng: “Tôi rất ổn”. Nhưng thật ra họ lại chính là người không ổn nhất…
Có một người, rồi lại một người, một người và thêm nhiều người như thế nữa. Họ luôn cố che giấu đi cái thực sự đang xảy đến với họ trước mặt người khác và thay vào đó, họ cho bản thân hiển lộ hết thảy những tấm vỏ bọc được sơn mài kĩ lưỡng, áo lên chính mình một lớp bụi mà họ cho rằng đó là bụi tiên của hạnh phúc nhưng lại không biết rằng đó thực chất là ảo ảnh của cơn mê. Và hiện tượng như trên chính là “Hiệu ứng con vịt” (hay Duck syndrome).
Và ngay lúc này, bạn và tôi, chúng ta hãy bình tâm một chút, lắng lại đôi chút để cùng nhau mổ xẻ, đối thoại nhằm làm sáng tỏ lên những lí do, ẩn ức dẫn lối con người ta đến với “Hiệu ứng con vịt” này?
Trong một lần dạo trên những trang sách quý tôi thấy được một câu nói thế này: “Giữa muôn vàn thế giới rộng lớn mờ mịt, hẳn mỗi người đều đang giữ lấy cho mình muôn ngàn thế giới nhỏ” (Lâm Thanh Huyền), thật ra tôi biết câu nói ấy mang nghĩa rất tích cực nhưng đôi khi tôi nghĩ lại, “muôn ngàn thế giới nhỏ” mà mỗi chúng ta mang, có khi nào có lẫn trong đấy một thế giới mà tại đó ta cất giấu đi cảm xúc thật của mình để rồi những trạng thái mệt mỏi, áp lực, những dồn nén quá thể cứ thế bị đẩy lên rồi lại nén xuống y như chiếc bụng nhỏ nhấp nhô khi ta hít thở.
Như bạn đã biết, khi Hoàng Tử Bé muốn nhổ cây baobab thì cậu ấy cũng phải cố gắng nhổ nó lúc còn non vì khi nó lớn, nó sẽ đâm rễ bám chặt vào các hành tinh, khiến các hành tinh nổ tung. Và chúng ta, khi đã hiểu được những nỗi khổ tâm khi phải trải qua “Hội chứng con vịt” thì ta hãy cùng cố gắng và cùng vượt qua. Nhưng trước hết hãy cùng điểm qua một số lí do của hội chứng ấy.
Ta có một câu nói quen thuộc như sau: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn.” (Trên trời và dưới trời thì ta là cao quý nhất - Thái tử Tất Đạt Đa), lại một lần nữa câu nói trên theo tôi là không tiêu cực nhưng nếu suy nghĩ theo một nghĩa hơi khác để ứng hợp với câu chuyện hội chứng thì đây là một lí do. Lí do ấy nói rõ hơn thì nó bắt nguồn từ việc ta luôn hướng đến cái tôi của mình, thay vì làm việc để phát triển bản thân, chúng ta làm việc để chứng minh rằng bản thân mình xuất chúng. Vì quá tập trung vào kết quả, nên ta luôn phải thể hiện rằng mình bỏ ra rất ít nỗ lực vào công việc nhưng mình vẫn thành công và hoàn thành xuất sắc. Nhưng bạn biết không, thật ra người được xem là thành công nhất không phải là khi họ bón ít mà vẫn gặt nhiều mà là khi họ biết bùn dơ, nắng cháy nhưng vẫn xông pha vì trái thơm quả ngọt. Thế nên để thoát khỏi trạng thái tiêu cực trên chúng ta nên suy nghĩ thoáng ra một chút, nên định vị lại nhận thức của mình một chút và hãy tin tưởng rằng “...có một hạt châu/ Vùi sâu trong bụi bặm/ Nay bụi bay ngọc sáng/ Soi núi sông vạn dặm”. Vì những nỗ lực của chúng ta, những cực khổ của chúng ta sẽ làm ta trở nên sáng giá hơn nên đừng ngần ngại, đừng che giấu nữa bạn nhé, bạn rất tuyệt vì bạn đã cố gắng.
“Mọi sự so sánh đều là khập khiễng”, nhưng có vẻ đối với những người mắc “Hội chứng con vịt” thì rất khó để nhận ra điều ấy. Bởi theo như “Thuyết so sánh xã hội” (Social Comparison) thì con người ta có hai loại so sánh trên và dưới. Và người mắc phải hội chứng sẽ có xu hướng so sánh ở cả hai loại. Đầu tiên là so sánh trên (tức là so sánh với người giỏi hơn mình) nhưng thay vì mang đến động lực thì việc liên tục đòi hỏi bản thân chạy theo guồng quay của xã hội sẽ dần khiến ta trở nên áp lực, dần dần sẽ hình thành tính cách “ghen ăn tức ở” và luôn cảm thấy mình phải nỗ lực quá nhiều nên dễ mệt mỏi, chán chường. Tiếp theo là so sánh dưới, ta luôn mong bản thân có cái gì đó “hơn người” nên sẽ thường biểu lộ rằng mình không cần nỗ lực nhưng vẫn đạt thành tựu, điều đó trái với bình thường nên sẽ khiến ta trông “đặc biệt” hơn. Nhưng thực tế cuộc đời này vốn dĩ làm gì có tiêu chí nào được gọi là chuẩn chỉnh nhất để so sánh người này với người kia đâu bạn nhỉ? Cùng một khoảng thời gian ba tiếng có người thì đã nấu xong bữa cơm rau xào, thịt kho nhưng có người thì đang phải chờ nồi canh hầm bổ dưỡng của mình. Rõ ràng chúng ta đều có sự lựa chọn riêng trên mỗi con đường, có sứ mệnh riêng mà mình muốn làm, nên họ thành công đâu có nghĩa là ta thất bại và họ thất bại cũng đâu bằng với nghĩa ta là người giỏi nhất. Thế nên, chúng ta phải nhận thức được đâu là những suy nghĩ độc hại, hiểu được ngọn nguồn của chúng để bình tĩnh và điều chỉnh hành vi của mình. Bảo vệ vùng đất bên trong của chính mình thật tươi tốt vì mục đích cao cả khác của tương lai và hãy luôn nhớ “Nước bùn, đọng lại, sẽ thành nước trong” (Lão Tử).
Tiếp đến, có một nguyên nhân khác nữa và cũng là nguyên nhân cuối cùng khiến ta rơi vào hội chứng trên và chúng đến từ tư duy của mỗi người chúng ta. Theo “Thuyết tư duy” thì những người mắc phải “Hội chứng con vịt” luôn có một tư duy cố định, tức là luôn nghĩ sự tài năng, thành công luôn đến từ bẩm sinh và phải luôn giỏi ở mọi nơi mọi lúc, không được phép mắc sai lầm và khuyết điểm nào cả. Và đó là một sự ảnh hưởng tâm lí thật sự khủng khiếp, vì đa số học sinh hay những bạn trẻ hiện nay khi mắc hội chứng sẽ luôn cố che giấu đi những lỗi lầm, sai lầm của bản thân chỉ vì điều ấy sẽ khiến họ cảm thấy mình trở nên yếu kém. Sự kì vọng của gia đình, kì vọng của thầy cô, kì vọng của bạn bè và sự thất vọng về chính bản thân khi không đáp ứng được muôn vàn kì vọng ấy sẽ khiến các bạn rơi vào trạng thái suy nhược, lo âu, thậm chí là trầm cảm. Thương lắm vì những áp lực mà những con người ấy phải trải qua nhưng chúng ta ơi, đôi khi “Bông bay chẳng phải vì gió thổi/ Hoa rụng chẳng phải vì mưa rơi”, bạn có sai lầm đi nữa thì điều ấy không đồng nghĩa với việc bạn thất bại yếu kém, đó đôi khi chỉ là một lẽ tự nhiên của đời để ta rèn luyện, trau dồi bản thân thôi. Nên hãy cho phép mình được sai, cho phép mình được đưa ra những khiếm khuyết của bản thân, để đời ta và lòng ta được nhẹ nhàng, cuộc sống chân thật và vẹn toàn hơn.
Nhưng bạn nhớ không, như tôi nói bên trên thì những áp lực, mệt mỏi đến với ta đều do ta không biểu lộ chính xác trạng thái mà mình đang gặp phải, ta lựa chọn che giấu, áo lên cho mình một vẻ ngoài hoàn hảo. Thật ra theo tôi thì hoàn hảo cũng là tốt nhưng cũng chưa có ai bảo “vết nứt” là xấu xí bao giờ. Chỉ có những gì vụn vặt, chắp vá mới là điều không tốt chứ vựt dậy và nói ra những điều đớn đau, âm ỉ trong tim chưa bao giờ là sai cả. Hãy đối thoại cũng người ta yêu, và hãy sống thật lòng với bản thân mình nhiều chút. Cứ nói ra hết tâm tư của mình, rằng đôi tay này rất lạnh sau chuỗi ngày giá đông, rằng trái tim này khô cằn sau bao thì giờ che giấu, rằng hãy lắng nghe tôi, vì tôi cần người.
Tôi nhớ mãi một câu nói của Mahatma Gandhi,rằng: “Ta là sự thay đổi mà ta ước mong nhìn thấy trên thế giới”. Tất cả chúng ta ai hẳn cũng yêu một cuộc sống mà tất cả mọi người đều có cho mình sự chân thật tự tim. Ta hẳn có yêu một cuộc đời mà ai cũng xứng đáng được hạnh phúc. Ta hẳn cầu mong cho những người mắc hội chứng đáng thương ấy sẽ được giải tỏa những ưu sầu của mình. Thế nên, chính mỗi chúng ta cũng hãy cùng vượt qua nhé, vì có một sứ mệnh mang đến niềm hạnh phúc đổi thay cho mảnh đất thiêng liêng ta đang sống, vì một thế giới mà ai cũng xứng đáng được nói ra - tiếng lòng - của chính họ.
(Nguồn: Thưởng thức sách)
Xem thêm: Bài văn viết về bạo lực gia đình khiến cô giáo phải chấm "9+1=10"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận