Linh từ quốc mẫu - bà hoàng kề vai sát cánh cùng Thái sư Thủ Độ đưa người họ Trần vào vũ đài chính trị

Sử gia Ngô Sĩ Liên từng viết "trời sinh ra Linh Từ (Trần Thị Dung) cốt là để mở nghiệp nhà Trần". Chỉ lời nhận xét ngắn thế thôi cũng đủ hiểu, tầm quan trọng của bà hoàng này với việc khởi dựng nhà Trần trăm năm thịnh thế sau này. 

Đỗ Thu Nga
07:00 10/12/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Dã sử nói gì về thân thế của Linh từ quốc mẫu?

Linh Từ quốc mẫu (? - 1259), hay còn gọi là Kiến Gia Hoàng hậu, Thuận Trinh Hoàng hậu hay Huệ hậu. Bà là hoàng hậu cuối cùng của nhà Lý với tư cách là vợ của vua Lý Huệ Tông. Bà là mẹ ruột của Lý Chiêu Hoàng và Thuận Thiên Hoàng hậu. Cả hai đều là Hoàng hậu của người cháu gọi bà là cô - Trần Thái Tông (Trần Cảnh).

Tên thật của Linh từ quốc mẫu không rõ ràng, tuy nhiên dã sử cận - hiện đại thường dùng tên Trần Thị Dung để nói về bà. Cái tên này không hề được chép trong văn bản lịch sử cổ nào. Dường như là một tên gọi trong một vở kịch cải lương, tương tự trường hợp Đại Thắng Minh Hoàng hậu "Dương Vân Nga" rất nổi tiếng.

Cũng theo dã sử, mà cụ thể là truyền thuyết từ làng Ngừ (Phù Ngự) của Hưng Hà (Thái Bình), Trần Thị Dung được cho rằng vốn có tên là Trần Thị Ngừ. Nguyên do của việc này, căn cứ theo truyền thuyết làng Ngừ, gia đình họ Trần xưa kia xuất thân nghề chài lưới nên thường đặt tên con cháu theo các loài cá.

Hoang-hau-Tran-Thi-Dung-va-vai-tro-trong-viec-khoi-dung-co-do-nha-Tran-0
Tranh minh họa về Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung

Ví dụ như cha bà là Trần Lý được cho là vốn có tên "Chép", có lẽ vì chữ "Lý" trong tên của ông đồng âm Hán Việt của loài cá chép (cũng gọi là "Lý"). Tuy vậy, cái tên "Thị Ngừ" này cũng vẫn chỉ là suy diễn không hề có căn cứ xác đáng nào.

Đại đa số chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư chỉ chép bà là Trần thị. Riêng Đại Việt sử lược lại cách gọi Trần Trọng Nữ, chữ "Trọng" biểu thị bà là con thứ 2 trong nh. Từ đó suy ra thứ tự trong nhà bà là người con gái thứ 2, trên còn có một người chị. Cũng trong sách Sử lược đề cập, Trần Tự Khánh còn có một em gái gọi là "Tam Nương", không rõ là em trong họ hay cũng là con gái Trần Lý.

Bà sinh vào khi nào đều không có ghi chép trong chính sử và dã sử. Chỉ biết rằng, trước khi nhập cung, bà sống với gia đình tại thôn Lưu Gia ở Hải Ấp. Thế nhưng quê cũ gia đình bà là ở hương Tức Mặc, thuộc phủ Thiên Trường.

Bà là con gái của Trần Lý, mẹ bà có lẽ là Tô thị - một người chị em gái của Tô Trung Từ. Hiện nay vẫn chưa rõ toàn bộ thành viên gia đình Trần Lý nhưng trước mắt xác định bà là em gái của Trần Thừa và Trần Tự Khánh, trong đó Trần Thừa là người anh cả. Theo vai vế, bà là cô ruột của Trần Thái Tông Trần Cảnh và An Sinh vương Trần Liễu, hai người con trai của Trần Thừa.

Chia tay mối tình thanh mai trúc mã để nhập cung

Tương truyền, Trần tộc vốn là gia đình giàu có, là hào trưởng một phương. Còn Trần Thị Dung là người con gái xinh đẹp sớm được nhiều chàng trai mến mộ.

Truyền thuyết dân gian có kể rằng, từ nhỏ, Trần Thị Dung và người em họ Trần Thủ Độ đã thầm thương trộm nhớ nhau (Vương triều Trần sau này cũng luôn khuyến khích hôn nhân nội tộc). Thế nhưng, hai người "có duyên không có phận".

Vào năm 1209, Thái tử Sảm nhà Lý (vua Lý Huệ Tông sau này) chạy loạn đã về Hải Ấp nương náu nhờ nhà họ Trần. Tại đây, Thái tử thấy Dung xinh đẹp, sắc sảo bèn cậy ông Tô Trung Tự - cậu ruột Trần Thị Dung làm mối, để cưới bà làm vợ…

Trần Lý cũng muốn nhân cơ hội này giúp nhà Lsy để phát triển thế lực nên đã gả Trần Thị Dung cho Thái tử Sảm, tập hợp lực lượng dẹp giặc. Trong lần chiến loạn này, Trần Lý bị thiệt mạng, quân đội nhà Trần đều nằm trong tay Tô Trung Từ. 

Hoang-hau-Tran-Thi-Dung-va-vai-tro-trong-viec-khoi-dung-co-do-nha-Tran-8
Tượng đức vua Lý Huệ Tông

Như thế, Trần Thị Dung phải chia tay mối tình thanh mai trúc mã để nhập cung. Cũng từ đây, bà mãi mãi đặt cơ đồ nhà trần lên trên tất cả. 

Việc trở thành vợ vua Lý đã mở ra những thăng trầm đặc biệt trong cuộc đời Trần Thị Dung. Thái hậu Đàm thị - mẹ chồng bà - sớm đoán được ý định của họ Trần sẽ dựa vào Trần Thị Dung để làm chuyện phản nghịch nên vô cùng căm ghét. Thái hậu thường chỉ thẳng mặt, mắng bà là tay trong của "ngoại thích". 

Đồng thời, Thái hậu Đàm còn ép vua đuổi bà ra khỏi cung, nhưng không thành. Thái hậu thường xuyên sai người hạ độc vào thức ăn nước uống của Trần thị. May mắn, Lý Huệ Tông yêu thương bà hết mực nên thường âm thầm ngăn chặn việc làm này. Thậm chí, mỗi bữa đều chia đâu phần ăn cho vợ. 

Hạ độc không được, Đàm Thái hậu một lần sai đem chén thuốc độc vào hậu cung bắt Trần Thị Dung phải uống. Vua biết chuyện liền tới can ngăn, đưa bà Dung đi trốn, nương nhờ thế lực Trần Tự Khánh. Từ đấy, ngôi vị của Trần Thị Dung tạm yên ổn.

Bà Trần Thị Dung sinh được 2 cô con gái là công chúa Thuận Thiên và công chúa Chiêu Thánh. Dần dần, quyền lực triều chính rơi vào tay người họ Trần. Con cháu họ Trần thừa cơ hội lọt vào triều đình cung cấm, nắm những chức vụ trọng yếu.

Biến con gái thành "lá bài chính trị"

Từ một cô gái thôn quê giản dị, Trần Thị Dung đã trở thành vợ vua rồi vượt qua bao "ngón hiểm" trong triều đình để trở thành mẫu nghi thiên hạ. Vào năm 1216, bà chính thức được tấn phong làm Hoàng hậu. Với ảnh hưởng của bà và Trần tộc, 2 anh Trần Thừa, Trần Tự Khánh và người em họ Trần Thủ Độ cũng dần nắm các vị trí chủ chốt trong triều đình. Nhưng, những bước đi ấy vẫn chưa dừng lại.

Mùa xuân năm 1224, vua Lý Huệ Tông bệnh đến phát điên, không quản được chính sự. Thái úy Trần Thừa, Điện tiền Trần Thủ Độ cùng Hoàng hậu quản lý hết mọi chuyện trong cung. Bấy giờ, ủy nhiệm cho 1 mình chỉ huy sứ Thủ Độ quản lĩnh các quân điện tiền hộ vệ cấm đình.

Lại nói chuyện 2 người con gái của Trần Thị Dung, khi công chúa Thuận Thiên và Chiêu Thánh (Lý Chiêu Hoàng) lên 8,9 tuổi, bà liền gả cho những người cháu của mình là Trần Liễu và Trần Cảnh (đều là con trai của Trần Thừa). Hai cuộc hôn nhân ấy đã khiến họ Trần có thêm những rường mối ngày càng bền chặt, ăn sâu bám rễ trong vương triều họ Lý.

Hoang-hau-Tran-Thi-Dung-va-vai-tro-trong-viec-khoi-dung-co-do-nha-Tran-6
Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh

Không dừng lại ở đó, cuộc hôn nhân của Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh còn mang màu sắc chính trị rõ ràng hơn, khi nó giúp nhà Lý chuyển giao ngôi vua cho nhà Trần một cách êm đẹp.

Sử chép rằng, vua Lý Huệ Tông trong giai đoạn đó bị chèn ép, dần trở nên điên loạn, quyết định truyền ngôi cho con gái rồi đi tu. Khi nhận ngôi báu, Lý Chiêu Hoàng mới 6 tuổi. Và theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Thị Dung và Trần Thủ Độ đã cùng nhau dàn xếp cho Trần Cảnh vào hầu trong cung của Lý Chiêu Hoàng.

Hai đứa trẻ nhỏ xíu quấn quýt chơi đùa, nghịch ngợm với nhau vô cùng thân thiết - để rồi từ tình cảm yêu mến ngây thơ này, Trần Thị Dung và Trần Thủ Độ đã thêu dệt một tình yêu nam nữ và sắp đặt thành một cuộc hôn nhân thật sự.

Từ sự thao túng của Trần tộc, Lý Chiêu Hoàng kết hôn với Trần Cảnh năm 1225 và ngay sau đó xuống chiếu nhường ngôi cho chồng. Vậy là, giang sơn đổi chủ.

Bội bạc nhà Lý?

Từ góc độ quyền lợi của nhà Lý thì có thể thấy những sự sắp đặt của nàng dâu Trần Thị Dung đã hủy hoại cơ đồ hơn 200 trăm của vương triều này. Và từ góc độ đạo lý, cũng khó có thể tránh khỏi hai chữ "bội bạc" khi so sánh sự đáp trả của Trần Thị Dung với những tình cảm, che chở mà Lý Huệ Tông dành cho bà khi trẻ.

Thậm chí, cái kết dành cho vua Lý Huệ Tông và tông thất nhà Lý sau cuộc hôn nhân ấy cũng vô cùng bi thảm. Sử chép, sau khi Trần Cảnh đăng cơ, Lý Huệ Tông dù đi tu nhưng vẫn có lần ra chợ chơi. Dân chúng tranh nhau ra xem, có người còn khóc thương.

Hoang-hau-Tran-Thi-Dung-va-vai-tro-trong-viec-khoi-dung-co-do-nha-Tran-7
Lý Huệ Tông đi tu vẫn bị ép chết

Trần Thủ Độ sợ dân thường thương nhớ vua cũ nên đã đến chùa tìm. Thấy Huệ Tông đang ngồi nhổ cỏ thì nói rằng: “Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ sâu”.Huệ Tông đứng dậy, phủi tay nói: “Điều ngươi nói, ta hiểu rồi” rồi một thời gian ngắn sau đó thì tự tử.

Cũng vì "nhổ cỏ tận rễ" mà một thời gian sau, Trần Thủ Độ chính thức tàn sát hết tông thất họ Lý. Sử chép về sự kiện này như sau: “Mùa đông năm ấy, nhân người họ Lý làm lễ tế các vua Lý ở Thái Đường, Hoa Lâm, Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết”.

Và chua xót hơn, chưa đầy 1 năm sau khi Lý Huệ Tông mất, Trần Thị Dung đã nhanh chóng tái giá với Trần Thủ Độ - mối tình năm xưa và cũng là người bức chết chồng mình. 

Có không ít sử gia đời sau còn đặt ra giả thiết rằng ngay từ khi vua Lý Huệ Tông đang trong cảnh điên loạn, hững hờ chuyện phòng the, bà đã tư thông cùng Trần Thủ Độ và tham dự tích cực vào những âm mưu sau đó.

Bắt hai con gái đổi chồng?

Không những cùng Trần Thủ Độ sắp đặt cuộc hôn nhân chính trị mà bà Trần Thị Dung còn có quyết định khác ảnh hưởng khắc nghiệt đến hai người con gái: Chung tay với chồng ép con rể út (Trần Cảnh) bỏ con gái út (Lý Chiêu Hoàng) để lấy con gái cả (Thuận Thiên) khi ấy đang có thai với con rể cả (Trần Liễu).

Sử chép, năm 1237, Lý Chiêu Hoàng và Trần Thái Tông đã lấy nhau được 12 năm nhưng chưa có con. Lo nhà Trần tuyệt tự, Trần Thị Dung cùng Trần Thủ Độ ép vua phế Chiêu Hoàng. Sau đó lập Thuận Thiên (chị dâu của Thái Tông, chị ruột của Chiêu Hoàng và cũng là con gái đầu của Trần Thị Dung) làm Hoàng hậu. 

Hoang-hau-Tran-Thi-Dung-va-vai-tro-trong-viec-khoi-dung-co-do-nha-Tran-4
Tranh minh họa Thuận Thiên công chúa

Điều này đến từ việc, công chúa Thuận Thiên khi đó đã có thai ba tháng với chồng là Trần Liễu, Thái Tông cưới Thuận Thiên và nhận đứa bé sinh ra là con sẽ là “lọt sàng xuống nia”, ngôi thiên tử vẫn thuộc về nhà Trần.

Dù để bảo vệ dòng tộc, kế hoạch sắt đá ấy vẫn khiến đời sau kinh sợ. Trần Thị Dung đã tước đoạt cả hạnh phúc của cả hai con gái mình, ép một người phải bỏ chồng để sống đời ghẻ lạnh trong 20 năm ròng tiếp theo (Chiêu Hoàng), một người phải bỏ chồng để thế chỗ em gái mà cưới em rể, sau đó thì mất sớm (Thuận Thiên). 

Và chính sự kiện này đã khiến Trấn Liễu phẫn nộ nổi loạn nhưng bị dẹp tan, và mâu thuẫn ấy vẫn còn mãi trong 2 nhánh trưởng – thứ của nhà Trần trong nhiều năm sau.

Sử gia đời sau đánh giá gì về bà Trần Thị Dung?

Các sử gia hậu thế có nhiều đánh giá gay gắt về Trần Thị Dung. Nhiều người nói rằng, bà là người phụ nữ tàn nhẫn. Như Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thì Sĩ nhận xét: “ Thái hậu là người đàn bà góa của nhà Lý, đương triều vua Huệ Tôn đã là mẹ của Thủ Độ, sao lại nỡ muối mặt, táng tâm đến thế. Con nhà chài lưới chả biết lễ nghĩa là gì, tập tục loạn luân như thế, từ đời Kinh, Hấp đã có rồi. Không may cho vua Huệ Tôn gặp phải, tự cho mình là giai nhân, có biết đâu việc dâm loạn trong nhà họ, cũng như đó rách không giữ nổi con cá lớn".

Dù vậy, cũng không thể bỏ qua một thực tế: Trần Thị Dung sau này đã góp công lớn trong vai trò nội trị ở cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất. Sử chép, bà chính là người đã bảo vệ những công chúa, hoàng tử, hoàng thân, gia quyến họ Trần. Đồng thời cũng có công khám xét những thuyền có giấu vũ khí, tận dụng đem số vũ khí đó về sử dụng trong triều đình.

Cũng từ những đóng góp và chỉ đạo của bà, quân và dân Đại Việt đã thực hiện thành công kế hoạch “vườn không nhà trống”, góp phần rất lớn vào chiến thắng trong cuộc chiến tranh vệ quốc này.

Hoang-hau-Tran-Thi-Dung-va-vai-tro-trong-viec-khoi-dung-co-do-nha-Tran-9
Tượng thờ Thái sư Trần Thủ Đô và vợ Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung

Sử gia Ngô Sĩ Liên có cái nhìn trung dung hơn và những nhìn nhận đúng đắn về công lao của bà với họ Trần: "Linh Từ trước lấy Lý Huệ Tông là bất chính, sau lấy Trần Thủ Độ là thất tiết. Thế nhưng con gái bà là Chiêu Hoàng nhường ngôi cho nhà Trần, Thuận Thiên lại là hoàng hậu của Thái Tông, sinh ra Thánh Tông. Công của bà giúp nhà Trần trong việc nội trị thì nhiều mà phần báo đáp nhà Lý thì không được bằng. Thế mới biết trời sinh Linh Từ là để mở nghiệp nhà Trần”.

Nhận xét: Có thể nói, Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung là một người phụ nữ cứng rắn. Bà làm chính trị một cách đầy quyết đoán, bản lĩnh và mưu lược. Bà hy sinh tình cảm cá nhân để kết hôn với Lý Huệ Tông, thực hiện kế hoạch của gia tộc, trải qua đắng cay để có được lòng vua. Rồi sau đó lại hy sinh hạnh phúc của con gái, cuối cùng từng bước đưa những người nhà họ Trần vào vũ đài chính trị.

Có thể thấy được rằng một cách nhất quán, tất cả những việc làm của bà dù trước,dù sau đều là một lòng vì phò tá nhà Trần.

Vào tháng 1/1259, bà Trần Thị Dung qua đời, thụy là linh từ quốc mẫu. “Lời bình” của sử thần Ngô Sĩ Liên nhân việc Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung về trời, thế nào mà lại có câu kết thật hay về việc trời đã sinh ra người phụ nữ này: “Thế mới biết trời sinh Linh Từ là để mở nghiệp nhà Trần!”.

Xem thêm: Khác biệt cốt lõi giữa Trần Thủ Độ và Hồ Quý Ly trong vở kịch chính trị "tranh quyền, đoạt ngôi" là gì?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận