Dung mạo Hòa Thân trong lịch sử khác ra sao so với "ông chú" trên phim mà được gọi là "đệ nhất mỹ nam" nhà Thanh?
Chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh "ông chú" Hòa Thân trên phim truyền hình: Mũm mĩm, hơi lùn và đương điên không phải "soái ca" rồi. Thế nhưng các tư liệu lịch sử chỉ ra, thời xưa, Hòa Thân là "mỹ nam nhà Thanh".
"Tể tướng Lưu Gù hay Bản lĩnh Kỷ Hiểu Lam" được xem là bộ phim kinh điển thuộc dòng cổ trang Trung Quốc vào thập niên trước. Trong đó, Hòa Thân xuất hiện là một nhân vật phản diện, giỏi nịnh hót và làm một tham quan chính hiệu. Tài sản của ông thậm chí còn vượt xa cả vua Càn Long.
Khán giả châu Á vô cùng ấn tượng với tạo hình Hòa Thân của Vương Cương. Đó là một ông chú trung tuổi, thân hình béo, nét mặt đầy vẻ mưu mô, xảo trá.
Theo Sohu, đa số khán giả đều cho rằng, ngoại hình và khả năng diễn xuất của Vương Cương phù hợp với vai Hòa Thân. Thế nhưng, các nhà nghiên cứu lịch sử lại không hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Nói một cách "phũ phàng" hơn thì Hòa Thân trong lịch sử đẹp trai hơn rất nhiều so với diễn viên Vương Cương.
Trong hàng loạt tư liệu lịch sử nhà Thanh đều ghi nhận, Hòa Thân sở hữu vẻ ngoài ưa nhìn, dễ gây thiện cảm. Ông không hề béo và lùn như tạo hình trên phim.
Thanh sử cảo chép, năm Càn Long thứ 37 (1772) chép, Hòa Thân 22 tuổi, vào cung nhậm chức Tam đẳng thị vệ. Sau nhiều nỗ lực, năm 1775, ông được thăng làm Ngự tiền thị vệ thuộc đội Loan nghi vệ, chịu trách nhiệm bảo vệ riêng cho hoàng đế Càn Long. Từ sau khi gặp gỡ Càn Long, sự nghiệp của Hòa Thân lên như diều gặp gió.
Khi mới vào cung, Hòa Thân khôi ngô, vóc dáng cao lớn. Viên quan tham nổi tiếng này được nhận định là người có duyên và giỏi lấy lòng phụ nữ. Hòa Thân thăng tiến trên đường quan lộ phần nào cũng nhờ cuộc hôn nhân với Phùng Tế Văn - tiểu thư "cành vàng lá ngọc" con gái Tổng đốc Phùng Liên Anh.
Theo dã sử, Hòa Thân không chỉ có vẻ ngoài ưa nhìn, dễ gây thiện cảm mà gương mặt của ông còn đặc biệt giống với một phi tần của Ung Chính - cha Càn Long. Do một lỗi lầm của Càn Long trong quá khứ mà phi tần này bị xử thắt cổ chết khiến ông vô cùng ân hận (một thuyết khác nói rằng giữa Càn Long và phi tần này nảy sinh tình ý). Chính vì thế, khi thấy Hòa Thân, Càn Long bất giác nhớ lại chuyện xưa nên có phần ưu ái cho viên thị vệ trẻ này. Song, một số thông tin cho rằng, Càn Long và Hòa Thân nảy sinh quan hệ đồng giới - điều này không có căn cứ.
Sohu cho rằng, chuyện Hà Thân có gương mặt giống ái phi của Ung Chính có nét hoang đường. Nhưng không phủ nhận việc ông sở hữu dung nhan khôi ngô, vóc dáng cao ráo khác hẳn với nhân vật trên phim.
Nói về nhan sắc của Hòa Thân, trong cuốn hồi ký của mình, Macartney - sứ giả nước Anh nhận định: "Tướng mạo anh tuấn, trắng trẻo, cử chỉ khoáng đạt, lịch sự và luôn bình tĩnh, giao hòa với mọi người".
Năm 2018, khi phục chế một số bức vẽ cổ miêu tả chân dung Hòa Thân, các chuyên gia mỹ thuật phải công nhận rằng dung mạo của viên tham quan này rất giống với các tài tử điện ảnh nổi tiếng ngày nay.
Trong lịch sử Trung Quốc, Hòa Thân kém Càn Long tới 40 tuổi. Nhưng trên màn ảnh, tuổi tác của "cặp bài trùng" này lại suýt soát nhau. Đây là điều mà nhiều chuyên gia lịch sử cảm thấy không thỏa đáng. Trong các bức họa cổ, Hòa Thân hiện lên với vóc dáng cao ráo, nước da trắng, gương mặt thanh tú như phụ nữ, khác xa với tạo hình trên phim.
Vào năm 2008, sau khi đóng vai Hòa Thân trong một loạt các bộ phim như Tể tướng Lưu gù, Bản lĩnh Kỷ Hiểu Lam, Mộng đoạn Tử Cấm Thành, Hoàng đế thường dân, Thiết tướng quân… Vương Cương nói rằng mình sẽ không đảm nhận nhân vật này trên màn ảnh nữa. Lý do là ông đã diễn vai này quá nhiều.
Vương Cương cũng thừa nhận rằng, ngoại hình của ông không giống Hòa Thân và một số nam diễn viên điển trai có thể làm tốt hơn ông. Tuy nhiên, vai diễn Hòa Thân do Vương Cương đảm nhiệm thực sự đã đi vào lòng khán giả.
Xem thêm: 1001 "bí kíp" vơ vét tài sản của nịnh thần Hòa Thân
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận