Hồ Quý Ly và cuộc cải cách táo bạo mang tư tưởng tiến bộ nhưng chưa thành công
Các sử gia nhận định, Hồ Quý Ly là 1 nhà cải cách táo bạo, có những tư tưởng tiến bộ so với thời đại. Thế nhưng ông cũng có những bước đi nóng vội, thậm chí là sai lầm dẫn đến nhiều phong ba bão táp.
Thân thế của Hồ Quý Ly
Hồ Quý Ly (1336 - 1407) lấy tên húy là Hồ Nhất Nguyên. Ông là hoàng đế đầu tiên của nhà nước Đại Ngu. Ông tại vị từ năm 1400 đến 1401, tự xưng là Quốc Tổ Chương Hoàng. Sau đó giữ ngôi Thái thượng hoàng từ năm 1401 đến 1407.
Thời niên thiếu, Hồ Quý Ly theo học võ, gia nhập chốn quan trường triều Trần sau khi đỗ thi Hương, khoa Hoành từ. Ông có 2 người cô ruột đều là vợ vua Trần Minh Tông. Một người sinh ra vua Trần Nghệ Tông, người còn lại sinh ra Trần Duệ Tông. Do đó, ông nhận được sự tín nhiệm của Trần Nghệ Tông khi lên ngôi vua.
Năm 1373, Hồ Quý Ly được phong làm Tham mưu quân sự. Năm 1377, vua Trần Duệ Tông đánh Chiêm Thành tử trận, Hồ Quý Ly kinh hãi, bỏ chạy về nước nhưng được tha tội.
Đến năm 1380, Hồ Quý Ly làm Thống lĩnh quân Đại Việt chống lại các cuộc tấn công của Chiêm Thành. Đến năm 1387, ông được phong làm Tể tướng.
Cũng từ đó mà ông nắm giữ quyền lực gần như tuyệt đối trong triều. Các tông tộc, quan lại trung thành với họ Trần đã có 2 lần chính biến nhằm lật đổ Hồ Quý Ly nhưng ông đều giành thắng lợi. Và đã có nhiều người bị hành quyết sau những lần chính biến đó.
Vào năm 1400, Hồ Quý Ly chiếm ngôi nhà Trần, đặt tên nước là Đại Ngu. Chưa đầy 1 năm sau thì trao ngôi báu cho con, xứng làm Thái thượng hoàng nhưng vẫn nắm đại quyền.
Hồ Quý Ly cũng chính là người chuyển kinh đô từ Thăng Long về Thanh Hóa. Sau 20 tháng đăng cơm ông phát binh thảo phạt Chiêm Thành chiếm được 2 châu Đại Chiêm và Cổ Lũy (1402).
Đến năm 1403, ông cho đại quân bao vây Bồ Bàn nhưng không thắng. Đến năm 1406, nhà Minh xâm lược Đại Ngu. Do không được lòng dân, binh lính bất mãn nên quân nhà Hồ thảm bại, nhanh chóng rút lui về phía nam. Nhà Hồ thất bại hoàn toàn vào năm 1407 khi cha con Hồ Quý Ly bị quân nhà Minh bắt và giải về Trung Quốc.
Các sử quan thời quân chủ của Đại Việt sau này khi biên soạn các bộ sử của triều đình như sách Đại Việt sử ký toàn thư hay Khâm định Việt sử Thông giám cương mục đã không coi nhà Hồ như một triều đại chính thống. Họ đã chỉ trích việc giết vua cướp ngôi, các chính sách làm mất lòng dân của Hồ Quý Ly và coi việc họ Hồ thất bại trước nhà Minh là kết cục tất yếu.
Hồ Quý Ly - nhà cải cách tiên phong
Nhà Trần, kể từ đời Trần Dụ Tông (1341 - 1357), bắt đầu bước vào cuộc khủng hoảng xã hội ngày càng toàn diện và trầm trọng. Trần Nghệ Tông dù cố gắng khắc phục nhưng không ăn thua. Tham quan xuất hiện, dân đói nghèo, nạn cướp bóc khắp nơi. Trong khi đó, quan hệ với Chiêm Thành căng thẳng, chiến tranh triền miên, càng về sau tần suất càng cao. Ở phía Bắc, nhà Minh ngày càng tăng cường sức ép và chuẩn bị chiến tranh xâm lược.
Bản chất sâu xa của cuộc khủng hoảng này là mâu thuẫn nội tại của thể chế chính trị, mô hình nhà nước phong kiến quý tộc nhà Trần đã trở nên lỗi thời... Từ cuộc khủng hoảng này đặt ra nhu cầu về một cuộc cải cách toàn diện về chính trị, kinh tế, xã hội. Tư tưởng cải cách hình thành và Hồ Quý Ly đã trở thành người tiên phong khởi xướng và lãnh đạo cuộc cải cách này.
Hồ Quý Ly được ghi nhận là nhà cải cách lớn trong lịch sử Việt Nam. Dưới bàn tay của ông, Đại Việt đã chuyển mình mạnh mẽ từ mô hình nhà nước quý tộc sang mô hình nhà nước quan liêu, với mức độ tập trung quyền lực vào triều đình trung ương được tăng cường lên một mức độ mới. Công cuộc cải cách thời kỳ này vừa có những nét tiến bộ vừa tồn tại không ít những sai sót.
Về nhân sự, Hồ Quý Ly đã mở đường cho những người có năng lực nhưng không thuộc dòng dõi quý tộc tham gia vào việc quốc gia đại sự. Cụ thể, năm 1375, ông đã tham mưu cho vua Trần Duệ Tông xuống chiếu tuyển các quan viên viết võ nghệ, thông hiểu thao lược để làm tướng, không nhất thiết phải là dòng dõi tôn thất.
Thực ra đầu thời Trần cũng có những danh tướng xuất thân không phải tôn thất như Lê Tần, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái... Tuy nhiên, đó chỉ là trường hợp riêng lẻ, cá biệt chứ chưa là chính sách của triều đình.
Dưới bàn tay của Hồ Quý Ly, việc học hành thi cử cũng được định lại một cách quy củ hơn, rộng đường cho những người tri thức tiến thân vào quan trường. Phép thi cử thời Hồ được lấy làm chuẩn mực cho nước Việt xuyên suốt mấy trăm năm sau.
Chính sách "hiền tài là nguyên khí quốc gia" của Hồ Quý Ly quả thực đã giúp cho nguyên khí của nước Việt được mạnh hơn. Song điều đó không bù đắp được những nguyên khí đã bị mất mát trong cuộc đổi ngôi.
Không thể không nhắc đến việc tầng lớp tôn thất của nhà Trần được đào tạo tốt về thuật cai trị và binh pháp đã bị giết hoặc phải sống ẩn dật. Kể cả những quan lại có tài không thuộc hoàng tộc nhưng chống lại uy quyền của nhà Hồ cũng không thoát họa.
Ví dụ như danh tướng Nguyễn Đa Phương là người mà chính Hồ Quý Ly tiến cử, cùng Hồ Quý Ly sát cánh chống giặc Chiêm Thành nhưng sau đó cũng vì hiềm khích mà bị Hồ Quý Ly gièm pha khiến Đa Phương bị Nghệ Tông giết.
Vào năm 1396, để trưng thu nguyên liệu đồng trong dân phục vụ việc đúc súng, Hồ Quý Ly đã lệnh cho dân đổi hết tiền đồng sang tiền giấy mang tên Thông Bảo Hội Sao. NHững ai làm tiền giả hoặc còn chứa và sử dụng tiền đồng sẽ bị xử chết, tịch thu gia sản.
Xét việc lưu hành tiền giấy vừa tiết kiệm nguyên liệu, vừa là phương thức tiến bộ. Song chính sách tiền giấy của nhà Hồ lại phạm phải lỗi cơ bản là đi ngược nguyên tắc tiền tệ phải có đủ cơ sở để nhân dân tin tưởng vào giá trị giao dịch của nó.
Trong điều kiện kinh tế hàng hóa chưa thực sự phát triển hoàn thiện, tự thân tiền đồng được đảm bảo giá trị bằng vật liệu làm ra tiền. Khi đổi sang tiền giấy, tâm lý người dân thời kỳ này đa phần cho rằng giấy là vật liệu giá trị thấp, dẫn đến hoài nghi về tiền tệ mới. Điều đó khiến cho đời sống nhân dân bị xáo trộn rất lớn, ảnh hưởng đến uy tín của triều đình với nhân dân.
Đến năm 1397, Hồ Quý Ly muốn tách vua khỏi đất căn bản để dễ bề soán ngôi nên đổi trấn Thanh Hoa làm trấn Thanh Đô, cho xây dựng thành An Tôn, ép vua Trần Thuận Tông phải dời đô về đó. Kinh đô mới gọi là Tây Đô. Kinh đô cũ là Thăng Long đổi thành Đông Đô.
Việc làm này của Hồ Quý Ly khiến quan viên phẫn nộ, hết lời can gián. Khu mật chủ sự Nguyễn Nhữ Thuyết dâng biểu: “Ngày xưa, nhà Chu, nhà Ngụy dời kinh đô đều gặp điều chẳng lành. Nay đất Long Đỗ[ chỉ Thăng Long] có núi Tản Viên, có sông Lô Nhị [tức sông Hồng], núi cao sông sâu, đất bằng phẳng rộng rãi. Từ xưa, các bậc đế vương mở nền dựng nước, không đời nào không lấy đất làm nơi sâu gốc bền rễ. Hãy nên noi theo việc trước: khi ấy quân Nguyên bị giết, giặc Chiêm phải nộp đầu... Xin nghĩ lại điều đó, để làm thế vững vàng cho nước nhà. An Tôn đất đai chật hẹp, hẻo lánh, ở nơi đầu non cuối nước, hợp với loạn mà không hợp với trị. Cho dù dựa vào thế hiểm trở thì đời xưa đã có câu: Cốt ở đức chứ không cốt ở hiểm”. Kể cả Hành khiển Phạm Cự Luận là người tâm phúc của Quý Ly cũng khuyên không nên. Nhưng bất chấp tất cả, Hồ Quý Ly vẫn cho dời đô.
Vào năm 1397, Hồ Quý Ly xuống lệnh định lại cơ chế các địa phương “Lộ trông coi phủ, phủ trông coi châu, châu trông coi huyện. Các việc hộ tịch, tiền thóc, ngục tụng đều làm chung thành sổ sách của một lộ, đến cuối năm báo lên sảnh để làm bằng cứ mà khảo xét”. Trách nhiệm của các cấp liên đới nhau từ trên xuống dưới, việc quản lý triều đình nhờ đó mà đơn giản hơn.
Xuyên suốt thời kỳ chuyên chính đến khi soán ngôi nhà Trần, Hồ Quý Ly nhiều lần thay đổi hành chính ở các địa phương, cốt là để việc cai trị của triều đình trung ương được thông suốt, hạn chế tình trạng cát cứ địa phương.
Để chia nhỏ thế lực của giới quý tộc, Hồ Quý Ly ban hành chính sách "hạn điền”: “Đại vương và trưởng công chúa thì số ruộng không hạn chế; đến thứ dân thì số ruộng là 10 mẫu. Người nào có nhiều nếu có tội, thì cho tùy ý được lấy ruộng để chuộc tội, bị biếm chức hay mất chức cũng được làm như vậy. Số ruộng thừa phải hiến cho nhà nước”.
Ông còn sai quan làm lại sổ ruộng đất rất kỹ càng. Nhưng ruộng quá hạn làm sổ mà chưa kê khai, cắm tên chủ trên mảnh đất đó sẽ bị sung công. Chính sách hạn điền trên thực tế là 1 cuộc cải cách ruộng đất nhằm thâu tóm thêm ruộng công cho nhà nước, giảm số ruộng tư, hạn chế quyền lực của các địa chủ.
Hồ Quý Ly cũng đưa ra chính sách để kìm chế giới quý tộc cũ là "hạn nô”: “Chiếu theo phẩm cấp được có số lượng khác nhau, còn thừa phải dâng lên, mỗi tên được trả 5 quan tiền. Người nào đáng được có gia nô phải xuất trình chúc thư 3 đời. Nô người nước ngoài thì không theo lệ này”.
Đây không phải là chính sách giải phóng nô lệ mà chẳng qua chỉ là một thủ đoạn chính trị của Hồ Quý Ly nhắm vào giới quý tộc cũ. Chính sách này có mặt lợi là gần như ngay lập tức nó đánh quỵ nền tảng kinh tế, xã hội của những tàn dư triều đại cũ, giúp cho nhà Hồ nhanh chóng ổn định đất nước, tránh khỏi những nguy cơ nội chiến tiềm tàng.
Mặt trái là đã động vào những nhóm lợi ích cơ bản của xã hội Đại Việt đương thời, làm cho họ Hồ khi lên ngôi mất đi sự ủng hộ của các tầng lớp nắm giữ tài lực, cũng là tầng lớp có uy tín, có thế lực nhất trong đất nước.
Về văn hóa giáo dục, Hồ Quý Ly khuyến khích sử dụng chữ Nôm; phát huy tác dụng của Nho giáo; đề cao lối học thực dụng, cải tiến thi cử và ban hành chính sách khuyến học.
Trước nguy cơ nhà Minh xâm lược và gây hấn của Chiêm Thành, Hồ Quý Ly chú trọng cải cách quân sự để tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia. Năm 1401, lập sổ hộ tịch nhằm “điểm binh càng nhiều”; bổ sung quân nô vào quân điện tiền với mục tiêu có đội quân 1 triệu người.
Đến năm 1402, xét duyệt quân ngũ, chọn tráng đinh, cho người nghèo sung vào quân trợ dịch sau đổi làm quân bồi vệ. Năm 1403, đem người chưa có ruộng mà có của đến Thăng Hoa, biên chế thành quân ngũ. Năm 1405 chấn chỉnh lại tổ chức quân đội, chia thành các vệ, đội, doanh… một cách quy củ.
Bên cạnh việc chú trọng cải tiến vũ khí, trang bị; mở xưởng đúc vũ khí, chế tạo súng thần cơ, đóng thuyền chiến đinh sắt; bổ sung voi chiến; xây dựng các hệ thống phòng thủ, nhất là các thành lũy. Đáng kể nhất là thành Tây Đô (Thanh Hóa), Đa Bang (Sơn Tây) và hệ thống các công trình phòng thủ quy mô lớn, gồm các bãi cọc, xích sắt, các đồn binh kéo dài từ núi Tản Viên, ven theo sông Đà, sông Hồng, sông Luộc đến cửa sông Thái Bình.
Các sử gia đánh giá: Nhìn chung, tư tưởng và chính sách cải tiến của Hồ Quý Ly có điểm tiến bộ, thậm chí vượt trước thời đại của Hồ Quý Ly không chỉ là một giải pháp tình thế để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu phòng thủ quốc gia lúc bấy giờ mà còn mở đầu cho việc xây dựng một nhà nước trung ương tập quyền thay thế cho nhà nước phong kiến quý tộc lấy Phật giáo làm quốc giáo đã lỗi thời.
Song, hệ thống chính sách, các giải pháp cải cách còn nhiều điểm chưa hợp lý, còn bất cập. Cuộc cải cách này chưa đủ sức để hóa giải cuộc khủng hoảng, chưa giải quyết được những mâu thuẫn xã hội, mà còn làm rạn nứt thêm mối đoàn kết toàn dân, nhất là mối liên hệ giữa vương triều với nhân dân. Nhà Hồ nhanh chóng bị thất thủ trước cuộc xâm lược của nhà Minh một phần là do mất lòng dân.
Xem thêm: Bí ẩn về cái chết của 6 vị vua chúa Việt Nam đến nay vẫn chưa có câu trả lời
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận