Họ để tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt

“Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ để tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt”.

Đỗ Thu Nga
09:46 06/03/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI:

Đề bài: “Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ để tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt” (Hoài Thanh). Bình luận ý kiến trên và làm sáng tỏ bằng việc phân tích một số tác phẩm trong phong trào Thơ mới

BÀI VIẾT GỢI Ý:

“Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt”. Câu thơ ấy đã thay lời bao người con đất Việt nói lên tình cảm tha thiết, sâu đậm của mình với quê hương Việt Nam thân yêu. Yêu đất nước là yêu “từng gốc lúa bờ tre hồn hậu”, yêu “những cánh cò bay lả rập rờn”, yêu truyền thống văn hóa nghìn đời. Yêu đất nước, những con người luôn căm thù quân xâm lược và quyết chiến đấu hi sinh với chúng để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Và một điều không thể thiếu, biểu hiện rất rõ tình yêu đất nước, là tình yêu tiếng Việt Mỗi đứa trẻ lớn lên đều được cha mẹ truyền lại cho mình chất giọng nhỏ nhẹ mà thiêng liêng, cao quý. Có ai sinh ra và lớn lên trên đất nước này lại không mang trong mình giọng nói của ông cha? Các nhà thơ mới lãng mạn dù được tiếp cận, chịu ảnh hưởng rất lớn, sâu sắc văn hóa phương Tây nhưng ở họ tình yêu tiếng Việt vẫn nồng nàn, thiết tha. Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam đã ghi nhận tình cảm ấy: “Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ để tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt”.

Thơ mới lãng mạn ngay từ khi ra đời đã buồn - cái buồn từ trong bản chất. Bao nhiêu nhà thơ lãng mạn, những con người đã từng kì vọng vào một chế độ xã hội tốt đẹp giờ rơi vào thất vọng, bế tắc không lối thoát. Mỗi người đều tìm cho mình một chốn riêng để ẩn nấp, để trốn tránh hiện thực xã hội đen tối. Người thì thoát lên tiên, ngao du trong chốn bồng lai tiên cảnh. Người quay trở ví với quá khứ vàng son của một thời đã qua để kiếm tìm vẻ đẹp của một thời vang bóng. Người, lại khóc thương cho những tháp chàm đổ nát, lớn lên ao ước được ẩn mình trong vì sao cô đơn “trơ trọi cuối trời xa”... Hồn thơ của họ là “kì dị”, là là tình yêu tiếng Việt.

Ho-de-tinh-yeu-que-huong-trong-tinh-yeu-tieng-Viet

Yêu tiếng Việt là tình cảm tha thiết, thiêng liêng của lớp lớp những con người Việt Nam trong bốn nghìn năm lịch sử. Các nhà thơ lãng mạn là những người tiếp xúc, chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa phương Tây, đặc biệt là văn hóa Pháp. Nhưng tận trong sâu thẳm tâm hồn “họ yêu vô cùng thứ tiếng mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông”. Thứ tiếng ấy đã được gìn giữ qua bao nhiêu thế kỉ, qua bốn nghìn năm lịch sử mà Hoài Thanh nói là “mấy mươi thế kỉ”. Cách nói ấy cũng nhấn mạnh chiều dài thời gian. Thứ tiếng ấy đã được ghi lại trong những câu hát dân gian, những câu Ca dao, tục ngữ, hò, vè... Đứa trẻ thơ từ thuở nằm nôi đã được tiếp xúc, đã ngấm vào hồn mình cái giọng nói thân thương nồng nàn của mẹ, của bà ... Tiếng nói ấy “đã chia sẻ buồn vui với cha ông”. Cứ thế, từ đời này qua đời khác, tiếng Việt được gìn giữ và phát huy. Mỗi thế hệ sau sinh ra đều có ý thức phát triển thêm ngôn ngữ dân tộc, nhất là các nhà thờ, nhà văn, những người nghệ sĩ của ngôn từ. Tiếng thơ của họ là tiếng thơ của người con đất Việt, cất lên tiếng nói tha thiết tình cảm với cuộc sống vì con người đất Việt. Thơ họ lưu giữ những hình ảnh đất Việt, thuộc về văn hóa Việt.

Người ta vẫn gọi các nhà thơ lãng mạn là lớp trí thức Tây học. Họ có những sự cách tân đáng kể trong văn học. Thơ lãng mạn đương thời bị phê phán là tiêu cực, là thoát li xa rời cuộc sống. Nhưng xét ở một góc độ nào đó thơ lãng mạn rất đáng quý, đáng ghi nhận. Chính nó đã đem lại sự phong phú đa dạng cho tiếng Việt. Thơ của họ thể hiện rất rõ tình yêu quê hương. Họ có thể “thoát lên tiên” hay quay vào cõi mộng... nhưng suy cho cùng đó cũng chỉ là do họ chán nản với thực tại của cuộc sống đen tối. Họ mong có một xã hội tươi đẹp nhưng không được. Nếu con người ta sống thờ ơ vô cảm thì làm sao biết buồn? Nếu người ta chỉ sống kiểu như chỉ để tồn tại thì làm sao “chán nản, hoài nghi, cô đơn”. Họ phải tha thiết yêu cuộc sống, yêu quê hương thì mới nảy sinh những tâm tư chồng chất, những sầu, những thảm. Họ làm thơ để giãi bày tâm sự cô đơn. Đó cũng là thể hiện một cách gián tiếp tình cảm tha thiết với quê hương. Tất cả được họ “dọn” “trong tình yêu tiếng Việt”. Tình yêu ấy được biểu hiện ở việc tiếp thu lời nói, ngôn ngữ, hình ảnh, sắc điệu dân gian. Ngôn ngữ thơ của họ nhiều khi rất “quê mùa” như lời ăn tiếng nói hàng ngày. Hơn nữa, những nhà thơ lãng mạn còn là những người cách tân, sáng tạo ra ngôn ngữ với nhịp điệu phong phú, giàu tính biểu cảm.

Đánh giá của tác giả Thi nhân Việt Nam đã nói “trúng” mối dây liên hệ, là điểm chung của tất cả các nhà thơ lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1932 - 1945. Đó là tình yêu tiếng Việt tha thiết.

Tình yêu ấy được biểu hiện ở nhiều góc độ khác nhau. Nhưng có lẽ trước hết, dễ nhận thấy nhất là sự tiếp nối, học tập ngôn ngữ dân gian. Thơ mới có mối liên hệ ràng buộc với thơ ca dân gian. Những thi liệu dân dã, ngôn ngữ giản dị, cách diễn đạt dễ hiểu, dễ nghe... được các nhà thơ mới vận dụng rất nhuần nhuyễn. Đến với thơ Nguyễn Bính, ta nhận thấy rất rõ điều ấy. Chính Hoài Thanh đã nhận xét, Nguyễn Bính có một hồn thơ rất “quê mùa”. Cái mà tác giả Thi nhân Việt Nam gọi là “quê mùa” ở đây chính là bởi Nguyễn Bính đã gắn bó với đồng quê. Từ những thi liệu, cách diễn đạt, thể thơ ... đều rất quen thuộc, bình dị:

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người.

Ho-de-tinh-yeu-que-huong-trong-tinh-yeu-tieng-Viet-7
Nhà thơ Nguyễn Bính

Ta thấy ở đây đong đầy một nỗi nhớ. Đó là nỗi niềm của một người đang tương tư. Cách nói “thôn Đoài”, “thôn Đông” nghe xa xôi mà gần gũi như những chàng trai, cô gái trong ca dao và nỗi nhớ “chín nhớ mười mong” cũng vậy. Khi yêu nhau, họ phải xa nhau người ta thấy như “ba thu dồn lại một ngày dài ghê”... Xa nhau, họ mong ngóng được gặp nhau. Thế mà nhân vật trữ tình ở đây lại ôm trong mình một mối tình đơn phương. Bởi thế mà mới có chuyện:

Bảo rằng cách trở đò giang

Không sang là chẳng đường sang đã đành.

Nhưng đây cách một đầu đình

Có xa xôi mấy mà tình xa xôi.

Ta lại gặp ở đây con đò, bến nước, đầu đình như trong câu ca dao thuở nào:

- Thuyền về có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.

Qua đình ngả nón trông đình

Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu.

Ngôn ngữ thơ của một nhà thơ mới mà gần gũi thân thương như lời của cha ông xưa, giản dị mà thân yêu! diễn tả nỗi nhớ khôn nguôi trong lòng. Nhân vật trữ tình cũng trách móc, cũng hờn giận, dỗi hờn... và mãnh liệt nhất vẫn là mong ước được kết đôi. Hình ảnh trầu, cau gợi cho ta điều ấy:

Nhà em có một giàn trầu

Nhà anh có một hàng cau liên phòng

Từ hình ảnh sóng đôi “thôn Đoài” - “thôn Đông” nghe xa xôi, đến “anh” -“em” nghe thật gần gũi. Từ “hoa” - “bướm” gợi sự gần gũi nhưng đến “cau” - “trầu” thì biểu hiện rõ mong ước được kết đôi. Cau - trầu là vật không thể thiếu trong lễ cưới, hỏi. Nó đã đi từ ca dao “quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau” vào thơ Nguyễn Bính thật giản dị và thân thương.

Cả bài thơ Tương tư dâng đầy nỗi nhớ - tâm trạng muôn thuở của con người. Nguyễn Bính đã ghi lại tâm trạng ấy của một chàng trai thôn quê. Lời thơ như lời ca dao vẫn lối thơ lục bát “cây đa, bến nước, con đò, cau - trầu”, từ ngàn xưa, không yêu ca dao, dân ca, không yêu những câu hát dân gian, không tha thiết với ngôn ngữ bình dị đó của cha ông thì làm sao một nhà Thơ mới, một nhà thơ hiện đại lại có thể có được những vần thơ thân thương đến thế?

Nhà thơ “quen nhất” ấy đã tiếp nối được ngôn ngữ giản dị của người bình dân. Một người Tây nhất, một nhà thơ được đánh giá là “mới nhất trong các nhà Thơ mới”. Cũng là người học tập được lời nói bình dị ấy - Xuân Diệu. Người thi sĩ họ Ngô này đã đi qua các loại hình sáng tác dân gian có truyền rồi mới đến với lối thơ rất Tây. Có thể nói, chính điều đó đã góp phần làm nên điệu hồn của nhà thơ “mới nhất”. Ngay trong bài thơ rất Xuân Diệu, mang đậm hơi thở của thời đại, ta cũng bắt gặp những nét thân quen, dân dã:

Mây biếc về đâu bay gấp gấp

Con cò trên ruộng cánh phân vân

(Thơ duyên)

Đám "mây biếc" kia có phải đã đi từ những câu ca dao “Trên trời có đám mây xanh, ở giữa mây trắng xung quanh mây vàng”? Con cò kia có lẽ là con đẻ của những con cò “bay lả bay la” từ “cửa phủ bay ra cánh đồng”. Đám mây ấy, con cò ấy trong thơ Xuân Diệu vẫn lửng lơ bay như thể từ “mấy mươi thế kỉ”. Chúng gần gũi thân thuộc với con người Việt Nam, thấm sâu vào điệu hồn của con người Việt Nam. Không có sự tiếp nối truyền thống với ngôn ngữ bình dị đó, liệu Xuân Diệu có được những câu thơ như thế? Song tình yêu tiếng Việt không chỉ là ở chỗ các nhà thơ mới tôn trọng, học tập, tiếp thu lời nói của cha ông mà còn là ở chỗ họ đã làm giàu thêm cho ngôn ngữ tiếng Việt, làm giàu bởi nhịp điệu, hình ảnh, . . . Ca dao, dân ca cũng như văn chương trung đại hẳn là không có một cánh cổ phần vẫn như trong thơ Xuân Diệu. Các nhà thơ mới tiếp thu lời nói truyền thống nhưng trên Cơ sở sáng tạo. Câu thơ mới rất giàu nhịp điệu, giọng thơ sôi nổi:

Và non nước, và cây và cỏ rạng

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của thời tươi

Hỡi xuân hồng! Ta muốn cắn vào ngươi!

(Vội vàng - Xuân Diệu)

Thơ xưa chắc chắn không thể có lối thơ nhiều liên từ “và” đến thế. Và chắc “các cụ ta” không biểu đạt thái độ ham muốn hưởng thanh sắc thời tươi trong những từ “cho chếnh choáng”, “cho đã đầy”, “cho no nê” và nhất là muốn cắn vào “xuân hồng” như thế. Những chữ đó thường được sử dụng trong ngôn ngữ nói. Còn Xuân Diệu lại đưa vào câu thơ, tạo ra nét mới, tạo được sự hấp dẫn của câu thơ.

Để biểu đạt tâm hồn mình, các nhà thơ mới có cách diễn đạt rất lạ:

Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo.

(Lời kỹ nữ - Xuân Diệu)

Hay:

Tôi sung sướng: Nhưng vội vàng một nửa.

(Vội vàng - Xuân Diệu)

Dấu chấm giữa dòng ngắt câu thơ ra làm đôi, thể hiện được đúng tâm trạng của một con người tha thiết yêu đời nhưng sửng sốt vì thời gian qua mau, sợ thời gian cướp đi tuổi trẻ, sợ băng giá... Đó là cách diễn đạt “lạ”, lạ ở cách ngắt dòng, lạ cả ở cách vắt dòng nữa:

Mùa xuân là cả một mùa xanh

Giời ở trên cao, lá ở cành

Lúa ở đồng tôi và lúa ở

Đồng nàng và lúa ở đồng anh.

(Mùa xuân xanh - Nguyễn Bính)

Sự vắt dòng ấy tạo cho câu thơ nhịp điệu dàn trải mênh mang, gợi ra trước mắt người đọc bát ngát một màu xanh tươi mới. Hay ở thơ Thế Lữ, cách vắt dòng cũng rất hay:

Trời cao xanh ngắt. Ô kìa!

Hai con hạc trắng bay về bồng lai.

Câu thơ thể hiện sự ngạc nhiên, bất ngờ nhận ra một nét đẹp, một đôi hạc trắng bay trong khung trời xanh ngắt . . . Tất cả những sự ngắt nhịp, vắt dòng ấy làm cho ngôn ngữ thơ được phong phú hơn, tạo cách diễn đạt mới, biểu đạt đúng tâm trạng của thi sĩ. Điều ấy khó có thể tìm trong ca dao xưa.

Các nhà thơ mới còn bổ sung cho ngôn ngữ thơ những từ ngữ, cách diễn đạt rất mới:

Hơn một loài hoa đã rụng cành

Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh

(Đây mùa thu tới - Xuân Diệu)

“Hơn một” là một cách nói rất “tây”. Thơ cổ của ta hắn chưa bao giờ có lối diễn đạt kiểu như thế. Nó diễn tả được động thái đang rời cành của hoa, không phải là một, là hai... bông hoa. Số hoa rụng không đếm được. Hay nói đúng hơn là sự rơi rụng đang vây quanh chúng. Chất nhựa đang khô dần đi trong cuống hoa. Thêm nữa là chữ "rũa". Nó cho thấy sự xâm lấn của mùa thu biểu hiện trong chiếc lá. Xưa, “các cụ” thường đặc tả mùa thu trong sắc vàng của lá ngô đồng. Còn ở câu thơ Xuân Diệu, sự thay đổi rất rõ nhưng lại nằm trong từng chiếc lá - sự đổi thay tế vi từ trong lòng sự vật. Có thể nói, nhà thơ đã góp phần làm giàu hơn cho vốn ngôn ngữ của một dân tộc.

Thành công đáng kể của các nhà thơ lãng mạn là đã có những trang thơ rất giàu hình , ảnh, sắc màu, âm thanh, tính biểu cảm, gợi cảm là rất lớn. Mỗi nhà thơ một tâm trạng nhưng ở tâm trạng nào, ở mức độ nào của tâm trạng, họ cũng vận dụng được vốn ngôn ngữ tiếng Việt để thể hiện... Điều ấy nhờ đâu nếu không phải nhờ tình yêu tha thiết với tiếng mẹ đẻ, thứ ngôn ngữ ngàn đời của con người Việt Nam?

Giọng điệu ngôn ngữ của Các nhà thơ mới thật muôn hình vạn trạng. Nhưng đúng như Hoài Thanh đã viết: “Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt”. Đánh giá của Hoài Thanh không chỉ đúng với các nhà thơ lãng mạn mà còn đúng với tất cả thi nhân xưa, nay và mãi mãi về sau, đúng cả với mọi người con đất Việt. Tiếng Việt là ngôn ngữ của chúng ta, thuộc về những người Việt Nam ta. Chúng ta đã từng phải đổ bao xương máu để giữ gìn nước. Bởi thế tình yêu tiếng Việt cũng chính là tình yêu quê hương đất nước. Và không có lí do gì để mỗi nhà thơ, mỗi người con đất Việt lại không lưu giữ, phát huy thứ ngôn ngữ quý giá, thiêng liêng ấy.

Trên cuộc đời này nhiều thứ có thể mất đi, những đền đài có thể sụp đổ, những tranh tượng có thể tiêu tan... nhưng ngôn ngữ của dân tộc ấy thì không thể mất được. Mỗi thế hệ mai hậu lại được cha mẹ truyền giọng mình cho tập nói, được học, được sử dụng tiếng Việt. Tiếng Việt sẽ mãi mãi không thể mất đi. Các nhà thơ lãng mạn, những con người Việt Nam đều biết và phải biết yêu, giữ gìn, phát huy thứ ngôn ngữ ấy, thứ ngôn ngữ đã gắn với một dân tộc mấy mươi thế kỉ qua và mãi mãi về sau.

Xem thêm: Hồ Chí là một vị "khách tự do", vị "khách tiên" ngay cả trong chốn ngục tù

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận