"Hãy bắt đầu từ cuộc sống, từ đó sẽ nảy ra thơ"

Thơ ca giống như "đôi cánh" nâng ta bay đến với những chân trời mới mẻ, cho ta giao hòa với những triết lý nhân sinh, tâm niệm sâu sắc, giống như "vũ khí trong trận đánh" tiếp sức cho ta trong cuộc giằng co thiện - ác. 

Đỗ Thu Nga
10:00 09/05/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI:

"Hãy bắt đầu từ cuộc sống, từ đó sẽ nảy ra thơ" (Nguyễn Văn Thạc)

Bằng trải nghiệm đọc thơ của mình, em hãy bàn luận về ý kiến trên.

BÀI VIẾT THAM KHẢO:

"Thơ là đôi cánh nâng tôi bay

Thơ là vũ khí trong trận đánh"

(Rasul Gamzatov)

Văn chương, thơ ca mang trong mình một thiên chức cao cả là "nâng cuộc sống lên", là hướng con người đến bờ cõi chân - thiện - mỹ cao đẹp. Thơ ca giống như "đôi cánh" nâng ta bay đến với những chân trời mới mẻ, cho ta giao hòa với những triết lý nhân sinh, tâm niệm sâu sắc, giống như "vũ khí trong trận đánh" tiếp sức cho ta trong cuộc giằng co thiện - ác. Để thực hiện được những thiên chức lớn lao, cao cả đó, mỗi tác phẩm thơ ca phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu, mà trước hết là phải bắt nguồn từ thực tại. Bởi thế, Nguyễn Văn Thạc đã tâm niệm rằng: "Hãy bắt đầu từ cuộc sống, từ đó sẽ nảy ra thơ".

Nếu ví thơ ca như một bản nhạc du dương thì cuộc đời là nơi những giai điệu được góp nhặt, để rồi tấu lên bản hòa ca ấy. Bởi lẽ, "hãy bắt đầu từ cuộc sống, từ đó sẽ nảy ra thơ", nghĩa là cuộc sống là mảnh đất hiện thực màu mỡ ươm mầm cho những vần thơ. Nhà văn muốn viết được những tác phẩm thơ chân chính, "bất hủ cổ kim" thì cốt phải bắt nguồn từ cuộc sống. Như vậy, nhận định của Nguyễn Văn Thạc đã khẳng định nguồn gốc căn nguyền của thơ ca là hiện thực, cũng như thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa hiện thực và nhà văn.

Quả thật chí lý chí tình khi nhận định: "Hãy bắt đầu từ cuộc sống, từ đó sẽ nảy ra thơ". Lẽ thường, mỗi một tác phẩm thơ ca cần có sự góp nhặt của rất nhiều yếu tố. Tác phẩm có thể bắt nguồn từ những tình cảm, cảm xúc của thi nhân, từ những rung động, nỗi niềm của con người, song không thể thiếu đó là mảnh đất hiện thực của cuộc sống. Tố Hữu có câu: "Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học." Cuộc đời là mảnh đất hiện thực màu mỡ cho văn chương nói chung và thơ ca nói riêng bén rễ, sinh sôi, bay cao, bay xa. Đó chính là nguồn gốc căn nguyên của thơ ca.

Hay-bat-dau-tu-cuoc-song-tu-do-se-nay-ra-tho
Chế Lan Viên

Quả thật chí lý chí tình khi nhận định: "Hãy bắt đầu từ cuộc sống, từ đó sẽ nảy ra thơ". Lẽ thường, mỗi một tác phẩm thơ ca cần có sự góp nhặt của rất nhiều yếu tố. Tác phẩm có thể bắt nguồn từ những tình cảm, cảm xúc của thi nhân, từ những rung động, nỗi niềm của con người, song không thể thiếu đó là mảnh đất hiện thực của cuộc sống. Tố Hữu có câu: "Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học." Cuộc đời là mảnh đất hiện thực màu mỡ cho văn chương nói chung và thơ ca nói riêng bén rễ, sinh sôi, bay cao, bay xa. Đó chính là nguồn gốc căn nguyên của thơ ca.

"Thơ chỉ tràn ra trong tim khi cuộc sống đã thật đầy" (Tố Hữu). Vâng, thơ ca là "hình dung của sự sống muôn hình vạn trạng", là bắt nguồn từ hiện thực muôn màu muôn vẻ. Hiện thực ấy có thể là cuộc sống đấu tranh, chiến đấu của con người, cuộc sống lao động khẩn trương với những người lao động miệt mài, dũng cảm, hăng say, hừng hực khí thế. Hiện thực ấy cũng có thể là một thời đại huy hoàng oanh liệt (quân nhân ta chống Tống, Mông, Pháp, Mỹ…) hay một thời kì tăm tối đến bi thương (dân tộc ta sa vào cảnh "một cổ hai tròng" bị thực dân Pháp cai trị, thời kì xã hội phong kiến chà đạp người phụ nữ, chà đạp quyền con người), một cảnh sắc thiên nhiên hay một niềm sầu muộn… Tất cả đều trở nên mảnh đất màu mỡ để thi nhân cày xới, đào sâu, tìm tòi và sáng tác, từ đó cho ra đời các tác phẩm thơ thật sự giá trị.

"Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép", nhà thơ sẽ không thể sáng tác nếu không bắt đầu từ việc quan sát, nghiền ngẫm hiện thực. Dù tác phẩm có viết về nội dung gì đi chăng nữa thì hiện thực cũng vẫn luôn là khởi điểm của nhà thơ. Như vậy, thơ ca bắt nguồn từ cuộc sống, nồng hơi thở phập phồng của cuộc sống, không bắt nguồn từ cuộc sống thể chẳng thể có thơ ca. Hiện thực cuộc sống làm cho mỗi tác phẩm ra đời gần gũi, chán thật hơn với độc giả, mang đậm màu sắc thời đại, có như thế mới phản ánh thời đại sâu sắc và rõ nét được. Bởi thế, "hãy bắt đầu từ cuộc sống, từ đó sẽ nảy ra thơ".

Biêlinxki từng có câu: "Thơ trước hết là cuộc đời, sau mới là nghệ thuật". Vâng, các tác phẩm trước hết bắt nguồn từ cuộc đời, từ hiện thực, để rồi phản ánh hiện thực muôn hình vạn trạng ấy. Phải kể đến là "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận với mảng màu hiện thực tràn ngập khí thế hừng hực, hăng say của người lao động. Phải nói rằng, tác phẩm là bức tranh sống động nhất về cuộc sống lao động khẩn trương của những người dân chài lưới đang "tập làm chủ, tập làm người xây dựng / dám vươn mình cai quản cả thiên nhiên", đặc biệt là hai câu đầu của khổ cuối:

"Câu hát căng buồm với gió khơi

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời"

Một đêm lao động trên biển đã kết thúc, cùng với lúc bóng đêm của vũ trụ tan biến, ánh sáng một ngày mới bừng lên, cũng là lúc đoàn thuyền đánh cá về bến phơi phới niềm vui, trong khí thế tưng bừng. Bằng những hình ảnh khoa trương lộng lẫy, bay bổng vô cùng, song cũng mang đậm chất hiện thực, cùng giọng thơ phơi phới niềm vui, cảnh người dân đánh cá trở về hiện lên chân thực qua hai câu thơ thật ngạo nghễ. Hình ảnh câu hát lại một lần nữa được lặp lại. Câu hát căng buồm đẩy thuyền ra khơi, câu hát đuổi cá xô lưới, và giờ đây lại là câu hát căng buồm đưa thuyền về bến. Rõ ràng, tiếng hát của người lao động đã trở thành âm hưởng chung của toàn bài thơ, tựa như một bản hòa tấu khỏe khoắn, với những âm điệu vui tươi, rộn ràng. Đồng thời, tiếng hát ấy đã hòa vào không khí náo nức của những con người lao động. Nếu tiếng hát lúc ra khơi chứa đựng niềm tin tưởng, lạc quan phơi phới thì tiếng hát lúc trở về là tiếng hát của niềm vui, ngợi ca thành quả lao động hăng say, tự hào vì đã chinh phục được biển cả, để cho thiên nhiên phải phục vụ con người. Và chắc rằng, nếu ai sinh ra, lớn lên ở vùng biển, làng chài, ắt sẽ thấu được niềm hạnh phúc, mãn nguyện khôn xiết ấy khi những ngư dân trở về bình yên, thắng lợi.

Trong niềm vui phơi phới ấy, con thuyền ngang tàng, ngạo nghễ trở về như đang "chạy đua với mặt trời" - một hình ảnh kì vĩ của thiên nhiên. Để rồi trong cuộc đua ấy, đoàn thuyền đã về đích trước, bởi khi mặt trời nhô lên cũng là lúc "mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi". Lỗi nói quá, lối nói thậm xưng đã góp phần làm nổi bật hình ảnh con thuyền đầy kiêu hãnh. Đằng sau vẻ đẹp ấy còn là vẻ đẹp của người ngư dân với khí thế lao động khẩn trương, tầm vóc lớn lao kì vĩ, sức mạnh phi thường, chinh phục thiên nhiên, biển cả. Họ không còn bé nhỏ, đơn côi, bị thiên nhiên chế ngự như trong thơ Huy Cận trước Cách Mạng tháng 8: "Củi một cành khô lạc giống dòng". Họ giờ đây đã ngang tầm với vũ trụ, chế ngự, cai quản thiên nhiên. Rõ ràng, khung cảnh khẩn trương, khí thế hăng say của những con người chính là hiện thực cuộc sống thời bấy giờ, và Huy Cận đã nhào nặn, "thai nghén", chọn lọc hiện thực ấy để rồi viết nên thơ. Vậy chẳng phải là "hãy bắt đầu từ cuộc sống, từ đó sẽ nảy ra thơ" hay sao?

Nếu như "Đoàn thuyền đánh cá" bắt nguồn từ cuộc sống lao động của con người thì đến những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" - Phạm Tiến Duật ra đời bắt nguồn từ hiện thực chiến tranh tàn khốc đến đau thương. Với tinh thần: "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ mà lòng phơi phới dậy tương lai", những chiến sĩ dũng cảm đã sẵn sàng xông pha giữa hiện thực chiến trường hiểm nguy, gian khổ:

"Không có kính, rồi xe không có đèn

Không có mui xe thùng xe có xước."

Với giọng thơ đầy ngang tàng, ngạo nghễ, lời thơ đậm chất văn xuôi, cùng hàng loạt những từ phủ định "không" và lối nói liệt kê khéo léo, hình ảnh những chiếc xe vượt trùng trùng bão đạn, đi ra từ "tử thần" chiến tranh, bao dặm đường ác liệt đã hiện ra nổi bật. Lúc này, xe không chỉ không có kính, mà còn mất cả đèn, bay cả mui xe, thùng xe thì nham nhở những vết cháy xém, vết "xước" vì bom đạn. Thử thách, hiểm nguy ngày càng nhiều, bom đạn vẫn cứ giăng lối đã làm cho những chiếc xe bị hư hại nặng nề, biến dạng, đầy thương tích. Để rồi qua đó, những câu thơ mang đậm bút pháp hiện thực của Phạm Tiến Duật, mang "hơi thở nồng súng đạn" của thời kì kháng chiến chống Mỹ. Xưa nay, xe cộ trong chiến tranh đi vào thơ ca thường được mĩ lệ hóa, song chiếc xe không kính của Phạm Tiến Duật đã được miêu tả cụ thể, thực đến trần trụi. Phải chăng, chính cái thực ấy đã làm độc giả hình dung ra đầy đủ mức độ thảm khốc, bi thương của chiến tranh, sự gian khổ, hiểm nguy nơi chiến trường mà những người lính lái xe đang đối mặt? Phải chăng, cũng chính cái thực ấy làm ta biết được tinh thần "sinh Bắc - tử Nam", "quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh" thời bấy giờ mãnh liệt đến nhường nào:

"Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi

Nào có sá chi đâu ngày trở về

Ra đi bảo tồn sông núi

Ra đi thà chết chớ lui"

Như vậy, Phạm Tiến Duật đã "mượn vật liệu ở thực tại" để viết nên tác phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính". Vâng, phải khẳng định rằng, chính Phạm Tiến Duật đã "bắt đầu từ cuộc sống", để rồi "nảy ra thơ"!

"Anh ta lấy tất cả những lo âu, suy tư, hạnh phúc, khổ đau một đời làm củi

Có khi nhen nhóm cả một đời mới thiêu được một mồi

Ngồi lên chất liệu đời mình

Rót vào đấy xăng của thời đại

Rồi lấy mình ra làm lửa châm vào

Bài thơ rực cháy"

("Giàn hỏa" - Chế Lan Viên)

Mỗi nhà thơ, hãy tạo nên những tác phẩm thi ca dành cho đời bằng cả trái tim và khối óc, cả cái tâm và cái tài. Để "nảy ra thơ", người nghệ sĩ phải sống sâu với đời, ngụp lặn, thâm nhập cuộc sống, góp nhặt những tinh túy của cuộc đời. Bởi: "vạt áo nhà thơ không bọc hết chữ vàng mà đời rơi vãi. Hãy nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang" (Chế Lan Viên). Họ cũng cần phải có thứ "vân tay nghệ thuật riêng biệt", phải biết nhào nặn, "thai nghén" những chất liệu mượn ở thực tại, phải sáng tạo, nhìn đời với con mắt "xanh non biếc rờn". Và hơn hết, mỗi thi nhân cần cầm bút với cái tâm, trách nhiệm với con người, với cuộc đời để thơ ca làm tròn thiên chức "nâng cuộc sống lên", để thi nhân trở thành "kỹ sư tâm hồn" "cứu rỗi thế giới".

Bên cạnh đó, người đọc cũng cần phải trau dồi vốn sống để thấu hiểu thời đại, cuộc sống mà mỗi tác phẩm thi ca phản ảnh, để có khả năng giải mã, tiếp nhận chiều sâu tác phẩm, đọc, suy ngẫm và thực hiện một cách thấu đáo. "Bạn ơi, hãy suy nghĩ bằng trái tim và hãy đọc bằng lý trí" (La Fontaine).

Âm điệu của văn chương giống như giai điệu hợp xướng của dàn đồng ca nhiệm màu về hiện thực cuộc sống, về chân - thiện - mỹ, chạm khẽ đến ngưỡng rung động của trái tim, nơi dừng chân của tâm hồn, tiếng hát ngân vang của cuộc sống. Vậy nên quả không sai khi Nguyễn Văn Thạc cho rằng: "Hãy bắt đầu từ cuộc sống, từ đó sẽ nảy ra thơ". Ta hãy đến với văn chương để hiểu rõ hơn về điều đó, để sống "Người" hơn, thâm trầm hơn, rộng rãi hơn, đủ nhanh để không hoài phí nhưng cũng đủ chậm để thưởng thức những vẻ đẹp của cuộc sống! Bởi: "Đọc một câu thơ hay, ta thường có cảm giác đứng trước một bến đò gió nổi, một khao khát sang sông, một thúc đẩy lên đường hướng thiện những vùng trời đẹp hơn, nhân tính hơn" (Lê Đạt).

(Nguồn: Nguyễn Thị Bích Ngọc - Blog chuyên văn)

Xem thêm: HSG quốc gia bật mí bí kíp học Văn cực chuẩn  

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận