Hành động đẹp của TikToker Khánh Hòa
Chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh, một TikToker ở huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) xây dựng kênh TikTok với tâm niệm biến nó trở thành nơi chia sẻ yêu thương hoặc lan tỏa thông điệp sống tích cực.
"Những cảnh quay là thật, còn kịch bản là không có kịch bản. Với tôi, những gì làm bằng trái tim sẽ dễ chạm đến trái tim" - chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh chia sẻ.
TikToker mang bữa tiệc đến những em nhỏ Raglai
Sở hữu kênh TikTok mang tên "Cô Trinh Cam Lâm" với 1,2 triệu lượt thích, chị Trinh cho hay chỉ mới lập kênh vào đầu năm 2023. Nét riêng trong kênh của chị nằm ở chỗ những món ăn được chuẩn bị ngon mắt để mang đến trẻ em vùng dân tộc thiểu số tại Khánh Hòa. Những ánh mắt thơ ngây, gương mặt lấm lem bùn đất nhưng đầy niềm vui khi lần đầu các em được thưởng thức các món gà rán, hamburger... - điều quá xa xỉ ở nơi "ăn no còn không đủ, huống gì ăn ngon".
"Tôi theo chồng vào đây sống và làm việc được gần 3 năm, lúc còn bé nhà tôi có sáu anh chị em vì hoàn cảnh khó khăn nên ăn uống không được đầy đủ... thấy các bạn có món ngon để ăn mà mình không có rất thèm. Đến bây giờ khi có điều kiện tài chính lại nhớ về tuổi thơ, thế là tôi liền nghĩ tới việc nấu những bữa ăn cho các em nhỏ vùng xa", chị Trinh nói.
Tuy nhiên để nấu được một bữa ăn cho các em không phải là dễ. Phải mất đến ba lần sau khi xin trưởng thôn và UBND xã, chị mới được nấu và phải phối hợp với hội phụ nữ địa phương. "Mình là người lạ đến nhà người dân để xin nấu ăn nên họ ngại lắm, lúc đó cũng có một chút nản, nhưng nghĩ đến các em lại có thêm động lực. Từ đó đến nay cứ vào dịp cuối tuần chúng tôi sẽ nấu luân phiên ở các thôn tại những xã có điều kiện khó khăn", chị Trinh chia sẻ.
Chất những thùng bánh, thịt gà và rau củ lên xe, chị Trinh và nhóm đến thôn VaLy, xã Sơn Tân (huyện Cam Lâm) để nấu cho các em nhỏ tại đây. Tuy xe chưa vào đến làng nhưng nhiều em nhỏ đã reo thích chạy theo sau. Ngay khi đến nơi, mỗi người được phân một công việc từ nấu nướng, sắp xếp bàn ghế và đặc biệt là phát phiếu ăn theo số thứ tự để các em xếp thành hàng.
"Tôi không phải đầu bếp gì nhưng nhìn mấy em ăn ngon, ăn hết là vui lắm. Thực đơn phải đổi liên tục, trước khi nấu cả nhóm phải hội ý mất 2-3 ngày", chị Trinh tâm sự.
Múc thức ăn vào trong tô phát cho các em, chị Trinh nhớ lại những câu chuyện mà bản thân đã trải qua: "Tôi vẫn nhớ như in có một em gái đến rất sớm nhưng khi được phát cho tô bò lagu với bánh mì, em cứ cầm trên tay không chịu ăn. Hỏi ra mới biết em còn chị gái ở nhà, sợ ăn hết chị không còn phần. Nghe xong, ai cũng xúc động. Hay có những ngày đồ ăn hết sớm, nhiều em phải đi chăn bò xa, lúc chạy đến nhưng không còn gì. Từ đó, tôi phải nâng lên cả trăm suất ăn để phát cho các em".
Với chị Trinh, nhờ có kênh TikTok mà nhiều người đã biết đến chị, không ít trong số đó đã liên hệ để gửi tặng những phần quà đến các em nhỏ hoặc góp nguyên liệu để nấu những bữa ăn ngon...
"Vừa nấu ăn vừa quay video rất vui, mình cứ có gì quay nấy thôi! Tôi cũng rất hay đọc những bình luận của các bạn trên TikTok, với tôi mỗi video trên TikTok là một kỷ niệm riêng mà tôi muốn lưu lại", chị Trinh tâm sự.
Trong thời gian tới, chị Trinh dự định sẽ bán các món đặc sản trên TikTok để gây quỹ mua sắm sách vở, quần áo và tổ chức các chương trình dịp Tết cho trẻ em.
"Anh Truyền và các thành viên của Camlamonline không chỉ có sự đầu tư mà còn áp dụng thành công công nghệ 4.0 vào sản xuất kinh doanh cũng như quảng bá nông sản trên mạng xã hội. Việc đưa nông sản lên Facebook, TikTok giúp tiếp cận khách hàng dễ hơn khi ngày nay người dân đang dần chuyển sang mua sắm trực tuyến bởi tính tiện lợi và có nhiều chương trình giảm giá hấp dẫn", anh Trần Nhất Luân (bí thư Huyện Đoàn Cam Lâm)
Dùng kênh TikTok để giải cứu nông sản địa phương
Khác với chị Trinh, anh Đặng Thế Truyền (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) lại dùng kênh TikTok để thực hiện các chiến dịch quảng bá và giải cứu nông sản địa phương.
Rời TP.HCM để về quê lúc dịch COVID-19 bùng phát, trong thời gian ở nhà nhìn thấy cảnh hàng tấn xoài bị vứt bỏ vì giá thu mua xuống thấp, những cô chú nhà nông não nề khi xoài neo trên cây mà không biết bán đi đâu. Nghĩ là làm, anh Truyền và những người bạn quyết định nâng giá trị xoài bằng việc liên kết hỗ trợ thu mua tại vườn cho người dân. Tuy nhiên, sức bật thương hiệu của xoài Cam Lâm vẫn chưa đi xa..., vì vậy các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok là công cụ hữu hiệu để nhiều người biết đến.
"Hồi mới tập quay video, bản thân tôi còn khá vụng về, giọng nói không hay và cũng không có sự chuẩn bị ý tưởng cho những cảnh quay. Sau đó, mọi người dần cải thiện bằng cách đưa ra các chủ đề gắn với xoài Cam Lâm như du lịch, ẩm thực... rồi chỉnh sửa các video cho thật đẹp mắt trước khi đăng tải lên kênh TikTok", anh Truyền nói.
Tự hào khoe những đoạn video triệu view như cảnh thu hoạch xoài Úc, làm bánh tráng xoài hay thậm chí là những món ăn dân dã làm từ xoài như gỏi xoài cá cơm, canh chua cá xoài..., anh Truyền cho biết: "Bây giờ mỗi lần tôi đến vườn, các cô chú nhà nông là những diễn viên không chuyên, họ rất cởi mở để giới thiệu cây trái trong vườn...
Ngoài ra, mẹ tôi cũng có một quán cơm địa phương, vậy là tôi nghĩ bằng khả năng nấu nướng của mẹ sao không nấu các món ăn từ xoài Cam Lâm? Khi những video được ra đời, nhiều Việt kiều hay những người con xa quê nhìn thấy vườn xoài, những món ăn đều bày tỏ sự yêu thích hay mong muốn được đến đây".
Ít ai biết rằng anh Truyền còn thực hiện các chiến dịch giải cứu nông sản như xoài, mãng cầu và thanh long nhằm giúp tháo gỡ một phần khó khăn cho bà con nông dân. Trên kênh TikTok "Camlamonline" của mình, anh còn tận dụng bán các nông sản địa phương đã qua chế biến như xoài dẻo, xoài sấy muối ớt... và đạt doanh thu khá.
Hiện tại anh Truyền đang phối hợp với các nhà vườn làm tour du lịch vườn xoài. Anh cũng không giấu trong tương lai sẽ mở các quầy bán xoài Cam Lâm tại các chuỗi siêu thị, nhà hàng... Chỉ với chiếc điện thoại và chân máy, anh Truyền và cộng sự vẫn miệt mài rong ruổi khắp các nẻo đường để mang đến cho nhiều người vẻ đẹp của xứ xoài Cam Lâm.
"Tôi và các bạn trẻ khác ngoài thành lập kênh trên TikTok còn tạo hẳn một website để liên kết, chúng tôi đang mở rộng việc quảng bá con người và du lịch địa phương", anh Truyền tâm sự.
Bà Mấu Thị Nguyên - chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn VaLy, Hội Phụ nữ xã Sơn Tân - cho hay ở xã đa phần các em là người dân tộc Raglai, đời sống vẫn còn nhiều khó khăn.
"Việc tổ chức các buổi nấu ăn của nhóm chị Trinh vào dịp cuối tuần luôn có sự hỗ trợ của các chị em trong hội phụ nữ. Các em nhỏ rất háo hức khi không chỉ được ăn ngon mà còn được nhóm tặng áo quần, sách vở hay thậm chí là lồng đèn dịp Trung thu. Hơn hết các em luôn cảm thấy được sự quan tâm, yêu thương từ mọi người", bà Nguyên nói.
(Theo Tuổi trẻ)
Xem thêm: Hành động đẹp: Thanh niên 17 tuổi nhặt được 20 triệu, tìm người trả lại
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận