Lý Nam Đế: "Rồng vàng hạ thế" nhưng vận không lâu dài

Lý Nam Đế (Lý Bí) sinh ra đã mang chân mệnh đế vương. Thế nhưng tiếc rằng, vận không lâu dài, nhà nước Vạn Xuân không thể trường tồn.

Đỗ Thu Nga
06:00 26/09/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Quê hương của Lý Nam Đế ở đâu?

Lý Nam Đế (503 - 548) húy là Lý Bí hoặc Lý Bôn. Ông là vị hoàng đế đầu tiên của triều Tiền Lý và nước Vạn Xuân. Ông là 1 trong 14 anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.

Nhiều sách sử cho biết, tổ tiên của Lý Nam Đế là người tỉnh Sơn Tây. Vào cuối thời Tây Hán thì tránh sang Giao Châu để lánh nạn loạn Vương Mãng. Qua chín đời, đến đời Lý Bí thì dòng họ Lý đã ở Việt Nam được 5 thế kỷ. Chính sử Trung Quốc đều coi Lý Bí là "Giao Châu thổ nhân".

Trong sách Văn minh Đại Việt của Nguyễn Duy Hinh căn cứ các thần phả thì Lý Bí không phải là thế hệ thứ 7 mà là thế hệ thứ 11 của họ Lý từ khi sang Việt Nam. Khoảng cách 11 thế hệ trong 5 thế kỷ hợp lý hơn là 7 thế hệ trong 5 thế kỷ. 

Theo đó, đời thứ bảy là Lý Hàm lấy bà Ma thị là người Việt, sinh ra Lý Thanh. Lý Thanh phục vụ dưới quyền Thứ sử Giao Châu là Đàn Hòa Chi nhà Lưu Tống thời Nam Bắc Triều (Trung Quốc). Lý Thanh sinh ra Lý Hoa, Lý Hoa sinh ra Lý Cạnh. Lý Cạnh sinh ra Lý Thiên Bảo và Lý Bí, Lý Hùng.

giai-thoai-rong-vang-ha-the-mang-menh-de-vuong-cua-ly-nam-de-8
Chân dung vua Lý Nam Đế (Lý Bí)

Về quê hương của Lý Nam Đế, các nguồn tài liệu ghi chép khác nhau. Trong Đại Việt sử ký toàn thư và Lịch triều hiến chương loại chí chép, ông là người Thái Bình, phủ Long Hưng. Còn Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì "tên Thái Bình đặt từ thời Đường (618 - 907), còn Long Hưng đặt từ thời Trần (1225 - 1400)". Như vậy, gọi Thái Bình và Long Hưng là gọi theo tên sau này đặt. 

Các sử gia nhà Nguyễn xác định Long Hưng thuộc Thái Bình và cho rằng quê Lý Nam Đế thuộc Thái Bình. Việt Nam sử lược ghi rằng phủ Long Hưng thuộc tỉnh Sơn Tây (cũ). Các nhà nghiên cứu hiện nay chỉ ra rằng: thời Bắc thuộc, tỉnh Thái Bình hiện nay vẫn là biển. Tên gọi Thái Bình thời Bắc thuộc nằm trong khoảng vùng Sơn Tây. Tại khu vực này có nhiều đền thờ Lý Bí và những người gắn bó với ông như Triệu Túc, Phạm Tu, Lý Phật Tử.

Lý Nam Đế - "rồng vàng hạ thế"

Tương truyền, Lý Bí sinh ra đã mang mệnh đế vương. Dã sử cho biết, khi gần sinh, thân mẫu của ông có việc gấp phải đi. Lúc ngang qua chùa ấp Quang Long thì gặp mưa giông, trời lại sắp tối nên bèn vào chùa xin trú qua đêm. Đến giờ Thìn xuất hiện ánh hào quang rồi rồng vàng giáng xuống, bà trở dạ sinh con, đặt tên là Lý Bí. 

Còn Việt Thường thị Tiền Lý Nam Đế ngọc phả cổ lục cũng ghi lại: Một hôm, Thái bà nằm nghỉ ở ngoài sảnh đường thì thiếp đi, bỗng thấy trời đất tối đến, ngước lên nhìn thì thấy từ trên cao có đám hào quang ngũ sắc. Trong đó có hai con rồng, một màu trắng, một màu vàng cùng tranh giành sao Thái dương.

Sao Thái dương bỗng nhiên giáng xuống miệng Thái bà, rồi vàng giáng thẳng xuống bụng bà. Khi Thái bà tỉnh dậy, biết đó là giấc mộng liền đem kể với Thái ông. Thái ông tin rằng theo như mộng báo thì nhà ông tất có phúc lớn.

Vào giờ Thìn ngày 12/9 năm Quý Tỵ, Thái bà sinh con trai, thần tướng lẫm liệt, diện mạo khác thường, mày như mày vua Nghêu, mắt như mắt vua Vũ, lưng như lưng vua Thang, không phải người bình thường. 

giai-thoai-rong-vang-ha-the-mang-menh-de-vuong-cua-ly-nam-de-7
Trước khi sinh Lý Bí, Thái bà đã nằm mộng thấy rồng vàng hạ thế

Khi Lý Bí chào đời, mây sa sầm, mưa gió nổi lên, hương thơm, khí lành tràn ngập trong phòng. Quả nhiên, thuở nhỏ, Lý Bí thông minh, hiểu biết rộng. Khi lên 5 tuổi thì cha mất. Hai năm sau mẹ cũng qua đời. Lý Bí chuyển đến sống cùng chú ruột.

Một hôm, vị thiền sư đi qua, thấy cậu bé khôi ngô tuấn tú bèn xin đem về chùa nuôi dạy. Trong 10 năm làm tiểu ở chùa, Lý Bí tích cực học tập, rèn luyện và trở thành người học rộng, hiểu sâu, văn võ song toàn. 

Cũng nhờ tài năng, đức độ mà Lý Bí được suy tôn làm thủ lĩnh địa phương. Sau đó được thứ sử Tiêu Tư của nhà Lương mời ra làm quan. 

Không lâu sau, nhận thấy chính sách cai trị của Tiêu Tư khiến nhân dân lầm than, lòng người oán hận nên ông từ quan về quê. Đồng thời chiêu binh mãi mãi chống lại ách đô hộ.

Cuộc khởi nghĩa của ông nhận được sự ủng hộ nhiệt thành từ nhân dân và các anh hào trong thiên hạ. Trong đó có các tướng tài như cha con Triệu Túc và Triệu Quang Phục, Tinh Thiều, vĩ tướng Phạm Tu đã ngoài 60 tuổi. 

Đến cuối năm 541, Lý Bí chính thức phất cờ khởi nghĩa, dấy binh chống nhà Lương. Sử cũ nhà Lương có chép: Tiêu Tư liệu thế không chống được quân Lý Bí nên đã chủ động xin hàng. Đồng thời cống nạp vàng bạc xin tha, chạy về Quảng Châu lánh nạn.

Dù vị thủ lĩnh trẻ dễ dàng đạp đổ Tiêu Tư, chiếm thành Thăng Long nhưng phía Nam nước ta vẫn dưới quyền cai trị của nhà Lương. Vua Lương ra lệnh cho các thứ sử khác hợp quan, hòng đánh lại nghĩa quân. Đã lường trước được điều này nên Lý Bí chủ động xuất binh đánh tan lực lượng của quân Lương ở phía Nam, làm chủ toàn cõi Giao Châu. 

Đến năm 542, nhà Lương phản công nhưng không phá được thế mạnh của quân Lý Bí. Trong khi đó vua Lâm Ấp nhòm ngó Giao Chỉ, định nhân cơ hội Lý Bí đang đối phó với nhà Lương để tiến đánh. Võ tướng Phạm Tu được cử đánh Lâm Ấp và giành thắng lợi.

Đến năm 544, Lý Bí đăng cơ, định đô ở cửa sông Tô Lịch. Đặt tên nước là Vạn Xuân, lấy hiệu Lý Nam Đế. Sau khi lên ngôi, ông cho xây thành, đắp lũy chuẩn bị sẵn sàng chống trả quân Lương, bảo vệ đất nước.

Vị vua có tài nhưng vận không dài

Sau lần đầu thất bại, nhà Lương ôm lòng hậm hực, quyết đàn áp trên quy mô lớn. Vua Lương sai Trần Bá Tiên - viên tướng khét tiếng tàn bạo và dày dặn kinh nghiệm sa trường lãnh đạo quân đội đánh nước Vạn Xuân của Lý Nam Đế. Với kinh nghiệm của mình, Trầm Bá Tiên ra lệnh đánh luôn khi nước Vạn Xuân còn non yếu chưa tạo được căn cơ vững chắc.

Trước thế tấn công ồ ạt của quân Lương, quân đội Lý Nam Đế thất thủ trong hai trận lớn ở Chu Diên và cửa sông Tô Lịch, phải rút về Gia Ninh (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) rồi lại về hồ Điển Triệt. Lợi dụng địa thế sông hồ lớn, dễ phòng thủ, Lý Nam đế huy động hơn 2 vạn quân, thuyền bè đóng kín mặt hồ. Quân Lương e sợ, không dám tấn công.

Lúc này, Trần Bá Tiên ra lệnh cho tướng sĩ nhân lúc quân Lý Nam Đế còn hoang mang sau vài ngày thu trận thì xông lên đánh. Tướng sĩ dưới quyền không ai dám lên tiếng kháng lại.

giai-thoai-rong-vang-ha-the-mang-menh-de-vuong-cua-ly-nam-de-0
Lý Nam Đế - vụ vua tài năng nhưng vận không lâu dài

Nửa đêm, nước dâng lên bất ngờ, tràn đổ vào hồ. Trần Bá Tiên lệnh cho quân lính lợi dụng lúc nước lên để tiến vào Điển Triệt. Quân Vạn Xuân không phòng bị, lại vừa mới tập hợp còn lỏng lẻo nên nhanh chóng vỡ trận. Lý Nam Đế lui giữ ở động Khuất Lão (thuộc tỉnh Phú Thọ). Ông ủy thác tả tướng Triệu Quang Phục giữ việc nước, điều quân đi đánh Bá Tiên.

Đến năm 548, sau khi lên ngôi 5 năm, Lý Nam Đế mắc bệnh nặng, qua đời. Song theo Việt Nam văn minh sử cương, Lý Bí bị người Lạo làm phản sát hại.

Nhận xét về cuộc đời và sự nghiệp đế vương của Lý Nam Đế, sử gia Ngô Sĩ Liên từng viết: "Tiền Lý Nam Đế dấy binh trừ bạo, đáng là thuận đạo trời, thế mà cuối cùng đến nỗi bại vong, là vì trời chưa muốn cho nước ta được bình trị chăng? Than ôi! Không chỉ vì gặp phải Bá Tiên là kẻ giỏi dùng binh, mà còn gặp lúc nước sông đột ngột dâng lên trợ thế cho giặc, há chẳng phải cũng do trời hay sao?”.

Xem thêm: Giai thoại ly kỳ về "mệnh đế vương" của vua Lý Thái Tổ

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận