"Giải mã" cây bàng trăm tuổi ở nhà tù Hỏa Lò: "Người chiến sĩ" thầm lặng, "người thầy thuốc" chữa bệnh, cứu sống hàng trăm chiến sĩ
Những cây bàng ở nhà tù Hỏa Lò đã lập nhiều chiến công thầm lặng trong cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù. Bên cạnh đó, nó còn là "vị lương y" đưa nhiều chiến sĩ trở về từ cửa tử...
1,2 tháng gần đây, tham quan đêm ở Nhà tù Hỏa Lò trở thành tour du lịch siêu hot. Ban quản lý Nhà tù Hỏa Lò nhiều lần thông báo "cháy vé" vì lượng người đặt tour quá đông.
Ở tour này, du khách sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị, chứng kiến và nghe những câu chuyện xúc động về các nhân chứng lịch sử. Trong số đó, không thể không nhắc đến cây bàng.
Những cây bàng ở Nhà tù Hỏa Lò được nhắc đến ở đoạn cuối hành trình. Khi đó, du khách được thưởng thức các món ăn làm từ lá bàng, quả bàng - nguyên liệu từng được coi như "thần dược" cứu sống rất nhiều chiến sĩ cách mạng.
Cây bàng - "người thầy thuốc" chữa bệnh, cứu sống hàng trăm chiến sĩ cách mạng
Theo thông tin từ Phòng nghiên cứu - Sưu tầm Nhà tù Hỏa Lò, nguồn gốc của cây bàng theo lời kể từ một số người tù chính trị: Trước năm 1930, những tù nhân đã thành án phải đi lao động làm vệ sinh bên trong tòa án, họ đã bứt những cây bàng mọc dại trên các lùm cỏ mang về trồng trong sân các khu trại giam. Theo thời gian, cây lớn lên, gắn bó thân thiết và hữu ích với nhiều thế hệ tù chính trị ở Nhà tù Hỏa Lò.
Có rất nhiều vật dụng đã được tạo ra từ cành bàng như: tẩu hút thuốc, bút viết, đũa ăn cơm... Lá bàng non được người tù nhai, nuốt hay đun làm nước để uống chữa cảm nóng hoặc giã nát, hơ nóng chườm và đắp vào những nơi đau nhức. Quả bàng được dùng làm thuốc bổ dự trữ cho tù nhân ốm yếu.
Có người tù chính trị sau này trở thành cán bộ lãnh đạo cấp cao của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã giành cho những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò một tình cảm đặc biệt, đó là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Sỹ Huynh, quê Đà Nẵng.
Đồng chí Nguyễn Sỹ Huynh tham gia hoạt động cahcs mạng và bị thực dân Pháp bắt năm 1943, đưa về giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò. Trong hồi ký của mình, đồng chí Nguyễn Sỹ Huynh kể lại: “Điều gây cho tôi ấn tượng rất mạnh là được ăn mấy quả bàng chín. Hỏi ra mới biết, trong Nhà tù Hỏa Lò có một số cây bàng vừa che nắng mùa hè, vừa cho quả chín mùa đông làm thuốc trị bệnh suy dinh dưỡng cho anh em tù nhân mới ốm dậy. Thật cảm động, khi những tù mới đến là chúng tôi được món quà đãi đặc biệt này”.
Những ngày bị giam giữ trong Nhà tù Hỏa Lò, đồng chí Huynh sốt cao liên miên, phải nằm 3 tháng ở bệnh xá mà bệnh tình không thuyên giảm. Cho tới một ngày, thấy đồng chí yếu quá, viên y sĩ người Pháp đã lệnh đưa đồng chí xuống nhà xác, chờ mang đi chôn. Nhưng không ngờ, sau một tuần đồng chí vẫn còn thoi thóp, chính viên y sĩ người Pháp lại cho đồng chí Huynh trở về bệnh xá.
Đồng chí Nguyễn Sỹ Huynh kể: “Anh em trong trại được tin, đã gửi cho tôi thuốc và đặc biệt gửi cho nhiều quả bàng chín. Lúc đó quả bàng đúng là loại “thuốc bổ hồi sinh” giúp tôi hồi phục dần dần”.
Theo quy định của Ban Sinh hoạt, khi được ra sân, anh em tù nhặt, rửa sạch những quả bàng chín, chuyển cho tổ y tế bảo quản và phân phối theo yêu cầu bồi dưỡng bệnh nhân ốm yếu. Mỗi ngày, đồng chí Huynh được nhận từ 4 đến 5 quả bàng chín, ăn cả vỏ lẫn nhân.
Người bạn tù cùng bị dẫn giải từ Đà Nẵng ra với đồng chí Huynh là Nguyễn Đậu Tân bị tê phù, không đi lại được cũng nhờ anh em chăm sóc bằng rau giá làm từ đỗ xanh và bàng chín mà dần hồi phục, đi lại bình thường.
Hiện nay, cây bàng duy nhất của Nhà tù Hỏa Lò còn được giữ lại ở sân E, đã ngót trăm tuổi. Và một cây bàng mới được Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trồng trong sân trại nữ, thay thế cho cây bàng cũ đã không còn. Nhờ được chăm sóc cẩn thận mà hai cây bàng luôn tốt tươi.
Những điều chưa biết về tác dụng chữa bệnh từ lá và quả bàng
Bàng là loại cây thân gỗ lớn, thuộc họ Trâm Bầu, được trồng chủ yếu ở vùng nhiệt đới. Cho đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về nguồn gốc của cây bàng. Có người nói nó khởi nguồn từ Ấn Độ, có người cho rằng, nó đến từ bán đảo Mã Lai...
Cây bàng không chỉ cho bóng mát mà còn được xem là một vị thuốc dùng để điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau. Nghiên cứu của y học hiện đại chỉ ra: Trong lá và vỏ cây bàng có chứa các flavonoid (kamferol, quercetin). Ngoài ra còn có chất phytosterol, saponin và các tanin như tercatin, punicalin, punicalagin… Đây đều là các hoạt chất có tác dụng kháng viêm, giảm đau, có tác dụng trong việc điều trị nhiều bệnh lý.
Lá bàng - vị thuốc có công dụng tuyệt vời
Theo nguồn tin từ Sở Y tế Hà Nội, lá bàng là vị thuốc có nhiều công dụng trong điều trị bệnh. Trong các nghiên cứu khoa học cũng ghi, lá bàng chứ nhiều tanin, flavonoid, phytosterol,... Các chất này giúp giảm viêm nhiễm và giúp vết thương mau lành.
Đặc biệt, hoạt chất Tanin của lá bàng được tận dụng như thuốc sát khuẩn và chống mưng mủ cho những vết thương ngoài da.
Nhờ sở hữu nhiều thành phần có lợi mà lá bàng được sử dụng để chữa viêm da cơ địa. Người bệnh có thể dùng lá bàng đắp vào da, hoặc nấu nước tắm hàng ngày.
Khi dùng lá bàng chữa bệnh cho người viêm da cơ địa sẽ giúp sát khuẩn vị trí da tổn thương, tăng cường tốc độ phục hồi của da, đẩy lùi tình trạng ngứa ngáy bệnh nổi mề đay, nổi mụn... Đồng thời, các triệu chứng ngứa ngáy, mẩn đỏ cũng bớt sau một thời gian áp dụng.
Những người bị tê bì xương khớp, đau nhức cơ thể cũng có thể sử dụng lá bàng non để chữa trị. Người bệnh lấy búp lá bàng non xào trên lửa vừa. Khi thấy chúng nóng lên thì nhắc xuống, dùng để chườm vào vùng bị đau. Các cơn đau nhức, tê bì sẽ giảm bớt, giúp dễ chịu hơn.
Công dụng ít biết của quả bàng
Theo tìm hiểu, quả bàng thuộc loại quả hạch, có một hạt cứng bên trong, khi non có màu xanh và khi chín ngả sang màu nâu đỏ, rồi chuyển dần qua vàng. Phần thịt có vị chua, nhân có vị ngọt, chứa nhiều dầu, thường được thu nhặt về, phơi khô, đập bỏ vỏ cứng rồi lấy nhân bên trong chế biến thành thức ăn (thường là làm mứt). Nhân hạt bàng chứa nhiều khoáng chất như kali, can xi, magie, natri…
Các nghiên cứu của y học hiện đại còn chỉ ra, quả bàng có tác dụng trong điều trị bệnh hủi, nhức đầu, giúp giảm tình trạng buồn nôn khi đi tàu xe.
Phần hạt bàng có chứa nhiều kẽm, mangan. Những chất này không chỉ có tác dụng giúp hệ thống miễn dịch hoạt động bình thường mà còn chuyển hóa chất béo và carbohydrate trong cơ thể. Vì vậy, để phòng tránh bệnh tật và tăng sức đề kháng cho cơ thể, hạt bàng có thể sử dụng hàng ngày.
Vỏ và thân cây bàng cũng có tác dụng chữa bệnh
Vỏ cây bàng được dùng trong điều trị các trường hợp đau ốm hay cáu gắt bột phát và bệnh lỵ.
Nước sắc vỏ cây bàng cũng được dùng trong điều trị bệnh lậu, đau dạ dày, chuột rút, tiểu đường và giúp lợi tiểu, trợ tim, giảm đau đầu.
Như vậy, câu chuyện về tác dụng thần kỳ cứu sống nhiều chiến sĩ cách mạng mà Nhà tù Hỏa Lò đưa ra hoàn toàn có căn cứ xác đáng. Những cây bàng tưởng như vô tri vô giác đã trở thành "người thần thuốc" chữa bệnh cho chiến sĩ cách mạng. Tán lá rộng mát của cây bàng trở thành địa điểm của những cuộc hội ý chớp nhoáng. Bên gốc bàng sù sì là nơi đặt hòm thư mật. Ngọn bàng vươn cao tựa như “Ngọn hải đăng” trong Nhà tù Hỏa Lò, để người bên ngoài nhìn vào đó có thể xác định được những vị trí bên trong nhà tù...
(T/h Wiki, SK&ĐS, LĐTĐ)
Xem thêm: Tour đêm Hoả Lò có gì đặc biệt mà thu hút giới trẻ Hà thành đến vậy?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận