Giải mã cách bộ đội ta hóa giải "hàng rào Macnamara" - công trình tỷ USD của đế quốc Mỹ
"Hàng rào điện tử Mcnamara" được ra đời từ ý tưởng của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mcnamara với ý đồ "chặn đứng mọi nguồn tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam". Tuy nhiên, kế hoạch này của Mỹ đã bị bồ đội ta chặn đứng.
Đôi nét về tình hình lúc bấy giờ
Bị thất bại nặng nề trong cuộc "chiến tranh cục bộ" ở miền Nam và cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc nước ta, ý chí xâm lược của Mỹ đã lung lay. Cuối năm 1968, Mỹ phải xuống thang chiến tranh, đơn phương tuyên bố ngừng ném bom bắn phá không điều kiện đối với miền Bắc nước ta.
Tổng thống Mỹ Johnson không ra tranh cử nhiệm kỳ 1968 - 1972. Nixon trở thành tổng thống nước Mỹ, đề ra "Học thuyết Nixon", thay đổi chiến lược quân sự của Mỹ từ "phản ứng linh hoạt" sang "ngăn đe thực tế".
Tại chiến trường Việt Nam, Nixon thay bằng chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" mà mục tiêu cơ bản vẫn là bám giữ Việt Nam, chặn phong trào cách mạng ở Đông Dương và Đông Nam Á. Đồng thời giảm bớt sự can thiệp trên bộ của bộ binh và tránh mọi thất bại nhục nhã của Mỹ. Thực chất chủ trương này vẫn là dùng người Việt để đánh người Việt với bom đạn và sự chỉ huy của Mỹ.
Trên chiến trường Bắc Quảng Trị, bước sang năm 1969, đế quốc Mỹ bắt đầu thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh". Chúng cố gắng đưa quân Việt Nam cộng hòa ra vòng ngoài, quân Mỹ sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết. Đồng thời chi viện hỏa lực tối đa để giữ và củng cố tuyến phòng thủ của chúng.
Trong phòng tuyến đường 9, tướng Mỹ Abram chủ trương đưa bộ binh cơ giới Mỹ ra để thực hiện âm mưu này. Theo kế hoạch, quân Mỹ khai thông và mở rộng nhiều tuyến đường phục vụ việc cơ động nhanh chóng lực lượng bộ binh cơ giới. Những chiếc máy húc khổng lồ cùng binh lính Mỹ được tức tốc điều ra Quảng Trị làm đường cho xe tăng đi từ Cửa Việt, Đông Hà, Dốc Sỏi, Cam Lộ đến cao điểm 544.
Từ cuối năm 1968, lợi dụng lúc lực lượng Quân Giải phóng trên chiến trường gặp khó khăn tạm thời, Mỹ và Việt Nam cộng hòa tập trung lực lượng phản kích đẩy lùi chủ lực Quân Giải phóng ra khỏi các địa bàn quan trọng. Chúng còn đánh sâu vào vùng rừng núi phía Tây hòng làm Quân Giải phóng hết khả năng tiến công lớn xuống đồng bằng, đô thị.
Cũng từ đây chiến thuật Trâu rừng được ra đời. Có nghĩa là, ban ngày chúng cho xe tăng và xe bọc thép tổ chức thành nhiều mũi, đi càn khắp nơi, tối đến chúng bí mật cho xe cụm lại xung quanh các vị trí quan trọng của từng khu vực. Cứ mỗi lớp xe lại có một lớp lính nằm quây lại với nhau. Cái "bẫy" làm bằng vỏ thép ấy được lính Mỹ giăng ra khắp nơi, nhằm bảo vệ tuyến "hàng rào điện tử Mcnamara" ở phía bắc Đường 9, ngăn chặn QGP tiến công khi mùa khô đến.
Công trình đồ sộ tốn 2 tỷ USD của Mỹ
"Hàng rào điện tử Mcnamara" được ra đời từ ý tưởng của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mcnamara, với ý đồ phải "chặn đứng mọi nguồn tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam".
Từ tháng 3/1966, chính phủ Mỹ tổ chức một nhóm nghiên cứu gồm 47 nhà khoa học kỹ thuật quân sự hiện đại để tìm biện pháp mới. Mcnamara được giao nhiệm vụ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo nội dung nghiên cứu.
Sau 3 tháng làm việc khẩn trương, một đề án xây dựng phong tuyến dọc theo khu phi quân sự bằng những phương tiện vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại của quân đội Mỹ được ra đời.
Cuối tháng 6/1966, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ công bố quyết định xây dựng phong tuyến. "Hàng rào điện tử" được báo chí Mỹ đặt cho đủ thứ tên "Phòng tuyến Mcnamara", "Tuyến Maginot phương Đông" (phòng tuyến quân Pháp lập ra thời thế chiến 2 chạy dọc biên giới Pháp - Đức). Dự chi cho công trình đồ sộ này khoảng 2 tỷ đô la.
Với mục đích ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam, hàng rào điện tử Mcnamara kết hợp với không quân có nhiệm vụ "kịp thời phát hiện và ném bom hủy diệt ngay lập tức từng tốp người, từng chiếc xe, từng khẩu pháo, từng kiện hàng từ miền Bắc đưa vào miền Nam bằng đường Hồ Chí Minh dù vận chuyển theo trục đường phía đông hay phía tây Trường Sơn" như mục tiêu quân Mỹ đề ra. Mỹ cho rằng, "hàng rào điện tử" hiện đại này sẽ loại trừ được khả năng đột nhập của quân đội Bắc Việt Nam vào Nam Việt Nam.
"Hàng rào điện tử McNamara" hoạt động như thế nào?
Được biết, các hệ thống hàng rào điện tử này bao gồm một loại thiết bị được gọi là "Cây Nhiệt Đới". Thực chất, đây là một loại thiết bị do thám chủ động, sau khi được thả xuống các khu vực nghi vấn trên đường Trường Sơn, các hệ thống này sẽ hoạt động và phát tín hiệu về căn cứ chỉ huy, qua đó, Mỹ sẽ biết được lực lượng quân đội giải phóng đang di chuyển với số lượng là bao nhiêu, lượng xe hàng vận tải là bao nhiêu, tốc độ hành quân,... mà không cần phải sử dụng tình báo trực tiếp tại hiện trường.
Ban đầu, hệ thống này bao gồm 17 căn cứ tiền phương để nhận-truyền-xác nhận các thông tin được thu thập lại từ các thiết bị Cây Nhiệt Đới. Do giới hạn của công nghệ lúc bấy giờ, các loại cây nhiệt đới có thời gian hoạt hoạt động rất ngắn và trở nên vô dụng sau khi hết pin. Chính vì vậy, Mỹ đã phải thả xuống miền Nam Việt Nam hàng triệu cây nhiệt đới chỉ trong một thời gian ngắn để duy trì hoạt động liên tục, không bị gián đoạn do các cây bị hết pin dần.
Các loại cây nhiệt đới được ngụy trang với màu sơn theo kiểu rằn ri, có thể nhận biết được âm thanh, chuyển động trong bán kính xung quanh khoảng vài chục đến vài trăm mét tùy loại. Để tránh bị nhầm giữa tiếng động khi hành quân của lực lượng quân giải phóng với tiếng ồn do các loại động vật, thú hoang gây ra, chỉ một lượng tiếng ồn đủ lớn, kéo dài lâu đã được định sẵn và tiếng ồn phát ra trên phạm vi rộng, nhiều cây nhiệt đới cùng bắt được chuyển động đó thì thông tin mới được truyền đi báo "Đèn Đỏ".
"Đèn đỏ" (Red Light) là thông báo khi phát hiện được tín hiệu nghi có sự xuất hiện của lực lượng quân giải phóng trong một khu vực xác định. Dựa vào các tính hiệu từ các cây nhiệt đới, các căn cứ tiền phương của Mỹ sẽ xác định khu vực nghi vấn, cử máy bay do thám đến khu vực đó để chụp lại không ảnh trước khi quyết định có nên tiến hành công kích hay không.
Việc xác định có nên không kích hay không dựa vào các suy luận về việc lực lượng bộ đội ta trong khu vực có nhiều hay không. Thông thường, khi thu nhập được cac skhoong ảnh từ máy bay, các chỉ huy Mỹ sẽ suy đoán về việc với địa thế trong khu vực và dựa trên những tín hiệu đã bắt được thì liệu đây là một lực lượng lên tới cấp tiểu đoàn, trung đoàn hay chỉ đơn giản là vài tiểu đội lính giải phóng đang di chuyển trong rừng.
Căn cứ vào các thông tin đó, Mỹ sẽ quyết định tấn công hay không, tấn công vào đâu và sử dụng lượng bom bao nhiêu. Thông thường, khi đã có được các hình ảnh không ảnh do máy bay do thám mang về, phía Mỹ sẽ dựa vào đặc điểm địa hình, đường đi mà các Cây Nhiệt Đới ghi lại được để tìm ra một điểm có khả năng cao sẽ làm nơi đóng quân của lực lượng giải phóng và tiến hành oanh kích để đạt hiệu quả cao.
Bộ đội ta đã hóa giải "hàng rào điện tử Mcnamara" như thế nào?
Theo Kiến thức, để đối phó với hàng rào điện McNamara, bộ đội Việt Nam đã xác định 3 không: "Đi không dấu, nấu không khói, nói không câu" để nâng cao tinh thần đảm bảo bí mật, tránh việc tạo tiếng ồn, gây sự chú ý trong lúc hành quân.
Quân đội ta cũng đã chủ động phát hiện các khu vực có cây nhiệt đới của đối phương để tìm cách né tránh hoặc tương kế tựu kế, khiến đối phương mắc lừa.
Thông thường, việc né tránh các khu vực "dính" hàng rào điện tử McNamara là cực kỳ đơn giản do tuyến đường mòn Trường Sơn được xây dựng theo kiểu đan xen nhau cực kỳ chằng chịt, mỗi khi có một khu vực được coi là nghi vấn, ngay lập tức đoàn xe vận tải sẽ được chuyển hướng, di chuyển theo lộ trình khác an toàn hơn.
Các lực lượng công binh, thanh niên xung phong có mặt trong tuyến đường mòn cũng luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, "thông đường" bất cứ lúc nào nếu giao thông bị phi pháo của Mỹ làm hư hại.
Ngoài việc sử dụng các loại Cây Nhiệt Đới, các loại bom thông minh (Smart Bomb) cũng được coi là một phần trong chương trình Hàng rào điện tử McNamara. Các loại bom thông minh có dẫn đường cho phép chúng được thả từ độ cao hàng nghìn mét, nằm ngoài tầm với của các loại vũ khí phòng không thông thường mà vẫn đạt được độ chính xác cao.
Thực chất thì sau khi tiêu tốn hàng triệu USD vào việc xây dựng hàng rào điện tử, đánh phá các tuyến đường vận chuyển của ta, hiệu quả của hàng rào điện tử McNamara là không cao. Bằng chứng là đến chiến dịch Mậu Thân năm 1968, chúng ta vẫn có đủ vũ khí, đạn dược và cơ sở ở miền Nam đủ để khiến Mỹ và VNCH phải chao đảo suốt nhiều tháng liền. Di sản của hệ thống phát hiện thâm nhập này được Mỹ chuyển giao cho phía quân đội Sài Gòn sau khi Mỹ rút đi vào năm 1973.
(T/h PLVN, Kiến thức)
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận