Giải mã bí ẩn về nhục thân 200 năm còn nguyên vẹn của thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu

Hai vị thiền sư có nội tạng, da thịt không bị thốn rửa mà vón thành cục hoặc khô cong lại dù không dùng bất cứ hóa chất ướp thi thể nào. Đây là trường hợp hiếm gặp trong chặng đường tu tập Phật giáo của các bậc thiền sư.

Đỗ Thu Nga
16:08 13/05/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chùa Đậu ở đâu Hà Nội?

Chùa Đậu nằm ở làng Gia Phúc (xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội). Đây là ngôi chùa được xây cất vào thời Lý và được trùng tu vào thời Lê. Đến nay chùa đã trải qua bao lần tôn tạo, tu bổ nhưng vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính xưa kia. 

Qua nhiều thời kỳ lịch sử, chùa được đổi nhiều tên như sau: Thành Đạo Tự, Pháp Vũ Tự, chùa Vua, chùa Bà, ngày nay gọi là chùa Đậu. Trong cuốn "sách Đồng" còn lưu lại ở chùa thì chùa Đậu được xây dựng từ thời Sĩ Nhiếp. Ông là một vị quan thái thú nhân từ của Giao Chỉ, được người đời truyền từng gọi là Nam Giao cổ học (người đem chữ Hán vào Việt Nam) và dùng phương pháp cai trị yêu dân như con. Kinh đô thời ấy ở Thuận Thành (Bắc Ninh). 

giai-ma-bi-an-ve-co-the-bat-hoai-cua-hai-vi-thien-su-o-chua-dau-9
Một góc chùa Đậu

Khi Phật giáo Ấn Độ vào Việt Nam kết hợp với văn hóa bản địa, đã hình thành nên hệ thống thờ tứ pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện (mây, mưa, sấm, chớp), thể hiện vũ trụ quan của con người đất nước nông nghiệp, nơi mà một nền văn minh lúa nước cần mưa thuận, gió hòa. 

Và từ "pháp" ở đây trong tinh thần Phật giáo có nghĩa là: mọi pháp do duyên sinh, do nhân duyên mà tạo thành. Có 4 ngôi chùa thờ Tứ Pháp, chùa Dâu (Bắc Ninh) là nơi Phật giáo đầu tiên vào Việt Nam, thờ Pháp Vân, chùa Đậu thờ Pháp Vũ.

Giải mã bí ẩn về cơ thể bất hoại của 2 vị thiền sư ở chùa Đậu

Theo các cụ cao niên ở trong làng Gia Phúc, trước khi bị thực dân Pháp đốt vào năm 1947, chùa còn lưu giữ nhiều vật quý vua ban, cả ngôi chính điện rất lớn và đẹp. Tuy nhiên, đều thu hút du khách nhất khi đến thăm chùa Đậu chính là nhục thân hai vị thiền sư nổi tiếng để lại xá lợi toàn thân Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường.

Theo một cụ bà trông nom chùa cho biết, những ngày rằm, mùng một, dưới nền nhà thờ tổ, con nhang đệ tử kéo đến rất đông. Họ ngồi khoanh chân chắp tay niệm phật.  Họ mang đủ chuyện hỷ nộ ái ố đến "tâm sự" với ngài để cầu bình an.

Hiện trong chùa có tới 2 pho tượng thiền sư Vũ Khắc Minh và 2 pho thiền sư Vũ Khắc Trường. Song chỉ có 2 pho tượng thật toàn thân xá lợi đặt ở nhà tổ, 2  pho bằng thạch cao để trong am thờ cạnh chùa. Vì am thờ dột nát, ẩm thấp nên không thể để hai vị ngồi đó được.

Truyền thuyết lưu truyền đến hôm nay kể rằng, xưa kia, làng Gia Phúc có 2 ông, một chú, một cháu, từ bé đến cuối đời chỉ ăn rau. Lớn lên một chút thì vào chùa Đậu tu hành. Chính vì thế nhân dân trong vùng gọi thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường là "nhà sư Rau". Cả đời hai ông chỉ ăn 1 bữa cơm rau vào chính ngọ. Thời gian còn lại dùng để tụng kinh niệm phật siêu độ cho nhân gian.

giai-ma-bi-an-ve-co-the-bat-hoai-cua-hai-vi-thien-su-o-chua-dau-7
Nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh khi mới phát hiện trong bảo tháp

Khi biết mệnh số đã tận, thiền sư Vũ Khắc Minh căn dặn chúng đệ tử: "Sau đúng 100 ngày, nếu không nghe tiếng gõ mõ tụng kinh của ta nữa thì hãy mở cửa am. Nếu thi  thể ta hôi thối thì dùng đất lấp am lại, còn thi thể ta nguyên vẹn, không có mùi thì lấy sơn bả lên người ta trước khi xây bịt kín am".

Sau khi dặn đệ tử xong, ông mang theo một chum nước uống, một chum nhỏ đựng dầu thắp sáng rồi đi vào trong am tụng kinh niệm Phật. Đệ tử nhớ lời dặn của thầy đã bịt kín cửa am lại, chỉ để hở một lỗ để không khí có thể lưu thông.

Đúng 100 ngày sau khi không nghe thấy tiếng gõ mõ tụng kinh nữa các đệ tử liền mở cửa am thì thấy thầy đã viên tịch trong tư thế ngồi thiền. Các đệ tử làm y như lời thiền sư đã dặn trước đó 100 ngày. 

Cũng theo truyền thuyết, người cháu của thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường cũng đã vào am gõ mõ tụng kinh và hóa như vậy. 

Chuyện hai vị thiền sư viên tịch trong tư thế ngồi thiền để lại xá lợi toàn thân tồn tại như một truyền thuyết. Sau này, không ai tin đó là sự thật nên câu chuyện dần chìm vào lãng quên.

giai-ma-bi-an-ve-co-the-bat-hoai-cua-hai-vi-thien-su-o-chua-dau-6
Các nhà khoa học nghiên cứu về nhục thân của thiền sư

Phải đến năm 1983, theo yêu cầu của Văn phòng 10 Hội đồng Bộ trưởng, Viện Khảo cổ học cử một đoàn cán bộ, trong đó có PGS.TS Nguyễn Lân Cường về chùa Đậu kiểm tra sự xuống cấp của cái gác chuông. Sau khi đi một vòng chùa đậu, nhà khảo cổ Nguyễn Lân Cường đứng rất lâu trước am thờ bên cạnh chùa. 

Ông Cường từng kể lại: "Tôi đã đứng lặng người rất lâu trước chiếc am nhỏ bên phải chùa. Thiền sư Vũ Khắc Minh ngồi đó, phía sau mành, đôi mắt lim dim như đang suy tư về cõi Phật”.

Ở phía bên phải chùa cũng có một cái am nữa. Bên trong tháp cũng có một vị thiền sư và theo trụ trì chùa đó là nhục thân của thiền sư Vũ Khắc Trường. Mà theo truyền thuyết, ông là cháu của thiền sư Vũ Khắc Minh. Song theo ông Cường, không có cứ liệu nào khẳng định thiền sư Vũ Khắc Trường là cháu thiền sư Vũ Khắc Minh.

Khi lần vén mành xem bức tượng, ông Cường phát hiện vết nứt trên trán pho tượng. Qua vết nứt nhỏ ông nhìn thấy rõ xương sọ. Ông chắc chắn rằng, bên trong có chứa hài cốt người, chỉ có điều đây là hình thức táng nào thì còn phải nghiên cứu sâu hơn nữa thì mới có câu trả lời. 

Sau đó, nhục thân của thiền sư Vũ Khắc Minh được đưa về bệnh viện Bạch Mai để chụp x-quang. Các phim chụp không phát hiện vết đục nào trên hộp sọ. 

giai-ma-bi-an-ve-co-the-bat-hoai-cua-hai-vi-thien-su-o-chua-dau-5
Nhục thân của thiền sư được phục chế

Bởi các tài liệu nghiên cứu về xác ướp, đặc biệt là các xác ướp nổi tiếng của Ai Cập, những nhà chuyên môn biết rằng, để ướp được xác, người ta thường đục thủng phần xương lá mía và nền sọ hoặc đỉnh sọ để lấy não. Tiếp đó độn vải hoặc chất bảo quản trong xương trọ. 

Từ việc không có vết đục trên sọ, ông Nguyễn Lân Cường khẳng định, não của thiền sư Vũ Khắc Minh không hề bị lấy ra khỏi cơ thể.  "Qua những thước phim chiếu chụp, kể cả quá trình tu bổ pho tượng, chúng tôi đã không tìm được bất kỳ một vật liệu nào như chất kết dính, dây, giá đỡ… để cố định và đỡ xương. Các xương cũng đều nằm đúng vị trí giải phẫu học”.

Qua nhiều ngày nghiên cứu, ông Nguyễn Lân Cường khẳng định với toàn thể giới khảo cổ học rằng, phát hiện ra một hình thức an táng mới ở Việt Nam. Ông đặt tên cho hình thức này là tượng táng hoặc thiền táng. Cũng từ đó, giới khoa học gọi nhục thân của các thiền sư Việt là tượng táng, riêng giới nhà Phật thì hay gọi là thiền táng hơn. 

Sau khi mở rộng nghiên cứu, ông Nguyễn Lân Cường lại phát hiện ra rằng, tượng táng cũng có ở Trung Quốc. Cụ thể là di hài của Lục Tổ Huệ Năng (638 - 713). Hiện nhục thân vẫn còn đến hôm nay và được để ở chùa Hoa Nam (huyện Thiều Quang, Quảng Đông).

Một số tài liệu Phật giáo cho thấy, Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không, thiền sư Giác Hải để lại toàn thân xá lợi sau khi hóa. Tuy nhiên, trải qua binh biến, giặc giã, hiện xá lợi của những tổ sư này không còn nữa.

giai-ma-bi-an-ve-co-the-bat-hoai-cua-hai-vi-thien-su-o-chua-dau-8
Phục chế tượng nhục thân thiền sư Vũ Khắc Trường

Việc tìm hiểu về chất liệu để làm tượng được các nhà khoa học đặc biệt chú ý. Các nhà khoa học đã tìm thấy chất liệu tượng giữ thi thể thiền sư Vũ Khắc Minh và thiền sư Vũ Khắc Trường khá đơn giản, đó là sơn ta, đất tổ mối, mùn cưa, giấy bản... 

Qua việc nghiên cứu, ông Nguyễn Lân Cường đã mô tả quá trình tượng táng như sau: Sau 100 ngày viên tịch, các học trò không nghe thấy tiếng gõ mõ trong am nữa nên phát hiện thiền sư đã mất. Khi mở am vào thì thấy thiền sư vẫn ngồi kiết già, không có mùi hôi thối nên đã tượng táng.

Sau đó họ lấy đất mối mịn cùng mùn cưa, giấy bản giã thành bột, trộn với sơn ta chiết xuất từ cây sơn thành một hỗn hợp. Người ta quét hỗn hợp này lên cơ thể thiền sư Vũ Khắc Minh một lớp dày để làm khung đỡ giữ cho xác nguyên dạng.

Người ta lại quét thêm  lớp sơn ta kết hợp với việc dát những lá bạc mỏng. Lớp ngoài cùng là quang dầu. Ông Cường cũng phát hiện ra rằng, kỹ thuật làm chất bôi để tượng táng các thiền sư cũng giống như cách tạo hoành phi, câu đối ở các đình chùa xưa.

Năm 2003, ông Cường cùng các nghệ nhân tiến hành tu bổ hai pho tượng chứa xá lợi toàn thân này. Những vết nứt trên tượng táng thiền sư Vũ Khắc Minh được kết lại, xương cốt thiền sư Vũ Khắc Trường cũng được sắp xếp lại do khá lộn xộn.

Hiện hai vị thiền sư đã yên vị trong ngôi nhà tổ và được bảo quản kỹ càng trong tủ kính với môi trường khí nitơ đậm đặc. Sự bảo quản này giúp  nhục thân của hai vị thiền sư bất hoại. 

Tuy nhiên, đến nay, bí mật lớn nhất là: Tại sao nội tạng, da thịt của các vị thiền sư không thốn rữa, mà vón lại thành cục, hoặc khô quắt lại, trong khi các vị thiền sư này không dùng bất cứ một loại chất ướp xác nào?

 Huyền cơ ẩn đằng sau pho tượng "Phật ngồi trên lưng Vua" độc nhất vô nhị tại Việt Nam

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận