Cô gái mê khiêu vũ giành học bổng toàn phần Harvard năm 16 tuổi: Sẽ về nước để hỗ trợ những người Việt trẻ
Chỉ còn 2 tháng nữa, Nguyễn Hương Quỳnh Trang sẽ tốt nghiệp tiến sĩ. Mặc dù nhận được nhiều lời mời hấp dẫn nếu ở lại Mỹ, nhưng Trang dự định sẽ phát triển công việc của mình ở Việt Nam để “hỗ trợ những người Việt trẻ”.
Không học giỏi xuất sắc vẫn tự tin bước chân vào Harvard
Nguyễn Hương Quỳnh Trang là cô gái Việt có tuổi thơ thường xuyên phải "xê dịch". Theo Vietnamnet, từ khi 5 tuổi, cô đã có 6 năm học tập tại Thái Lan vì mẹ đi học chương trình tiến sĩ. Sau đó lại cùng mẹ sang Hà Lan làm việc trước khi quay trở về Việt Nam.
“Tuổi thơ lớn lên trong khuôn viên rộng lớn của một viện quốc tế, tôi đã quen với việc nhìn thấy các cô chú miệt mài học tập thâu đêm, từ đó bản thân cũng cảm thấy muốn học và rất tập trung khi học”, Trang nói.
Trở về Việt Nam, Quỳnh Trang lại theo mẹ ra Hà Nội. Ở đây, cô được sắp xếp học ở trong 1 trường quốc tế. Tại ngôi trường này, Trang cũng bắt đầu suy nghĩ đến việc đi du học.
Chiến dịch săn học bổng được Trang khởi động từ năm lớp 11. Khi đó, Trang đã phải mò mẫm, theo dõi bảng xếp hạng cũng như tìm hiểu cặn kẽ yêu cầu của các trường ĐH Mỹ trên các website như CHEA, USNews, Collegeboard...
Thậm chí, khi Trang bày tỏ ý muốn gửi hồ sơ xin học bổng tại trường ĐH Harvard, mẹ cô bạn khi đó cũng không dám kỳ vọng nhiều mà nói rằng: “Hãy thử xem con có thể làm được những gì”.
Trang từng chia sẻ, cô phải trải qua đến 3 kỳ thi mới đủ điểm SAT cho vòng gửi hồ sơ. Và theo Trang, điểm SAT không phải yếu tố đinh để các trường TOP đầu ở Mỹ tuyển sinh viên.
Dù không thực sự xuất sắc trong học tập nhưng Trang lại vô cùng nổi bật trong các hoạt động tình nguyện như Operation Smile (kêu gọi hỗ trợ kinh phí phẫu thuật cho trẻ em bị hở hàm ếch), Friendship Village (tuyên truyền ủng hộ các nạn nhân chất độc màu da cam), là đồng tác giả của nhiều tác phẩm sân khấu - nghệ thuật được dàn dựng bởi Hanoi International Theatre Soceity… Với Trang, đó mới thực sự là điều giúp mang cô đến với nước Mỹ.
“Kết quả học tập chỉ là một phần trong đánh giá tổng thể của các trường ĐH Mỹ. Tất nhiên, bạn phải thông minh nhưng không nhất thiết phải trên đỉnh Olympia ở mọi lĩnh vực. Quan trọng hơn là họ - các trường ĐH Mỹ - nhìn nhận những việc bạn đã, đang và sẽ làm được cho xã hội”, Trang chia sẻ.
Bài luận gửi Harvard của Quỳnh Trang có gì?
“Trong bài luận gửi ĐH Harvard khi ấy, tôi nói về niềm đam mê của mình với toán, ước mong sẽ được dùng toán học để dự báo lũ và biến đổi khí hậu, giống như công việc của mẹ. Tôi cũng viết về tính cách của mình, không phải là một cô gái chỉ biết học mà còn rất đam mê thời trang và thích khiêu vũ.
Tôi đã đính kèm video thể hiện một bài khiêu vũ mà mình yêu thích. Có lẽ, ĐH Harvard mong muốn tìm kiếm những ứng viên không chỉ biết học, vì thế tôi đã giành được học bổng toàn phần khi 16 tuổi”, Trang chia sẻ với Vietnamnet.
Thế nhưng, sau khi trở thành sinh viên trường Harvard, Quỳnh Trang lại chuyển hướng học song song 2 ngành Thần kinh sinh học và Tâm lý học. Thời Đại học, như Trang nói, không phải chỉ "đắm chìm" trong sách vở mới thành công. Nữ du học sinh Việt dành nhiều thời gian cho các hoạt động xã hội và luyện tập khiêu vũ - đây là chuyện cô đã làm rất năng nổ khi còn ở Việt Nam.
“Tôi thường cố gắng làm đến cùng những thứ bản thân thấy muốn làm”. Có thời điểm, để chi trả cho 1,5 tiếng học với thầy dạy nhảy ở New York, Quỳnh Trang đã phải làm thêm ở thư viện 20 tiếng/tuần. Và thậm chí đạp xe từ Harvard tới Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) để làm trợ giảng.
Để tới New York học khiêu vũ, cô cũng phải ngồi xe hơn 8 giờ đồng hồ, đi từ 7 giờ sáng và lúc trở về đã 11 giờ đêm. “Tôi học bài ngay trên xe. Không có trở ngại gì lớn lắm nếu bạn có đam mê”.
“Ngoài việc học, chúng ta cần được làm những thứ mình thích để có cuộc sống cân bằng. Tôi rất thích khiêu vũ vì khi đó tôi như trở thành một con người hoàn toàn khác. Tôi đã từng tham gia thi đấu ở một số nơi tại Mỹ chỉ để được đứng trên cùng một sân khấu với những người mà mình ngưỡng mộ.
Tất nhiên, tôi vẫn phải duy trì tốt việc học. Nhưng ở ĐH Harvard, sinh viên không nhất định phải chúi đầu vào sách vở đêm ngày. Harvard cũng không cần những người mọt sách. Kiên trì, hành động, đổi mới, độc lập, kỹ năng giao tiếp và khả năng lãnh đạo,… đó mới là điều ngôi trường này mong muốn ở một sinh viên”, Quỳnh Trang chia sẻ.
Những điệu nhảy mà Quỳnh Trang có thể biểu diễn không đếm xuể, từ cổ điển cho đến hiện đại như Mambo, Swing, Salsa, Reggae, Waltz, Tango, Twist, Rock&Roll, Jazz, Meringué đến các điệu múa truyền thống của Việt Nam, ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines… Cô gái người Việt gần như không vắng mặt trong bất cứ festival nào của sinh viên, không chỉ ở trường ĐH Harvard mà còn cả ở MIT, Boston, Dartmouth, Wesleyan...
Khi còn là sinh viên Harvard, Quỳnh Trang còn từng "đem quân" đi "chinh chiến" khắp bang Massachusetts và giành không ít giải thưởng văn-thể-mỹ.
Luôn hướng về Việt Nam thân yêu
Sau khi tốt nghiệp Harvard, Quỳnh Trang tiếp tục giành học bổng tiến sĩ ngành Khoa học Thần kinh Giáo dục tại ĐH Stanford trong vòng 6 năm.
Quỳnh Trang chia sẻ: "Khi còn học ở Harvard, tôi cũng đã có thời gian nghiên cứu về những hoạt động liên kết trong những phần khác nhau của não; so sánh sự thay đổi, phát triển giữa người bình thường và người tự kỷ qua những độ tuổi khác nhau.
Nghiên cứu ấy giúp tôi nhận ra, những đứa trẻ tự kỷ thường rất thông minh, thậm chí ở một số em, chỉ số thông minh có thể lên đến 99,9%. Tôi luôn trăn trở muốn góp phần vào việc nâng cao nhận thức xã hội rằng các em không phải bị bệnh, mà là những cá thể rất đặc biệt”.
Vì thế, khi đến làm nghiên cứu sinh ở ĐH Stanford, cô gái Việt tiếp tục quan tâm đến "những đứa trẻ đặc biệt". Nghiên cứu của cô tập trung vào chứng khó đọc ở trẻ - “Dyslexia”.
"Những đứa trẻ mắc chứng khó đọc cũng rất thông minh, giỏi về tư duy sáng tạo và hoạt động sáng tạo. Các em có thể dễ dàng nhìn ra một vấn đề và có thể đi thẳng, đi sâu vào vấn đề ấy mà những người khác không thể làm được. Có một sự thật, 33% các CEO ở Mỹ đều bị chứng khó đọc”, Quỳnh Trang chia sẻ.
Trong những năm tháng làm nghiên cứu sinh, Quỳnh Trang dành phần đa thời gian của mình để tới các ngôi trường ở Mỹ - nơi được thiết kế riêng cho "những đứa trẻ đặc biệt". Thông qua việc khảo sát thực tế, Trang nhận ra rằng, không phải nơi nào, những đứa trẻ tự kỷ hay mắc chứng khó đọc cũng được học tập trong môi trường tốt để có thể phát triển.
Nếu không đọc được suy nghĩ của trẻ, người lớn sẽ dễ nói ra những điều tiêu cực. Và điều đó vô tình tạo ra tâm lý phản kháng. Nhưng nếu được sống trong môi trường thoải mái hơn, có những người thấu hiểu thì chúng sẽ được hỗ trợ phát huy thế mạnh của mình. Và đương nhiên, chúng sẽ thành công.
Những trăn trở này cũng là lý do khiến Quỳnh Trang muốn phát triển công việc của mình ở tại Việt Nam sau khi hoàn thành chương trình học. Trong thời điểm 2 năm "tạm nghỉ" trước khi theo học bậc tiến sĩ, Trang dành thời gian hỗ trợ một số học sinh phổ thông ở Việt Nam trong việc học các môn tự nhiên (Toán, Hóa, Sinh).
Khi trở lại Mỹ vào năm 2012, Trang đã thành lập Otus Consulting - nơi có thể hỗ trợ học sinh Việt Nam tìm cơ hội học bổng vào những ngôi trường top đầu của Mỹ. Ở đây, Trang liên kết các bạn sinh viên Việt Nam để tạo thành một nhóm giúp đỡ các em học sinh giỏi, có năng lực, xứng đáng có được môi trường học tốt hơn. Nhờ đó, các em có thể đỗ vào các trường TOP đầu ở Mỹ như: Harvard, Yale, Stanford, Pennsylvania, Cornell,…
Và chỉ còn 2 tháng nữa là Trang tốt nghiệp tiến sĩ. Dù nhận được nhiều lời mời hấp dẫn từ các tập đoàn lớn nhưng cô gái Việt vẫn ấp ủ dự định quay trở lại Việt Nam làm việc để để "hỗ trợ những người Việt trẻ".
Điều này giống như những gì Trang từng viết trong bài luận gửi Harvard vào 12 năm trước: “Nếu ai cũng muốn trở thành lãnh đạo thì lấy đâu ra người làm chuyên môn. Nhưng môi trường Harvard đã cho tôi có một sự tự tin rằng, nếu muốn làm gì sẽ làm bằng được. Tôi hoàn toàn có thể trở thành một lãnh đạo nếu như công việc ấy cần”.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận