Sứ mệnh gieo yêu thương: Dự án "Hà Nội chung tay" giúp đỡ người già vô gia cư

Tuy tuổi đời còn trẻ và không dư dả về tài chính nhưng 3 chàng trai gen Z gồm Lê Thanh Hải (23 tuổi), Lê Minh Sơn và Nguyễn Vương Anh (21 tuổi) vẫn cùng nhau góp tiền để lập nên dự án “Hà Nội chung tay”.

Đỗ Thu Nga
09:00 27/10/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Dự án giúp đỡ cho những người già vô gia cư có chỗ tránh mưa, tránh nắng mỗi ngày, bằng cách thuê nhà và đón họ về sinh sống. Được biết, ba chàng trai đều là những người bạn thân từ nhỏ, đều sinh ra và lớn lên tại quê hương Thanh Hóa.

Trong đó, Sơn và Vương Anh đã ở Hà Nội học tập từ trước, còn Hải thì mới lên Hà Nội và đang là giáo viên mầm non.

Ý tưởng về dự án “Hà Nội chung tay” xuất hiện, là khi ba chàng trai đều đã chứng kiến nhiều cảnh đời bất hạnh không nơi nương tựa. Đồng thời sau nhiều lần đi tặng quà, phát cơm từ thiện cho những người lang thang trên phố, họ dần nhận ra thứ mà những người vô gia cư khao khát nhất không phải là những hộp cơm, gói bánh mà là một chỗ để đi về, không phải lo những đêm mưa, rét.

Từ đó, ba chàng trai bắt đầu chắt bóp chi tiêu, gom góp được số tiền ít ỏi để bắt tay vào thực hiện dự án. Với số tiền khởi đầu là 30 triệu đồng, nhóm đã phải chạy đôn chạy đáo khắp thành phố để tìm thuê nhà, xây dựng mái ấm cho các cụ. Khi đã có địa điểm, nhóm lại phải sửa sang lại và tiến hành tìm kiếm, thuyết phục những người vô gia cư về sinh sống.

Những tưởng việc tìm kiếm những người cần giúp đỡ sẽ là việc đơn giản, nhưng rồi lại cũng đầy khó khăn. Bởi với mong muốn có thể giúp được đúng người, đúng hoàn cảnh, cả nhóm đã phải dành nhiều thời gian để đi khắp vỉa hè Hà Nội từ 12 giờ đêm đến 2 giờ sáng để tìm hiểu cuộc sống của những người vô gia cư, cũng như phân biệt được những người vô gia cư thật hay giả. Và không phải ai khi được mời, cũng sẽ nhận lời về nơi ở mới của họ, bởi lại e ngại các quy định nghiêm ngặt như là: các cụ phải về nhà trước 23 giờ và không được đi ăn xin nữa.

Nhưng rồi cũng có người đầu tiên bước vào, rồi người thứ hai, thứ ba, mỗi lần như vậy đều là thành quả sau nhiều ngày tìm hiểu, tiếp cận và tạo niềm tin với các cụ.

Bạn Lê Minh Sơn, phó chủ nhiệm dự án chia sẻ: “Hiện tại, mái ấm đã đón ba cụ trên 70 tuổi về sinh sống, tại địa chỉ số 13, ngách 2, Ngõ 273, Âu Cơ, Tây Hồ. Mỗi người đều có hoàn cảnh đặc biệt, đã nhiều năm phải sống bám vỉa hè, không có chốn nương thân”

"Cụ lớn nhất ở nhà mình năm nay cũng đã 93 tuổi rồi. Cụ không còn con cái nữa. Cụ thường giấu kín những cái miền ký ức của cụ, tất cả những gì liên quan đến quá khứ thì cụ thường hay giấu. Nhưng bằng một cái gì đấy, sự cảm nhận và những cái tìm hiểu thì mình biết là cụ đã lên Hà Nội từ khi vợ cụ mất đi, còn con cái thì cụ không bao giờ muốn nhắc đến nữa, bởi vậy mình cũng không muốn đi sâu quá về việc con cái cụ như thế nào.

du-an-ha-noi-chung-tay-giup-do-nguoi-gia-vo-gia-cu-0
Lê Thanh Hải và 3 thành viên của "tổ dân phố" dự án "Hà Nội chung tay - Đừng gọi tôi là vô gia cư"

Từ những ngày cụ về đây ở, vì cụ cũng 93 tuổi rồi, nên khi đi đâu về cụ vẫn thường quên cả đường. Có những buổi chiều anh em đi làm về là còn phải lo đi tìm cụ. Rồi cụ về nhà, đến giờ cơm nước rồi mà cụ lại mệt quá, do đi lạc cả một ngày thì anh em lại phải xúm vào nấu cơm cho cụ ăn. Hay là lâu lắm rồi cụ cũng không được xem ti vi, báo đài, thì chúng mình cũng sẽ ngồi cùng với cụ xem những cái tin tức về thế giới, về Việt Nam, về xã hội,…để cho cụ dần dần có thể tiếp cận được với những cái mới nhiều hơn", Lê Minh Sơn cho biết.

Kể thêm về hoàn cảnh của những người già khác, Sơn kể có cụ là người Hà Nội gốc, nhưng qua một vụ hỏa hoạn thì đã không còn nơi ở, con cái làm ăn thất bát, vợ bỏ đi từ lâu, nên cụ chỉ còn cô quạnh một mình. Nhóm gặp cụ vào một ngày trời rét 10 độ C, cụ đang phải co ro trên một con thuyền bỏ hoang của công ty du lịch trên sông Hồng.

Hay có một cụ ông khác 73 tuổi, hiện vẫn khá mạnh khỏe, minh mẫn, hàng ngày vẫn đi bán quần áo cũ. Trước khi về đây thì cụ hay ở khu vực đường Hai Bà Trưng, qua nhiều lần Sơn đi qua đấy cho cụ tiền hay đồ ăn, đã được nghe những tâm sự rất nhỏ nhặt của cụ như là, hôm nay cụ mới được rửa mặt, đánh răng, hay thậm chí là được đi tắm, thì Sơn mới càng thấu hiểu những cái thiếu thốn của những người tha hương cầu thực.

Những điều với chúng ta tưởng rất bình thường, chăn ấm đệm êm, nhà vệ sinh sạch sẽ thì họ phải dồn tiền nhiều ngày mới có thể thuê được chỗ để đi tắm hay vệ sinh cá nhân. Nên từ những điều đấy đã thúc đẩy bản thân Sơn cùng bạn bè phải thực hiện dự án này.

Bên cạnh việc có trách nhiệm với các cụ, các chàng trai còn rất có trách nhiệm với xã hội. Trước khi đón các cụ về nhà chung, nhóm đã xác minh nhân thân, gọi điện thoại cho người thân để xin phép, khai báo tạm vắng, tạm trú, đăng ký thông tin cá nhân và báo cáo kế hoạch thiện nguyện với cảnh sát khu vực, tổ dân phố theo quy định.

Trung bình mỗi tháng nhóm phải chi gần 10 triệu đồng tiền thuê nhà, điện nước và hỗ trợ một phần gạo, đồ ăn cho các cụ. Toàn bộ chi phí do ba thành viên tự đóng góp, không nhận hỗ trợ hay kêu gọi từ bên ngoài. Để duy trì hoạt động, Hải thường tranh thủ lúc rảnh rỗi chạy xe ôm công nghệ, trong khi Sơn và Vương Anh xin đi làm thêm ngoài giờ học.

Hành động của nhóm bạn trẻ cũng bị gia đình và bạn bè nói là "gàn dở", "điên khùng", số khác lại cho là hành động bột phát, sớm bỏ cuộc. Nhưng cả ba đều bỏ ngoài tai vì thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn cùng khao khát có một mái ấm thực sự của những người vô gia cư.

Bạn Minh Sơn chia sẻ, tiền làm ra tiêu bao nhiêu cũng hết, nên chúng tôi muốn dành cho những việc ý nghĩa: "Mình là chủ nhà, nhưng cũng như là bảo vệ, rồi lao công vì gần như là mình phải đảm nhiệm tất cả vị trí đấy. Bởi vì các cụ tuổi già, cũng lẫn cũng quên thì có những người con, người cháu như mình và các bạn tình nguyện viên thay nhau chăm sóc thì các cụ sẽ cảm thấy được gần gũi hơn thôi. Còn nếu mà để các cụ tự làm tất cả việc nhà thì cũng được, nhưng mà rồi cứ lẫn, cứ quên, để cái chổi ở đâu cũng không nhớ nữa thì nhiều khi mình nhìn thấy mình cũng không cam tâm.

Đối với những người mà họ đang nhìn “Hà Nội chung tay” với cái ánh mắt là mới chỉ giúp được có ba cụ, thì mình nghĩ cái ý kiến đấy nó chưa đúng lắm. Vì người ta có câu là cứu được một mạng người còn hơn xây bảy tòa tháp. Chỉ cần là có một sinh mạng thôi thì chúng ta vẫn giúp, không quan trọng là giúp được bao nhiêu người, mà nên xem xét giúp được một người mà giúp như thế nào. Cảm xúc của mình khi mà làm công việc này thực sự rất hạnh phúc, cảm thấy mỗi ngày được nhìn thấy các cụ vui vẻ, mạnh khỏe sẽ lại là động lực để mình giúp đỡ các cụ nhiều hơn, hay giúp đỡ được nhiều người hơn nữa".

Ngày đón những người vô gia cư về nhà, nhóm đã tự tin treo tấm bảng trước cửa: "Hà Nội chung tay - Đừng gọi tôi là vô gia cư", với mục tiêu không chỉ là mái nhà cho những người vô gia cư, mà còn giúp họ tìm công việc, tự tạo ra thu nhập để sau này lo cho bản thân, mà không phải ra đường bám víu người khác.

Nhóm đặt mục tiêu sắp tới sẽ đón khoảng 10 người vô gia cư về "Hà Nội chung tay", sắp xếp 3 người/phòng, và hi vọng dự án được lan tỏa rộng rãi. Nếu số thành viên tăng cao, nhóm sẽ tìm một căn nhà khác rộng rãi hơn.

(Theo VOV)

Xem thêm: Sứ mệnh gieo yêu thương: Hành trình 15 năm phát cơm 0 đồng cho bệnh nhân nghèo

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận