Đời phải trải qua giông tố, nhưng không được cúi đầu trước giông tố
Nhà văn Đặng Thùy Trâm - nữ bác sĩ dũng cảm, dám đương đầu với sóng gió cuộc đời để rút ra chân lý sống cho mình: Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố.
ĐỀ BÀI:
Nghị luận tư tưởng, đạo lí về câu nói Đời phải trải qua giông tố, nhưng không được cúi đầu trước giông tố.
GỢI Ý DÀN BÀI CHI TIẾT:
1. Mở bài
Giới thiệu, dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận.
Ví dụ: Trong cuộc đời mỗi con người chắc hẳn ai cũng vấp phải những khó khăn, sự cản trở để bước đến thành công như thất bại trong công việc, gia đình bị đổ vỡ, tình yêu bị phản bội. Khi đó có người cảm thấy bất lực trước cuộc sống, họ tìm đến rượu để giải sầu, thậm chí tìm đến cái chết để không phải đối diện với sự thật. Nhưng nhà văn Đặng Thùy Trâm - một cô y tá dũng cảm đã chứng kiến bao nhiêu sự mất mát của đồng chí, đồng đội trong chiến tranh, cô dám đương đầu với sóng gió của cuộc đời và đã đưa ra chân lý sống cho chính bản thân mình: “Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố”. Chân lý này cũng là lời khuyên, bài học bổ ích, chúng ta có thể lấy làm phương châm sống để sống tốt hơn.
2. Thân bài
+ Giải thích các từ khóa:
“Giông tố”: Chỉ những gian nan, thử thách, những khó khăn xảy ra với con người trong cuộc sống.
“Cúi đầu”: Đầu hàng, lùi bước, chấp nhận thất bại.
Ý nghĩa toàn bộ câu nói: Câu nói khuyên con người không đầu hàng, lùi bước trước những khó khăn, thất bại trong cuộc đời, dám chấp nhận giông tố và vượt qua nó một cách phi thường.
+ Phân tích, chứng minh:
Khẳng định ý nghĩa sâu sắc của câu nói: Cuộc đời con người thường có nhiều khó khăn, thử thách, thăng trầm, nhưng phải vượt qua nó để vươn đến thành công.
Cuộc sống không bao giờ bình lặng mà luôn có vô vàn những khó khăn, thử thách, có thành công – thất bại, hạnh phúc – khổ đau.
Phải trải qua giông tố giúp con người trưởng thành, vững vàng về mọi mặt (tự hiểu về mình, cuộc sống, có kinh nghiệm,...).
Vượt qua khó khăn, thử thách không phải là điều dễ dàng, song ta phải luôn luôn dũng cảm đối mặt, không được hèn nhát, nao núng, né tránh.
+ Đánh giá – mở rộng:
Để vượt qua được giông tố con người cần có bản lĩnh, nghị lực, kỹ năng, tri thức.
Trong thực tế cuộc sống, có biết bao những tấm gương về những con người có nghị lực, bản lĩnh, vượt lên số phận, vượt lên hoàn cảnh (các tấm gương xưa và nay).
Phê phán lối sống thiếu nghị lực, bản lĩnh. Bên cạnh đó, ta không khỏi đau lòng cho những người, đặc biệt là các bạn trẻ thiếu nghị lực, bản lĩnh, sống ích kỷ, dựa dẫm.
Những thủ khoa đại học nhà nghèo vượt khó: Lê Minh Khiết – học sinh trường THPT chuyên Lê Khiết ( Quảng Ngãi) với hattrick thủ khoa: Thủ khoa Tốt nghiệp THPT (56 điểm), thủ khoa Đại học Ngoại thương TPHCM (28,5 điểm), thủ khoa Đại học Y dược TPHCM (29,5 điểm). Vũ Văn Thanh,HS trường THPT Tô Hiệu, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) nhà nghèo, vừa đi học vừa làm thêm phụ hồ để có tiền phụ giúp gia đình và trang trải việc học, tự học và đỗ hai trường đại học: Đỗ thủ khoa Đại học Hải Phòng và đỗ Đại học Ngoại thương (cơ sở Hà Nội).
Những người chiến đấu với căn bệnh nan y để sống có ích thật đáng khâm phục: Sự kiện tại TPHCM, với chủ đề “Vượt lên và chiến thắng”, 150 bệnh nhân ung thư đã tham gia thi đá bóng để chiến đấu với bệnh tật. Dù không thể bước nhanh hơn, dù các đấu thủ đã hoàn tất phần thi, một bệnh nhân 60 tuổi vẫn không bỏ cuộc và chia sẻ: “Tôi không thi để thắng thua với người khác, tôi chỉ muốn chiến thắng bản thân mình”.
+ Rút ra bài học cho bản thân:
Về nhận thức: Muốn thành công, con người phải trải qua nhiều sóng gió. Trước sóng gió, mỗi người phải tự vươn lên bằng niềm tin và nghị lực bản thân, vượt qua những yếu đuối, hèn nhát của chính mình. Gian nan chính là môi trường rèn luyện, tôi luyện ý chí của con người. Nếu có ý chí nghị lực, vượt khó thì công việc nào cũng đi đến đích.
Về hành động: Dám nghĩ – dám làm, phải năng động, phải rèn luyện tu dưỡng những phẩm chất cần có ở những con người của thời đại mới có khả năng vượt qua mọi thử thách để thành công.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề nghị luận.
Ví dụ kết bài: Câu nói của Đặng Thùy Trâm đúng với mọi hoàn cảnh, với mọi đối tượng và qua câu nói đó giúp cho chúng ta thấy rằng, đó là tiếng nói của một lớp trẻ sinh ra và lớn lên trong thời đại đầy bão táp nhưng họ sống thật đẹp và hào hùng, đồng thời câu nói thể hiện một quan niệm nhân sinh tích cực: sống không sợ gian nan, thử thách, phải có nghị lực và bản lĩnh.
BÀI VIẾT GỢI Ý:
Trong cuộc đời mỗi con người chắc hẳn ai cũng vấp phải những khó khăn, sự cản trở để bước đến thành công như thất bại trong công việc, gia đình bị đổ vỡ, tình yêu bị phản bội... khi đó có người cảm thấy bất lực trước cuộc sống, họ tìm đến rượu để giải sầu, thậm chí tìm đến cái chết để không phải đối diện với sự thật. Nhưng nhà văn Đặng Thùy Trâm – một cô y tá dũng cảm đã chứng kiến bao nhiêu sự mất mát của đồng chí, đồng đội trong chiến tranh, cô dám đương đầu với sóng gió của cuộc đời và đã đưa ra chân lý sống cho chính bản thân mình: Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố. Chân lý này cũng là lời khuyên, bài học bổ ích, chúng ta có thể lấy làm phương châm sống để sống tốt hơn.
Trước khi hiểu hơn về câu nói của Đặng Thùy Trâm, chúng ta cần hiểu giông tố là gì? Giông tố ở đây dùng để chỉ cảnh gian nan đầy thử thách hoặc việc xảy ra dữ dội, mãnh liệt. Câu nói đó đã khẳng định cuộc đời có thể trải qua nhiều gian nan nhưng chớ cúi đầu trước khó khăn, chớ đầu hàng trước những thử thách mà hãy dũng cảm đối đầu với những thử thách, khó khăn đó.
Chúng ta hãy cùng nhau quay ngược dòng thời gian để trở về với hai cuộc chiến tranh ác liệt nhất trong lịch sử của dân tộc Việt Nam đó là cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Cuộc chiến tranh này đã làm cho cả dân tộc ta phải sống trong sự lầm than, cực khổ nhưng vì hòa bình, độc lập, tự do mà cả một thế hệ, cả dân tộc đã đoàn kết đứng lên đấu tranh để lấy lại những gì thuộc về chúng ta. Lòng hy sinh, sự kiên cường, bản lĩnh của người lính, hậu đã giúp đất nước chúng ta vượt qua giông tố để đứng hiên ngang sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới. Không những thế, toàn thế giới phải nghiêng mình kính phục đất nước nhỏ bé của chúng ta – những con người quả cảm, yêu nước, luôn biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích dân tộc.
Khi đất nước hòa bình, con người trở về với cuộc sống đời thường, mỗi người có một cuộc sống riêng, một nỗi lo riêng. Có người luôn gặp những bất hạnh trong cuộc sống, họ cảm thấy tạo hóa đang đẩy họ đến bước đường cùng, họ tuyệt vọng khi không đạt được ước mơ, họ cảm thấy bất lực khi không lo được cho vợ con một cuộc sống hạnh phúc, có người cảm thấy lạc lõng cô đơn trước cuộc sống hiện tại... Tất cả những điều đó phải chăng là những thử thách của cuộc đời dành cho họ hay là do con người trong cuộc sống ngày nay ngày càng trở nên vô cảm và chính con người đã đẩy mình vào những khó khăn đó. Đứng trước những điều đó, đòi hỏi bản thân mỗi chúng ta cần phải bình tĩnh, phải suy xét và phải mạnh mẽ đương đầu với nó, như thế chúng ta mới không bị những giông tố kia làm hại cuộc đời ta.
Nếu trong chiến tranh cả một thế hệ phải đương đầu với sóng gió, khi hòa bình lập lại, mỗi cá nhân phải tự mình trải qua những thử thách, dù trong hoàn cảnh nào cũng đòi hỏi chúng ta đừng nhụt chí mà hãy bước tới nó, đi qua nó và đạt được thành công. Như vậy, gian nan, thử thách chính là môi trường tôi luyện con người.
Câu nói của Đặng Thùy Trâm đúng với mọi hoàn cảnh, với mọi đối tượng và qua câu nói đó giúp cho chúng ta thấy rằng: Đó là tiếng nói của một lớp trẻ sinh ra và lớn lên trong thời đại đầy bão táp nhưng họ sống thật đẹp và hào hùng, đồng thời câu nói thể hiện một quan niệm nhân sinh tích cực: sống không sợ gian nan, thử thách, phải có nghị lực và bản lĩnh.
Xem thêm: Top 30 lời nhận định phê bình giúp tăng cường lý luận cho bài viết
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận