Quy định về lệ trồng cây của người xưa: "Phép màu" cho mùa xuân thêm "xuân"
Các tư liệu lịch sử chép về lệ trồng cây từ thời Lý, thời Nguyễn giúp hậu thế có cái nhìn sâu sắc hơn về ý nghĩa của việc trồng cây.
Theo Bảo tàng lịch sử quốc gia, tương truyền, từ đời Lý đã có quy định về việc trồng cây. Các quan ở kinh đô mỗi người phải trồng 1 cây hòe trên con đường từ hoàng thành đến bến Đông. Do đó mà thành tên Hòe Nhai, tức là đường cây hòe.
Cũng bắt nguồn từ phong tục trồng cây thời Lý, con đường đi qua khu vực có nhiều phủ đệ của các vương hầu quý tộc trồng nhiều cây liễu - đây là loài cây biểu tượng cho hình ảnh vương giả. Chính vì thế mà con đường này có tên là Liễu Giai (tức đường trồng cây liễu). Đường thuộc quận Ba Đình, Hà Nội ngày nay.
Chưa hết, vào năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), vua Lê Thái Tổ có chỉ dụ buộc các quan trồng cây, trồng hoa. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: "Cho Đô tổng quản và Quản lĩnh các đạo cùng quan viên ở các phường trong kinh thành rằng: Hiện nay, phần đất của các quan và phủ đệ của công hầu trăm quan đã có phần nhất định, nên trồng cây, trồng hoa và các loại rau đậu, không được để hoang, ai không theo thì mất phần đất của mình”.
Các vua nhà Nguyễn cũng có cách làn độc đáo đem lại "phép màu" cho cây. Cụ thể, để chuẩn bị cho lễ tế trời đất ở Nam Giao vào ngày Đinh Mùi, tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 15 (1834), trước một ngày, vua Minh Mệnh đến Trai Cung, thân trồng 10 cây thông ở 2 bên tả hữu Trai Cung, rồi treo thẻ đồng ở trên cây, thẻ đồng khắc bài minh do vua soạn để truyền lâu dài.
Tiếp đó, sai các hoàng tử, tước công, mỗi người trồng 1 cây thông cũng có thẻ đồng khắc ghi tước mình (về sau, ở Kinh, từ tứ phẩm ấn quan phòng trở lên và các quan ở địa phương về Kinh dự Lễ Tế Giao đều được trồng cây, cũng có thẻ đồng khắc tên họ và ngày tháng).
Vào ngày lễ tế giao hàng năm, các hoàng tử, hoàng đệ, theo lệ có trồng cây thông và mỗi người được cấp một tấm thẻ đồng để treo vào cây.
Châu bản triều Nguyễn ghi chép cụ thể về nhân ngày lễ Nam Giao, các hoàng tử từ 7 tuổi trở lên, hoàng đệ từ 10 tuổi trở lên mà chưa trồng cây thông sẽ được kê khai vào danh sách, chờ nhà vua châu khuyên (lựa chọn) để tuân theo thực hiện.
Trong mỗi dịp đại lễ, các hoàng thân vương công và các viên quan ở Kinh - văn từ Biện lý, võ từ Chưởng vệ trở lên cũng được vinh dự theo lệ trồng cây thông ở Nam Giao và được chế cấp thẻ để treo. Hằng năm, mỗi cây thông sẽ được đo xem hiện tại lớn hơn năm trước bao nhiêu, tất cả đều được kê khai cụ thể.
Sau tiết đông chí, hai bộ lễ, Binh cùng đến xem xét kiểm tra cây thông mới trồng rồi phân biệt xem viên nào chăm chỉ, viên nào lười biếng để khen thưởng và trừng phạt. Viên nào bị cách chức, giáng cấp thì sẽ gỡ thẻ ấy ra, số lượng bao nhiêu, đều được kê khai đầy đủ vào danh sách.
Vào năm Thành Thái thứ 9 (1897), Bộ Lại, Bộ Binh trình về việc các quan văn, võ, ấn quan mới thăng chức được trồng cây là 25 viên quan. Số bị giáng chức, phải gỡ thẻ là 2 viên.
Sau khi tiến hành kiểm tra, những cây bị nghiêng đổ, khô héo đều được trồng thay thế bằng cây khác, chẳng hạn, năm Tự Đức thứ 20 (1867), theo Bộ Công, mặt sau Trai cung có 2 cây tùng, vâng mệnh Thánh trồng trong những năm Minh Mệnh, Thiệu Trị, hiện nghiêng đổ nên Bộ cho chọn 2 gốc tùng tốt tươi đợi đến trước ngày lễ Nam Giao sẽ tiến hành trồng lại.
Cuối cùng, xin dẫn lại một bình luận thú vị của nhà nghiên cứu người Pháp L. Cadière (1869 - 1955), khi ông ngắm nhìn rừng thông quanh đàn Nam Giao: “Tấm biển cài trên cây đảm bảo đời sống cho cây. Đố ông quan nào chịu nổi tấm biển tên mình treo trên một cây khô héo vào dịp tế Giao? Nếu điều ấy xảy ra và đức vua lỡ trông thấy, thì ông quan nào đấy không chỉ chịu tủi nhục mà rất có thể sẽ đón nhận những hậu quả tai hại! Thật ra, qua việc ngỡ chừng nhỏ nhặt ấy, vua Minh Mạng đã thể hiện tầm chính trị nhìn xa trông rộng. Với sự thận trọng nhằm duy trì và phát triển cây xanh, vấn đề ngài từng quan tâm thể hiện, hẳn đem lại những hướng dẫn thực tiễn quý báu cho các cơ quan nông lâm nghiệp ngày nay!”.
(Theo Bảo tàng quốc gia)
Xem thêm: Cao Bá Quát và vụ sửa bài thi chấn động sử Việt: Tiếc nhân tài nhưng không tiếc mạng mình
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận