Đề thi Ngữ văn ở Mỹ khác ở Việt Nam như thế nào?
Bài phân tích, so sánh này dựa trên quan điểm của cô Đinh Thu Hồng - Thạc sĩ giáo dục, Giáo viên tiểu học học khu Gwinnett (bang Georgia, Hoa Kỳ).
Vì ở Mỹ không có kỳ thi tốt nghiệp như ở Việt Nam nên tôi đã lấy bài thi cuối năm (EOG- end of grade) của khối lớp 8 ở bang Georgia ra để so sánh. Kỳ thi cuối năm này ở mỗi tiểu bang có tên gọi khác nhau, nhưng đều có 2 môn Ngữ văn và Toán. Học sinh từ lớp 3 trở lên đều làm bài thi này.
1. VỀ THỜI GIAN LÀM BÀI
Nếu ở Việt Nam, bài thi môn Văn thường gói gọn trong 1 buổi từ 120 đến 180 phút thì ở Mỹ lại khác. Cụ thể, ở bang Georgia, học sinh làm bài thi Ngữ văn trong ít nhất 2-3 buổi vì có 3 phần. Phần 1 (section/session 1) kéo dài 90 phút, bao giờ cũng thi trong 1 buổi riêng.
Phần 2 và 3, mỗi phần thi dài 75 phút, có thể được gộp chung thành 1 buổi thi hoặc thi riêng từng phần thành 2 buổi.
Phần 1 chủ yếu về đọc hiểu (reading comprehension) và vài câu trả lời ngắn (constructed responses). Phần 2-3 ngoài những dạng câu hỏi tương tự phần 1 còn có phần thi viết dưới dạng extended constructed responses (câu trả lời dài dạng bài văn/luận hoàn chỉnh).
2. VỀ CẤU TRÚC ĐỀ THI
Môn Ngữ văn ở Mỹ (ELA- English Language Arts) gồm Đọc và Viết (Reading and Writing). Trong Đọc có đọc hiểu (reading comprehension) và từ vựng (vocabulary). Trong Viết (writing) có ngữ pháp (grammar) và viết theo thể loại (genre writing). Trong bài thi cuối năm thì yêu cầu về yếu tố ngữ pháp, rồi kỹ thuật viết (mechanics) như chính tả (spelling), viết hoa viết thường (capitalization), chấm phẩy (punctuation)…
Có 3 thể loại viết mà học sinh sẽ được học và thi là:
- Informational writing: viết về một chủ đề mang tính thông tin, khoa học, không hư cấu như các cách để bảo vệ môi trường, việc sử dụng thiết bị điện tử của giới trẻ…
- Opinion/Argumentative writing: bài viết nêu ý kiến, quan điểm cá nhân về một đề tài hư cấu (fiction) hoặc không hư cấu (nonfiction). Ví dụ như: Có nên nuôi thú cưng trong căn hộ nhỏ không? Theo em loài thú cưng nào phù hợp nhất và tại sao?
- Narrative writing: viết tường thuật về một sự kiện mang tính cá nhân hoặc truyện hư cấu. Ví dụ như: viết về một lần đi tham quan mà em nhớ nhất, hay viết về câu chuyện trong đó 2 nhân vật chính đã thỏa hiệp thế nào, hoặc viết đoạn kết cho câu chuyện các em vừa đọc trong phần thi đọc hiểu…. Đặc biệt, khi viết thể loại này các em bắt buộc phải sử dụng hội thoại giữa các nhân vật và các từ ngữ chỉ thời gian, thứ tự, hoặc trình tự thời gian (sequence words, time/order words, such as First, Next, Later, Finally…)
Trong 3 thể loại viết thì việc sử dụng nhuần nhuyễn các từ ngữ chuyển đoạn, kết nối (transition words, such as Moreover, Additionally, However…) để kết nối hay đối lập các ý của từng đoạn văn là vô cùng quan trọng.
3. VỀ NỘI DUNG
Bài thi ELA bao giờ cũng có sự phân bố, kết hợp đồng đều, khéo léo giữa hai thể loại văn bản là hư cấu và không hư cấu. Thường tỉ lệ sẽ là 50/50, thậm chí 60/40 với tỷ lệ nghiêng về thể loại không hư cấu. Cũng có những năm bài thi có dạng văn bản hỗn hợp (hybrid) giữa hai thể loại, nhưng rất hiếm.
Việc đọc sách thể loại không hư cấu ở lứa tuổi từ lớp 3 trở lên là rất cần thiết. Ở lứa tuổi từ mẫu giáo đến hết lớp 2, các em đọc chủ yếu các dạng sách hư cấu vì các em ở độ tuổi học đọc. Các sách/văn bản hư cấu, đặc biệt là thơ, có tính vần điệu và cấu trúc xuôi chiều (như truyện diễn biến theo trình tự thời gian) sẽ dễ dàng hơn cho các bạn nhỏ trong việc tiếp thu ngôn ngữ.
Nhưng ở lứa tuổi từ lớp 3 trở lên, khi các em đã đọc thông viết thạo thì các em cần tăng cường đọc sách thể loại không hư cấu (nonfiction) để sử dụng ngôn ngữ học về thế giới xung quanh. Lúc này các em cần đọc để học.
Theo sự chia sẻ của nhiều đồng nghiệp ở Việt Nam, việc học Ngữ văn ở mình có vẻ chủ yếu tập trung cho thể loại hư cấu. Kỹ năng đọc hiểu và làm việc với văn bản dạng không hư cấu, cung cấp thông tin hầu như chưa được chú trọng. Nếu điều này đúng thì tôi thấy hơi đáng tiếc.
4. VỀ DẠNG THỨC CÂU HỎI
Gồm có 4 dạng câu hỏi cho bài thi Ngữ văn ở Mỹ:
Trắc nghiệm (selected response/multiple choice)
- Chọn nhiều câu trả lời hoặc 2 câu hỏi cho 1 đoạn văn (two part questions or multi select). Ví dụ như nhân vật này có những phẩm chất gì thì các em phải chọn hết ⅗ đáp án mới được tính điểm
- Câu trả lời ngắn (constructed response)
- Câu trả lời dài có kết cấu như bài văn/luận hoàn chỉnh (extended constructed response) - không phải câu hỏi nào trong đề bài cũng là dạng câu hỏi “right there” (tức là đáp án/câu trả lời phơi bày sờ sờ ngay trong văn bản, chỉ cần đọc kỹ lại là thấy). Câu hỏi số 2 trong phần Đọc hiểu của bài thi năm nay ở Việt Nam thuộc loại này.
Đa số các câu hỏi trong đề thi đòi hỏi học sinh xâu chuỗi, tổng hợp, hoặc kết nối, phân tích, so sánh, suy luận... Dù ở khối lớp nào thì 2 hoặc các văn bản (cả hư cấu và không hư cấu) dùng cho phần đọc hiểu đều về cùng một chủ đề và sẽ là nội dung cho những câu hỏi của phần viết văn/luận (extended constructed response). Và thường câu hỏi này đòi hỏi các em phải so sánh, tổng hợp 2 văn bản ở 2 thể loại khác nhau để có thể đưa ra câu trả lời/bài văn hoàn chỉnh.
Có thể các em so sánh, tổng hợp về quan điểm, góc nhìn của tác giả, hoặc đưa ra ý kiến riêng của mình về đề tài sau khi phân tích, tổng hợp, so sánh các góc nhìn của 2 tác giả.
Vậy nếu thử dùng đúng 2 văn bản như trong đề thi tốt nghiệp năm nay của Việt Nam thì dạng thức câu hỏi sẽ như thế nào để vẫn đánh giá được các kỹ năng đọc, viết đồng thời không bị gò ép cũng như khuyến khích tính sáng tạo và tư duy phân tích, phản biện của học sinh?
TÔI CÓ VÀI GỢI Ý SAU:
Có thêm những câu hỏi về cách sử dụng từ, hay những thủ thuật trong văn chương (như ẩn dụ, hoán dụ…). Ví dụ: Theo em, tác giả viết “Dòng sông, giờ đã ở tuổi xế chiều” nghĩa là gì?
Câu 1 phần II, thay vì gò ép các em theo ý về sự cống hiến, hãy hỏi như sau “Theo em, thông điệp của tác giả từ nội dung trong đoạn trích Bí mật của nước là gì?”
Thêm một câu hỏi dạng trắc nghiệm để kiểm tra khả năng đọc hiểu về tính trình tự/xâu chuỗi trong văn bản hư cấu cho bài Sóng: “Theo em hiểu thì tác giả quan niệm sóng bắt đầu từ đâu?” Với các lựa chọn như A. Gió B. Không biết C. Biển …
Thêm một câu tổng hợp cho 2 văn bản này: “Hình ảnh của nước được thể hiện thế nào trong trích đoạn Bí mật của nước và bài thơ Sóng?” hay “Giữa hai hình ảnh của nước trong 2 văn bản trên, hình ảnh nào của nước ấn tượng với em hơn? Tại sao?”
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận