Phạm Ngũ Lão - vị tướng đánh trận bách chiến bách thắng khiến lân bang khiếp sợ

Phạm Ngũ  Lão là vị tướng tài của Hưng Đạo Vương, có duyên dẹp loạn biên ải, trấn áp lân bang xâm phạm khi từng góp công đánh thắng giặc Nguyên Mông, 3 lần đánh Ai Lao, 1 lần bình Chiêm.

Đỗ Thu Nga
07:00 20/08/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chàng trai đan sọt và cuộc gặp định mệnh với Hưng Đạo Vương

Phạm Ngũ Lão (1255 - 1320) là người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay là Phù Ủng, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Theo sách Tổng phả kỷ yếu tân biên của Phạm Côn Sơn dẫn gia phả họ Phạm, ông là cháu 8 đời của tướng Phạm Hạp thời nhà Đinh. 

Nói về con người Phạm Ngũ Lão, các sách sử đều dành lời khen tặng. Như trong Nam quốc vĩ nhân truyện ghi về ông là người "có tài năng, khí độ hơn người; ham đọc sách và có chí lớn". Hay như Nam Hải dị nhân lại chú ý đến ông là người có sức khỏe phi thường, mặt mũi khôi ngô. Tựu chung đều kết ở điểm, ông là một danh tướng tiêu biểu của nhà Trần.

Từ nhỏ, Phạm Ngũ Lão đã là cậu bé khác thường, tính tình khẳng khái. Khi ở làng có người đỗ Tiến sĩ (Bùi Công Tiến) tổ chức ăn mừng, dân làng kéo đến, riêng Phạm Ngũ Lão thì không. Mẹ hỏi tại sao, ông nó: Chí làm trai phải lập công danh rạng rỡ non sông mà con chưa lập được bằng người, đi mừng người ta nhục lắm.

Cũng thời gian đó, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đưa quân đi tập trận qua làng Phù Ủng. Quân lính nườm nượp kéo đi, tiếng thét tránh đường vang lên ồn ã nhưng Phạm Ngũ Lão vẫn điềm nhiên ngồi đan sọt bên đường như không hề biết. Một người lính bực tức đã lấy giáo đâm vào đùi nhưng ông không phải ứng.

Nghe có ầm ĩ, Hưng Đạo Vương định sai một viên quan hầu cận lên xem việc gì thì tướng Nguyễn Chế Nghĩa tiến lại trước mặt ông, cúi đầu thưa rõ sự việc. 

danh-tuong-danh-dau-thang-day-cua-hung-dao-vuong-la-ai-0
Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt bên đường khi Hưng Đạo Vương dẫn binh đi qua

Trần Hưng Đạo thấy lạ liền đến trước mặt chàng trai. Thấy người này ước chừng hai mươi tuổi, đầu trần, áo rách, khuôn mặt khôi ngô, một bên đùi bị giáo đâm chảy máu, nhưng vẫn ngồi đan sọt, Hưng Đạo Vương cất giọng hỏi: "Ngươi quê ở đâu, bị giáo đâm thế không biết đau hay sao mà ngồi im thế"?

Lúc này Ngũ Lão ngước lên nhìn, thấy vị tướng dáng uy nghi nhưng vẫn lộ rõ vẻ hiền từ thì liền kính cẩn thưa: "Thưa Đức ông, thần họ Phạm, tên Ngũ Lão, quê ở làng Phù Ủng, châu Thượng Hồng. Nhà nghèo, ruộng không có, phải làm nghề đan sọt nuôi mẹ già. Thần mải nghĩ mấy câu trong binh thư nên không biết có quân của Đức ông qua đây, xin Đức ông xá tội".

Thấy dáng vẻ và khẩu khí đường hoàng của Ngũ Lão, Hưng Đạo Vương sai người lấy thuốc đắp vết thương cho ông rồi hỏi xem có quan tâm đến việc quân Mông Nguyên sắp tiến vào Đại Việt không?

Phạm Ngũ Lão liền thưa: "Thần tuy ở nơi thôn dã song cũng biết giặc Nguyên Mông lăm le tiến vào nên đã cùng trai tráng trong vùng luyện tập võ nghệ, chờ thời cơ đầu quân".

Hưng Đạo Vương lúc ấy cũng thấy cái sọt có quyển sách nên hỏi sách gì, Ngũ Lão liền kính cẩn dâng lên. Vương hỏi về binh thư, không ngờ Ngũ Lão trả lời rành rọi mọi vấn đề. 

Hưng Đạo Vương mừng rỡ nói: "Ngươi có chí lớn, ta rất mừng. Hiện ta chiêu mộ quân lính, kén chọn tướng tài. Ta muốn ngươi về Vạn Kiếp giúp ta huấn luyện quân lính, ngươi thấy thế nào”?

Phạm Ngũ Lão lúc ấy vui mừng vô cùng nhưng không đi ngay mà xin phép về thưa lại với mẹ. Một thời gian sau, Ngũ Lão đến quân doanh của Trần Quốc Tuấn huấn luyện quân sĩ. 

Sau này khi Việt sử tiêu án khi viết về những người tài bước ra từ cửa nhà Hưng Đạo đại vương đã không bỏ sót ông: "Các ông Trương Hán Siêu, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực, Phạm Ngũ Lão, Trần Thời Kiến đều là môn khách của ông [chỉ Hưng Đạo vương - Người dẫn chú], đều có văn chương, chính sự nổi tiếng đời bấy giờ". 

Không những vậy, Phạm Ngũ Lão còn được Trần Quốc Tuấn gả con gái cho. Điều này rất hiếm xảy ra trong triều Trần và để làm điều đó một cách thuận tình đạt lý, Trần Quốc Tuấn đã phải giáng con gái Anh Nguyên xuống làm con nuôi.

Bên cạnh đó, Phạm Ngũ Lão còn có tình bạn đẹp với con út vua Trần Thái Tông là Minh Hiến vương Trần Uất - người ấn tượng với câu chuyện đan sọt bên đường của ông.

Hai lần đánh tan giặc Nguyên Mông

Được rèn cặp dưới trướng Hưng Đạo Vương, Phạm Ngũ  trưởng thành và phát huy được những sở trường của mình. Ông dần dần trở thành tài năng kiệt xuất, lập nhiều công trạng to lớn.

Cụ thể, vào năm 1285, khi giặc Nguyên Mông xâm lược Đại Việt lần thứ 2, Phạm Ngũ Lão đương giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ, trấn giữ vùng Ải Bắc, đã đem quân phối hợp với các cánh quân của Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản đánh cho giặc đại bại ở Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, chém đầu Toa Đô và khiến chủ tướng giặc là Thoát Hoan phải bạt vía.

Sách Những danh tướng chống ngoại xâm thời Trần ghi rõ: "Thoát Hoan phải bạt vía đến nỗi khi hắn chỉ huy quân sang xâm lược Đại Việt lần thứ ba, hễ chạm trán với Phạm Ngũ Lão là đã rụng rời tay chân, chỉ lo bảo toàn tính mạng. Uy danh của Phạm Ngũ Lão khiến kẻ thù khiếp sợ, khâm phục. Chúng gọi ông là viên hổ tướng họ Phạm".

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 (1287), có lần Phạm Ngũ Lão được giao nhiệm vụ chặn đánh giặc ở ải Nội Bàng nhằm tiêu diệt quân đội địch do Thoát Hoan cầm đầu trên đường rút chạy. Tướng Thoát Hoan ham sống sợ chết luôn tìm cách đẩy tay chân đi đối đầu với Phạm Ngũ Lão, còn hắn định thoát thân bằng hướng khác.

Biết điều đó, Phạm Ngũ Lão đã chia quân mai phục hầu hết các ngả đường sang biên giới, khiến tiền quân của Thoát Hoan bị đánh bất ngờ, còn hậu quân bị chặn không tiến được. Quân THoát Hoan đi tới đâu đều vấp phải phục binh và bị tiêu diệt gần hết. Chủ tướng phải trà trộn vào đám tàn quân mới thoát về nước và không dám đặt chân lên Đại Việt thêm lần nào nữa.

danh-tuong-danh-dau-thang-day-cua-hung-dao-vuong-la-ai-9
Phạm Ngũ Lão đánh thắng giặc Nguyên Mông, 3 lần đánh Ai Lao, 1 lần bình Chiêm

Công lao của Phạm Ngũ Lão kể ra thì nhiều lắm. Như lần đánh Ai Lao năm Giáp Ngọ (1294), Toàn thư cho biết: "Tháng 8, Thượng hoàng đích thân đi đánh Ai Lao, bắt được người và súc vật nhiều không kể xiết. Trong chiến dịch này, Trung Thành Vương (không rõ tên) làm tiên phong, bị quân Ai Lao bao vây, Phạm Ngũ Lão dẫn quân ập tới, giải vây, rồi tung quân nghênh chiến, đánh bại quân Ai Lao. Ban kim phù cho Ngũ Lão". Sau này vào năm Đinh Dậu (1297) khi Ai Lao xâm phạm sông Chàng Long, ông lại "đánh bại chúng, lấy lại được đất cũ". Năm Tân Sửu (1301) Ai Lao sang cướp Đà Giang, Phạm Ngũ Lão lại cầm quân đi dẹp, đánh tan quân Ai Lao ở Mường Mai [Hòa Bình - Người dẫn chú].

Khi vua Chiêm đi đánh Chiêm Thành, nhờ có Đoàn Nhữ Hài chiêu dụ mà chúa Chiêm đầu hàng, quân nhà Trần không tốn 1 mũi tên nào. Nhưng lần ấy cũng có dấu ấn với sự cứng cỏi của tướng họ Phạm khi vì quốc thể mà không ngại ngược ý với vua Trần, dẫu biết rằng làm vua giận có thể lụy cả thân. 

Nói về bí quyết để Phạm Ngũ Lão cầm quân "bách chiến bách thắng", Việt sử tiêu án thấy có lời: "Ông xuất thân trong hàng ngũ, mà hình như không lưu ý vào nghề võ lắm, nhưng trị quân rất có kỷ luật, đối đãi với tướng hiệu như người trong nhà, nên các đạo quân của ông tất là quân lính thân nhau như cha con, đánh đâu cũng thắng". 

Còn Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì ngợi ca: "Đối với việc vũ tựa hồ không để ý đến, nhưng chỉ huy quân rất có kỷ luật. Đối đãi với tướng tá như người nhà, đồng cam cộng khổ với sĩ tốt; đội quân của Ngũ Lão thống lĩnh đều thân yêu nhau như cha con một nhà, nên đánh đâu được đấy. Những thứ tước được trong khi đánh giặc đều sung vào kho tàng trong quân, coi tiền của thoảng như không. Thực là bậc danh tướng lúc bấy giờ".

Cách phá tượng binh độc đáo của Phạm Ngũ Lão

Ở thời Trần, phía Nam là Chiêm Thành, phía Tây là Ai Lao, hai nước này thường xuyên đưa quân phá vùng biên giới Đại Việt. Phạm Ngũ Lão 3 lần đánh Ai Lao và thắng lớn; 2 lần tiến binh sang Chiêm Thành khiến Đế Chí phải xin hàng, Đế Năng phải chạy trốn đến Java (Indonesia).

Khi xâm lấn Đại Việt, Ai Lao có đội tượng binh rất mạnh. Để đối phó, Phạm Ngũ Lão đã bày trận vô cùng độc đáo. Trong sách "Vũ trung tùy bút" của Phạm Đình Hổ có chép: 

"Về sau, nước Ai Lao vào ăn cướp, đem voi bày trận xông vào, không ai chống được. Ông được lệnh đem quân đi đánh. Ông sai chặt gốc tre vạt nhọn, dài độ vài thước, chất cả bên đường, rồi vẫy cho quan quân lui lại, một mình xông vào đánh nhau với giặc. Giặc thả voi ra đuổi. Ông cứ xông vào lấy những đoạn tre ở bên đường đâm vào móng chân voi. Voi đau phải lui. Trận giặc đại loạn. Quan quân xông vào đánh vỡ tan”.

danh-tuong-danh-dau-thang-day-cua-hung-dao-vuong-la-ai-7

Còn sách “Tang thương ngẫu lục” của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Áng ghi lại rằng: “Bấy giờ, tù trưởng Ai Lao đem hơn một vạn con voi kéo sang cướp phá các trấn Hoan, Diễn; đi đến đâu thì quân bộ, quân kỵ của ta đều phải vỡ chạy. Triều đình sai ông đi đánh. Ông truyền cho những dân ngoài biên, làng nào cũng phải chặt những khúc tre dài 5, 6 thước, để tích sẵn đấy. Khi gặp giặc, ông xua quân đứng lùi lại, một mình đi chân không vào, vớ những khúc tre mà đánh vào chân voi. Voi đau, kêu rống lên rồi chạy tán loạn. Quân Ai Lao đương đêm phải trốn”.

Vì sao Phạm Ngũ Lão biết điểm yếu này để khuất phục đội tượng binh hơn vạn con? Tương truyền, thủa hàn vi, Phạm Ngũ Lão từng chăn voi cho vua Lào, nhờ một thời nuôi và huấn luyện voi mà ông hiểu đặc tính con vật này. Sách “Thuyết Trần – Sử nhà Trần” của Trần Xuân Sinh thì kể chuyện này theo cách khác:

“Khi Ngũ Lão còn hàn vi, xin với mẹ đi tìm kế lập công danh, ở trong nước chưa có dịp, bèn sang ở chăn voi cho vua Lào. Ngũ Lão cầm lá cờ đỏ dạy voi, tùy theo hiệu cờ phất thì voi tiến, thoái hoặc quỳ xuống hết. Về sau quân Lào sang cướp vùng Thanh Nghệ, có các đội tượng binh xung kích rất lợi hại. Ngũ Lão phụng mệnh đi đánh. Người Lào thúc voi xông vào trận, Ngũ Lão mới phất cờ, đàn voi trông thấy, quen theo thói cũ, cứ tuân lệnh ông phục cả xuống. Vì thế thắng được quân Lào dễ dàng”.

Phạm Ngũ Lão còn là người giỏi văn thơ

Phạm Ngũ Lão là người văn võ song toàn. Trong Việt sử tiêu án có cho hay, ông dù làm tướng, nhưng tâm hồn lại rất thi sĩ, thích ngâm thơ. Điều này càng được chứng thực hơn bởi theo Nam quốc vĩ nhân truyện thì ông vốn là người ham đọc sách, từng ngồi vệ đường mà xem sách binh thư.

Thơ văn để lại cho đời của ông có bài Thuật hoài (Thuật nỗi lòng) được nhiều người biết tiếng, cũng là thể hiện một phần con người, khí phách, quan điểm về chí làm trai bản thân ông. Thi phẩm ấy Lệ Thần Trần Trọng Kim đã dịch và được tập hợp trong Thơ văn Lý Trần (tập II) như sau:

Khi giáo non sông trải mấy thâu

Ba quân hùng khí át sao ngưu

Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.

danh-tuong-danh-dau-thang-day-cua-hung-dao-vuong-la-ai-3
Lễ hội Phù Ủng, Ân Thi, Hưng Yên

Khi Trần Quốc Tuấn mất, Phạm Ngũ Lão vừa là con rể vừa là tướng dưới quyền đã viết bài thơ Vãn Thượng. Trong đó câu luận bày tỏ sự thương tiếc như sau:

Mây trùm phức đạo mi sầu nhíu,

Mưa ngập trường giang lệ máu tuôn. 

Năm 1320, Phạm Ngũ Lão mất ở Thăng Long, thọ 66 tuổi. Vua Trần Minh Tông thương tiếc, nghỉ chầu đến 5 ngày. 

Tại làng quê của Phạm Ngũ Lão, người dân xã Phù Ủng dựng bàn thờ ngay trên nền nhà cũ của ông. Ông cũng được phối thờ tại đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương tại đền thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Xem thêm: Vị tướng nào của Lê Lợi chỉ cần nghe tên quân Chiêm Thành lập tức quy hàng?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận