Cuộc đời kỳ lạ của "cha đẻ" kèn Saxophone: Liên tục gặp tai nạn nhưng đều "tai qua nạn khỏi"
Cuộc đời của nhà phát minh tài năng Adolphe Sax gặp rất nhiều vận xui và tai nạn bất đắc dĩ. Thế nhưng thật kỳ lạ, ông né được tất cả, đến mức "tử thần" chán ngán chẳng muốn đeo bám nữa.
Adolphe Sax được biết đến là người phát minh ra nhạc cụ Saxophone - thứ âm thanh sexy mở đầu bài hát "Careless Whisper" đã đốn gục bao thế hệ người yêu nhạc. Bên cạnh âm nhạc, người đàn ông này còn nổi tiếng với tuyệt chiêu "từ chối tử thần". Cuộc đời ông là chuỗi ngày liên tục bị tử thần "gõ cửa" tìm kiếm. Thế nhưng, lần nào "tử thần" cũng phải lủi thủi ra về, trong khi Adolphe Sax vẫn bình an vô sự, đêm đêm kê cao gối để ngủ.
Cả đời thách thức "tử thần"
Antoine-Joseph Sax sinh ngày 6/11/1814 tại Dinant, Bỉ, trong một gia đình có 11 người con. Cha mẹ ông là nhà thiết kế nhạc khí, nên từ nhỏ ông đã tự học nghề, dành nhiều thời gian ở trong xưởng của gia đình.
Từ thuở lên ba, Adolphe Sax đã thể hiện được năng khiếu bẩm sinh về nhạc cụ. Ông có những hiểu biết sâu sắc về nhạc cụ.
Năm 14 tuổi, ông đã tìm cách chế tạo ra kèn clarinet phiên bản của riêng mình. Lớn hơn 1 tuổi, ông đã đạt được những gì mà người đương thời không thể khi chế tạo ra chiếc kèn clarinet và hai cây sáo bằng ngà voi, hứa hẹn một tương lai tươi sáng.
Thế nhưng cuộc đời ông lại liên tục bị vận xui bám đuổi, "tử thần" rình rập. Nhưng điều lạ là, ông luôn thoát khỏi nó một cách khó lý giải.
Cụ thể, năm lên 3 tuổi, Aldolphe Sax đánh dấu bước ngoặt "bất tử" của mình với tai nạn đầu tiên. Ông bị ngã từ 3 tầng cầu thang xuống đất, đập thẳng đầu vào nền đá. Rất nhiều báo cáo ghi lại: Nơi thì bảo ông hôn mê 1 tuần, chỗ lại ghi ông nằm liệt giường suốt thời gian sau đó... Nhưng kết quả thì đều giống nhau: ông sống một cách khỏe mạnh.
Cùng năm, nhà phát minh tương lai này lại nghịch ngợm cho nổ bụng một cây kim khổng lồ. Nhưng có lẽ ông sinh đúng giờ "con ông trời" nên chẳng có gì xảy ra, ăn vào được thì cũng thải ra được. Sau một tuần, ông tiếp tục tu ừng ực một cốc... axit sunfuric (chính xác là H2SO4, thứ hóa chất cực kinh khủng đó!).
Chưa hết, một thời gian sau, chẳng rõ Adolphe Sax sơ sẩy thế nào mà ngã vào một cái bếp lò đang hừng hực lửa và bị bỏng. May mắn thay, vết thương không bị nhiễm trùng nặng mặc dù một phần cơ thể của ông bị sẹo vĩnh viễn.
Bằng ấy tai nạn chắc chắn khiến một đứa trẻ sợ hãi tột độ, thậm chí chẳng dám đi ra ngoài. Thế nhưng với Adolphe Sax đó chỉ là khởi đầu.
Vào năm 10 tuổi, nhà phát minh này rơi xuống sông và suýt trôi luôn về "suối vàng" nếu như không mắc kẹt gần một cái cối xay gió và được một người nông dân tốt bụng nhảy xuống cứu.
Vài năm sau, trong một lần ra "hóng hớt" công nhân làm việc tại công xưởng của gia đình, một container thuốc súng đột nhiên phát nổ. Không nói thì các bạn cũng đã tưởng tượng ra sức công phá của nó kinh khủng thế nào rồi... Tuy nhiên, Adolphe Sax vẫn bình yên, đây là chuyện vô cùng lạ lùng...
Vì quá mệt mỏi vì bị số phận và quỷ thần vùi dập, Adolphe Sax làm đủ mọi trò để né tránh tai nạn. Nhưng buồn thay, ông không thể thắng nổi số phận sắp đặt.
Trong một lần đi bát bộ trên phố, một mảnh đá khá to trên mái nhà bỗng dưng "hạ thổ" trúng đầu Adolphe Sax. Vụ tai nạn này khiến ông mê man bất tỉnh một thời gian dài... Thế nhưng vào một sáng đẹp trời, Adolphe Sax bỗng dưng bật dậy và hét lên: "Tôi vẫn sống nè mấy má ơi!".
Khi mà "thần" tai nạn đã chán ngấy Adolphe Sax thì "thần" bệnh tật đến, thay bạn "đùa giỡn" Adolphe Sax. Xin nhắc lại, Adolphe Sax chính là người phát minh ra kèn thổi Saxophone, do việc phải ngậm và thử quá nhiều đã khiến ông bị... ung thư môi. Nhưng sau 6 năm điều trị, khối u đã chịu thua và trả lại cuộc sống tươi đẹp cho nhà phát minh này.
Adolphe Sax chỉ trở về với đất mẹ theo khi đi hết một vòng "sinh - lão - bệnh - tử". Theo đó, ông ra đi thanh thản ở tuổi 79 tại TP Paris.
Tuy kém duyên với "tử thần" nhưng bù lại, ông lại rất hợp với những tai nạn "từ trên trời rơi xuống". Bản thân mẹ của ông - bà Marie-Joseph đã từng phải thốt lên: "Nó là đứa bị quỷ thần nguyền rủa với bất hạnh, nó sẽ không sống được đâu". Hàng xóm láng giềng cũng ưu ái đặt biệt danh cho ông là "Tiểu Sax, oan hồn sống dai"!
"Tử thần" ngán ngẩm bỏ đi nhưng vẫn kéo đến
Có một thời gian dài, Adolphe Sax bị "tử thần" lãng quên. Và đây là thời gian để ông thiết kế nhạc cụ mới cũng như cải tiến những cái đã cũ. Vào năm 20 tuổi, ông phát minh ra hệ thống bấm ngón mới cho kèn Clarinet và thường xuyên đưa nhiều loại nhạc cụ mới của mình vào các cuộc thi, đặc biệt là Triển lãm quốc gia Bỉ, nơi ông đáng lẽ được Huy chương Vàng nhưng bị từ chối vì tuổi còn trẻ.
Nhà phát minh tài năng này cũng được biết đến như một nhạc sĩ tài năng, từng theo học tại Nhạc viện Hoàng gia Brussels và được công nhận là một người chơi sáo và kèn clarinet điêu luyện.
Vào năm 1842, ông đến Paris sinh sống và làm việc. Tại đây, ông đã thiết kế các nhạc cụ mới cho các ban nhạc của quân đội Pháp. Ông đã kết hợp âm thanh của những chiếc kèn hơi gỗ với kèn đồng thau, cái mà sau này được gọi là Saxophone, và được cấp bằng sáng chế vào năm 1846.
Ở giai đoạn đó, Saxophone được xem là một nhạc cụ đầy sáng tạo, đi trước thời đại, mặc dù nó chậm nổi tiếng trong thế giới âm nhạc. Nhiều nhà sản xuất nhạc cụ khác đã tìm cách chống phá ông vì ghen tị.
Vào năm 1857, ông bắt đầu giảng dạy tại Nhạc viện Paris. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu và sáng tạo ra các loại nhạc cụ khác. Nhưng chính cây Saxophone đã giúp ông mãi mãi được biết đến, cho dù nó không làm cho ông giàu có.
Có thể ít người biết nhưng Sax đã phá sản đến 3 lần, các thiết kế bị vi phạm bản quyền liên tục. Và trên hết là Saxophone không được chấp nhận trong các dàn nhạc đương thời, rất ít được sử dụng, ngoài các ban nhạc quận đội.
Bên cạnh đó, các đối thủ của Sax luôn tìm cách vùi dập các phát minh mới của ông. Họ dùng không ít thủ đoạn để bôi nhọ danh dự của nhà phát minh tài năng này.
Mọi thứ trong cuộc đời Sax vẫn rất tồi tệ ngay cả khi "tử thần" lãng quên ông. Lần nọ, xưởng làm đàn của ông bị cháy một cách bí ẩn. Nhưng Sax may mắn không có mặt ở thời điểm đó.
Hay một lần khác, tay súng không rõ danh tính, được cho là kẻ thù của Adolphe Sax thuê đã bắn 1 trong những trợ lý của ông vì cho đó là ông. Thêm lần khác, ông còn bị những tên côn đồ bắt và đánh đạp tàn nhẫn. Kỳ lạ thay, ông vẫn sống sót.
Giai đoạn từ năm 1853 - 1858, ông bị ung thư môi. Căn bệnh này ở thời đó tưởng như một bản án tử hình. Nhưng sau cùng, ông vẫn phục hồi thần kỳ nhờ một bác sĩ Ấn Độ. Người này đơn thuần chỉ chữa cho ông bằng các loại thảo dược. Sau khi uống các loại nước pha chế, khối u đã phát triển lớn đến mức ông buộc phải ăn qua một cái ống, nhưng sau đó nó dần dần nhỏ lại và hoàn toàn biến mất.
Vận rủi còn đeo bám cả gia đình ông, 2 trong số 5 người con của ông chết khi còn nhỏ. Và cuối cùng vào năm 1890, "tử thần" đã chiến thắng khi đưa ông rời đi ở tuổi 79.
Sau cái chết của Adolphe Sax, saxophone tìm đường đến Hoa Kỳ, nơi nó đã trở thành một cơn sốt với các nhạc sĩ nhạc jazz và cuối cùng đã trở thành nhạc cụ nổi tiếng trên toàn thế giới.
Mặc dù, Sax chết trong cảnh nghèo nàn, nhưng phát minh của ông đã làm thay đổi bộ mặt âm nhạc mãi mãi, thiết kế kèn saxophone của ông vẫn không thay đổi cho đến ngày nay.
Xem thêm: Bí ẩn tục lệ kỳ lạ gắn với giếng cổ nghìn năm giữa lòng Hà Nội: Phụ nữ ra xin là có sữa
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận