Tổng Bí thư Hà Huy Tập: "Nếu còn sống, tôi sẽ tiếp tục hoạt động"

Đồng chí Hà Huy Tập đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Như một lời tuyên bố đanh thép trước tòa án đế quốc, đồng chí khẳng khái nói: "Nếu còn sống, tôi sẽ tiếp tục hoạt động".

Đỗ Thu Nga
14:00 29/08/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đồng chí Hà Huy Tập - người cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo tài năng

Đồng chí Hà Huy Tập (Hồng Thế Công, Sinitchkine, Joseph Marat), sinh ngày 24/4/1906 ở làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa (nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Nguyên tên lúc nhỏ là Hà Huy Khiêm, hay còn gọi là Ba. Ông là con thứ trong gia đình 5 anh em.

Theo Wiki, cha của đồng chí Hà Huy Tập từng đỗ Cử nhân Nho học nhưng không ra làm quan mà ở lại quê dạy học, bốc thuốc. Ngoài căn bản Nho học được cha truyền dạy, đồng chí Hà Huy Tập còn được theo học Tiểu học tại thị xã Hà Tĩnh.

Sau khi tốt nghiệp Tiểu học, năm 1919, ông thi vào trường Quốc học Huế. Đến năm 1923, ông tốt nghiệp Diplôme hạng ưu, được phân về dạy tại trường Tiểu học Nha Trang (nay là Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi) cho đến năm 1926.

cuoc-doi-cach-mang-oanh-liet-cua-tong-bi-thu-ha-huy-tap-9
Chân dung đồng chí Hà Huy Tập

Cũng chịu ảnh hưởng từ cha nên trong thời gian là giáo viên tiểu học, ngoài dạy trẻ trên lớp, đồng chí Hà Huy Tập còn dạy chữ cho công nhân, người dân nghèo. Ông trích tiền lương của mình để mua sách vở cho học sinh nghèo. Hoạt động của ông được một số trí thức trẻ tán đồng. Ông được giới thiệu tham gia vào một tổ chức chính trị có tên Hội Phục Việt mà sau này hình thành nên Tân Việt Cách mạng Đảng.

Cũng trong thời gian làm giáo viên, đồng chí Hà Huy Tập được tiếp xúc và đọc nhiều tài liệu, hiểu sâu hơn về tội ác của thực dân Pháp, cuộc sống bị áp bức của nhân dân lao động Việt Nam và Đông Dương. Trong tiểu sử tự thuật trên thẻ sinh viên, đồng chí Hà Huy Tập viết: "Năm 1923,... tôi đã có tư tưởng chống bọn bảo hoàng và bọn thực dân, bởi tôi cảm thấy căm thù sự chuyên chế, bóc lột của chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến... Cuộc đời cách mạng của tôi chỉ bắt đầu từ năm 1925. Năm đó, tôi được tiếp xúc với các cựu chính trị phạm”.

Đến tháng 8/1926, đồng chí Hà Huy Tập chuyển về dạy tại trường Cao Xuân Dục ở Vinh (Nghệ An). Đồng thời tích cực tham gia vào Hội Phục Việt, tuyên truyền tư tưởng chống chuyên chế, chống thực dân Pháp trong học sinh và tầng lớp nhân dân lao động.

cuoc-doi-cach-mang-oanh-liet-cua-tong-bi-thu-ha-huy-tap-8
Nhà tranh 5 gian - đây là nơi đồng chí Hà Huy Tập cất tiếng khóc chào đời

Trong tiểu sử tự thuật, đồng chí viết: "Tháng 8/1926, tôi được chuyển về Vinh... Ở Vinh, tôi được giới thiệu với một nhóm cộng sản. Những ngày sống tại thành phố này, tôi đã tham gia vào việc bí mật gửi những sinh viên sang Trung Quốc dự các lớp huấn luyện ở Quảng Châu, nơi mà những người Việt Nam xuất dương đã thiết lập ở đó một tổ chức cộng sản và tổ chức này đã có những chi bộ ở trong nước”.

Tháng 3/1927, đồng chí Hà Huy Tập vào dạy học ở một trường tiểu học tại Sài Gòn. Sau đó đến Bà Rịa - Vũng Tàu làm công nhân, lập một chi bộ, một hội đọc sách báo và tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho công nhân.

Theo tài liệu của sở mật thám Đông Dương, đồng chí Hà Huy Tập và một số đồng chí khác đã được cử đến Quảng Châu (Trung Quốc) bàn việc hợp nhất Tân Việt cách mạng Đảng với Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Trong thời gian gần 3 năm sau đó, đồng chí được cử đi học tại Trường Đại học Phương Đông ở Moscow (Liên Xô) với tên là Sinitchkine, nhập học ngày 19/7/1929, số thẻ sinh viên 4716, khi mới 23 tuổi.

Tháng 6/1933, đồng chí Hà Huy Tập về Trung Quốc hoạt động, tham gia Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương, triển khai các công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Đảng. 

cuoc-doi-cach-mang-oanh-liet-cua-tong-bi-thu-ha-huy-tap-7
Giấy đăng ký kết hôn giữa đồng chí Hà Huy Tập và bà Nguyễn Thị Giáo từ những năm 1928 (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

Sau một thời gian chuẩn bị nội dung, nhân sự và tổ chức, Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc) từ ngày 27 đến 31-3-1935, dưới sự chủ trì của đồng chí Hà Huy Tập. Đại hội đã thảo luận và thông qua các văn kiện, vạch đường lối cho cách mạng Việt Nam. Tại đại hội này, đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư; đồng chí Hà Huy Tập làm Thư ký Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng.

Vào năm 1936, hội nghị giữa các đồng chí chủ chốt Ban chỉ huy ở ngoài và Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp ngày 26/7/1936 tại Thượng Hải (Trung Quốc). Nghị quyết của hội nghị đã bổ khuyết các nghị quyết của Đại hội I của Đảng và thật sự mở ra cho cách mạng Đông Dương một thời kỳ phát triển mới. Hội nghị đã bầu đồng chí Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. 

Từ sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 3 (khóa I) diễn ra từ ngày 29 đến 30/3/1938, đồng chí thôi giữ chức Tổng Bí thư nhưng vẫn tham gia Thường vụ Trung ương Đảng.

“Nếu còn sống, tôi sẽ tiếp tục hoạt động”

Ngày 1/5/1938, do bị chỉ điểm, mật thám Pháp đã bắt được đồng đồng chí Hà Huy Tập khi đang hoạt động ở Sài Gòn. Đến ngày 30/1/1939, tòa án thực dân Sài Gòn đã kết án đồng chí Hà Huy Tập 5 năm tù. Đồng thời "tước quyền công dân và chính trị, 10 năm không được sống ở các vùng có âm mưu lật đổ" ((báo cáo của sở mật thám Nam Kỳ, tháng 3/1941, Hồ sơ 94-SMT). 

Trong bức thư cuối cùng gửi người thân trong gia đình, đồng chí Hà Huy Tập đã viết: "Sài Gòn 2/5/41 (2/5/1941). Em rể thân yêu. Ngày 23/10/1940, tôi bị tòa đại hình Sài Gòn xử 5 năm tù. Ngày 25/3/1941, tôi bị tòa án binh Sài Gòn tuyên án tử hình về tội “hoạt động cộng sản” và “xúi giục phá hoại quốc phòng”... Cương nhận được thơ này thì nhớ viết thơ khuyên mẹ chớ khóc lóc, buồn rầu. Nếu tôi phải chết thì ở nhà không nên thờ cúng, điếu phúng, không cần tìm người lập tự, gia đình bạn hữu chớ xem tôi là người đã chết mà phải buồn, trái lại, hãy xem tôi như là người còn sống, nhưng đi vắng một thời gian vô hạn... mà thôi!... Nếu tôi được khổ sai chung thân thì thường có thơ về thăm gia đình. Nếu chẳng may mà phải chết thì bức thơ này là thơ vĩnh biệt. Tôi chúc cho mỗi người trong gia đình và tất cả bạn hữu gần xa được hạnh phúc và khương minh”.

Sau một thời gian bị quân địch tra tấn, cùm kẹp, ngày 28/9/1941, tại Hóc Môn, Gia Định, thực dân Pháp đã đưa đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai... ra xử bắn.

cuoc-doi-cach-mang-oanh-liet-cua-tong-bi-thu-ha-huy-tap-5
Một góc linh thiêng trong Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập

Đồng chí Hà Huy Tập đã anh dũng hy sinh trước mũi súng tàn bạo của kẻ thù ở tuổi 35 với lời nhắn gửi: “Hãy xem tôi như người còn sống” đã thể hiện niềm tin mãnh liệt, khát vọng cống hiến, chiến đấu cho lý tưởng cao cả của Đảng và dân tộc.

Với 35 năm tuổi đời, gần 16 năm hoạt động cách mạng, trong đó có gần 2 năm giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng, với nhiều bí danh và tên gọi khác nhau, đồng chí Hà Huy Tập đã có nhiều chủ trương, quyết sách lãnh đạo cách mạng nước ta vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.

Đồng chí Hà Huy Tập đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc ta. Như lời tuyên bố đanh thép trước tòa án đế quốc, đồng chí Hà Huy Tập đã khẳng khái nói: “Nếu còn sống, tôi sẽ tiếp tục hoạt động”.

Đồng chí Hà Huy Tập là một nhà lý luận sắc sảo, một cây bút chiến đấu trên mặt trận tư tưởng và chính trị của cách mạng Việt Nam, tổ chức và chỉ đạo xuất bản sách, báo, tạp chí của Đảng. Ở tuổi 23, đồng chí đã hoàn thành cuốn “Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương”, tổng kết sâu sắc thực tiễn cách mạng Việt Nam trong những năm đầu do Đảng lãnh đạo. Ngoài ra, đồng chí còn viết khoảng 25 tác phẩm khác. 

Đồng chí Hà Huy Tập là tấm gương của người chiến sĩ cộng sản anh dũng, kiên trung, bất khuất, chí công vô tư, hy sinh trọn đời vì nước, vì dân. Từ một trí thức yêu nước, đi theo con đường cách mạng và trở thành Tổng Bí thư của Đảng ở tuổi 30.

Cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt của đồng chí tuy ngắn ngủi nhưng những đóng góp của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta là rất quan trọng và to lớn...

Xem thêm: Huyền thoại "người thép" Nguyễn Văn Thương 6 lần bị địch cưa chân

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận